TQDN luận hào kiệt: Giải mã y thuật cao siêu của “thánh thủ” Hoa Đà

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những chẩn đoán ấy, y học hiện đại cũng làm được, nhưng cần có những công cụ hiện đại: máy chụp X-Quang, chụp CT hay cộng hưởng từ. Còn Hoa Đà không có những công cụ ấy, làm sao ông ta có thể gọi tên chính xác những vật thể bên trong ổ bệnh? Mắt thường làm cách nào nhìn được? Chỉ có một cách lý giải

“Hoa Đà tái thế” là danh tự người đời dành cho những vị thầy thuốc xuất sắc và có tiêu chuẩn cao về y đức trong những xã hội Á Đông mang ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa cổ.

Vậy Hoa Đà là ai? Vì sao ông trở thành một dạng biểu tượng của y thuật với tiếng tăm được truyền tụng mãi từ đời này qua đời khác?

Hoa Đà, tự Nguyên Hóa, người huyện Tiêu, nước Bái – là đồng hương với Tào Tháo. Ông sống vào giai đoạn cuối thời Đông Hán, đầu thời kỳ Tam Quốc. Hoa Đà có y thuật cực kỳ tinh thông và toàn diện. Ông cùng với Biển Thước, Trương Trọng Cảnh và Lý Thời Trân được xem là 4 vị đại danh y nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử. Hoa Đà cũng rất giỏi về giải phẫu nên được mệnh danh là “ngoại khoa thánh thủ”.

Nhưng Hoa Đà chỉ say mê y thuật, lạnh lùng với danh lợi nên không có chí hướng làm quan. Ông đi khắp dân gian để chữa bệnh cứu người và đã gây được tiếng tốt khắp nơi.

Những ca chẩn bệnh, chữa bệnh của Hoa Đà cũng thật có một không hai. Ông có thể nhìn phớt qua hay thoáng nghe âm thanh người bệnh phát ra mà đoán được bệnh, nguyên nhân gây bệnh hay những vật gây bệnh, có khi rất kỳ lạ hoang đường. Có cái gì đó huyền diệu khác thường trong cách chữa bệnh của Hoa Đà mà người phàm không sánh kịp.

Hoa đà tái thế
Hoa Đà có thể nhìn phớt qua hay thoáng nghe âm thanh người bệnh phát ra mà đoán được bệnh. (Ảnh miền công cộng)

Sau đây là một đoạn trích trong Tam Quốc Diễn Nghĩa (TQDN) về y thuật của Hoa Đà:

“Phàm những người nào có bệnh hoặc dùng thuốc, hoặc mổ hoặc chích, hơi động tay vào là khỏi. Nếu ai đau ở phủ tạng thì cho uống thuốc thang ma phế, để cho người ốm say mê đi như chết, lấy dao mổ bụng ra, không đau đớn chút nào, dùng thuốc rửa sạch rồi khâu lại, dịt thuốc vào, chỉ một tháng hoặc hai mươi ngày thì khỏe như thường. Đà chữa bệnh gì cũng tài tình như thế...”

Hoặc:

“Lại có một người trên lông mày có một cái bướu, ngứa quá khó chịu, mời Đà xem. Đà nói: "Trong cái bướu ấy có một vật biết bay!". Thấy nói thế ai cũng cười. Đà lấy dao mổ xem, quả nhiên một con chim sẻ vàng bay ra. Người ấy khỏi bệnh. Lại có một người bị chó cắn vào thân, chỗ đau mọc lên hai khối thịt, bên thì buốt, bên thì ngứa, không sao chịu được. Đà xem bệnh bảo rằng: "Bên buốt, ở trong có mười cái kim, bên ngứa, ở trong có hai con cờ, một con đen, một con trắng". Mọi người không tin, Đà mổ ra, quả nhiên có thực.”

Những chẩn đoán ấy, y học hiện đại cũng làm được, nhưng cần có những công cụ hiện đại: máy chụp X-Quang, chụp CT hay cộng hưởng từ. Còn Hoa Đà không có những công cụ ấy, làm sao ông ta có thể gọi tên chính xác những vật thể bên trong ổ bệnh? Mắt thường làm cách nào nhìn được? Chỉ có một cách lý giải. Có thể Hoa Đà không dùng mắt thường mà ông ta sử dụng một công năng đặc dị, gọi là thiên nhãn thông. Tức là Hoa Đà sử dụng con mắt thứ ba cho phép nhìn xuyên qua vật cản.

Người thường thì không thể làm được việc đó, nhưng Hoa Đà không phải là một thầy thuốc thông thường, thiên hạ gọi ông là Hoa Đà thần y – có nghĩa là có yếu tố siêu nhiên. Đây phải là người có đạo hạnh mới làm được. Thực chất thì trong thời kỳ Tam Quốc, có rất nhiều người tu đạo. Chúng ta có thể liệt kê những cái tên như: Gia Cát Lượng, Tư Mã Huy (đạo hiệu Thủy Kính), Tả Từ, Quản Lộ, Vu Cát, Mạnh Tiết, Lâu Tử Bá... đều là các đạo sĩ. Cho nên, phương pháp chữa bệnh của Hoa Đà, nếu đứng ở góc độ khoa học thời nay thì khó mà giải thích cho thấu đáo, hoặc có thể đó là một con đường khoa học khác của thời cổ xưa mà đến nay đã thất truyền.

Hoa Đà nạo vết thương cho Quan Vân Trường.
Hoa Đà nạo vết thương cho Quan Vân Trường. (Ảnh miền công cộng)

Người có đạo hạnh trước hết phải có đức hạnh. Hãy xem cách Hoa Đà đối xử với bệnh nhân. Ông không phân biệt bệnh nhân là người của phe nào. Ai có bệnh ông cũng chữa. Chu Thái của Đông Ngô cũng chữa, Quan Công của Tây Thục cũng chữa mà Tào Tháo của Bắc Ngụy ông cũng chữa. Có những người chưa kịp đi mời, ông đã đến xem bệnh – như trường hợp của Quan Vân Trường chẳng hạn. Chữa bệnh xong, ông cẩn trọng để lại thuốc cho bệnh nhân dùng rồi không nhận một ly vàng mà ra đi.

Đối với Hoa Đà, con bệnh chỉ là một sinh mệnh bình đẳng đang cần cứu chữa. Con bệnh không có quan điểm chính trị hay phe phái. Ai đau bệnh thì cũng như nhau. Đấy là lòng từ bi không phân biệt địch - ta của người tu luyện và cũng là y đức mẫu mực của người làm nghề thuốc. Không trọng danh, không trọng lợi, không thù ghét, chỉ có lòng từ bi thì đạo hạnh mới tăng tiến, y thuật mới thông thần. Đâu phải ngẫu nhiên mà Hoa Đà thân mang tuyệt nghệ.

Nhưng không phải ai có bệnh gặp Hoa Đà cũng giữ được mạng sống. Trong bốn ca bệnh có nhắc đến Hoa Đà gồm Chu Thái, Tôn Sách, Quan Vũ, Tào Tháo, thì chỉ có Chu Thái giữ được mạng. Tôn Sách thì vô duyên không gặp được. Quan Vũ thì chưa qua 100 ngày tĩnh dưỡng đã bị Đông Ngô lấy mạng. Tào Tháo vô duyên nhất, tự tay giết đi người lẽ ra đã là ân nhân cứu mạng mình. Xem ra, nói như người xưa là đúng: “Chữa được bệnh, sao chữa được mệnh”.

Câu này cũng đúng cho Hoa Đà. Cả đời ông chữa bệnh cho người nhưng mệnh mình thì không giữ được. Tháo từ sau khi bị Tả Từ ghẹo, nghi Tả Từ là do thám của Lưu Bị, nghĩ đã căm. Lại càng căm Thục Hán hơn sau trận thua Vân Trường ở Phàn Thành. Tháo rất ghét nghe người khác ca tụng về Thục Hán. Cho nên khi Hoa Hâm tâu bày để mời Hoa Đà chữa cho Tháo bệnh đau đầu, Tháo chỉ hỏi về việc Hoa Đà chữa bệnh cho Chu Thái của Giang Đông – một ca rõ ràng là không vang danh thiên hạ bằng ca “cạo xương chữa thuốc” cho Vân Trường.

Bệnh đa nghi đã giết Tháo, giết cả Hoa Đà.
Bệnh đa nghi đã giết Tháo, giết cả Hoa Đà. (Ảnh tổng hợp)

Đâu phải Tháo không biết.

Tiếc thay, tấm lòng vô tư, thẳng thắn của người làm chuyên môn đã đối diện với tâm tính lắt léo cong queo của kẻ làm chính trị. Tháo nghe chuyện bổ óc chữa bệnh đau đầu như chuyện hoang đường đã sinh nghi. Hoa Đà lại nhắc đến chủ đề tối kỵ là Vân Trường thì Tháo không kìm được nữa. Bệnh đa nghi đã giết Tháo, giết cả Hoa Đà. Bệnh ấy mới là nặng nhất và là bệnh mà Hoa Đà không thể chữa cho Tháo được. Đáng thương thay, đáng tiếc thay! Bản lĩnh y thuật siêu phàm kia bị hủy đi trong tay của bạo quyền đến không còn vết tích. “Thanh nang kinh” cũng chết theo người, để lại tổn thất không gì bù đắp được cho hậu thế. Âu cũng là số mệnh đã an bài. Nhưng danh tiếng của Hoa Đà nghìn năm không hủ:

“Khoa trong cũng có khoa ngoài,
Thuốc giỏi trên đời dễ mấy ai?
Quan tướng người thần duy có một,
Hoa Đà thuốc thánh cũng không hai!”

Thanh Phong



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

TQDN luận hào kiệt: Giải mã y thuật cao siêu của “thánh thủ” Hoa Đà