Trả lại sự thật cho lịch sử, chuyện về Pháp Hải thiền sư (P1): Xuất gia làm tăng [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi phim ảnh không ngừng thêu dệt những tình tiết lâm ly bi đát để hấp dẫn người xem thì đồng thời cũng làm sai lệch sự thật, khiến trắng đen lẫn lộn, thật giả bất phân. Trong lịch sử, Pháp Hải thiền sư là bậc cao tăng trừ yêu cứu người, nay lại chịu tiếng oan là kẻ chia uyên rẽ thúy, phá hoại hạnh phúc của lứa đôi...

Có thể bạn đã từng nghe nói đến “Hứa Tiên và Bạch Nương Tử”, câu chuyện tình ngang trái giữa Bạch Xà tinh ngàn năm tuổi và chàng trai phong nhã chốn phàm gian. Những tình tiết lâm li nhưng cũng vô cùng lãng mạn trong đó khiến người ta thầm ngưỡng mộ và ủng hộ đôi trai tài gái sắc, không chỉ đồng cảm với Bạch Xà nghĩa phụ tình thâm, mà còn lên án “thế lực phong kiến” mà đại diện là Pháp Hải thiền sư. Do đó, Pháp Hải bị coi là nhân vật phản diện, là kẻ phá hoại và chia rẽ hôn nhân đôi lứa. Nhưng đó không phải là câu chuyện chân thực. Hôm nay chúng tôi muốn trả lại sự thật cho lịch sử, kể cho bạn nghe câu chuyện đích thực về Pháp Hải thiền sư.

Phần 1: Xuất gia làm tăng

Pháp Hải thiền sư là vị cao tăng có thật trong lịch sử, cha của ngài chính là tể tướng Bùi Hưu, một danh thần thời nhà Đường.

Ngược dòng thời gian trở lại hơn 1200 năm trước, trong tòa dinh thự lớn của Bùi gia nằm ở giữa kinh thành, người người tấp nập ra vào, ai cũng háo hức đón chờ tiếng khóc của một em bé sắp chào đời. “Oe… oe… oe…”.

Người tỳ nữ chạy ngay đến căn phòng lớn nơi chủ nhân của cô là Bùi Hưu đang nóng lòng đợi chờ tin tức. “Chúc mừng lão gia, chúc mừng lão gia! Phu nhân đã sinh được một tiểu công tử!”.

Bùi Hưu mừng rỡ, sải bước vào phòng trong thăm thê tử và con trai.

Bùi Hưu bồi hồi nhớ lại, mới nửa đêm hôm trước nàng vừa lay ông tỉnh dậy và kinh hãi kể lại rằng: “Thiếp vừa mới nằm mộng, mộng thấy có con rắn lớn lao nhanh đến phía mình. Thiếp vô cùng hoảng loạn không biết trốn vào đâu thì bỗng có vị hòa thượng tay cầm bảo kiếm từ trên trời giáng xuống, hô lớn: ‘Mẫu thân đừng sợ, con đến đây!’. Chỉ thấy vị ấy cầm kiếm trảm đứt ngang con rắn đó, còn thiếp thì bừng tỉnh giấc… Ai da, thiếp thấy bụng đang quặn lên từng hồi, e là sắp sinh rồi”.

Bùi Hưu lập tức lệnh cho vú già và nha hoàn mau mau đi mời bà đỡ, không lâu sau đã nghe thấy tiếng oa oa chào đời. Bùi Hưu ôm con trai còn quấn trong tã, ngắm nghía cẩn thận. Đứa bé này quả là mi thanh mục tú, dung mạo phi phàm, không quấy cũng không khóc, chỉ ngủ yên như một tiểu tiên đồng. Sau đó, ông đặt cho con trai nhũ danh là “Đầu Đà”, ý chỉ người tu hành, và lấy tên chính thức là Bùi Văn Đức.

Có thể bạn cũng đoán ra rằng, cậu bé ấy sau này chính là vị hòa thượng danh tiếng lẫy lừng - Pháp Hải thiền sư, cũng là nhân vật chính trong câu chuyện ngày hôm nay.

Cậu bé ấy sau này chính là vị hòa thượng danh tiếng lẫy lừng - Pháp Hải thiền sư, cũng là nhân vật chính trong câu chuyện ngày hôm nay. (Ảnh: Pixabay)

Tiểu Đầu Đà, tức Bùi Văn Đức, cũng chính là Pháp Hải thiền sư sau này, là con trai của một danh thần nhà Đường, làm đến tể tướng dưới thời Đường Tuyên Tông. Tổ tiên Bùi gia sống ở Tế Nguyên, thôn Bùi, cũng chính là thành phố Tế Nguyên tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) ngày nay. Gia tộc họ Bùi được mệnh danh là “Thiên hạ vô nhị Bùi” (Thiên hạ không có họ Bùi thứ hai) đã trải qua nhiều thế hệ tại thôn Bùi này.

Văn Đức vừa sinh ra đã có tướng mạo hơn người, thông minh lanh lợi, lễ độ chăm ngoan, được cha Bùi Hưu vô cùng yêu thương. Từ khi còn rất nhỏ, Bùi Hưu đã dạy con học chữ và đọc các sách Thánh hiền. Văn Đức cũng không phụ mong mỏi của cha, chuyên cần đọc sách, bụng đầy thi thư, đã đọc qua rất nhiều tác phẩm kinh điển và đặc biệt yêu thích các sách về Phật Pháp, Phật lý. Nhà họ Bùi có truyền thống tín Phật, kính Phật. Bản thân Bùi Hưu cũng là bằng hữu thân thiết với rất nhiều bậc thiền sư danh tiếng. Mỗi lần cùng họ tham thiền luận Đạo, Bùi Hưu lại dẫn Tiểu Văn Đức đi cùng. Thỉnh thoảng, ông lại đưa Tiểu Văn Đức đến ngôi chùa gần nhà và để cậu ở lại đó vài ngày để trải nghiệm cuộc sống của các tăng nhân.

Vào thời diệt Phật những năm Hội Xương thời Đường Vũ Tông, Bùi Hưu làm Thứ sử ở Đàm Châu. Một ngày ông tiếp nhận thánh chỉ diệt Phật từ hoàng thượng, ông thấy trong tâm vô cùng khó xử: Tuân theo thánh chỉ là làm trái với sở nguyện, nhưng bất tuân lại là tội khi quân. Ông vốn là người tín Phật, xưa nay vẫn coi mình là đệ tử của Phật Đà nơi trần thế. Cho dù làm quan, ông cũng yêu cầu mình phải tuân theo Phật Pháp, giúp đời cứu dân, sao có thể làm những việc thương thiên hại lý như vậy được? Nhưng nếu kháng chỉ bất tuân thì sẽ bị chu di tam tộc! Vậy phải làm sao đây? Liệu ông có nên từ quan về quê, giải giáp quy điền, tránh rơi vào tình huống khó xử này hay không?

Không biết làm thế nào, Bùi Hưu bèn nói với người nhà để cùng bàn bạc chuyện này. Tiểu Văn Đức còn nhỏ tuổi nhưng đã nói: “Cha ơi, dẫu cha từ quan thì hoàng thượng cũng sẽ phái một Thứ sử khác đến thi hành, vị ấy chắc chắn phải chấp hành mệnh lệnh. Khi ấy chùa Phật và chúng tăng ở Đàm Châu khó có thể thoát khỏi kiếp nạn này. Chi bằng cha hãy dùng quyền lực trong tay, bề mặt là chấp hành nhưng đằng sau lại âm thầm bảo vệ, việc gì có thể trì hoãn được thì trì hoãn, việc gì có thể cứu giúp được thì cứu giúp, giảm thiểu tối đa sự bức hại đối với Phật chúng, giữ gìn Tam bảo, bảo vệ chúng tăng. Kỳ thực đây cũng là giảm thiểu tội nghiệp cho đương kim hoàng thượng, đối với hoàng thượng vẫn có thể xem là một bậc trung thần, còn đối với Phật Tổ thì đã làm hết mức bổn phận của một môn đồ rồi. Cha xem, há chẳng phải là tốt sao?”.

Bùi Hưu nghe vậy, cảm thấy rất có đạo lý và càng coi trọng Văn Đức hơn. (Ảnh: Tổng hợp)

Bùi Hưu nghe vậy, cảm thấy rất có đạo lý và càng coi trọng Văn Đức hơn. Sau đó, ông quyết định tạm thời chưa thực hiện sắc lệnh của hoàng thượng, mà trước hết gửi thư cho Linh Hựu thiền sư, nhờ ngài an bài chu đáo hết thảy. Khi mọi việc đã sắp xếp ổn thỏa, Bùi Hưu mới cho dán cáo thị, tuyên cáo mệnh lệnh của Hoàng đế Vũ Tông. Nhờ đó, các ngôi chùa, tăng nhân cũng như tượng Phật ở Đàm Châu không bị hủy diệt tàn khốc như những địa phương khác.

Cứu nguy hoàng tử, xuất gia làm tăng

Một ngày, có vị hoàng tử mà nhà vua hết mực yêu thương không may mắc trọng bệnh. Triều đình đã tìm danh y khắp nơi nhưng vẫn không thể trị khỏi bệnh, hoàng thượng mòn mỏi trong lòng càng thêm bất an. Lúc ấy có một vị cao tăng nói rằng, hoàng tử phải rời xa hồng trần mới có thể giữ được tính mệnh. Đây chẳng phải chính là nói hoàng tử cần phải xuất gia làm tăng thì mới có cơ may sống sót sao? Hoàng thượng im lặng không nói, chỉ nhíu mày trầm tư một hồi lâu.

Thấy vậy, vị cao tăng không nhiều lời thêm nữa, các đại thần tả hữu trong triều cũng không ai có cao kiến gì khác. Bùi Hưu về nhà kể lại chuyện này, trong lòng băn khoăn không biết nên làm thế nào cho phải.

Nào ngờ Văn Đức vừa nghe xong liền thưa với cha: “Cha à, con có một ý có thể vẹn cả đôi đường”.

Bùi Hưu nhìn đứa con trai bé bỏng của mình, vội hỏi: “Con có biện pháp nào, mau mau nói ra cho ta nghe”.

Văn Đức đáp: “Con từ nhỏ được cha dày công dạy dỗ, con đã đọc nhiều kinh văn, biết rằng nhân thế luân hồi, nhân duyên quả báo, không ngừng không nghỉ. Cõi hồng trần là sinh lão bệnh tử, biển khổ vô biên, vậy nên con sớm đã có chí nguyện nhập vào Không môn, kiên tu Phật Pháp. Nhưng khổ nỗi một năm trước con vừa mới thi đỗ Trạng nguyên, đã chịu nhận Thánh ân, được hoàng thượng sủng ái cho vào Hàn Lâm viện. Nếu hôm nay con tùy tiện đề xuất việc xuất gia, chỉ sợ rằng hoàng thượng sẽ trách tội. Chẳng thà nhân cơ hội này, xin thánh thượng anh minh cho con được thay măt hoàng tử xuất gia. Một là giải mối lo của quân vương, nguyện làm một bề tôi tận trung. Hai là thỏa chí bấy nay của con, đó là giải thoát khỏi cái khổ cõi hồng trần. Ba là con cũng có thể thay cha mà thực hiện ước nguyện được có ngày vào cửa Phật tu hành. Vậy chẳng phải là vẹn cả đôi đường đó sao?”.

Bùi Hưu nghe xong, suy đi nghĩ lại một hồi lâu. Tuy rằng trong tâm ông vẫn còn vài điều chưa buông bỏ được, nhưng ông biết những gì con trai nói đều là lời tự đáy lòng. Sau khi cùng cả nhà bàn bạc, Bùi Hưu mới cẩn thận bẩm báo lên hoàng thượng, khiến ngài vô cùng cảm động, không nói nên lời.

Sau đó, Bùi Hưu đích thân đưa con trai đến chùa Mật Ấn ở Quy Sơn, Hồ Nam. Chùa Mật Ấn vốn là do Bùi Hưu quyên góp mà xây thành, sau lại được hoàng thượng ban cho tên gọi “Mật Ấn tự”. Văn Đức xuất gia làm hòa thượng ở chùa Mật Ấn, trở thành đệ tử của người sáng lập Quy Ngưỡng tông thuộc Thiền môn lúc ấy, cũng là trụ trì của Mật Ấn tự – Linh Hựu thiền sư.

Văn Đức xuất gia làm hòa thượng ở chùa Mật Ấn, trở thành đệ tử của người sáng lập Quy Ngưỡng tông thuộc Thiền môn lúc ấy. (Ảnh: Pixabay)

Linh Hựu thiền sư thụ giới cho Văn Đức và nói: “Con trai tể tướng xuất gia thay hoàng tử, quả là công đức vô lượng. Nay con đã xuất gia vào mái chùa nghèo của bần tăng, ta mong con hãy nỗ lực hết mình vì Sơn môn”.

Nói rồi Linh Hựu thiền sư ban cho Văn Đức Pháp danh “Pháp Hải”. Từ đó, Tiểu Đầu Đà đã trở thành Pháp Hải tăng.

Sau khi xuống tóc, sư phụ Linh Hựu yêu cầu Pháp Hải ngày ngày tinh tấn khổ tu. Ngoại trừ việc tụng kinh niệm Phật, mỗi ngày Pháp Hải phải chẻ củi cho các tăng nhân thường trú trong chùa. Cứ như vậy sau 3 năm ròng rã chẻ củi, ông lại gánh nước sinh hoạt cho hơn 500 tăng nhân, công việc này vô cùng gian khổ, cực nhọc. Mùa đông trời lạnh giá, đôi tay tê cóng, hai chân nứt nẻ rỉ máu. Mùa hạ trời nóng bức, cả ngày phải phơi mình dưới nắng gắt. Thêm vào đó là đường núi gập ghềnh, sỏi đá lởm chởm, mặt đất lồi lõm không bằng phẳng, vậy mà ông ngày ngày đều phải gánh nước lên chùa trên núi, quả thực sự là vô cùng gian nan.

Có một lần đang gánh thùng nước, Pháp Hải mồ hôi nhễ nhại, hai tay mỏi nhừ, ông bước đi bên vách đá cheo leo, thận trọng từng li từng tí không để nước tràn ra ngoài, chỉ một chút sơ sẩy là có thể ngã nhào xuống dưới. Pháp Hải thấy tủi phận, không khỏi sinh lòng oán giận trong tâm. Ông lẩm bẩm: “Hòa thượng ăn nước Hàn Lâm gánh, cho dù ăn rồi cũng khó tiêu”. Không ngờ chỉ vì câu nói ấy mà gây ra một sự việc kỳ lạ khắp tăng đoàn.

Sự việc kỳ lạ ấy là gì? Mời quý độc giả đón đọc trong phần tiếp theo của câu chuyện Pháp Hải thiền sư: Tu luyện đắc Đạo.

Xem: Trả lại sự thật cho lịch sử, chuyện về Pháp Hải thiền sư (P2): Tu luyện đắc Đạo

Minh Hạnh
Theo Đông Phương và Tuyết Lỵ - Sound of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Trả lại sự thật cho lịch sử, chuyện về Pháp Hải thiền sư (P1): Xuất gia làm tăng [Radio]