Trả lại sự thật cho lịch sử, chuyện về Pháp Hải thiền sư (P2): Tu luyện đắc Đạo [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bên vách đá phía Tây của tháp chùa Kim Sơn ở Trấn Giang, Giang Tô, Trung Quốc có một sơn động. Đó là “Pháp Hải động”, còn gọi là “Bùi Công động”, nghe nói năm xưa đại sư Pháp Hải từng khổ tu tại nơi này. 

Xem: Trả lại sự thật cho lịch sử, chuyện về Pháp Hải thiền sư (P1): Xuất gia làm tăng

Phần 2: Tu luyện đắc Đạo

Sau khi Pháp Hải xuất gia làm hòa thượng, sư phụ đã yêu cầu ông phải tinh tấn khổ tu. Kinh qua 3 năm bổ củi, ông lại phải gánh nước mỗi ngày cho 500 tăng nhân thường trú trong chùa. Công việc này thập phần nặng nhọc, mười phần gian nan. Một ngày Pháp Hải không nhẫn được, trong tâm sinh oán hận, miệng nói ra những lời than vãn: “Hòa thượng ăn nước Hàn Lâm gánh, cho dù ăn rồi cũng khó tiêu”.

Nào ngờ, toàn bộ các tăng nhân trong chùa Mật Ấn sau khi ăn cơm xong đều cảm thấy khó chịu, dường như có thứ gì đó ì ạch ở trong bụng, không thể tiêu đi được, quả đúng là “cho dù ăn rồi cũng khó tiêu”. Có thể thấy, lúc đó Phải Hải đã có công lực cao cường, vậy nên lời nói ra đã khởi tác dụng. Người tu hành khi đạt đến một tầng thứ nhất định thì mỗi lời nói, mỗi ý nghĩ đều có sức mạnh, đều có thể thành sự thật, ấy chính là “nhất ngôn ký xuất, nghiệp tức thành”. Do đó Phật gia giảng “thân - khẩu - ý”, giảng “tu khẩu”.

Khi nghe các đệ tử phàn nàn rằng thức ăn khó tiêu, sư phụ Linh Hựu bèn tìm hiểu nguyên do và hiểu được tâm sự của Pháp Hải. Nhưng ngài không nói gì mà chỉ lẳng lặng đợi đến ngày hôm sau, khi Pháp Hải đến tham kiến sư phụ như thường lệ. Linh Hựu thiền sư khẽ nhắm mắt, tay phải lập chưởng và chậm rãi tụng rằng: “Lão tăng đả tọa có thể tiêu vạn thạch lương”.

Tất nhiên, sư phụ Linh Hưu là bậc cao tăng, công lực bất phàm, ông có thể giúp các đệ tử giải quyết mọi việc. Nhờ đó hiện tượng thức ăn khó tiêu đã được giải trừ hoàn toàn. Pháp Hải nghe sư phụ điểm ngộ, trong tâm hổ thẹn, ông trở về phòng và tự mình phản tỉnh, tự ước thúc cái tâm này. Từ đó ông càng thêm chuyên tâm tu hành, dốc lòng gánh nước phục vụ chúng tăng, cũng không còn tùy tiện xuất ra ý niệm không tốt nào nữa.

Từ đó ông càng thêm chuyên tâm tu hành, dốc lòng gánh nước phục vụ chúng tăng, cũng không còn tùy tiện xuất ra ý niệm không tốt nào nữa. (Ảnh: Pixabay)

Pháp Hải gánh nước, lên núi rồi lại xuống núi, từ sáng sớm cho tới tối mịt, mỗi ngày đều lặp đi lặp lại như vậy. Xuân qua thu đến, đông đi hạ về. Một ngày nọ, Pháp Hải đang gánh nước lên núi thì thấy một tiểu sa di dẫn theo nhóm người đến, trong đoàn có một chiếc kiệu sang trọng. Chiếc kiệu ấy dừng lại ngay trước mặt ông, từ trên kiệu bước xuống một người phụ nữ cao sang quyền quý.

Pháp Hải chăm chú nhìn, ồ, đó chẳng phải chính là tỷ tỷ sao? Chị gái ông nhớ thương cậu em trai bé bỏng, tuổi còn xanh mà đã phải xuất gia làm hòa thượng, vậy nên chị gái đã không quản xa xôi, từ đô thành đến Hồ Nam thăm em trai. Thấy Pháp Hải phải chịu khổ như vậy, phải làm việc nặng nhọc, mỗi ngày ngược xuôi trên chặng đường dài sỏi đá, đường núi khúc khuỷu gồ ghề, đôi vai non nớt bị cọ xát đến phồng rộp cả lên… chị gái ông vô cùng đau lòng, không kìm được liền nắm lấy tay ông mà giọt lệ không ngừng tuôn rơi. Trong tâm nghĩ: Văn Đức sinh ra trong nhung lụa, từ nhỏ đã ăn sung mặc sướng, chưa từng nếm trải khổ đau, ngay cả những kẻ tôi tớ trong nhà cũng không phải chịu tội khổ đến như vậy, thật là đau xót lắm thay!

Sau đó, chị gái ông quyết định lấy tiền son phấn của mình để xây dựng một công trình suối nước uống cho nhà chùa. Người dân trong vùng đặt tên cho dòng suối này là “Mỹ Nữ Giản”, nghĩa là suối mỹ nhân. Từ khi có dòng suối này, dân chúng và các tăng nhân ở Quy Sơn không còn lại phải lặn lội đường xa, trèo đèo lội suối để gánh nước nữa. Cho đến tận hôm nay, du khách đến Quy Sơn vẫn còn thấy vết tích của đá suối bên dưới dòng nước Mỹ Nữ này.

Lại nói, khi sư phụ Linh Hựu thấy Pháp Hải đã xuất sắc hoàn thành quá trình tu khổ hạnh, ngài bèn cho phép Pháp Hải nhập thất ba năm để bế quan tu hành. Trong ba năm này, Pháp Hải một lòng ngồi tọa tham thiền. Sau ba năm viên mãn, sư phụ Linh Hựu đích thân đến bên ngoài cánh cửa đóng kín và gọi lớn tên đệ tử. Pháp Hải nghe thấy, ông bèn lên tiếng đáp lại và ra ngoài khấu đầu trước sư phụ. Khóa vẫn đóng kín, cả cửa ra vào và cửa sổ đều không mở, cũng không bị hư tổn, vậy mà Pháp Hải đã bước ra cung kính cúi lạy trước mặt Linh Hựu thiền sư. Điều này cho thấy ông đã tu luyện viên mãn, đã đắc Đạo rồi! Các tăng nhân và đại chúng trong ngoài hay tin đều đến thăm hỏi ông, hướng đến ông mà vấn Đạo.

Kim Sơn Phật tự

Một ngày, Linh Hựu thiền sư gọi Pháp Hải tới và nói rằng đệ tử cần phải đi vân du. Pháp Hải kính cẩn vâng mệnh sư phụ và cầm bát vân du, ông đã đi khắp Giang Tây, đến Lư Sơn và rất nhiều địa danh khác. Sau khi rời Lư Sơn, ông lại tới thành Trấn Giang ở Giang Tô và ở trong khu rừng hoang trên núi Phu Sơn. Nơi đây phong cảnh hoang sơ, thanh tân nhã tĩnh, ông cảm thấy có duyên với mảnh đất này bèn quyết định dừng chân, chọn khu rừng làm nơi đả thiền thanh tu.

Ông cảm thấy có duyên với mảnh đất này bèn quyết định dừng chân, chọn khu rừng làm nơi đả thiền thanh tu. (Ảnh: Pixabay)

Một lần ở trong rừng, ông tình cờ thấy có vài bức tượng Phật đổ nát, trong lòng không khỏi cảm thấy kỳ lạ. Mãi đến khi gặp được người tiều phu đang đốn củi, ông mới biết vùng đất này vốn có một mái chùa cổ được kiến tạo vào thời Đông Tấn, tên là Trạch Tâm tự, năm xưa từng là một đạo tràng hương hỏa thịnh vượng. Nhưng sau này do chiến loạn liên miên, Trạch Tâm tự cũng trở thành hoang phế. Pháp Hải tìm đến nơi, chỉ thấy tường xiêu vách đổ, phòng ốc tan hoang, bị hư hại đến mức không thể tu sửa được nữa, quả là một cảnh tượng quạnh hiu hoang tàn đổ nát, không thể nhìn ra xưa kia là gì nữa rồi. Pháp Hải nhìn thấy những bức tượng Phật vỡ vụn kia, nguyên vốn là Phật tượng còn sót lại của Trạch Tâm tự, lòng không khỏi bùi ngùi...

Lúc ấy, trong tâm khởi lên tâm niệm muốn tu sửa ngôi chùa, đắp lại tượng Phật, hoằng dương Phật Pháp. Vì để biểu thị quyết tâm của bản thân, ông đã hướng về phía Phật Tổ, đốt một đốt ngón tay của mình và lập thệ sẽ trùng tu đạo tràng. Từ đó, ông ở trong sơn động, mỗi ngày ngoài việc tham thiền thì đều khai núi mở đường, xới đất trồng rau, góp tiền sửa miếu. Dân chúng các thôn làng gần đó biết trên núi có vị cao tăng muốn trùng tu chùa Trạch Tâm, ai nấy đều phát tâm đến giúp đỡ.

Một lần, khi Pháp Hải đang tu sửa chùa thì vô tình đào được hũ vàng, ông giao lại toàn bộ số vàng này cho Thái thú Trấn Giang lúc bấy giờ là Lý Kỳ. Lý Kỳ đem chuyện này tấu lên hoàng đế, Đường Tuyên Tông hết lời khen ngợi, sau lại ban sắc lệnh giao lại một phần số vàng cho Pháp Hải để dùng vào việc tu sửa ngôi chùa, đồng thời ban cho chùa tên gọi “Kim Sơn tự”. Từ đó chùa Trạch Tâm đổi tên thành Kim Sơn, con trai của tể tướng Bùi Hưu là Pháp Hải thiền sư cũng trở thành nhất đại tổ sư Kim Sơn tự, còn được gọi là “khai sơn Bùi tổ” chùa Kim Sơn.

Trải qua quá trình lâu dài gian khổ, Kim Sơn thiền tự cuối cùng cũng hoàn thành, trở thành ngôi chùa lớn nhất của Phật giáo Thiền tông ở khu vực Giang Nam, danh tiếng uy chấn cổ kim.

Bạch Xà tinh

Trước khi công trình tu sửa được hoàn thành, Pháp Hải thường ngồi tọa thiền ở trong sơn động gần Kim Sơn tự. Một ngày, ông đột nhiên ngửi thấy một luồng khí tanh hôi, không biết từ đâu bò đến một con rắn trắng cự đại, thân dài khoảng vài trượng, bề ngang lớn như chiếc thùng nước. Con rắn cuộn tròn ở đó, đầu ngẩng lên, miệng thè ra cái lưỡi chẻ đôi, hai mắt chăm chú nhìn thiền sư. Pháp Hải vận công năng túc mệnh thông, biết rằng đây là Bạch Xà ngàn năm tuổi, thường hay lẩn trốn ở trong núi sâu rừng rậm, nhờ cơ duyên xảo hợp nó đã hấp thụ tinh hoa nhật nguyệt, đắc được linh khí, có được vài thứ tiểu năng tiểu thuật, trở thành xà tinh đi khắp nơi hút tinh huyết hại người. Hôm nay nó đến thiền động là muốn tìm cơ hội phụ thể từ đó tu thành hình người.

Pháp Hải vận công năng túc mệnh thông, biết rằng đây là Bạch Xà ngàn năm tuổi, thường hay lẩn trốn ở trong núi sâu rừng rậm. (Ảnh: t/h)

Thiền sư nhắm mắt bất động, vận dụng tư duy truyền cảm đả nhập vào đầu não Bạch Xà, khuyên rằng: “Thiên Lý không cho phép động vật tu luyện, động vật không có nhân tính, tu thành cũng là ma, sẽ bị Trời giáng tội. Nếu nhà ngươi thật sự muốn tu luyện, ta khuyên ngươi hãy mau mau chuyển thế, đầu thai làm người, có được thân người mới có thể tu hành. Nay nhà ngươi chỉ chực hút tinh huyết, làm hại tính mệnh người ta, vậy chính là tà pháp ma đạo, Thiên Lý ắt không dung. Đáng lẽ ta phải diệt ngươi trừ hại, nhưng vì thương ngươi ngàn năm tu hành, không đành hủy ngươi chỉ trong chốc lát. Ngươi hãy nhanh nhanh đầu thai, đi chính đạo, vậy mới có hy vọng tu thành. Hôm nay tha cho ngươi, nhưng lần sau quyết sẽ không khoan nhượng nữa!”.

Bạch Xà vốn kiêu căng ngạo mạn, nó thấy trên thân vị hòa thượng này có những thứ rất tốt nên muốn đắc được, giống như những yêu quái trong Tây Du Ký luôn tìm cách ăn thịt Đường Tăng. Mặc dù pháp sư đã khuyên bảo, nó vẫn muốn tùy ý làm càn. Nhưng phát hiện bản thân bị định trụ lại ở đó, không thể nhúc nhích cựa quậy được, Bạch Xà mới sợ hãi vội vàng khấu đầu xin tha mạng. Pháp Hải thiền sư cho nó một cơ hội hối cải, con Bạch Xà hốt hoảng liền vội vã trườn đi. Câu chuyện này sau đó được những người dân trong thôn lưu truyền rộng rãi, ai nấy đều biết rằng vị cao tăng đến từ Phù Sơn đã từng đuổi xà yêu cứu dân làng.

Cho đến tận hôm nay, bên vách đá phía tây dưới tháp chùa Kim Sơn ở Trấn Giang vẫn còn thấy một sơn động, người ta gọi đó là “Pháp Hải động”, cũng gọi là “Bùi Công động”, nghe nói chính là nơi khổ tu của Pháp Hải năm xưa. Hiện nay trong động có một bức tượng của thiền sư Pháp Hải, và tấm biển ở lối vào mang dòng chữ “Pháp Hải thạch động”.

Xuân đi thu đến, ngày tháng thoi đưa, Pháp Hải thiền sư trụ trì chùa Kim Sơn đã được nhiều năm rồi. Đột nhiên một ngày, ông nói với các đệ tử rằng mình sắp đến Hàng Châu giải quyết một kỳ án năm xưa, đồng thời căn dặn các đệ tử một số việc trong chùa.

Thiền sư Pháp Hải sắp đến Hàng Châu để giải quyết kỳ án năm xưa, vậy đó là kỳ án nào? Muốn biết kỳ án ấy là gì, mời quý độc giả đón đọc phần tiếp theo: “Trừ yêu diệt quái”.

Xem: Trả lại sự thật cho lịch sử, chuyện về Pháp Hải thiền sư (P3): Trừ yêu diệt quái

Minh Hạnh
Theo Đông Phương và Tuyết Lỵ - Sound of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Trả lại sự thật cho lịch sử, chuyện về Pháp Hải thiền sư (P2): Tu luyện đắc Đạo [Radio]