Trần Minh Tông: Minh quân và bi kịch của triều Trần

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ai mà ngờ một vị vua vốn là minh quân, hiệu là Minh Tông mà còn bị phê là có chỗ kém thông minh. Thế mới thấy người xưa khắt khe với các nhà lãnh đạo thế nào.

Trần Minh Tông (chữ Hán: 陳明宗 4 tháng 10 năm 1300 – 10 tháng 3 năm 1357) húy là Trần Mạnh (陳奣) là vị vua thứ năm của triều Trần. Cuộc đời ông gắn liền với tấm gương mẫu mực tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ. Các giai thoại về ông còn lưu truyền trong chính sử có thể làm bài học cho muôn đời sau noi theo. Tuy nhiên với sự hồ đồ trong nhất thời mà ông đã xử sai một vụ đại án, khiến cho bản thân ân hận cả đời. Sự việc đó đã làm rạn nứt sự đoàn kết của hoàng tộc nhà Trần. Do đó thời đại của ông là thời đại thịnh vượng cuối cùng trước khi nhà Trần bước vào giai đoạn thoái trào.

Thân thế tôn quý, tài năng được giáo dục bài bản

Không chỉ là thân phận thái tử tôn quý, cuộc đời niên thiếu của ông có nhiều điều khá thú vị đã giúp ông có đủ nền tảng giáo dục để sau này trở thành 1 vị quân vương anh minh của triều đại.

Đại Việt sử ký toàn thư chép:

“Tên húy là Mạnh, con thứ tư của Anh Tông, mẹ đích là Thuận Thánh Bảo Từ hoàng thái hậu Trần thị, con gái của Hưng Nhượng Đại Vương Quốc Tảng, mẹ sinh là Chiêu Hiến hoàng thái hậu Trần thị, con gái của Bảo Nghĩa Vương Bình Trọng”

Trần Bình Trọng vốn là dòng dõi của vua Lê Đại Hành, dòng họ vua nổi tiếng thiện chiến. Bản thân Trần Bình Trọng cũng tuẫn quốc với câu nói nổi tiếng “ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Có lẽ thừa hưởng 1 phần dòng máu Lê Đại Hành nên Minh Tông cũng rất có tài năng về binh bị. Dưới thời ông các cuộc chinh chiến hầu hết đều chiến thắng.

Trần Minh Tông từ nhỏ sinh ra khó nuôi, nhưng điều này lại là một cơ duyên để ông được nuôi dưỡng bởi bậc đệ nhất danh tài cả văn và võ hiếm có thời đó là Chiêu Văn đại vương Trần Nhật Duật. Dưới sự nuôi dạy của ông, Trần Minh Tông lớn lên sau này cũng văn võ toàn tài, tính yêu thích thơ văn và cũng sáng tác rất nhiều.

“Bấy giờ, các hoàng tử đều không nuôi được, đến khi Mạnh sinh, vua nhờ công chúa Thụy Bảo [tức là cô của Nhân Tông] nuôi hộ. Nhưng công chúa cho là bấy giờ bà đương có vận hạn, lại nhờ Nhật Duật nuôi. (Nhật Duật là anh công chúa Thụy Bảo). Nhật Duật coi là trách nhiệm của mình, chăm sóc, nuôi nấng, không khác gì con mình. Nhật Duật nghĩ rằng con trưởng của mình tên là Thánh An, con gái tên là Thánh Nô, mới đặt tên cho hoàng tử là Thánh Sinh, vì muốn [tên hoàng tử[ cũng giống với tên con mình. Hoàng tử từ bé nhờ nuôi nấng, đến khi lên ngôi vua, công chăm nom của Nhật Duật rất nhiều.” (Đại Việt sử ký toàn thư)

Trần Minh Tông là con trai thứ tư, là người con trai duy nhất còn sống của vua cha là Trần Anh Tông, một vị quân chủ anh minh và giáo dục con cái rất nghiêm khắc. Vì thế nên dù là con trai duy nhất, cha của ông vẫn rất nghiêm khắc với ông. Điều này đã ảnh hưởng đến Trần Minh Tông sau này, ông cũng dạy dỗ các con và cháu mình rất tốt. Đến nay vẫn còn giai thoại về việc Anh Tông dạy dỗ thái tử Mạnh (sau này là Minh Tông).

“đức của Minh Tông mà nên được, tuy là do thiên tư tốt đẹp, cũng còn do sức dạy bảo của vua cha. Khi vua ở Đông cung, đang tuổi ấu thơ, có lần nghịch làm chiếc giá đèn bằng tre, Anh Tông đòi xem, sợ không dám dâng. Hôm khác, vào hầu tẩm điện Anh Tông đang rửa mặt, nhân hỏi đến trò nghịch cũ, Anh Tông giận lắm, cầm ngay cái chậu rửa mặt ném vua.Vua nấp vào cánh cửa tránh được, chậu rơi trúng cánh cửa vỡ tan. Được sự răn dạy nghiêm ngặt như vậy, cho nên tài đức của vua do đấy mà nên và cả các con cũng đều có tài nghệ cả.”
(Sử thần Ngô Sỹ Liên)

Trần minh tông Thân thế tôn quý, tài năng được giáo dục bài bản
Chân dung vua Trần Anh Tông. (Ảnh: Wikipedia)

Tu thân tề gia, hết lòng chỉnh đốn nội trị

Sinh ra trong gia đình đế vương, nhưng không vì thế mà sống hưởng thụ, từ bé Trần Minh Tông đã được giáo dưỡng rất nghiêm khắc từ cha và người thân. Khi lớn lên ông cũng luôn noi theo sự dạy dỗ ấy mà tu dưỡng bản thân, chính đốn nội trị ngày càng tốt hơn.
Cũng như vua cha Anh Tông, Minh Tông là một người con rất hiếu thuận và vô cùng kính trọng tiền nhân. Ông rất coi trọng chuyện gia đình hòa thuận yên ấm, không chỉ hoàng gia mà cho cả bách tính.

“Ất Mão, [Đại Khánh] năm thứ 2 [1315], (Nguyên Diên Hựu năm thứ 2). Tháng 5, xuống chiếu cấm cha con, vợ chồng và gia nô không được tố cáo lẫn nhau.” Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Vua vốn nhân hậu với họ hàng, nhất là đối với bậc bề trên mà hiển quý lại càng tôn kính.” (Đại Việt sử ký toàn thư)

Lời bàn:

Câu chuyện trên tuy chỉ chiếm vài dòng trong sử cũ, nhưng nó lại có một ý nghĩa rất lớn. Trước Trần Minh Tông thì chưa hề có triều đại nào ra một chính sách tương tự áp dụng trên phạm vi cả nước. Nên biết chữ Hiếu là chuẩn mực đạo đức quan trọng nhất của Nho gia đề xướng, là căn bản của chữ Trung, vì kẻ không có hiếu chắc chắn sẽ không trung thành với quốc gia, với triều đình. Thời Trần hầu hết các vua trị vì đều là người hiếu thuận và trị vì quốc gia rất tốt, đã tạo thành một gia phong mẫu mực cho thiên hạ. Thế mới hay thế nước thịnh hay suy bắt nguồn từ gia phong, mà gia phong lại định hình từ truyền thống hiếu thuận và khiêm cung vậy.

Các quan lại cũng noi gương của Trần Minh Tông mà hành xử trong sạch, làm gương cho hậu thế, điển hình như quan Nội thư hỏa chánh Nguyễn Bính.
“Bính Thìn, [Đại Khánh] năm thứ 3 [1316], (Nguyên Diên Hựu năm thứ 3)
Sai Nhân Huệ Vương Khánh Dư đi Diễn Châu xét duyệt sổ lính, sổ dân, lấy Nội thư hỏa chánh chưởng phụng ngự Nguyễn Bính làm phó. Xong việc về triều, Bính đem tiền bổng dâng nộp. Vua sai hữu ty nhận lấy. Có người hỏi: "Bính nộp tiền bổng mà bệ hạ nhận, thần chưa hiểu là cớ làm sao?". Vua đáp: "Bính nộp tiền bổng là thành thực, nếu trẫm không nhận, thì hãm Bính vào tội dối trá, cho nên nhận lấy để tỏ rõ Bính không gian dối". Bính là cận thần của Thượng hoàng, tính người trong sạch thẳng thắn, năm trước đứng đầu hành nhân sang sứ nước Nguyên, trở về không mua thứ gì, Thượng hoàng khen ngợi, đặc cách ban thưởng 2 tư. Theo lệ cũ, những người đi sứ Nguyên về, mỗi người được ban tước 2 tư, người đứng đầu hành nhân trở xuống, mỗi người 1 tư. Bính là người trong sạch thẳng thắn nên được 2 tư.”
(Đại Việt sử ký toàn thư)

Đức tính nhân hậu nhưng nghiêm minh của Minh Tông còn ảnh hưởng đến Phí Trực, vị lang trung của Hình bộ, khi xử các vụ án lớn. Nhờ đó mà Phí Trực nổi danh thiên hạ với tài xử án của mình.

“Thượng hoàng ngự cung Trùng Quang. Hình bộ lang trung Phí Trực theo hầu. Chức an phủ Thiên Trường khuyết, sai Trực kiêm làm. Bấy giờ trộm cướp bắt đầu nổi lên, tên Văn Khánh là đầu sỏ bọn cướp. Có người khai là bắt được một tên cướp, giải lên nộp quan và bảo nó là Văn Khánh. Đến lúc tra hỏi, tên ấy nhận ngay, ai cũng cho là thực, duy có mỗi Trực vẫn ngờ. Án ấy để lâu không giải quyết. Thượng hoàng hỏi chuyện đó, Trực trả lời: "Mạng người rất trọng, lòng tôi còn có chỗ ngờ, không dám liều lĩnh xử quyết". Không bao lâu, Thượng hoàng hỏi lại, Trực trả lời như lần trước. Thượng hoàng giận bảo:

"Nó đã nhận như thế, còn ngờ gì nữa". Trực tâu: "Nó không bị tra tấn khổ sở mà điềm nhiên thú nhận, thần trộm lấy làm ngờ".
Một tháng sau, Văn Khánh quả nhiên bị bắt. Thượng hoàng do đó khen Trực có tài.”

(Đại Việt sử ký toàn thư)

Trần Minh Tông là một vị vua nhân hậu, hết lòng kính trọng bề trên, nhưng ông vẫn xử lý rất khéo những vụ án liên quan đến hoàng thất. Với trí tuệ của mình, ông đã dùng lòng khoan dung mà vẫn đạt được hiệu quả răn đe với những người tham lợi.
Ví dụ như vụ việc của Uy Giản hầu dưới đây:

“Đinh Tỵ, [Đại Khánh] năm thứ 4 [1317], (Nguyên Diên Hựu năm thứ 4). Mùa xuân, tháng 3, Huy Chân lấy Uy Giản hầu (không rõ tên). Trước đây, mẹ thân sinh Huy Chân là Trần Thị Thái Bình làm cung tần của Thượng hoàng, tính tham lam, thường chiếm đoạt ruộng đất của dân. Có người kiện, vua không giao cho hữu ty, gọi Uy Giản tới đưa đơn kiện cho xem và dụ rằng:

"Trẫm không giao cho quan lại xét, sợ làm nhục phi tần của tiên hoàng, ngươi nên theo đơn mà trả [ruộng cho] dân".

Uy Giản lập tức vâng chiếu trả lại ruộng. Sau Thái Bình chết, Uy Giản đem tất cả ruộng [bà] chiếm đoạt khi trước trả lại cho chủ cũ. Vua vì thế khen ông.”
(Đại Việt sử ký toàn thư)

Lấy thân làm gương, nghiêm khắc dạy dỗ hậu nhân

Nhà Trần có một mỹ tục rất hay là truyền thống nhường ngôi cho con sau một số năm trị vì. Vì đa số vua Trần là cũng là cư sĩ thuần thành một lòng hướng Phật, nên họ không có lòng lưu luyến với ngai vàng mà hay nhường ngôi sớm để đi tu. Tuy vậy các Thượng Hoàng vẫn luôn nhiếp chính ở ngay phía sau, đồng thời dạy dỗ để giúp cho tân hoàng làm quen việc nước. Mô hình này đảm bảo việc các hoàng đế nhà Trần sẽ luôn là những nhà cai trị tốt.
Minh Tông nối ngôi vua cha trong truyền thống Thượng hoàng đang lúc tốt đẹp nhất, ông cũng kính cẩn tuân theo các chế độ từ xưa truyền lại, chú trọng bao dung nhân nghĩa chứ không vì hư danh mà tùy tiện thay đổi.

“Phan Thu Tiên nói: Minh Tông có bẩm tính nhân hậu, nối nghiệp thái bình, phép cũ của tổ tông, không thay đổi gì cả. Bấy giờ có kẻ sĩ dâng sớ nói là trong dân gian có nhiều người du thủ du thực, đến già vẫn không có hộ tịch, thuế má không nộp, sai dịch không theo. Vua nói:

"Không như thế, thì sao thành đời thái bình? Ngươi muốn ta trách phạt họ thì được việc gì không?".

Triều thần như bọn Lê Bá Quát, Phạm Sư Mạnh muốn thay đổi chế độ. Vua nói:

"Nhà nước đã có phép tắc riêng, Nam, Bắc khác nhau, nếu nghe kế của bọn học trò mặt trắng tìm đường thoát thân thì sinh loạn ngay". (Đại Việt sử ký toàn thư)

Cũng giống vua cha và tổ tiên mình, Trần Minh Tông vô cùng coi trọng việc dạy dỗ cho người thừa kế.

“Kỷ Tỵ, [Khai Thái] năm thứ 6 [1329], (từ tháng 2 trở đi là Khai Hựu năm thứ 1, Nguyên Đại Lịch năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 2, ngày mồng 7, sách phong Đông cung thái tử Vượng làm Hoàng thái tử. Ngày 15, vua nhường ngôi, Vượng lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Khai Hựu năm thứ 1. Thượng hoàng thường hay bàn đến các nhân vật của bản triều. Thái bảo Uy Túc Văn Bích nói:

"Xét bàn nhân vật để dạy hoàng tử, chỉ nên nhắc tới người thiện, còn kẻ ác hãy bỏ chớ bàn đến, sợ các hoàng tử nghe được, có thể sẽ có người bắt chước".

Thượng hoàng nói:

‘Thiện ác đều phải nêu để đối chiếu, không thể bỏ một bên nào. Nếu con ta quả là hiền, thì nghe điều thiện tất phải theo mà học tập, nghe điều ác tất phải ghét mà tránh xa; thiện, ác đều có thể làm gương được cả. Nếu (con ta) không hiền, thì đợi gì thấy kẻ ác rồi mới làm điều ác? Như Thái Khang thất đức, là bởi các vua trước chơi bời mà bắt chước hay sao? Tùy Dưỡng Đế luôn mồm nói đến Nghiêu Thuấn, nhưng mọi việc làm của ông ta thì lại như Kiệt, Trụ, có phải là ông ta thấy điều thiện mà bắt chước hay sao’.
Uy Túc cúi đầu nhận là phải.” (Đại Việt sử ký toàn thư)

Lời bàn:

Vào những năm của thế kỷ 13 cách đây 800 năm mà Minh Tông đã có tư duy hơn cả những nhà giáo dục và cha mẹ hiện đại rồi. Lấy thân làm gương và dùng các gương thiện ác của cổ nhân để răn dạy vẫn là phương pháp hiệu quả nhất. Nếu gia phong mà không biết giáo dưỡng từ nhỏ thì cả nền giáo dục tiên tiến cũng không giúp ích gì được. Các bậc cha mẹ nay đang phó mặc con mình cho nhà trường ắt nên đọc câu chuyện này.
Việc kế thừa hoàng vị là rất quan trọng đối với các triều đại, Minh Tông được kế thừa ngôi báu do vợ đích của vua cha không có con trai và lúc đó chỉ có mình ông là người con trai duy nhất còn sống. Tuy nhiên Minh Tông không hề coi hoàng vị như một thứ để cố chấp và tranh đoạt, luôn làm đúng những gì mà mình cần làm.

Trần Minh Tông Lấy thân làm gương
Cũng giống vua cha và tổ tiên mình, Trần Minh Tông vô cùng coi trọng việc dạy dỗ cho người thừa kế. (Minh hoạ: Bình Minh/NTD Việt Nam)

“Trước đây, Minh Tông nối ngôi đã lâu, rồi mẹ đích mới sinh con trai. Hôm người con ấy đầy tuổi thì Anh Tông đi tuần biên giới vắng, việc ở nhà do Minh Tông quyết định. Có người xin làm lễ theo tư cách tử tế. Các quan còn nghi ngại thì Minh Tông bảo họ:

"Còn ngại gì nữa. Trước đây vì con đích trưởng chưa sinh, nên ta tạm ở ngôi này. Nay đã sinh rồi thì đợi khi lớn lên, ta sẽ trả lại ngôi vua chứ có khó gì?".

Người đó trả lời:

"Việc này từ xưa hay sinh nguy biến, xin nghĩ kỹ lại". Minh Tông nói:

"Cứ thuận nghĩa mà làm, yên hay nguy đâu đáng lo?".

Cuối cùng làm lễ theo tư cách tử tế. Một năm sau thì người con đích tự ấy mất. Minh Tông rất thương xót.

Ngài thường dạy các hoàng tử rằng:

‘Con nào mà dốc sức mưu tính sản nghiệp, keo sẻn làm giàu thì không phải con ta. Nếu quả làm chuyện đó thì thà phân tán hết của cải cho người nghèo đi còn hơn. Vì như vậy, dẫu không tránh khỏi túng thiếu, vẫn còn là hành vi của bậc quý nhân’.”
(Đại Việt sử ký toàn thư)

Lời bàn:

Nho gia vẫn dạy là bậc quân tử chú trọng vào nhân nghĩa, kẻ tiểu nhân chú trọng tư lợi. Vua cha đã không màng tư lợi tài sản, không tham ngôi báu, chỉ quan tâm đến việc nhân nghĩa, tu dưỡng bản thân thì các con sao lại không biết tự sửa mình noi theo. Cả thiên hạ lại không biết trông vào mà an định hay sao. Đáng kính thay nhân cách của Minh Tông.

Trị quốc bình thiên hạ, binh uy áp chế các chư hầu

Tuy triều đại của Minh Tông thái bình thịnh trị nhưng bậc Thiên tử vẫn phải dùng binh uy để chế áp những mối nguy hại từ kẻ thù, bảo đảm đời sống của nhân dân được thanh bình. Bản tính Minh Tông nhân hậu không muốn động đến binh đao, nhưng ông lại là một nhà cầm quân rất tài giỏi. Tuy vậy, ông chỉ dùng binh với mục đích là bảo quốc an dân chứ không hề vì muốn lập công lấy danh như một số vị vua khác.
“Mùa đông, Thượng hoàng đi tuần thú đạo Đà Giang, đích thân đi đánh man Ngưu Hống, sai Thiêm tri Nguyễn Trung Ngạn đi theo để biên soạn thực lục.

Trước đó, thời Nhân Tông, Ngưu Hống cùng Đạo Mật vào chầu, cho trở về. Đến nay, chúng làm phản, thả sức cướp bóc; đất cõi Đà Giang về tay chúng cả lại mưu cướp nhà Hoài Trung. Thượng hoàng quyết định thân chinh.
Trần Khắc Chung can rằng:

"Đà Giang vốn có tiếng là đất lam chướng, lại nhiều ghềnh thác chảy xiết, không lợi cho việc hành quân. Chiêm Thành không có lam chướng, khí độc, vả lại đế vương đời trước thân chinh, nhiều lần bắt được chúa nó. Chi bằng bỏ Ngưu Hống đấy mà đánh Chiêm Thành là hơn.
Thượng hoàng nói:

"Trẫm là cha mẹ dân, nếu sinh dân mắc vào cảnh lầm than thì phải cứu gấp, chả lẽ đi so đo khó dễ lợi hại hay sao?".
Khắc Chung lạy tạ tâu rằng:

"Lòng thánh che chở, nuôi dưỡng rộng khắp, không phải là điều mà trí ngu tối của thần có thể nghĩ tới được.” (Đại Việt sử ký toàn thư)

Dưới thời ông, không cần hoàng đế ngự giá thân chinh nhưng cũng đủ để khiến vua Chiêm Thành thua trận lưu vong nơi hải ngoại.

“Mậu Ngọ, [Đại Khánh] năm thứ 5 [1318], (Nguyên Diên Hựu năm thứ 5)

Sai Huệ Vũ Đại Vương Quốc Chẩn đi đánh Chiêm Thành. Tộc tướng nhà Lý là Hiếu Túc hầu Lý Tất Kiến chết tại trận. Quản Thiên võ quân Phạm Ngũ Lão tung quân đánh phía sau giặc. Quân giặc thua chạy, bắt được rất nhiều. Phong Ngũ Lão tước Quan nội hầu, ban cho phi ngư phù và cho con ông làm quan.”
(Đại Việt sử ký toàn thư)

Ngoài những tướng tài như Trần Quốc Chẩn, Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão lên đến tột đỉnh vinh quang bằng quân công, thì trong quân của Minh Tông đến nay vẫn còn lưu lại những tấm gương vị quốc vong thân đáng cho đời sau suy ngẫm.

“Ất Hợi, [Khai Hựu] năm thứ 7[1335], (Nguyên Chí nguyên năm thứ 1)

Khi Thượng hoàng thân chinh thì Đỗ Thiên Hư chỉ huy quân Khoái Hộ (tức là quân Thần Sách) đang bị ốm nặng. [Thượng hoàng ] bảo ở lại, Thiên Hư liền sai người nhà khiêng mình đến ngoài cửa Vĩnh An, cố xin theo xa giá và nói :

"Thần thà chết ngoài cửa quân dinh chớ không muốn chết trong giường đệm".

Thượng hoàng khen ngợi chí khí của ông, cho đi theo, khi vào đất giặc thì chết. Thượng hoàng than thở thương tiếc sắc cho dùng nhạc Thái thường để cúng tế. Sau này Nguyễn Dũ chết cũng như vậy.

(Bấy giờ cúng tế thông thường mà dùng nhạc Thái thường thì chỉ có hành khiển mới được, chức thẩm hình chỉ được dùng trai nội tế. Thiên Hư được tế bằng Thái thường là ân sủng đặc biệt, không kém gì hành khiển).

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Kẻ tiểu nhân suy tính thấy lợi thì tiến, thấy hại thì

lui, chỉ mong vừa lòng mình, có lợi cho mình. Cho nên có kẻ thấy việc ngại thì khó, có kẻ làm quan thì kiếm cớ, hiếm được người sốt sắng với vua họ. Thiên Hư đang lúc ốm nặng, Minh Tông cho ở lại, như thói thường của người đời thì chẳng qua vâng lời là xong, lại cố xin đi theo, không muốn chết ở nơi giường đệm, thì suy nghĩ của ông chỉ sốt sắng với nhà vua thôi, há chẳng làm cho những kẻ ngại khó kiếm cớ xấu hổ sao? (Đại Việt sử ký toàn thư)

Không những các võ tướng có chí khí cao, mà các văn thần thời Minh Tông cũng rất mạnh mẽ và làm cho cả Thiên triều cũng phải nể phục.

“Giáp Tý, [Khai Thái] năm thứ 1 [1324], (Nguyên Thái Định năm thứ 1).

Vua Nguyên sai Mã Hợp Mưu (phiên âm của tên Mahmud), Dương Tông Thụy sang báo tin lên ngôi và trao cho 1 quyển lịch.

Bọn Mưu đi ngựa đến tận đường ở cầu Tây Thấu Trì không xuống. Những người biết tiếng Hán, vâng lệnh tiếp chuyện, từ giờ Thìn đến giờ Ngọ, khí giận càng tăng.

Vua sai Thị ngự sử Nguyễn Trung Ngạn ra đón. Trung Ngạn lấy lẽ bẻ lại, Hợp Mưu đuối lý, phải xuống ngựa bưng chiếu đi bộ. Vua rất hài lòng.”
(Đại Việt sử ký toàn thư)

Lời bàn:

Cổ nhân có câu “Làm trai nên chết ở chốn biên thùy, lấy da ngựa bọc thây mà chôn mới là đáng trọng, chứ sao lại chịu nằm ở xó giường, chết ở trong tay bọn đàn bà con trẻ thì có hay gì?” (Mã Viện, nhà Đông Hán). Dẫu biết đó là chí khí cao quý của kẻ sĩ trong quân, nhưng ở đời mấy người kiên trì việc đó cho đến cuối cùng. Nếu Minh Tông không phải là bậc vua sáng lấy thân làm gương, không quản ngại khó khăn chiến đấu bảo vệ nhân dân thì chắc sẽ không có những hạng tướng sĩ liều mình đến chết như Đỗ Thiên Hư và Nguyễn Dũ vậy. Tinh thần thượng võ lẫm liệt này còn tạo nên một phong thái cứng rắn ngoan cường thể hiện cả trong cách xử thế ngoại giao của các văn thần triều Minh Tông như Nguyễn Trung Ngạn. Quả thật rất đáng tự hào.

Một đời anh minh, một lần sai lầm ân hận cả đời

Dù là một bậc minh quân nổi tiếng luôn sáng suốt cai trị nhiều năm và hầu như tuyệt đối gương mẫu, nhưng Trần Minh Tông vẫn phạm phải một sai lầm mà để lại một ân hận lớn nhất trong cả đời ông về sau, đó là vụ án Trần Quốc Chẩn.
Huệ Vũ Đại Vương Trần Quốc Chẩn vốn là một tướng lĩnh cao cấp có tài, con ruột của tiên đế Anh Tông, chức vị làm đến quốc phụ thượng tể, thân phận tôn quý vào hàng bậc nhất triều đình. Ông còn là cha ruột của Huy Thánh công chúa sau gả cho Minh Tông làm Lê Thánh hoàng hậu (tức là Hiến Từ thái hậu sau này), nghĩa là cha vợ của đương kim hoàng thượng. Bản thân ông từng cầm quân đánh bại Chiêm Thành, vua Chiêm Thành là Chế Năng phải chạy sang Java cầu viện.

“Mậu Ngọ, [Đại Khánh] năm thứ 5 [1318], (Nguyên Diên Hựu năm thứ 5)

Sai Huệ Vũ Đại Vương Quốc Chẩn đi đánh Chiêm Thành. Tộc tướng nhà Lý là Hiếu Túc hầu Lý Tất Kiến chết tại trận. Quản Thiên võ quân Phạm Ngũ Lão tung quân đánh phía sau giặc. Quân giặc thua chạy, bắt được rất nhiều. Phong Ngũ Lão tước Quan nội hầu, ban cho phi ngư phù và cho con ông làm quan.”
(Đại Việt sử ký toàn thư)

Ngoài ra, ông còn được tiên đế tin tưởng phó thác trách nhiệm phù trợ cho vua mới là Minh Tông, vai trò của ông tại triều đình phải nói là vô cùng quan trọng từ trước khi Minh Tông cầm quyền rất lâu.

“Trước đây, Anh Tông không khoẻ, vua ngày đêm ở luôn ngoài cửa phòng ngủ của Thượng hoàng, mỗi khi vào thăm thì cùng đi với Quốc Chẩn. Vì Anh Tông tin cậy Quốc Chẩn hơn cả, định đem vua gửi gắm Quốc Chẩn, cho nên không cho vào thăm một mình, mà phải cùng đi với Quốc Chẩn, cốt để cho tình nghĩa vua tôi được khăng khít và không còn nghi ngại gì nữa.” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Ấy vậy mà, chỉ vì quan điểm khác nhau về việc thừa kế vương vị mà xảy ra vụ án thảm khốc với cái chết của Trần Quốc Chẩn.
Nguyên lai là do Minh Tông lên ngôi 15 năm mà hoàng hậu vẫn chưa sinh Thái tử dù đã có một số hoàng tử do thứ phi sinh ra như hoàng tử Vượng ( sau này nối ngôi là vua Hiến Tông). Để đảm bảo cho sự an toàn của ngai vàng mà nhà Trần quy định là Thái tử luôn phải được chọn từ Hoàng hậu cũng là người họ Trần chứ không lấy con của thứ phi vốn khác họ. Vì thế mà Trần Quốc Chẩn kiên trì chờ đợi hoàng hậu cũng là con gái ông sinh ra con trai mới lập ngôi thái tử. Trong khi đó các quan đại thần khác như Trần Khắc Chung, Văn Hiến hầu lại ủng hộ các hoàng tử đã lớn như Trần Vượng làm thái tử. Vì thế mà họ đã dùng thủ đoạn để hãm hại vị danh thần hai triều Trần Quốc Chẩn một cách đê tiện nhất.

“Mậu Thìn, [Khai Thái] năm thứ 5 [1328], (Nguyên Trí Hoà năm thứ 1, từ tháng 9 trở đi là Văn Tông Đồ Thiếp Mục Nhĩ năm Đại Lịch thứ 1). Mùa xuân, tháng 3, giết Quốc phụ thượng tể Quốc Chẩn.

Bấy giờ, vua ở ngôi đã 15 năm, tuổi đã cao mà vẫn chưa lập thái tử. Cha hoàng hậu là Quốc Chẩn giữ ý định đợi hoàng hậu có con rồi sẽ lập. Cương Đông Văn Hiến hầu (không rõ tên) là con (có sách chép là em) của Tá Thánh thái sư Nhật Duật, muốn đánh đổ hoàng hậu để lập hoàng tử Vượng, mới đem 100 lạng vàng đút lót cho gia thần của Quốc Chẩn là Trần Phẫu, bảo nó vu cáo Quốc Chẩn âm mưu phản loạn. Vua tin là thực, giam Quốc Chẩn ở chùa Tư Phúc rồi đem việc ấy hỏi Thiếu bảo Trần Khắc Chung. Khắc Chung cùng cánh với Văn Hiến, lại cùng mẹ với Vượng, đều là người Giáp Sơn và đã từng làm thầy dạy Vượng, liền trả lời: "Bắt hổ thì dễ, thả hổ thì khó".
Vua mới cấm tuyệt không cho Quốc Chẩn ăn uống, bắt phải tự tử. Hoàng hậu lấy áo tẩm nước cho Quốc Chẩn uống, uống xong thì chết. Bắt bớ đến hơn trăm người liên can. Mỗi khi xử án, bị can phần nhiều đều kêu oan.

Vài năm sau, gặp khi vợ cả vợ lẽ tên Phẫu ghen nhau, đem chuyện Văn Hiến đút vàng tâu lên vua. Phẫu bị hạ ngục. Ngục quan Lê Duy là người cương trực, xét xử ngay ngày hôm ấy. Tên Phẫu bị lăng trì. Văn Hiến được miễn tội chết, bị giáng làm dân thường, xóa tên trong sổ [hoàng tộc]” (Đại Việt sử ký toàn thư)

Về vụ đại án này, sử gia Ngô Sỹ Liên có nhận xét rất xác đáng như sau:
Ngôi thái tử là gốc của nước, không thể không lập sớm. Phận chính đích không thể để chi thứ phạm bừa. Vua ở ngôi đã lâu, con thứ đã lớn rồi mà con chính đích chưa sinh, thì làm thế nào? Tòng quyền là phải. Đợi con đích là chấp kính, lập con thứ là tòng quyền. Đến khi con đích sinh ra, lớn lên, thì gia phong cho con thứ tước vương, còn ngôi thái tử trả về con đích, ai bảo là chẳng nên?”
Lời nhận xét trên rất hay và hợp tình hợp lý, đáng ra một minh quân như Trần Minh Tông phải thừa biết mà suy xét, đặc biệt là bản thân ông cũng từng là con thứ thừa kế ngai vàng, chẳng phải ông cũng từng thành tâm muốn nhường ngôi khi con đích ra đời hay sao? Vậy mà ông lại chọn cách giải quyết tàn nhẫn vô tình nhất với cha vợ của mình để rồi cả đời sống trong ân hận như một nghiên cứu của sử gia K.W Taylor đã chỉ ra:
Trần Mạnh từ đây trở thành một vị vua cô độc. Sự khuyên bảo từ các tôn thất cao niên và sự phục vụ trung thành từ các tôn thất trẻ trở nên suy giảm, như chưa từng có đối với một ông vua Trần" (“K. W. Taylor-A History of the Vietnamese (2013))
Vậy là từ một vị vua nhân hậu tưởng chừng như hoàn hảo, nối ngôi một triều đại đang thời thịnh trị, vậy mà chỉ với một quyết định sai lầm đã khiến hoàng tộc Trần chia rẽ, đất nước đi vào thoái trào, thật đáng tiếc thay.

Minh bạch lẽ sinh tử, lời vĩnh quyết của bậc vĩ nhân
Chân dung Trần Minh Tông. (Ảnh: Wikipedia - CC BY-SA 4.0)

Minh bạch lẽ sinh tử, lời vĩnh quyết của bậc vĩ nhân

Dù phạm sai lầm lớn trong vụ án Trần Quốc Chẩn để lại nhiều tiếc nuối, nhưng vẫn không thể phủ nhận là Trần Minh Tông vẫn là một vị vua anh minh hiếm có của nhà Trần. Trí tuệ của ông cả đời luôn sáng tỏ và đến lúc cuối đời vẫn còn là tấm gương cho hậu thế.

Những giây phút cuối cùng của sinh mệnh, có lẽ ai cũng không muốn trải qua vì con người ta luôn ham sống mà sợ đối diện cái chết. Nhưng những con người đầy trí tuệ như Minh Tông thì không như thế, họ không bị ảnh hưởng bởi quy luật này. Lúc lâm chung họ luôn để lại những giai thoại bất hủ. Trần Minh Tông cũng vậy, ông là người để lại những giai thoại rất đẹp về minh triết cuộc sống trước lúc lâm chung.
“Khi se mình, triều đình muốn lập đàn chay cầu đảo, Minh Tông biết chuyện, gọi Hữu tướng quốc Phủ vào chỗ nằm để hỏi. Vua sợ, lập tức bảo Phủ là Phạm Ứng Mộng xướng nghị xin lấy mình chết thay. Phủ đem câu ấy tâu lên. Minh Tông nói :

"Ứng Mộng tự nhận làm địa vị Chu Công thì cứ lấy thân mình mà chết thay cho cha hắn, còn đàn chay thì không được làm!".

Bấy giờ Hiến Từ thái hậu phóng sinh các giống súc vật để cầu cho Minh Tông khỏe lại. Minh Tông bảo bà: "Thân ta không thể lấy con lợn, con dê mà đổi được".

“Khi bệnh trầm trọng, cho gọi quan thầy thuốc là bọn Trâu Canh, Vương Định, Phạm Thế Thường vào xem mạch. Canh nói: "Mạch phiền muộn".
Minh Tông ứng khẩu một bài thơ nhỏ, đọc cho bọn Canh nghe:

Chuẩn mạch hưu luân phiền muộn đa,

Trâu công lương tễ yếu điều hòa.
Nhược ngôn phiền muộn vô hưu yết,

Chỉ khủng trùng phiêu phiền muộn gia.

( Xem mạch chớ bàn nhiều muộn phiền,

Ông Trâu thuốc tốt cắt cho yên.

Nếu còn nói mãi phiền cùng muộn,

Chỉ sợ càng tăng phiền muộn lên ) .

Vì Trâu Canh ra vào cung cấm, hay dùng những câu kỳ lạ, những kế quỷ quyệt để huyễn hoặc Dụ Hoàng. Minh Tông ghét hắn, nên mượn bài thơ để châm biếm. Đến khi dâng thuốc lên thì ngài nói:

"Người ta ở đời,bao nhiêu khổ não. Ngày nay thoát được khổ não này, thì ngày khác lại phải chịu khổ não khác". Rồi không chịu uống thuốc.

Khi bệnh nguy kịch, sai thị thần là Nguyễn Dân Vọng đem bản thảo tập thơ ngự chế đốt đi. Dân Vọng còn do dự, thì Minh Tông nói:

"Vật đáng tiếc còn không thể tiếc được, tiếc làm gì thứ ấy".

Các hoàng tử đứng hầu bên cạnh, ngài nhân thể nói với họ:

"Các con cứ xem việc làm của người xưa, việc nào hay thì theo, việc nào dở thì lánh, cần gì phải cha dạy?".

Ngài từng nói:

"Người làm vua dùng người, không phải là có tình riêng với người đó, mà chỉ nghĩ là người đó hiền thôi. bởi vì người đó theo tấm lòng của ta, giữ chức vụ cho ta, làm việc cho ta, chịu nhọc cho ta, cho nên ta coi là hiền mà dùng họ. Nếu ta quả là hiền, thì những người được ta dùng cũng hiền, như Nghiêu Thuấn đối với Tắc Khiết, Quỳ Long vậy. Nếu ta không hiền, thì những kẻ ta dùng cũng không hiền, như Kiệt, Trụ đối với Phi Liêm, Ác lai vậy. Đó chính là đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, cùng loại thì hợp nhau. Kiệt, Trụ đâu phải có tình riêng gì với bầy tôi của hắn?. Bảo hắn là ngu tối thì được, chứ bảo hắn là có tình riêng thì không phải".

Lời bàn:

Những tích này làm người viết nhớ đến chuyện của Khổng Tử khi xưa. Lúc Khổng Tử bệnh nặng, đồ đệ ông là Tử Lộ muốn cầu nguyện quỷ thần cho ông khỏi bệnh, ông nói “ta cầu nguyện đã lâu rồi” (trích Luận Ngữ-Thuật Nhi). Ý của Khổng Tử là ông sống thuận theo Đạo trời đã là việc cầu nguyện lớn nhất rồi thì đâu cần cầu nguyện gì nữa. Bản thân Minh Tông làm vua sáng suốt mấy mươi năm, lại là một Phật tử thuần thành, lẽ nào không hiểu Thiên ý mà lại đi làm những việc tiểu đạo kia? Cả triều đình lại không ai hiểu được cái tâm của ông. Tiếc thay.

Thay cho lời kết:

Sử cũ nhận xét về vua như sau:

“Vua đem văn minh sửa sang đạo trị nước, làm rạng rỡ công nghiệp của người xưa, giữ lòng trung hậu, lo nghĩ sâu xa, trong yên ngoài phục, kỷ cương đủ bày. Tiếc rằng không nhận biết mưu gian của Khắc Chung, để đến nỗi Quốc Chẩn phải chết, đo là chỗ kém thông minh vậy.” (Đại Việt sử ký toàn thư)

Ai mà ngờ một vị vua vốn là minh quân, hiệu là Minh Tông mà còn bị phê là có chỗ kém thông minh. Thế mới thấy người xưa khắt khe với các nhà lãnh đạo thế nào. Nhưng người viết cho rằng đó cũng không thể hoàn toàn trách ông được. Vì Trần triều trải năm đời hoàng đế với văn trị võ công đạt đến đỉnh cao thì cũng đến lúc phải thoái trào. Đó là quy luật của tự nhiên, là ý Trời chứ không phải ý muốn chủ quan của con người. Minh Tông dẫu có thông minh giỏi giang đến mấy cũng không thể cưỡng lại được. Khi nhà Trần đang thịnh thì chính Trần Khắc Chung đã lập công to trong vai trò sứ giả, đường hoàng đối đáp với Thoát Hoan mà không nhục mệnh vua. Khi thời suy thì cũng chính Khắc Chung nói 1 câu mà vua nghe theo đến nỗi tạo ra sai lầm làm rạn nứt nền móng của cả một triều đại. Chẳng phải tên của Trần Khắc Chung nghĩa là nhà Trần sẽ nguy từ ông ta hay sao? Mọi việc đều không phải ngẫu nhiên mà xảy ra. Minh Tông cũng chỉ là chịu mệnh mà hành sự thôi. Đừng vì một vết nhơ nhỏ mà quên đi hành trạng và công tích cả đời ông đã đóng góp cho quốc gia như 1 vị vua mẫu mực nhất. Biết bao lãnh đạo hiện giờ còn tệ hơn Ngài ngàn vạn lần mà vẫn được tuyên truyền tung hô đó sao, ấy chắc cũng là mệnh của những xứ sở không may, đành chịu thôi.

Minh Bảo



BÀI CHỌN LỌC

Trần Minh Tông: Minh quân và bi kịch của triều Trần