Trang Liệt - ngôi làng cổ nhất xứ Kinh Bắc

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Hai năm nay vì dịch bệnh Covid rất nhiều nơi ở xứ Kinh Bắc không mở hội được. Nhưng duyên kỳ ngộ, mùng 8 tháng 3 năm nay tôi có duyên đã được dự lễ hội ở một ngôi làng thuộc hàng cổ xưa nhất của xứ Kinh Bắc, nước Việt. Kẻ Sặt - tên chữ là thôn Trang Liệt một trong những ngôi làng như thế!

Đền thờ Đức Thánh Hoài Đức Vương

Đến trung tâm thành phố Từ Sơn, rẽ trái khoảng hơn 1 km vào làng Trang Liệt nay là khu phố Trang Liệt ta bắt gặp một ngôi đền cổ nằm dưới cây thị khoảng trên 500 năm tuổi, đó là Đền thờ Đức Thánh Hoài Đức Vương - Trần Bà Liệt. Trải qua bao nhiêu năm, cùng biến cố thăng trầm của dân tộc nhưng ngôi đền hầu như vẫn còn nguyên vẹn.

Bước qua Tam quan là một sân rộng lát gạch Bát Tràng, ta đến nhà Tiền tế, đó là một kiến trúc cổ ba gian hai dĩ. Ở Chính điện ngày hội cũng như các tiết lệ, chỉ có những người trong Ban Khánh tiết (đến tuổi gánh vác việc dân) được lựa chọn mới được bước lên đó để làm phận sự (phụ nữ từ xưa đến nay tuyệt đối không ai được phép bước lên đó). Tam quan cũng chỉ mở vào ngày hội mùng 8 tháng 3 âm lịch hàng năm và ngày 15 tháng 8 âm lịch (kỵ nhật nhà Thánh) hàng năm. Cửa chính, kể cả ngày hội cũng chỉ mở để phục vụ cho đám đám rước, còn bình thường chỉ được vào cửa Đông ra cửa Tây mà thôi. Ngôi đền được thiết kế theo lối chữ tam (), ở thế: hậu Huyền Vũ, tiền Chu Tước (lưng tựa vào núi, trước mặt là hồ.”. Vào Hậu cung thì quy định càng nghiêm cẩn hơn, chỉ những người trong Ban Khánh tiết được dân làng chọn lựa mới được vào, còn người thường không được vào trong đó.

Ngày hội rước Thánh ra đình để dân làng và khách thập phương chiêm bái. Hội làng gồm hai phần, phần Lễ được tiến hành trang trọng từ khi mở cửa đền đóng đám vào ngày mùng 7 tháng 3 âm lịch. Thủ tục mở cửa đền đóng đám là một chầu Tế tập nghi với lễ vật là đồ chay như Xôi đỗ, bánh Trôi, hoa quả, cau trầu, kim ngân thứ phẩm... Sáng mùng 8 tháng 3 âm lịch phần Lễ chính thức bắt đầu với chầu Tế của Ban Tư văn cùng Chủ tế là ông Trưởng Ban Khánh tiết với cộng sự kéo dài hơn một giờ. Sau phần tế lễ các hương lão với các bản tuổi trong làng vào lễ Thánh, tiếp theo mới đến các thành phần khác trong làng cũng như khách thập phương. Lễ hội diễn ra trong ba ngày đến mùng 10 tháng 3 làm thủ tục tế lễ và phần hội với các trò chơi dân gian, thi đấu các môn thể thao dân tộc, các môn thể thao quần chúng cũng kết thúc. Cuối cùng là rước Thánh về đền để làm lễ yên vị (lễ đóng đám). Tùy theo điều kiện cụ thể của từng năm mà Lễ vật lớn nhỏ khác nhau nhưng trầu cau, rượu thịt, hoa quả, kim ngân thứ phẩm là phải có.

Đền thờ Đức Thánh Hoài Đức Vương - Trần Bà Liệt. (Ảnh: Lê Chân)

Ngoài những ngày làng mở hội thì ở Kẻ Sặt vẫn giữ được thuần phong mĩ tục truyền thống. Những gia đình ở đây, thì nhà nào khi có việc cưới xin, tang gia (hiếu hỉ) ngoài việc làm lễ ở nhà, ở nhà thờ họ, thì nhà nào cũng đều sắp một mâm lễ ra Đền để xin nhà Thánh linh thiêng ban cho ân huệ may mắn, mọi việc hanh thông...

Đức Thánh Hoài Đức Vương là ai

Thần phả của làng cũng như trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có ghi lại: Trần Thừa (người sinh ra Trần Cảnh) có quan hệ với người đàn bà mang họ Phạm (họ Phạm - ) ở thôn Bà Liệt thuộc tỉnh Nam định ngày nay. Nhưng không được thừa nhận nên bà đã bỏ đi lên vùng đất Từ Sơn thuộc trấn Kinh Bắc sinh sống (thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay) khi bà sinh con trai thì ông không hề hay biết (Trần Bà Liệt và Trần Cảnh là hai anh em cùng bố khác mẹ).

Vào đến Kiến Trung năm thứ 8 (1232, mùa xuân tháng giêng bắt đầu định triều nghi, phong con của thượng hoàng là Trần Bà Liệt làm Hoài Đức Vương. Trong sử có ghi: "Thượng hoàng không thừa nhận mối quan hệ với người con gái thôn Bà Liệt, người ấy bỏ đi đến huyện Đông Ngàn sinh sống. Đến khi sinh con thì đặt tên là Bà Liệt để tưởng nhớ về quê hương, lớn lên Bà Liệt khôi ngô, khỏe mạnh luyện tập võ nghệ cùng những trai tráng trong vùng. Một năm ở kinh đô có thi đấu vật chàng trai tên Bà Liệt cũng tham gia, trong trận đấu Bà Liệt rơi vào tình thế nguy hiểm bị đối phương chẹn cổ đến gần tắt thở. Bỗng nhiên nghe Thượng hoàng quát to: “Nó là con ta đấy!” vì ông nhận ra cái khố trên thân mà chàng trai kia dùng chính là vạt áo của mình khi còn trẻ. Nhờ xem đấu vật mà Thượng hoàng đã nhận ra con mình.”

Sở dĩ Trang Liệt nổi tiếng bởi đây là đất ấp phong cho một người con của Thượng hoàng Trần Thừa (cha của Trần Thái Tông), ông chính là Hoài Đức Vương theo bản thần tích phả lục Trần triều, hoàng thái tử do Lễ bộ thượng thư Đông các đại học sĩ Lê Tung, soạn năm Hồng Đức thứ 3 (1437- 1472): Vào thời Trần, huyện Đông Ngàn là đất phong thực ấp của Hoài Đức Vương, một hoàng tử nhà Trần có dinh cơ đặt tại thôn Liệt, sau đổi thành làng Trang Liệt. Hoài Đức Vương chính là tước vương phong cho Trần Bà Liệt, con của thượng hoàng Trần Thừa. Dù là con của thượng hoàng Trần Thừa, nhưng khi sinh ra không phải ngay lập tức đã là hoàng tử được sống nơi cung vàng điện ngọc như những công chúa, hoàng tử khác. Để được thượng hoàng nhận làm con thì Bà Liệt đã từng là một đô vật và đã từng cận kề cái chết.

Trong Đại Việt Sử Ký Tiền Biên năm Nhâm Thìn (1232). Nhà vua ban đầu định triều nghi, quan lại thân vương được phong tước Vương. Cũng ngày hôm đó vua Trần Thái Tông cũng nhân đó phong cho em mình là Trần Bà Liệt làm Hoài Đức Vương. Từ chỗ không thừa nhận, đến khi biết con mình bị nguy hiểm đến tính mạng mà không cứu thì không phải đạo làm cha, dù muộn nhưng cha con Thượng hoàng Trần Thừa cũng được đoàn tụ, đó cũng là phúc của ông. Bà Liệt ngay lập tức được trở thành một thân vương đứng trong hàng tôn thất của nhà Trần. Về sau vua lấy huyện Đông Ngàn làm thực ấp phong cho Trần Bà Liệt.

Vùng đất Hoài Đức Vương Trần Bà Liệt cai quản là vùng gò cao với cánh rừng sến, rừng cúc khoe sắc vàng rực. Ông mời thầy địa lý thẩm định vùng địa linh với điểm Mắt Rồng, Hàm Rồng, Đuôi Rồng… Hoài Đức Vương sung sướng. Đây là phúc phận của ông và phúc phận cả dân làng. Ông thưa chuyện với mẹ là Phạm Thị Trân mời dân chuyển làng về vùng đất mới. Ông tặng dân. Ấp Bà Liệt có tên từ đây. Dân cảm kích, đội ơn mẹ con Bà Liệt. Ông cho lính chuyển đá từ Chè về xây giếng Mắt Rồng. Rồi một cây đa vạm vỡ mọc lên. Rễ cây xòa ra ôm gọn những phiến đá to như chiếc chiếu. Bà Liệt trưởng thành, nổi tiếng đô vật vùng Kinh Bắc.

Sau khi được phong ấp, Hoài Đức Vương Trần Bà Liệt mời dân làng sang vùng đất mới. (Tranh: NTDVN)

Ông cũng có công trong việc đánh đuổi quân Nguyên lần thứ nhất 1258, Hoài Đức Vương Trần Bà Liệt chiêu mộ binh sĩ trong vùng cùng tham gia với quân dân cả nước đánh giặc lập nhiều công lớn. Sau khi mất, ông hiển Thánh linh thiêng, phù trợ cho nhân dân bảo vệ bờ cõi giữ gìn độc lập dân tộc.

Các triều đại phong kiến nối tiếp đã ban Sắc phong để nhớ công lao của bậc tiền nhân linh thiêng hiển Thánh (địa phương nơi đây còn lưu giữ được 21 đạo Sắc phong), và người dân ở đây đã xây dựng một am nhỏ để thờ cúng và phong ông làm thành hoàng làng. Ngôi đền khang trang thể được xây dựng từ nửa cuối thế kỷ 15 trước đó chỉ là một cái am nhỏ. Tiếp nối truyền thống con em nhân dân Trang Liệt ra sức học tập và trong vòng 400 năm (từ 1442 -1842) có 8 vị khoa bảng (Tiến sĩ) của làng (còn có văn bia lưu lại). Trải bao biến thiên của thời cuộc, vạn vật đổi thay, nhiều giá trị truyền thống cũng mai một nhưng thuần phong mỹ tục của làng quê trang Liệt vẫn được lưu truyền đến ngày nay. Bức hoành phi có 4 chữ “Mỹ tục khả phong” hiện được treo ở phương đình của làng.

Đôi nét văn hóa làng Trang Liệt

Tại Trang Liệt hiện còn giữ và bảo tồn nét văn hóa dân gian như đấu cờ người, có câu lạc bộ thư pháp của làng với tục cho chữ của các cụ đồ viết chữ thư pháp. Trên hồ ao của làng vào các ngày lễ hội, có các liền anh liền chị, nón thúng quai thao biểu diễn những làn điệu quan họ làm đắm say lòng người.

Trang Liệt hiện còn giữ và bảo tồn nét văn hóa dân gian như đấu cờ người, thư pháp, hát quan họ... (Ảnh: Lê Chân)

Du khách đến Trang Liệt đi từ ngỡ ngàng này đến ngạc nhiên khác bởi dù làng đã lên phố, giữa nhịp điệu đô thị hóa, nhà cao tầng chen chúc, xe cộ, quán xá tấp nập… Thế nhưng, những cổng làng xây bằng gạch, nhuốm màu thời gian vẫn hiên ngang hiện hữu, rêu phong trầm mặc. Đi sâu vào giữa làng, người ta có cảm giác như đang lạc vào miền cổ tích. Những con ngõ nhỏ bình dị mà thân quen xen giữa các tòa nhà cao tầng san sát nhưng gọn gàng, nền nếp không một chút vênh váo dị biệt. Giữa làng là mái đình cong vút, đền, chùa, miếu, nhà truyền thống cùng các nhà thờ của dòng các dòng họ đều đậm kiến trúc cổ, đủ để thấy ý thức trân quý tinh hoa văn hóa truyền thống và nếp sống trọng chữ nghĩa của người dân ấp Trang Bà Liệt. Với người làng Trang Liệt, đây chính là nhân chứng lịch sử kể cho hậu thế về những câu chuyện của cha ông.

Lê Chân



BÀI CHỌN LỌC

Trang Liệt - ngôi làng cổ nhất xứ Kinh Bắc