Trạng nguyên cưới 2 con gái tể tướng, 3 lần đứng đầu thiên hạ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phùng Kinh (1021-1094), tự Đương Thế, là người Giang Hạ, Ngạc Châu triều Tống. Trong các cuộc thi khoa cử, ông thi đỗ liền Tam nguyên, cưới 2 con gái tể tướng. Ông đã lưu lại giai thoại “Cưới 2 con gái tể tướng, 3 lần đứng đầu thiên hạ”. Vị trạng nguyên 3 lần đứng đầu thiên hạ này có lai lịch rất kỳ lạ độc đáo.

Trời ban Trạng nguyên cho nhà họ Phùng

Cha của Phùng Kinh là thương nhân, nhưng đến tuổi trung niên mà vẫn chưa có con thừa tự. Một lần, ông Phùng đi xa kinh doanh, bà vợ đưa cho ông mấy nén bạc và nói: “Tướng công đến nay vẫn chưa có con trai, có thể dùng số tiền này mua một người thiếp”.

Sau khi đến kinh thành, ông Phùng liền mua một người thiếp. Sau khi ký hợp đồng và trả tiền, ông hỏi người thiếp là người vùng nào. Người thiếp khóc lóc không ngừng và không trả lời. Gặng hỏi mãi, cuối cùng cô mới nói, phụ thân cô là mệnh quan triều đình, vì phụ trách kinh doanh hàng bị lỗ, không còn cách nào khác, đành phải bán con gái để lấy tiền bồi thường.

Ông Phùng nghe xong thì rất cảm thông với cô, và cho cô trở về nhà, cũng không yêu cầu lấy lại tiền.

Sau khi buôn bán xong, ông Phùng trở về nhà. Vợ ông thấy ông về một mình bèn hỏi: “Tướng công, người thiếp ở đâu?”.

Ông Phùng thuật lại đầu đuôi sự tình. Vợ ông nghe xong cũng rất tán đồng với ông: “Tướng công có tâm như thế này thì lo gì không có con trai?”

Mấy tháng sau, quả nhiên vợ ông có thai. Trước khi bà sinh con, hàng xóm láng giềng đều có giấc mơ là thấy đội nhạc tưng bừng nghênh đón trạng nguyên đến nhà họ Phùng. Hôm sau thì Phùng Kinh chào đời. Ông Trời đã ban trạng nguyên này cho nhà họ Phùng, báo đáp âm đức của Phùng lão gia đã hành thiện tích âm đức.

Đỗ đầu liền 3 kỳ thi, trung lập không theo quyền quý

Phùng Kinh từ nhỏ đã có thiên chất thông minh dĩnh ngộ, thích đọc sách. Năm Khánh Lịch thứ 8 đời Tống Nhân Tông (năm 1048), Phùng Kinh tham gia kỳ thi hương ở Ngạc Châu, đỗ đầu cử nhân. Năm sau, ông dự kỳ thi hội ở Biện Kinh, đỗ đầu cống sĩ. Sau đó tham gia kỳ thi đình, ông đỗ trạng nguyên. Liên tiếp thi đỗ đầu Tam nguyên, nên mọi người gọi ông là Phùng Tam Nguyên. Ông cũng là một trong những Tam Nguyên hiếm có trong lịch sử khoa cử.

Phùng Kinh từ nhỏ đã có thiên chất thông minh dĩnh ngộ, thích đọc sách. (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)

Phùng Tam Nguyên khi đó mới 29 tuổi, là một bậc nhân tài tuấn kiệt xuất chúng, chấn động kinh thành. Bởi vì ông chưa kết hôn nên đã lọt mắt xanh của nhiều người, mà Trương Nghiêu Tá, vị cao quan đương triều là một trong số đó.

Cháu gái Trương Nghiêu Tá là Trương Quý phi, cháu rể chính là đương kim Hoàng thượng Tống Nhân Tông. Trương Nghiêu Tá còn muốn tìm một người con rể trạng nguyên, và luôn luôn tìm kiếm.

Năm đó, khi cuộc thi đình vừa mới xướng danh xong thì Trương Nghiêu Tá đã phái một nhóm người, nửa ép buộc, nửa dụ dỗ, vây quanh Phùng Tam Nguyên rước về nhà. Đến Trương Phủ, chỉ thấy một biển người. Một vị trung niên mặc quan phục tử kim (quan phục màu tím đeo túi bằng vàng hình con cá) xuất hiện, ông đích thân thắt một chiếc đai vàng cho Phùng Tam Nguyên và nói: “Lão hủ có một cháu gái gả cho đương kim Hoàng thượng, còn có một con gái ruột, cũng không đến nỗi xấu, muốn gả cho Trạng nguyên, đây cũng là ý của Hoàng thượng”.

Không lâu sau, Trương Quý phi từ hậu cung phái người đem rượu và đồ ăn đến. Trương Nghiêu Tá cho Phùng Tam Nguyên xem qua danh sách dài các nữ trang tùy giá cho con gái. Phùng Kinh vừa xem vừa cười và nói “tốt, tốt”. Trương Nghiêu Tá lập tức muốn Phùng Kinh đồng ý chuyện hôn nhân, Phùng Kinh khéo léo mượn cớ từ chối.

Phùng Kinh là người rất tự tin, và có lòng tự trọng rất cao. Ông biết Trương Nghiêu Tá quen dựa quyền quý, người trong thiên hạ từ lâu đã bàn tán dị nghị. Làm con rể loại người này, chẳng phải là hạ thấp nhân phẩm của mình hay sao.

Nhưng duyên phận của Phùng Kinh làm con rể của tể tướng đã được định trước trong mệnh rồi. Nhạc phụ của ông là Phú Bật, một hiền tướng trong triều. Phùng Kinh cũng rất kính trọng Phú Bật. Phùng Tam Nguyên đã lần lượt cưới 2 cô con gái của tể tướng Phú Bật, và đã để lại giai thoại thiên cổ “2 lần cưới con gái tể tướng, 3 lần đứng đầu thiên hạ”.

Tuy Phùng Kinh cưới con gái tể tướng, nhưng ông luôn tránh dựa quyền quý, hơn nữa còn ra sức né tránh. Tuy ông có cơ hội đảm nhiệm chức Tri chế cáo (chức quan khởi thạo chiếu lệnh cho hoàng đế), nhưng vì nhạc phụ là tể tướng, nên ông đã từ chối. Ông rời khỏi triều đình, đến địa phương nhậm chức Tri châu Dương Châu.

Khi ông làm Tri phủ Khai Phong, phủ Tể tướng Hàn Kỳ ở Khai Phong, nhưng ông mấy tháng vẫn không đến bái kiến. Hàn Ký nói với bạn thân là Phú Bật, nhạc phụ của Phùng Kinh rằng, Phùng Kinh rất kiêu ngạo. Phú Bật bèn bảo Phùng Kinh đến bái kiến Hàn Kỳ. Phùng Kinh nói với Hàn Kỳ rằng: “Ngài là tể tướng, hạ quan không thể tự tiện đến bái kiến thỉnh cầu, đó là lấy việc công làm trọng, không phải là kiêu ngạo”.

“Ngài là tể tướng, hạ quan không thể tự tiện đến bái kiến thỉnh cầu, đó là lấy việc công làm trọng, không phải là kiêu ngạo”.

Phùng Kinh có có giữ tiết tháo, dám trực ngôn can gián, được lưu danh sử sách. Cùng trong triều có Ngô Sung, vì luận việc truy phong Hoàng hậu Ôn Thành nên bị đuổi khỏi triều, bị giáng chức bổ nhiệm nơi xa. Phùng Kinh dâng sớ nói giúp Ngô Sung, ca ngợi những lời Ngô Sung nói không có lời nào sai, không nên bị giáng quan đưa đi xa. Lưu Hãng tức giận Phùng Kinh nên dâng sớ bãi chức Phùng Kinh. Tống Nhân Tôn hỏi: “Phùng Kinh có tội gì?” và không chuẩn tấu.

Đến triều Tống Thần Tông, Phùng Kinh được thăng làm Ngự sử Trung thừa. Đương thời, Vương An Thạch chủ trì chính sách mới, là người được sủng ái đương triều. Phùng Kinh dâng tấu luận những chính sách của Vương An Thạch, luôn luôn thay đổi, không thỏa đáng. Ông nhiều lần dâng tấu, tổng cộng hàng trăm ngàn chữ, bị Vương An Thạch quy là tà thuyết, xin Hoàng thượng cách chức quan và đuổi Phùng Kinh ra khỏi triều đình. Nhưng Tống Thần Tông lại tán đồng những lời luận giải của Phùng Kinh, và thăng ông làm Khu mật Phó sứ. Tống Thần Tông cũng rất tán thưởng và khen ngợi Phùng Kinh giữ tiết tháo, trung lập không theo quyền quý.

Thuở sống ở quê hương, Phùng Kinh phóng khoáng không câu nệ, thường đêm khuya vẫn đi khắp nơi ngao du. Một hôm, lúc đêm khuya, khi ông đi dạo chơi trên đường phố thì bị tuần la bắt được và áp giải đi. Hôm sau, Thái thú Ngạc Châu là Vương Tố nghe nói là Phùng Kinh, không cần hỏi han, lập tức thả ông ra.

Nhiều năm sau, Phung Kinh làm quan đến Hàn lâm Học sĩ, phụng mệnh triều đình vỗ yên Thiểm Tây. Lúc này, Vương Tố là Thị lang Bộ Binh, Đoan Minh điện Học sĩ, kiêm Thái thú Hoạt Châu, có trị sở ở huyện Bình Lương, Thiểm Tây. Hia người xa cách lâu ngày gặp nhau, vô cùng vui vẻ.

Trong bữa tiệc, Phùng Kinh làm bài thơ tặng, trong thơ có câu: “Nuốt than khó quên chuyện xưa, chất củi cảm kích ân này”. Câu thơ nói về ân cứu hộ năm xưa, ông mãi mãi không quên. Phùng Kinh không hề che giấu chuyện không mấy vẻ vang thời trẻ, còn làm thành thơ, điều này thể hiện cái tâm thuần chính thanh khiết của ông.

Năm Trị Bình thứ 2 đời Tống Anh Tông (năm 1065), Phùng Kinh làm quan chủ khảo kỳ thi hội. Có thí sinh Trương Thuấn Dân (tự Vân Tẩu), làm bài phú rất xuất sắc, nhưng bài phú gieo vần sử dụng lặp lại 2 chữ “minh”. Theo quy định thì không được đỗ. Phùng Kinh cảm thấy rất đáng tiệc, bèn sửa cho anh ta một chữ, và đưa anh ta vào nhóm thứ nhất loại ưu. Năm đó, Tống Anh Tông mới lên ngôi, vẫn đang chịu tang, nên không tổ chức thi đình, vì vậy Trương Thuấn Dân trực tiếp đỗ tiến sĩ.

Trương Thuấn Dân làm bài thi xong ra khỏi trường thi thì phát hiện ra lỗi của mình, nên vô cùng buồn rầu. Khi niêm yết bảng thì lại thấy mình xếp thứ 4, anh ta cho rằng quan giám khảo lơ là không nhìn ra. Sau này, Trương Thuấn Dân và Phùng Kinh mỗi người làm quan một nơi, cũng không có hỏi han qua lại lẫn nhau.

Cho đến những năm Nguyên Hựu đời Tống Triết Tông, Phùng Kinh khi đó đã già, xin rút khỏi chức vụ Phó Tể tướng, làm quan ở Đại Danh phủ (huyện Đại Danh, Hà Bắc ngày nay). Trương Thuấn Danh đi qua nơi này, lúc đó mới dùng lễ môn sinh bái kiến ông.

Phùng Kinh mở tiệc khoản đãi. Khi rượu đã ngà ngà say, nói chuyện ngày xưa, thì mối nghi hoặc trong lòng Trương mấy chục năm nay mới được giải khai, ông bái tạ mãi rồi mới rời đi.

Sau này Trương Thuấn Dân làm quan đến chức Trực mật các, Hữu gián nghị Đại phu, nổi tiếng là người trực ngôn dám can gián. Văn của ông hùng tráng tinh tế, đặc biệt giỏi về thơ.

(Tài liệu tham khảo: Tống Sử; Hồ Hải Tân Văn Di Kiên Tục Chí)

Tường Hòa
Theo Thái Nguyên - Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Trạng nguyên cưới 2 con gái tể tướng, 3 lần đứng đầu thiên hạ