Tranh sơn dầu tả thực nhân vật: Cảm xúc thăng hoa vượt thời không

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tại sao một bức tranh tả thực thời kỳ Phục hưng có thể khiến người ta cảm thấy xúc động? Có nhiều nguyên nhân, nhưng điều đặc biệt là các nhân vật được tả thực trong tranh sơn dầu, từ chủ đề cho đến hình thức nghệ thuật đều hàm chứa những giá trị nội hàm của văn hóa truyền thống hết sức đa dạng và phong phú...

Khi đánh giá một bức tranh, trước tiên khán giả sẽ nhìn vào bố cục của bức tranh là một người, hay là sự tương tác giữa hai người, cũng có thể là cấu trúc ba người hay là một khung cảnh lớn hơn có nhiều người trong đó. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về cách thức sắp xếp thứ tự các nhân vật trong tranh sơn dầu, và thưởng thức một số kiệt tác tranh sơn dầu tả thực trong lịch sử nghệ thuật. Nếu nhìn kỹ hơn vào các bức tranh sơn dầu tả thực, chúng ta có thể khám phá ra được những giá trị nghệ thuật vào mỗi thời kỳ.

Bức tranh chân dung tái hiện tinh thần thời đại

Raphael là người bình dị, ôn hòa, tính tình văn nhã và có khí chất, có lẽ bởi vậy những bức tranh của ông cũng mang đến sắc thái điềm tĩnh, nhẹ nhàng.

Bức tranh “Ritratto di Baldassarre Castiglione” của Raphael, được sáng tác vào khoảng năm 1514-1515, sơn dầu, 82 x 67 cm, loạt tranh Louis XIV, bộ sưu tập Louvre ở Paris, Pháp.
Bức tranh “Ritratto di Baldassarre Castiglione” của Raphael, được sáng tác vào khoảng năm 1514-1515, sơn dầu, 82 x 67 cm, loạt tranh Louis XIV, bộ sưu tập Louvre ở Paris, Pháp.

Castiglione là đại sứ của Pháp ở tại Vương quốc Anh, ông là nhà văn, là tác giả của cuốn sách bán chạy nhất châu Âu - cuốn sách "Đình thần luận" (The Book of the Courtier), và là một người bạn của Raphael. Trong bức tranh, ông ấy trông có vẻ dè dặt, trang nghiêm, thân thiện và trầm tĩnh, phong thái biểu cảm của ông và phần thân trên được phối hợp rất hài hòa với nhau.

Đại diện cho các quý tộc trong cung điện thời kỳ Phục hưng cho nên trang phục của nhân vật chính rất đặc biệt về màu sắc và họa tiết, màu chủ đạo là nâu và vàng kết hợp với một chút bạc và trắng, sự tương phản giữa độ sáng tối trông rất rực rỡ. Những đường nét ưu mỹ của khuôn mặt có tiết tấu rất phong nhã, và đôi mắt xanh đang nhìn thẳng vào người xem biểu hiện một thần thái vô cùng sáng sủa.

Danh họa Raphael thể hiện sinh động tính cách của nhân vật thông qua những đường nét lão luyện tinh xảo, kết hợp với những gam màu đơn giản. Màu sắc và hình thức của bức tranh được phối theo một trật tự vô cùng hài hòa và tinh tế. Khi xem bức tranh này, khán giả có thể cảm nhận được một cách sâu sắc và ấn tượng về tinh thần văn hóa của thời kỳ Phục hưng.

Bức tranh biểu hiện một cách trung thực bản năng sáng tạo của con người hòa cùng với vạn vật, Raphael đã rất nỗ lực hoàn thiện kỹ năng mỹ thuật của mình. Nếu nhìn kỹ, bạn sẽ thấy được nguyên tắc “tái hiện chân thực của nghệ thuật" xuyên suốt trong tất cả các tác phẩm của ông.

Tình bạn tri kỷ và ẩn dụ sâu sắc

Chúng ta hãy nhìn vào bức tranh "Sứ giả" (The Ambassadors), tác giả là một họa sĩ người Đức (Hans Holbein the Younger, 1497-1543) được ủy quyền vào năm 1533.

Bức tranh "The Ambassadors" của Hans Holbein, sáng tác năm 1533, sơn dầu, gỗ sồi, 207 × 209,5cm, được cất giữ trong Phòng trưng bày Quốc gia Luân Đôn, Anh.
Bức tranh "The Ambassadors" của Hans Holbein, sáng tác năm 1533, sơn dầu, gỗ sồi, 207 × 209,5cm, được cất giữ trong Phòng trưng bày Quốc gia Luân Đôn, Anh.

Người đứng bên trái là Jean de Dinteville, một quý tộc người Pháp trẻ tuổi. Vào thời điểm đó, ông được vua Pháp, François I, lệnh cho ông làm đặc sứ. Ông ta cầm một thanh kiếm ngắn bên tay phải, trên bao kiếm tuyệt đẹp có ghi tuổi của ông là 29.

Bên phải của ông là người bạn Georges de Selve - một học giả xuất sắc, được bổ nhiệm làm giám mục của thành phố Lavaux. Cuốn sách dưới khuỷu tay của ông cũng tiết lộ rằng ông 25 tuổi.

Năm 1533, Selve đến thăm Dinteville ở London, và hai người họ đã yêu cầu Holbein vẽ bức tranh này để lưu lại một kỷ niệm vĩnh cửu cho tình bạn của họ.

Tướng mạo của hai người, tư thế đứng, quần áo lụa, áo khoác nhung, áo choàng lông, và ruy băng vàng, tất cả đều được vẽ theo phong cách tả thực một cách rất tinh tế. Cả hai đều là những học giả trong lĩnh vực tri thức mới của nhân loại, họ là những nhân vật phi phàm trong thời kỳ Phục hưng, thuộc tầng lớp quý tộc trong những gia đình quyền thế thời đó.

Chiếc bàn gỗ hai tầng ở giữa hai người để đầy các vật phẩm thuộc về âm nhạc, thiên văn học, bản đồ, v.v., đại diện cho bốn môn học: hình học, toán học, thiên văn học và âm nhạc, tiết lộ cho người xem biết được học ​​thức của họ rất phong phú.

Trên chiếc mặt bàn trải khăn thêu hoa văn của Thổ Nhĩ Kỳ có các dụng cụ thiên văn và hải lý được bày la liệt, ngoài ra còn có một chiếc đồng hồ mặt trời hình trụ đánh dấu ngày 11 tháng 4 và một đồng hồ mặt trời đa giác khác đánh dấu hai thời điểm khác nhau trong một ngày. Biểu tượng cây đàn luýt bị đứt một dây tượng trưng cho sự hài hòa đã bị phá vỡ, vào thời điểm đó có thể ngụ ý là sự kiện tranh chấp giữa đạo Tin lành và Công giáo.

Trang sách phía trước cây đàn luýt đang được mở ra chính là những bài thánh ca, ở rìa góc trên bên trái của bức tranh, có một cây thánh giá nhỏ có tượng Chúa Giê-su chịu nạn, hướng về hai nhân vật chính trong bức tranh.

Ở trung tâm của bức tranh, trên nền gạch Mosaic, có hình một cái đầu lâu được ẩn tàng bằng phương pháp làm biến dạng, nhìn trực diện không thể nhìn thấy được nó, và để nhận dạng nó thì phải nhìn từ phía bên trái từ phía dưới hoặc phía trên từ bên phải ở góc gần với hình ảnh. Đầu lâu là một phép ẩn dụ cho "cái chết", như ẩn dụ rằng tất cả sự giàu có thịnh vượng và thành tựu của con người đều chỉ là những ảo tưởng phù du ngắn ngủi.

Khi bạn chiêm ngưỡng tác phẩm từ phía trước, hình ảnh tinh tế và sống động của bức tranh hiện lên khá hiện thực và cái đầu lâu bên dưới chỉ là một ảo ảnh mơ hồ. Nhưng khi bạn nhìn bức tranh từ một phía, bạn có thể thấy được hình dạng thực sự của nó, và cảm nhận được hình thù cái đầu lâu đang trở nên chân thực, lúc này khung cảnh hoa lệ ở phía trên đã trở nên hư ảo.

Bức "Sứ giả" của Holbein thể hiện đầy đủ kỹ pháp thấu thị của tác giả. Bức chân dung khéo léo này không chỉ là kỷ niệm của tình bạn, mà còn phản ánh những mối quan hệ chính trị và cải cách tôn giáo của Anh và Pháp vào thời điểm đó, đồng thời cũng có ẩn dụ trong nó những triết lý nhân sinh sâu sắc.

Tác giả: Tạ Xuân Hoa -Theo epochtimes.com.
Sa Sa (biên dịch)



BÀI CHỌN LỌC

Tranh sơn dầu tả thực nhân vật: Cảm xúc thăng hoa vượt thời không