Tranh vẽ môn Thần cổ đại là vẽ nhân vật nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Về xuất hiện tín ngưỡng Môn Thần, đại khái có thể ngược dòng thời gian đến bộ sách “Sơn Hải Kinh” vào đầu thời Chiến Quốc...

Tập tục dán chữ Phúc, dán môn Thần trên cửa… đón năm mới là những tập tục cổ xưa vào ngày Tết. Thậm chí còn có một bài đồng dao được lưu truyền tới nay:

“Môn Thần môn Thần kỵ hồng mã, Thiếp tại môn thượng thủ trú gia.
Môn Thần môn Thần giang đại đao, đại ma tiểu ma mang đào bào”

Tạm dịch:

“Môn Thần môn Thần cưỡi hồng mã, dán lên trên cửa giữ yên nhà.
Môn Thần môn Thần giơ đại đao, ma lớn ma nhỏ vội chạy mau”

Vào dịp năm mới, người ta dán câu đối nghênh “Phúc” đồng thời vì sao còn phải dán trên cửa một cặp môn Thần để ngăn chặn ma quỷ vào nhà?

Tập tục dán môn Thần đón năm mới là từ đâu? Bức họa môn Thần gồm những ai?

Dán môn Thần đón năm mới nguyên có từ việc sùng bái môn Thần của cổ nhân. Cổ nhân cho rằng “Cửa có vị trí quan trọng tới việc ra vào của mọi người trong nhà, nhất định phải trừ tà trấn quỷ, mới có thể bảo toàn mọi người trong nhà bình an. Từ buổi đầu của thời Chiến Quốc, người xưa đã bắt đầu sử dụng “Ngũ mộc chi tinh” (Tinh hoa của 5 loại gỗ), khắc câu Thần chú trên cây đào, treo trước cửa nhà để trấn tà, còn gọi là “Bùa đào”. Về sau, giấy được dùng phổ biến, bùa đào được thay thế bằng bức họa hình người.

Phần lớn người ta dán giấy trên cửa trước mốc đêm mùng một Tết Nguyên Đán để bắt đầu một năm, là để môn Thần phù hộ người nhà cả năm bình an. Nhưng, ai được xem như là môn Thần trên bức họa?

Thần Đồ và Uất Lũy

Căn cứ vào việc ghi chép trong tác phẩm “Kinh Sở Tuế Thời Ký” của tác giả Lương Tông Lẫm thời Nam Triều, các hộ làm ván từ cây Đào, gọi là Tiên mộc, vẽ hình hai vị Thần dán hai bên trái phải, bên trái tên là Thần Đồ, bên phải có tên Uất Lũy, gọi là Môn Thần. Do vậy, Thần Đồ và Uất Lũy là những người đầu tiên được xưng làm Môn Thần.

Về xuất hiện tín ngưỡng Môn Thần, đại khái có thể ngược dòng thời gian đến bộ sách “Sơn Hải Kinh” vào đầu thời Chiến Quốc. Đây là tác phẩm truyền thuyết Thần thoại và địa lý tự nhiên, là bộ sách tối cổ của Trung Quốc, trong đó có ghi chép lại về hai vị Thần tiên này. Tương truyền vào thời xa xưa, Thần Đồ và Uất Lũy là một cặp huynh đệ, hai huynh đệ đều có khả năng bắt quỷ, nếu như có ác quỷ xuất hiện quấy nhiễu bách tính, Thần Đồ và Uất Lũy liền chỉ huy mai phục bắt và đem trói quặt lại rồi cho hổ chúa ăn. Về sau, để xua đi sự không lành, người ta đơn giản chỉ vẽ xuất ra hình Thần Đồ, Uất Lũy và hổ chúa ở trên cửa, thì đạt được hiệu quả tránh tà đuổi quỷ. Trên cánh cửa trái vẽ hình Thần Đồ, trên cánh cửa phải vẽ hình Uất Lũy, dân gian gọi họ là “Môn Thần”. Nhưng đến đời Đường, Thần Đồ và Uất Lũy được thay thế bằng hai vị đại tướng đời Đường là Tần Quỳnh và Uất Trì Cung, họ trở thành hai vị Môn Thần mới.

Môn Thần: Tần Quỳnh và Uất Trì Cung.

Tần Quỳnh (? - 638), tự Thúc Bảo, người Lịch Thành-Tề Châu (nay là thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông). Ông là vị đại tướng trứ danh vào đầu đời Đường, võ dũng uy danh khiếp vía một thời, là nhân vật truyền kỳ khuôn mẫu, ông có thể lấy thủ cấp tướng địch trong thiên binh vạn mã như lấy đồ trong túi mình. Ông theo phò cha con Đường Cao Tổ Lý Uyên chẳng xá gì chinh chiến nam bắc khiến vương triều xã tắc Đại Đường bền vững, lập được công lao hiển hách.

Uất Trì Cung (585 – 658), là danh tướng vào cuối đời Tùy đầu đời Đường, tên gọi là Cung, tự là Kính Đức, người Sóc Châu, Thiện Dương (nay là thành phố Sóc Châu, quận Sóc Thành, tỉnh Sơn Tây), ông được phong chức Đô đốc Tịnh Châu, kiêm Tư Đồ, và sau khi mất được phong Thụy Trung Võ, được ban cho chôn cất ở Chiêu Lăng.

Tần Quỳnh và Uất Trì Cung, hai người bởi do dũng mãnh phi thường, đã được phong danh trong số 24 vị công Thần ở Yên Lăng Các. Hai vị đại tướng được xem như là Môn Thần, theo tục truyền có quan hệ tới Đường Thái Tông Lý Thế Dân.

Vào cuối đời Tùy, Dương Đế vô đạo, thiên hạ đại loạn. Công nguyên năm 617, Đường Quốc Công Lý Uyên từ Thái Nguyên khởi binh xuôi nam, đánh dẹp nhà Tùy. Tại địa thế quân sự hiểm trở Trọng Trấn, Lữ châu, Hoắc Ấp (nay là thành phố Hoắc Châu, tỉnh Sơn Tây), Lý Uyên dẫn đầu binh lính nhà Đường, có trận đánh lớn hơn một tháng với tướng nhà Tùy là Tống Lão Sinh, trảm đầu Tống Lão Sinh, sau đó thế như chẻ tre, đánh thẳng xuống Trường An, thành lập nhà Đại Đường. Một nhóm phản quân khác của Lưu Vũ Chu thừa dịp Sơn Tây bỏ trống đã chiếm được hang ổ Sơn Tây của Lý Uyên.

Mùa đông công nguyên năm 619, Lý Thế Dân phụng lệnh cha dẫn binh đánh trả Sơn Tây. Lý Thế Dân thu phục Hà Đông, Bình Dương, sau đó kéo binh tới Hoắc Ấp. Lưu Vũ Chu ra lệnh cho nguyên soái Tống Kim Cương tử thủ Hoắc Ấp, Tống Kim Cương lệnh cho phó tướng Uất Trì Cung trấn giữ Bạch Bích Loan, ngăn cản Lý Thế Dân bắc tiến. Vị đại tướng dưới quyền Lý Thế Dân là Tần Quỳnh, triển khai trận chiến kịch liệt với Uất Trì Cung, hai người đã nhiều lần giao chiến nhưng khó phân cao thấp. Lý Thế Dân nảy sinh yêu mến tài và tâm của Uất Trì Cung, mong muốn thu phục ông. Uất Trì Cung nói chỉ cần Lưu Vũ Chu không chết, bản thân ông sẽ không làm phản. Lý Thế Dân liền nghĩ ra một biện pháp là giết một người có tướng mạo rất giống Lưu Vũ Chu, ngay sau đó đem thủ cấp đến chỗ Uất Trì Cung, Uất Trì Cung nghĩ là thật, nên đã quy thuận Lý Thế Dân.

Về sau Lý Thế Dân nghỉ đêm tại nha môn Hoắc Ấp, ông nhiều lần gặp hai người không đầu trong giấc mộng làm ông giật mình tỉnh giấc. Lý Thế Dân mới suy xét cẩn thận, một người giống với tướng nhà Tùy là Tống Lão Sinh - người bị trảm đầu tại Hoắc Ấp vào năm công nguyên 617, còn người kia lại giống với người giả làm Lưu Vũ Chu bị cắt đầu. Hai con quỷ không đầu này lúc nào cũng quấy rối khiến cho Lý Thế Dân đứng ngồi không yên. Lý Thế Dân triệu kiến Từ Mậu Công để cầu kế. Từ Mậu Công nói rằng: “Chúa công giết người oan uổng như Lưu Vũ Chu này vì nóng lòng thu hàng Kính Đức tướng quân, Chúa công có thể phái Kính Đức tướng quân ban đêm trông coi nha môn, biết đâu được yên ổn”.

Lý Thế Dân theo lời, sai Uất Trì Cung giữ cửa. Quả nhiên oan hồn của người giống Lưu Vũ Chu kia không hề tới quấy nữa, nhưng mà oan hồn giống Tống Lão Sinh kia vẫn tới. Lý Thế Dân lần nữa cầu kế với Từ Mậu Công. Từ Mậu Công nói rằng “Thần nghe thấy Tống Lão Sinh tuy là tướng Tùy nhưng trung dũng đáng khen, Nghe nói Tống Lão Sinh vô cùng kính phục thái độ đối nhân xử thế của Tần nhị ca, Chúa công thử phái thêm Tần nhị ca giữ cửa nha môn ban đêm, có lẽ được yên”.

Lý Thế Dân theo lời, phái thêm Tần Quỳnh ban đêm giữ cửa nha môn. Quả nhiên oan hồn Tống Lão Sinh cũng không đến nữa.

Việc này về sau truyền ra dân gian, người ta đua nhau dán bức họa Tần Quỳnh và Uất Trì Kính Đức trên cửa. Từ đó về sau, hai người họ liền trở thành Môn Thần, người ta noi theo nhau mà thành tập tục. Thời Tống, hình vẽ Môn Thần từng bước phát triển thành nhiều nội dung phong phú, hàng loạt tranh Tết với nhiều hình thức.

Ngoài ra, trong sử sách còn ghi nhận một vị Môn Thần, đó chính là Thành Khánh, một vị dũng sĩ thời cổ đại. Ghi chép trong “Hán thư – Quảng Xuyên Vương truyền” của ông Ban Cố, trên cửa điện của Quảng Xuyên Vương (Khứ Tật) có vẽ hình vị dũng sĩ cổ xưa Thành Khánh, mặc áo ngắn quần lớn mang trường kiếm.

Thiện Tâm
Theo: Tiêu Phàm



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Tranh vẽ môn Thần cổ đại là vẽ nhân vật nào?