Trên thảo nguyên tình cờ gặp Thành Cát Tư Hãn - Ký ức Đế quốc huy hoàng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lấy bốn bể là nhà nên Đế quốc Mông Cổ không hề tích lũy tài sản báu vật, mà trái lại, tài phú có được đều phân phát rộng khắp, thuận dòng chảy vào nhân gian, tự nhiên trở thành thương phẩm tự do lưu thông trên thị trường. 

Chuyến ngao du thảo nguyên Mông Cổ

Ngày hè năm ấy, một người bạn đề nghị với giọng nói vui mừng: “Có ai muốn đi thăm đại thảo nguyên Mông Cổ không?”

Câu hỏi đột ngột đó được mọi người hưởng ứng ngay, đồng thanh nói được. Chúng tôi đang ở Tân Cương, thành phố Cáp Mật, chỉ cần đi hơn 10 giờ đồng hồ về phía Đông là đến thảo nguyên. Việc này không có gì lạ, hôm sau lập tức lên đường, mọi người đều nóng lòng muốn thấy ngay thảo nguyên mênh mông.

Suốt đường đi không cảm thấy mệt nhọc, bởi vì quang cảnh tuyệt đẹp cùng ánh sáng mặt trời lấp lánh biến đổi không ngừng dọc theo lộ trình, cảnh vật bên ngoài xe chuyển dần từ sa mạc cát vàng khô cằn sang mờ xa dải xanh thảo nguyên Mông Cổ, rồi các đàn dê, ngựa đan xen, những phong cảnh ngoài biên giới chưa thấy bao giờ khiến chúng tôi tấm tắc hân hoan, đến việc dừng xe dùng bữa cũng muộn, vội vội lên đường, chỉ mong nhanh nhanh tới nhìn thảo nguyên mênh mông hùng vĩ.

Vài giờ sau, xe cạn nhiên liệu, nhưng chúng tôi đã thấy được thảo nguyên, may sao ngay bên thảo nguyên có trạm xăng. Đất Mông Cổ đã bao bọc chúng tôi, tất cả vội xuống xe nhìn ra xa ngắm thảo nguyên vô biên vô tế, rồi đồng thanh thốt lên: “Ôi thảo nguyên đẹp quá!”, “Chúng ta cuối cùng đã thấy thảo nguyên rồi!”.

Khi thấy hai nhân viên trạm xăng trông như người Hán đang bưng miệng cười và thì thầm gì đó, trông họ rất thiện lương, tôi thuận miệng hỏi: “Từ đây đến đại thảo nguyên Hô Luân Bối Nhĩ còn bao xa?”

Họ cười đáp: “Xa đấy! đó không gọi là thảo nguyên, các anh vẫn chưa thấy thảo nguyên đâu!”

Nói xong hai người lại bưng miệng cười, tôi có chút hoài nghi, nhưng cũng bị lây sự vui vẻ của họ, nghĩ đây chẳng phải là thảo nguyên sao? Rộng lớn quá đi! Đây không gọi là thảo nguyên, vậy thảo nguyên thực sự sẽ đẹp đến nhường nào! Bị họ cười như vậy, lại càng nóng lòng thấy thảo nguyên, mau chóng lên xe, tăng tốc mà đi.

Không lâu sau, cảnh sắc bắt đầu thay đổi, lại còn biến đổi toàn diện, tất cả cảnh tượng là thảo nguyên một màu bất tận. Khi trước, cái mà chúng tôi vui mừng nhìn thấy, đó chỉ là một phần biên duyên nhỏ bé của thảo nguyên, thảo nào người bản địa bưng miệng cười chúng tôi.

Ở các thị trấn nhỏ quanh đó, khuôn mặt người ta không kể nam nữ đều tròn trịa, không giống người Tây Tạng có ngũ quan vuông vức. Rồi còn thấy nhiều đàn ông mặc y phục Mông Cổ sắc màu rực rỡ, lại còn nạm vàng đầy khắp, người đứng kẻ ngồi, nói cười vui vẻ, cứ ngỡ như lạc vào trường quay điện ảnh của Mông Cổ, nhưng kỳ thực đây chỉ là một góc trong sinh hoạt đời thường của họ mà thôi.


Những thợ săn Mông Cổ và những chú đại bàng săn mồi. (Ảnh wikipedia/ CC BY SA 3.0)

Trời tối dần, mà đại mạc thảo nguyên Hô Luân Bối Nhĩ còn xa, khẳng định là đến đêm vẫn chưa đến nơi, đã vào đất Mông Cổ, bữa tối tất nhiên là ăn một bữa ra trò các món ăn Mông Cổ, rồi ngủ một đêm ở lều Mông Cổ.

Tất cả các món đều là thịt bày ra, khiến chúng tôi ăn một bữa no nê, nhưng những căn lều san sát có đủ điện nước lại không làm chúng tôi động tâm, mà một bức tranh vẽ Hoàng đế triều Nguyên treo trên tường của quán ăn, đã lưu lại trong chúng tôi ký ức sâu đậm.

Ký ức Hoàng đế vĩ đại và Đế quốc huy hoàng

Rõ ràng là, hoàng tộc của họ đều có khuôn mặt vuông, trán rộng, cằm tròn đầy, kẻ hậu thế vài trăm năm là tôi, vừa nhìn qua đã thấy hoàng tộc Nguyên triều không có chút gì hung hãn, trông thật ôn hòa thân thiện, ánh nhìn từ ái từ đôi mắt như muốn nói: “Hoan nghênh đến với đế quốc Đại Mông Cổ”.

Trong đó, bức vẽ đầu tôi đã ngắm rất lâu, bởi vì nhãn thần của ông ấy khác hẳn với các vị khác trong hoàng tộc, ngoài từ thiện còn chứa đầy trí tuệ, kiên định vô cùng. Sau đó tôi xem kỹ mới biết đó chính là Thành Cát Tư Hãn (nay bảo tàng cố cung Đài Bắc Đài Loan có lưu chân tích-Nguyên đại đế, tranh chân dung bán thân).

Thành Cát Tư Hãn (1162~1227) là một vị anh dũng nhân ái, nghĩa khí trùm bốn phương, là Đại Hãn đầu tiên của đế quốc Mông Cổ, tên Thiết Mộc Chân, người bộ lạc Khất Nhan, dòng Bột Nhi Chích Cân, Mông Cổ, quật khởi từ đại mạc, thống nhất các bộ tộc, năm Kim Thái Hòa thứ 6 (năm 1206), lên ngôi Hoàng Đế, tôn hiệu Thành Cát Tư Hãn, đặt nền móng triều Nguyên.

Thành Cát Tư Hãn tại vị 22 năm, sau khi ông băng hà ở tuổi 66, đế quốc Mông Cổ vẫn duy trì được 150 năm thịnh thế, là quốc gia có bản đồ rộng nhất trong lịch sử nhân loại. Thời kỳ đỉnh thịnh, năm 1259, quốc thổ vượt qua cao nguyên Mông Cổ, Đông Bắc Á, Tây Bắc Trung Quốc, Tây Nam, Hoa Bắc, Trung Á, Tây Á và Đông Âu, rộng đến 24 triệu km2.

Nhưng trước khi Thành Cát Tư Hãn thống nhất các bộ lạc, thủ lĩnh bộ tộc mạnh nhất, rộng lớn nhất lại là Duy Thái Xích Ô. Nhưng những bộ tộc đã gặp qua Thiết Mộc Chân, đều cảm phục ông khoan dung đại lượng, ngay cả người anh em ruột của Duy Thái Xích Ô cũng từng cảm khái thốt lên: “Thái Xích Ô tuy là huynh đệ của ta, nhưng lại thường lấy trộm ngựa xe, chiếm đoạt lương thực, không có khí độ của bậc quân vương. Có khí độ của bậc quân vương, duy nhất là thái tử Thiết Mộc Chân!”

Thiết Mộc Chân không chỉ có võ công uy dũng, mà còn có lòng khoan dung nhân ái, cùng anh em bộ tộc ăn chung ngủ cùng, không phân trên dưới, ban thưởng rộng rãi, thanh danh vang xa, các bộ tộc đều đồng lòng ủng hộ. Thế rồi các bộ tộc Xích Lão Ôn, Triết Biệt, Thất Lực Ca, Đóa Lang Cát, Trát Thích Nhi, Mang Ngột, đều cảm phục nhân nghĩa mà tới quy thuận.

Thiết Mộc Chân thống nhất các bộ tộc, sau đó, chinh thảo Hạ, Kim, Tây Liêu, bách chiến bách thắng. Người Kim từng phái Hoàn Nhan Hợp Châu, Áo Truân A Hổ đến cầu hòa, Hoàng Đế nói với quần thần: “Trẫm từ khi Ngũ Tinh tụ hội vào mùa đông năm ngoái, đã tự nhủ sẽ thôi cướp giết, nhưng quên hạ chiếu. Nay ta bố cáo trong ngoài, làm người khác cũng rõ ý của ta.”

Sau đó, nhà Hạ tới hàng, được Hoàng Đế sắp xếp cho huyện Thanh Thủy, Tây Giang. “Nguyên sử” viết: “Hoàng Đế thâm trầm mang đại mưu lược, dụng binh như Thần, nên diệt 40 nước, bình định Tây Hạ. Công tích thật kỳ vĩ.”

Trong “Mông Thát bị lục” cũng ghi: “Người này anh dũng quả quyết, có độ lượng, lại bao dung, kính Thiên Địa, trọng tín nghĩa.

Thành Cát Tư Hãn
Thành Cát Tư Hãn (nguồn: Epoch Times)

Trong mắt người phương Tây, Thành Cát Tư Hãn là vị quân chủ sáng lập trật tự thế giới mới. Nhà nhân loại học người Mỹ Jack Weatherford đã dành cả đời, tận lực khảo chứng, đích thân đi tìm mà rút ra kết luận tâm đắc: “Thành Cát Tư Hãn là vị sáng lập lên thế giới cận đại”, viết thành sách những điều suy luận dựa trên khảo chứng thực tế.

Trong các tác phẩm điện ảnh, hình tượng Hoàng Đế Mông Cổ là tàn bạo, nhưng căn cứ theo nghiên cứu của ông, trong phạm vi thống trị của Đế quốc Mông Cổ, có rất nhiều chế độ được sáng lập, ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội hiện đại.

Dưới sự thống trị của Thành Cát Tư Hãn, có định kỳ khảo sát nhân khẩu đồng thời giảm thuế, còn đặc biệt chế định miễn thuế cho các ngành nghề, bao gồm thầy thuốc, thầy giáo, những vị làm công việc liên quan đến Thần linh, cơ cấu giáo dục. Đồng thời, Thành Cát Tư Hãn cũng là vị khai sáng ra hệ thống bưu chính quốc tế, hệ thống mậu dịch quốc tế.

Lấy bốn bể là nhà nên Đế quốc Mông Cổ không hề tích lũy tài sản báu vật, mà trái lại, tài phú có được đều phân phát rộng khắp, thuận dòng chảy vào nhân gian, tự nhiên trở thành thương phẩm tự do lưu thông trên thị trường.

Không chỉ vậy, Thành Cát Tư Hãn còn coi trọng pháp trị, sáng lập cho nhân loại một bộ pháp luật quốc tế đầu tiên, bộ “Trường sinh thiên”, tất cả người trong thiên hạ, bao gồm cả chính ông - Thành Cát Tư Hãn, đều bình đẳng trước luật pháp, từ trên xuống dưới đều phải tuân thủ một bộ pháp lệnh. Ông đồng thời quét sạch trộm cướp, phế bỏ hình phạt tra tấn tàn khốc, không cho phép bắt người làm con tin, trong phạm vi thống trị, bất kể tín ngưỡng gì, đều được hưởng quyền tự do tôn giáo.

Thành Cát Tư Hãn còn là vị viết nhiều văn bản thống trị nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, dân tộc Mông Cổ không định cư một chỗ, không biết luyện kim, trồng lúa, làm đồ sứ, nhưng theo đường chinh phạt các nơi của họ, mà văn minh kỹ nghệ cũng theo đó giao lưu truyền khắp, ví dụ: thuốc súng, in ấn, La bàn, lò rèn, nghệ thuật hội họa Trung Quốc và Ba Tư, từ nhiều tầng diện ảnh hưởng đến Châu Âu, thúc đẩy sự huy hoàng đỉnh thịnh của văn hóa Phục hưng.

Nhà văn Geoffrey Chaucer (1343~1400) là thi nhân kiệt xuất của nước Anh vào giữa thế kỷ này, trong tác phẩm tiêu biểu “Canterbury tales”, đã cho thấy rõ sự kính trọng và tôn sùng của thế nhân đối với Thành Cát Tư Hãn.

Thiết Mộc Chân khi sinh ra tay nắm máu đông cầm thiên mệnh, là điềm kỳ lạ, sử viết khi Thành Cát Tư Hãn xuất sinh: “Thủ ác ngưng huyết như xích thạch. Liệt tổ dị chi, nhân dĩ sở hoạch Thiết Mộc Chân danh chi, chí vũ công dã.” (Tay nắm cục máu đông cứng như đá. Liệt tổ lấy làm lạ, cho nên đặt tên là Thiết Mộc Chân, mang võ công cùng chí hướng.)

Sử tịch Mông Cổ “Thánh vũ thân chinh lục” cũng ghi chép như vậy về Thành Cát Tư Hãn: Hữu thủ ác ngưng huyết, trưởng nhi Thần dị, dĩ hoạch Thiết Mộc Chân, cố mệnh vi thượng danh.” (Tay phải nắm cục máu đông, trông rất phi phàm, đặt là Thiết Mộc Chân, nên tên đã mang thiên mệnh).

Tộc duệ Thiết Mộc Chân thuộc bộ tộc Hắc Thát Đát, thân thể không cao lắm, chỉ khoảng 1m70, mặt rộng ngang, trán hẹp tóc râu thưa, nhưng Thành Cát Tư Hãn lại có hình tướng: “Thân cao khôi vĩ, trán rộng râu dài, nhân vật hùng tráng”, hoàn toàn khác với tộc người Hắc Thát Đát. (Trích trong Mông Đát bị lục).

Thành Cát Tư Hãn dùng pháp luật quản lý giang sơn, khắp thiên hạ người người bình đẳng trước pháp luật, ngay cả bản thân Thành Cát Tư Hãn cũng phải tuân thủ, các khu vực, các bộ tộc được bảo lưu nguyên gốc văn hóa cùng tín ngưỡng. Người Mông Cổ lấy Trời làm màn, lấy Đất làm chiếu, chẳng tích tiền tài báu vật, kỹ nghệ, văn hóa các bộ tộc đều theo dòng mậu dịch quốc tế mà tự do lưu thông, trùng trùng các chế độ tiên phong của xã hội văn minh quốc tế khi ấy, đủ làm cho các chính trị gia đầy dã tâm ngày nay thấy mà xấu hổ.

Nhìn lại các chính khách quyền mưu, cả đời vọng tưởng có ngày sẽ thống nhất thiên hạ, vì danh lợi mà không từ thủ đoạn, đấu tranh giết chóc, hoặc kích động quần chúng đấu tranh, vận động đả phá Thánh Thần, hoặc bạo lực trấn áp, sự âm hiểm xảo trá đó cuối cùng sẽ để lại vết dơ muôn thủa, bị người đời khinh bỉ, không thể đem ra luận bàn cùng Thành Cát Tư Hãn - vị Đế vương mang theo Thiên Mệnh. Điều đặc biệt là, vị sáng lập lên đế quốc hùng mạnh nhất trong lịch sử là người có lòng khoan hậu nhân ái để đời, làm gương soi cho hậu nhân suy ngẫm.

Thái Bình
Theo Hiểu Tịnh - Visiontimes

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Trên thảo nguyên tình cờ gặp Thành Cát Tư Hãn - Ký ức Đế quốc huy hoàng