Trí huệ cổ nhân: Thực hành cần kiệm, khắc chế xa xỉ mới khiến phúc đức lâu dài

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khắc chế tham dục là một mỹ đức cần thiết và quan trọng cũng như tu thân, tề gia, trị quốc. Đối với cá nhân mà nói, cần cù tiết kiệm, không chạy theo xa xỉ, không chỉ là tu dưỡng bản thân mà còn là cách để duy trì gia đình. Đối với quốc gia mà nói, muốn tồn tại và phát triển cần phải tiết kiệm, đây mới là con đường giàu có lâu dài.

Ngày nay, chúng ta vốn đã quá quen với những thông tin về các quan tham nhũng vì người tình mà mạnh tay chi tiền mua túi hàng hiệu dẫn đến bị mất chức. Kỳ thực người xưa rất coi trọng tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Người có đức hạnh sẽ cố gắng thực hành cần kiệm, đó là đức tính tốt đẹp vốn được các Thánh nhân từ xưa luôn sùng bái. Xa xỉ, lãng phí có thể dẫn tới việc tổn đức, gia đình suy vong. Giống như câu nói: “Kẻ xa xỉ hỗn loạn, người cần kiệm an lành, một hung một cát tại nhãn tiền”. Người xưa tin rằng tài phú trong một đời người là do ông Trời đã định và ban cho, tất cả những điều này đều có định số rồi. "Nhất ẩm nhất trác, mạc phi tiền định” (nghĩa là mọi việc đều có nhân quả; dù là động vật hay người đều có số phận được an bài sẵn rồi) .

Người giàu sở hữu nhiều của cải, nếu như xa hoa lãng phí sẽ bị người sinh lòng oán hận, cuối cùng có ngày mất hết tài phú. Những người vừa giàu có và vừa có đức hạnh tốt thì tài phú mới có thể bền lâu. Còn người nghèo, không giàu có, nhưng chăm chỉ cần kiệm, khắc chế lòng tham, dục vọng, làm nhiều việc thiện, việc tốt, sẽ giúp cuộc sống dồi dào, giành được sự tôn trọng và đặt nền tảng vững chắc cho tương lai tươi sáng. Như câu nói, "thanh đạm và tiết kiệm là nguồn gốc của Đạo rộng lớn chân thực; sùng bái xa hoa và phóng túng là căn nguyên của suy đồi đạo đức".

Trong “Chính yếu luận” ở tập 47 của “Quần thư trị yếu” có ghi rằng: “Tu thân trị quốc, quan trọng nhất cần tiết dục. Truyền rằng: ‘dục bất khả túng’. Lịch quan hữu gia hữu quốc, kỳ đắc chi dã, mạc bất giai vu kiệm ước; kỳ thất chi dã, mạc bất do vu xa xỉ. Kiểm giả tiết dục, xa giả phóng tình. Phóng tình giả nguy, tiết dục giả an”.

Câu trên đại ý là muốn nói rằng tu thân và trị quốc không gì quan trọng hơn là tiết chế dục vọng. Sách “Lễ ký” nói: “Dục vọng không thể phóng túng”. Quan sát từ xưa tới nay, những người lãnh đạo gia tộc hay quốc gia mà có được sự thành công, đều dựa vào cần kiệm, tiết ước; vong quốc bại gia, đều là vì xa xỉ, túng dục. Người cần kiệm kiềm chế dục vọng, người xa xỉ phóng túng dục vọng. Những người phóng túng dục vọng sẽ nguy hiểm, và những người tiết chế dục vọng sẽ được an toàn.

Khắc chế tham dục là một mỹ đức cần thiết và quan trọng cũng như tu thân, tề gia, trị quốc. Đối với cá nhân mà nói, cần cù tiết kiệm, không chạy theo xa xỉ, không chỉ là tu dưỡng bản thân mà còn là cách để duy trì gia đình.

Đối với quốc gia mà nói, muốn tồn tại và phát triển cần phải tiết kiệm, đây mới là con đường giàu có lâu dài. “Lịch sử xưa nay nước và nhà của các bậc hiền triết, thành là do cần kiệm, bại là do xa xỉ”. Trong sử sách có vô số tấm gương về tiết kiệm, tại bài viết này xin được chọn ra 3 ví dụ để chia sẻ cùng đọc giả.

Tiền, Lợi Nhuận, Tài Chính, Kinh Doanh, Trở Lại
Ảnh: Pixabay

Hán Văn Đế cần kiệm thương dân ‘dùng đức hóa dân’

Hán Văn Đế từ nước Đại đến đô thành, trị vì 23 năm; cung điện, vườn thú, chó, ngựa, quần áo và đồ dùng không bổ sung gì thêm, nếu có chỗ nào bất tiện cho người dân, ông liền cho sửa đổi, để đem lại lợi ích cho người dân. Có lần ông định xây một ban công và yêu cầu thợ tính toán mức chi phí, và được báo cần 100 cân vàng. Hán Văn Đế nói: "100 cân vàng tương đương với tài sản của 10 nhà dân bậc trung lưu. Ta kính nhận và bảo vệ cung điện của tiên đế, thường lo mang tiếng xấu cho tiên đế. Xây ban công này làm cái gì". Hán Văn Đế thường mặc quần áo lụa dày mà ông yêu thích. Người vợ được ông sủng ái cũng không được phép để quần áo dài chạm đất, và màn trướng không được phép dệt vân thêu gấm, vì để thể hiện sự trung thực và giản dị, cũng như để làm gương cho thiên hạ. Ông cho xây dựng Bá Lăng toàn bộ đều bằng ngói, không được dùng vàng bạc, đồng, thiếc để trang trí, không tu sửa các phần mộ cho thật cao và lớn vì muốn tiết kiệm một chút, không ảnh hưởng tới dân chúng.

Hán Văn Đế đối xử rất độ lượng với dân chúng. Ông từng ban chiếu, chỉ dụ cứu tế những người góa vợ, góa chồng, trẻ mồ côi, người già đơn thân và những người nghèo khổ. Văn Đế còn ra lệnh: "Đối với những người trên 80 tuổi, hàng tháng sẽ được cấp gạo, thịt, rượu nhất định; người trên 90 tuổi cũng được cấp lụa, tơ tằm. Đối với những ai nên được phát gạo, các huyện lệnh của các huyện cần đích thân đi kiểm tra, quan huyện thừa hoặc huyện úy sẽ đưa gạo đến tận cửa nhà dân; những thứ cấp cho người già dưới 90 tuổi sẽ do quan sắc phu, lĩnh sử gửi cho họ; 2.000 quan lớn của các quận trong nước sẽ phái quan đô sứ chịu trách nhiệm giám sát theo chu kỳ các quận trực thuộc, và nếu phát hiện ra người không tuân theo sắc lệnh sẽ bị đốc thúc trừng phạt.”

Hán Văn Đế quý trọng tiền của của người dân, là một vị hoàng đế của một triều đại, số tiền 100 lượng vàng không phải là lớn đối với ông, nhưng vì nghĩ tới lợi ích của dân, cuối cùng ông đã hủy bỏ ý định xây sửa ban công. Hơn nữa, ông lại có thể thấu hiểu được nỗi khổ của người dân, phân bổ chi tiêu hợp lý cho những nơi cần thiết, khiến lão bách tính thực sự có được lợi ích. Tư Mã Thiên đã ca ngợi Hán Văn Đế rằng: “Luôn luôn lấy đức hóa dân, cho nên nơi nơi thịnh vượng, giàu có, hưng thịnh nhờ lễ nghĩa”. (Dịch đại ý là Hoàng đế một lòng một niệm, nỗ lực dùng đạo đức giáo hóa người dân, vì thế bốn phương giàu có, sung túc, hưng khởi, chú trọng phong tục, lễ nghi). Thời kỳ Hán Văn Đế và con trai ông, Hán Cảnh Đế, được gọi chung là "Văn Cảnh chi trị", đã trở thành một thời đại thịnh thế được ghi nhận trong lịch sử Trung Quốc cổ đại, Hán Văn Đế được tôn sùng là mẫu mực về bậc hiền minh đế vương

Refusing the Seat - Anonymous painter during the Song dynasty.jpg
Hán Văn Đế chăm chú nghe Viêng Áng tâu việc, tranh họa thời nhà Tống. (Phạm vi công cộng)

Gia Cát Lượng răn dạy con “tĩnh để tu thân, kiệm để dưỡng đức”

Gia Cát Lượng từng bày tỏ nguyện vọng của mình với Hậu chủ nước Thục: "Thừa tướng có 800 cây dâu và 1500 mẫu đất bạc màu ở Thành Đô. Chi tiêu, ăn mặc hàng ngày của con cháu vốn dư dả. Còn đối với thần giữ chức vụ ở ngoài, không sắp xếp chi tiêu quá mức, đồ ăn mặc đều có quốc gia chu cấp, không cần thêm tài sản gì. Đợi tới khi thần rời xa nhân thế, sẽ không cho phép gia đình có dư thừa tiền bạc, để không phụ lòng tin tưởng và ân sủng của Bệ hạ”. Tới khi ông qua đời, ông thực hiện đúng những lời đã nói. Theo di ngôn, Gia Cát Lượng hạ lệnh cho thuộc hạ chôn ông ở núi Định Quân, Hán Trung và xây lăng mộ dựa theo thế núi, huyệt mộ chỉ đặt đúng quan tài và mặc quần áo bình thường để an táng mà không cần những đồ vật khác.

Vào những năm cuối đời, trong một lá thư cho con trai Gia Cát Chiêm, 8 tuổi, Gia Cát Lượng viết: "Với phu quân tử, lấy tĩnh tu thân, kiệm để dưỡng đức. Không thanh bạch thì không thể minh trí, không yên tĩnh thì không thể đi xa". (Dịch đại ý là hành vi và phẩm đức của bậc quân tử, từ tĩnh để nâng cao tu dưỡng bản thân, dùng tiết kiệm để bồi dưỡng phẩm đức của mình. Không điềm tĩnh, tiết chế dục vọng thì không thể rõ ràng được chí hướng. Nếu không loại trừ can nhiễu từ bên ngoài không thể đạt được những mục tiêu rộng lớn). Bức thư này chính là “Giới tử thư” nổi tiếng được lưu truyền hậu thế, “tĩnh để tu thân, kiệm để dưỡng đức”, đã trở thành câu nói nổi tiếng trong các thời đại và được các thế hệ sau ca tụng.

Gia Cát Lượng là một nhân vật lịch sử Trung Quốc vô cùng nổi tiếng, là một trong những đại diện tiêu biểu cho những bậc trung thần và bậc trí giả của văn hóa truyền thống Trung Quốc. Cũng giống như nhiều nhân vật có phẩm cách cao quý khác, danh tiếng về đức tính cần cù, tiết kiệm của ông đã được ghi vào sử xanh và lưu truyền thiên cổ.

Miếu thờ mô tả cảnh Lưu Bị ủy thác lại triều đình cho thừa tướng Gia Cát Lượng. (Ảnh: Wikipedia)

Tư Mã Quang chủ trương tiết kiệm, đạm bạc vật chất

Tư Mã Quang thờ ơ với vật chất. Ở Lạc Dương, ông có 300 mẫu ruộng, khi vợ mất, ông đã bán điền sản để làm tang lễ. Cho tới lúc qua đời, ông vẫn luôn ăn uống đạm bạc, mặc đồ đơn giản. Theo "Tống sử" ghi lại, Nhân Tông ban thưởng trị giá hơn một triệu tiền, Tư Mã Quang đã nhiều lần dẫn đầu các quan dâng tấu chương, cho rằng: "Quốc gia lâm vào cảnh khó khăn, trong ngoài khốn quẫn, bần cùng, nghèo khổ, không thể lặp lại câu chuyện Càn Hưng (1). Nếu không thể khước từ ban thưởng, cần phải cho phép bề tôi hiến tặng tiền dùng vào việc giúp xây lăng tẩm”. Triều đình không cho phép. Sau đó, Tư Mã Quang đã dùng vàng bạc, châu báu mà mình được ban, tặng anh em vợ, nghĩa là gia đình không che giấu tài sản.

Tư Mã Quang đã viết cho con trai của mình, Tư Mã Khang, trong bản gia huấn, dạy dỗ con cần phải tiết kiệm. Ý tứ của ông là: "Những người có đức hạnh đều bắt đầu bằng sự tiết kiệm. Bởi vì nếu tiết kiệm, sẽ bớt tham dục. Nếu người có địa vị ít tham dục sẽ không bị ngoại vật sai khiến, có thể đi được con đường chính trực. Nếu người không có địa vị, ít tham dục, thì có thể ước thúc bản thân, tiết chế chi tiêu, tránh tội ác, khiến gia đình sung túc. Vì thế mới nói: ‘Tiết kiệm là đặc điểm chung của các đức tính tốt’. Nếu xa xỉ sẽ tham dục, người có địa vị nếu tham dục sẽ tham ác, hâm mộ phú quý, không đi theo chính đạo, chiêu mời tai họa. Người không có địa vị nếu tham dục sẽ bằng mọi cách mưu cầu, tùy ý phung phí, bại hoại gia đình, đánh mất sinh mệnh. Vì thế, người làm quan nếu như xa xỉ, chắc chắn sẽ tham nhũng, nhận hối lộ. Người dân thường nếu phung phí, chắc chắn sẽ trộm cắp tiền bạc của người khác. Vì vậy, chúng ta nói: 'Xa xỉ là việc ác xấu xa nhất".

Tư Mã Quang là người kính cẩn, tiết kiệm, chính trực, ông giáo dục con trai rất nghiêm khắc. Ông lo lắng lề thói xa hoa của xã hội sẽ ảnh hưởng đến giới trẻ nên đã viết ra một cuốn sách gia huấn, mong thế hệ mai sau sẽ phát huy gia phong tiết kiệm, không nên xa xỉ hoang phí. Cuốn gia huấn này chính là "Huấn kiện thị khang", được các thế hệ sau bàn luận say sưa, và thường được dùng như lời khuyên răn.

Minh An

Theo secretchina

Chú thích: (1) Tức năm Càn Hưng, Tống Chân Tông băng hà, Hoàng hậu Lưu Nga chuyên quyền xưng chế, sát hại triều thần phản đối.



BÀI CHỌN LỌC

Trí huệ cổ nhân: Thực hành cần kiệm, khắc chế xa xỉ mới khiến phúc đức lâu dài