Trí thức Trung Quốc đã đánh mất tinh thần truyền thống?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các trí thức đương đại Trung Quốc chắc chắn đang bị mắc vào một cảnh ngộ khốn đốn về tinh thần và tự do. Một mặt, rất nhiều học giả đã hợp tác với nhu cầu của chính phủ, hoặc rao giảng những lời sai trái, hoặc vòng vo Tam Quốc, hoặc im lặng để tự bảo vệ mình. Mặt khác, một nhóm giới tinh hoa chân chính đã bị chính quyền đàn áp vì tuân thủ đạo đức, chính nghĩa, và họ đã phải trả một cái giá rất lớn bằng sự nghiệp, gia đình và sự an toàn tính mạng.

Sống trong thời loạn thế, nếu trí thức muốn theo đuổi cảnh giới nhân cách của nhóm đặc biệt được định hình bởi văn hóa truyền thống này, họ cần có lòng dũng cảm cực lớn và phải đương đầu với những thử thách gian nan.

Tinh thần của trí thức truyền thống là gì? Câu trả lời là rất rộng. Nó bao gồm tinh thần tín sử, mỹ đức người quân tử, ý thức lo lắng cho dân tộc, quốc gia, xả thân vì nghĩa, dũng cảm đảm nhận trách nhiệm xã hội. Giới sĩ phu cổ đại nổi lên vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, họ được đối xử đặc biệt vì sức mạnh tư tưởng và tích cực tham gia chính trị của họ. Trong lịch sử, những minh quân trị vì đất nước đều lễ hiền đãi sĩ. Sức mạnh của văn hóa và sự cao quý của nhân cách đã cho phép những trí thức cổ đại được tự do tung hoành trong trời đất.

Tinh thần tín sử

Năm Lỗ Tương Công thứ 25 thời Xuân Thu (548 TCN), đại thần của nước Tề là Thôi Trữ đã bày kế để giết quốc quân Tề Trang Công, người đã quấy rối vợ ông ta. Quan Thái sử của nước Tề viết thẳng: “Thôi Trữ giết vua”. Thôi Trữ tức giận giết chết sử quan. Em trai của quan Thái sử đã cầm bút và viết: “Thôi Trữ giết vua”. Người em trai đó lại bị giết. Người em trai thứ hai của quan Thái sử vẫn cầm bút viết sự thực, Thôi Trữ đành phải dừng lại. Cùng lúc đó, quan Nam sử ở xa nghe được tin tức liền mang theo thẻ tre đi gấp đến nước Tề, chuẩn bị ghi lại sự thực lịch sử.

Sự hào hùng thề chết để bảo vệ sự thực đã tạo nên một di sản văn hóa và đạo đức quý báu.
Sự hào hùng thề chết để bảo vệ sự thực đã tạo nên một di sản văn hóa và đạo đức quý báu. (Epoch Times)

Sự hào hùng thề chết để bảo vệ sự thực đã tạo nên một di sản văn hóa và đạo đức quý báu. Cầm bút viết thẳng thắn đã thành tựu Chân - Tín - Thành, điều này đã để lại tiếng thơm muôn đời.

Tinh thần quân tử

“Trời vận hành mạnh mẽ, người quân tử tự cường không ngừng nghỉ. Địa thế khôn, người quân tử đức dày tải vật”.

Quân tử tức là “con của vua” (quân chi tử), đã trở thành tiêu chuẩn đánh giá đạo đức. Gia Cát Lượng đã viết trong Giới tử thư (Thư răn dạy con) rằng:

“Nết người quân tử, tĩnh để tu thân, kiệm để dưỡng đức. Không đạm bạc chí chẳng sáng soi, không yên tĩnh tiến xa chẳng nổi”.

Tâm cảnh điềm đạm vô vi được thể hiện trong câu thơ "Giậu đông hái đoá cúc nhà; Nam sơn thanh thản cho ta ngóng về". Tâm hồn rộng lớn hòa tan trong tự nhiên không phải là một sự trốn tránh thụ động khỏi thế giới, mà là sự sáng suốt thấu triệt của việc từ bỏ ham muốn vật chất.

Người quân tử như hoa lan hoa mai, cao khiết thanh nhã, kiêu hãnh bất khuất. "Không khom lưng vì 5 đấu gạo", "Sao có thể cụp mày khom lưng thờ phụng quyền quý". Sự theo đuổi và tiết tháo song song đã để lại vô số giai thoại đẹp.

Tâm hồn rộng lớn hòa tan trong tự nhiên không phải là một sự trốn tránh thụ động khỏi thế giới, mà là sự sáng suốt thấu triệt của việc từ bỏ ham muốn vật chất.
Tâm hồn rộng lớn hòa tan trong tự nhiên không phải là một sự trốn tránh thụ động khỏi thế giới, mà là sự sáng suốt thấu triệt của việc từ bỏ ham muốn vật chất. (ntdtv.com)

Lo cho dân cho nước, dám trực ngôn can gián

“Ở ngôi cao chốn công đường thì lo cho dân, ở chốn sông hồ xa xôi thì lo cho vua”; “Lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ”. Câu nói nổi tiếng của Phạm Trọng Yêm đã nói lên sự cao quý của con người sống trên đời. Bất kể là tiến hay thoái thì trong lòng đều lo cho thiên hạ, đặt lợi ích cá nhân ở sau cùng.

Nhiều bậc văn nhân, học sĩ đều háo hức mong được phò tá quân vương và cống hiến tài năng cho giang sơn xã tắc. Lý Bạch diệu bút viết về hùng tâm của mình rằng: “Nguyện lấy gươm bên hông, xông chém giặc Lâu Lan”; “Nếu ta được dùng như Tạ Thạch, vì vua quét sạch lũ giặc Hồ”. Đỗ Phủ đã từng nói: “Giúp vua vượt Nghiêu Thuấn, lại khiến phong tục thuần”.

Bốn câu nói nổi tiếng của Trương Tái, một đại Nho thời Bắc Tống: “Vì Trời Đất lập tâm, vì nhân dân lập mệnh, vì cổ Thánh tiên hiền kế tục tuyệt học, mở nền thái bình cho muôn đời”, đã viết nên nghĩa khí rộng lớn coi thiên hạ là trách nhiệm của bản thân.

Văn Chính Công (tức Phạm Trọng Yêm - nhà giáo dục, đại Nho thời Bắc Tống) cũng nói: "Thà lên tiếng rồi rồi chết chứ không sống mà lặng im". Những quan đại thần trung thành của các triều đại trước đây đều có tấm lòng son sắt sáng như gương. Ngụy Trưng - tể tướng thời Đường, đã can gián hoàng đế hơn 200 lần và khiến hoàng đế nhiều lần không vui. Sau khi Ngụy Trưng qua đời, Đường Thái Tông vô cùng đau buồn, ông đã bãi triều 5 ngày để cử hành tang lễ cho Ngụy Trưng, và lệnh cho văn võ bá quan đến đưa tang.

Sau khi Ngụy Trưng qua đời, Đường Thái Tông vô cùng đau buồn, ông đã bãi triều 5 ngày để cử hành tang lễ cho Ngụy Trưng, và lệnh cho văn võ bá quan đến đưa tang.
Sau khi Ngụy Trưng qua đời, Đường Thái Tông vô cùng đau buồn, ông đã bãi triều 5 ngày để cử hành tang lễ cho Ngụy Trưng, và lệnh cho văn võ bá quan đến đưa tang. (ntdtv.com)

Phạm Trọng Yêm nhiều lần bị giáng chức vì dám nói dám làm và chưa bao giờ thay đổi tính chính trực của mình. Năm xưa, Tống Nhân Tông rất đau buồn khi biết tin Phạm Trọng Yêm qua đời, ông đã bãi triều một ngày để bày tỏ nhớ thương, và truy phong Phạm Trọng Yêm Thượng thư Bộ Binh, đồng thời lập bia và ngự bút viết tặng 4 chữ “Bao hiền chi bi” (Bia ca ngợi người hiền tài).

Vì nghĩa xả thân

Văn Thiên Tường, một danh thần thời Nam Tống bị bắt làm tù binh nhưng ông kiên trung bất khuất. Trong thư gửi người thân, ông viết: "Ai chẳng có tình cốt nhục với vợ con? Nhưng hôm nay sự việc việc đã đến thế này rồi, nên chết vì nghĩa, đó là số mệnh". Hổt Tất Liệt - hoàng đế nhà Nguyên, đích thân thuyết phục ông đầu hàng, Thiên Tường trả lời: "Ngoài một cái chết ra thì không làm bất cứ điều gì khác".

Tống sử có ghi lại: "Khi bị tra tấn, Thiên Tường rất bình tĩnh thong dong, nói với sĩ tốt rằng: ‘Việc của ta hết rồi’. Sau đó quay về phương Nam bái biệt rồi chết. Mấy ngày sau, vợ ông là Âu Dương thị nhận xác ông, gương mặt vẫn như còn sống, năm đó ông 47 tuổi. Trong đai áo của ông có lời ca ngợi rằng: "Khổng Tử nói thành nhân, Mạnh Tử nói thủ nghĩa, duy có ông là đến tận cùng của nghĩa, do đó đạt đến chí nhân vậy. Đọc sách Thánh hiền, điều học được, ngày nay hay mai sau cũng không hổ thẹn' ".

Anh kiệt ngày nay

Tinh thần của quân tử và sĩ phu truyền thống của Trung Quốc không hề lụi tàn mà còn được thể hiện trong một giai điệu bi tráng và hùng tráng hơn trên đất Trung Hoa.

Học giả Đàm Tùng của Trùng Khánh trong nhiều năm đã điều tra ra sự thật lịch sử của ĐCSTQ. Vì lý do này, ông bị buộc tội "thu thập mặt tối của xã hội" và bị giam giữ trong 39 ngày vì tội "lật đổ chính quyền nhà nước". Năm 2017, ông lại bị Đại học Sư phạm Trùng Khánh đuổi việc.

Học giả Đàm Tùng bị buộc tội "thu thập mặt tối của xã hội" và bị giam giữ trong 39 ngày vì tội "lật đổ chính quyền nhà nước".
Học giả Đàm Tùng bị buộc tội "thu thập mặt tối của xã hội" và bị giam giữ trong 39 ngày vì tội "lật đổ chính quyền nhà nước". (Ảnh chụp video)

Tại sao Đàm Tùng dũng cảm tiến bước vì chính nghĩa? Vì muốn lưu lại lịch sử và không chịu để dòng lịch sử đẫm máu bị nuốt chửng và nhấn chìm. Ông nói: "Năm 1957, hơn 550.000 trí thức nhà tan thân nát, và cả quốc gia bắt đầu hướng tới sự dối trá và tàn ác nhiều không kể xiết. Auschwitz chỉ thiêu hủy sinh mệnh nhục thể, còn chủ nghĩa toàn trị Cộng sản cũng thiêu hủy “Thế giới bản lai” của sinh mệnh - bản tính nguyên thủy Chân, Thiện, Mỹ trong bản tính con người. Nếu tội ác này không bị vạch trần, thanh lý, phê phán thì dân tộc ta dù Đảng Cộng sản có chết cũng không thể thực sự “đứng dậy” nổi”.

Dương Thiệu Chính, một nhà kinh tế học nổi tiếng của Trung Quốc, từng đăng một bài báo tiết lộ rằng ĐCSTQ nuôi dưỡng khoảng 20 triệu cán bộ chuyên trách của đảng và nhân viên của các hiệp hội ngoài đảng, điều này tiêu tốn khoảng 20 nghìn tỷ nhân dân tệ (gần 3.000 tỷ đô la), gánh nặng bình quân đầu người là 15.000 nhân dân tệ (hơn 2.000 đô la) mỗi năm.

Một giáo sư dám nói sự thật và được sinh viên ca ngợi như vậy đã bị đuổi khỏi Đại học Quý Châu vì tội "xuất bản và phổ biến ‘ngôn luận sai lầm chính trị' trên Internet trong một thời gian dài".

Vào tháng 7 năm 1999, Nhóm Giang Trạch Dân của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phát động một cuộc đàn áp đối với các nhóm Pháp Luân Công. Khi các học viên Pháp Luân Công phải đối mặt với tra tấn, lạm dụng, các cáo buộc bất hợp pháp và các phiên tòa vô lý, hơn một trăm luật sư bao gồm Quách Quốc Đinh, Cao Trí Thịnh, Vương Toàn Chương, Vương Vĩnh Hàng, Vương Vũ, Giang Thiên Dũng đã dũng cảm bước ra lên tiếng bênh vực các học viên Pháp Luân Công, và cung cấp trợ giúp pháp lý và biện hộ vô tội cho các học viên thiện lương.

Vào tháng 7 năm 1999, Nhóm Giang Trạch Dân của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phát động một cuộc đàn áp đối với các nhóm Pháp Luân Công.
Vào tháng 7 năm 1999, Nhóm Giang Trạch Dân của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phát động một cuộc đàn áp đối với các nhóm Pháp Luân Công. (Ảnh chụp video)

Ngày 31 tháng 12 năm 2004, Luật sư Cao Trí Thịnh đã viết thư cho Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Đảng Cộng sản Trung Quốc, yêu cầu Đảng Cộng sản ngừng bức hại các học viên Pháp Luân Công. Ông từng nói: “Cho dù khi bức thư này phát hành, thì đó cũng là lúc tôi bị cầm tù”. Năm 2005, Cao Trí Thịnh đã ba lần liên tiếp viết thư cho lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vạch trần cuộc bức hại tàn khốc đối với các học viên Pháp Luân Công.

Ngày 13 tháng 9 năm 2016, vụ án của các học viên Pháp Luân Công Chu Hướng Dương và Lý San San đã mở ra tại Thiên Tân. Bốn luật sư Dư Văn Sinh, Trương Tán Ninh, Thường Bá Dương và Trương Khoa Khoa đã chỉ ra trước tòa rằng cuộc đàn áp Pháp Luân Công của Giang Trạch Dân là bất hợp pháp và vi hiến. Họ cũng khảng khái tuyên bố rằng niềm tin vào "Chân, Thiện, Nhẫn" là có trăm điều lợi cho đất nước và xã hội mà không có bất kỳ một một cái hại nào.

Một luật sư có lương tâm khác là Vương Toàn Chương đã bị ĐCSTQ buộc phải ‘biến mất’ trong ba năm rưỡi và bị kết án bốn năm rưỡi tù một cách bất hợp pháp. Anh từng nói: "Phải va chạm với họ, tiếp tục va chạm và chiến đấu với họ!"

Luật sư Cao Trí Thịnh trước vào sau khi ra khỏi tù ở Trung Quốc.
Luật sư Cao Trí Thịnh trước vào sau khi ra khỏi tù ở Trung Quốc. (Tổng hợp)

Luật sư Cao Trí Thịnh nói: "Đó là một đặc ân khi bôn ba vì ngày mai của một trong những quốc gia vĩ đại nhất trên thế giới. Điều này đủ để khiến một công dân bình thường nhiệt huyết dâng trào!"

Có vô vàn trường hợp cảm động. Hết đợt này đến đợt khác những công dân Trung Quốc bình thường và vĩ đại đã dùng mạng sống của mình để đề cao lương tâm và đề cao công lý, thể hiện tình cảm cao cả. Họ coi thường danh lợi, không chạy theo xu hướng, dũng cảm rèn luyện, cống hiến. Đó chẳng phải chính là sự truy cầu của “tín sử”, chẳng phải lột tả “Uy vũ không thể khuất phục nổi, phú quý không thể mê hoặc nổi” đó sao? Họ đã đi trên con đường đầy chông gai, xuyên thủng mạng lưới khủng bố đỏ, bảo vệ vững chắc tinh thần đạo đức truyền thống của dân tộc Trung Hoa.

“Chớ trách vô tâm với cảnh thanh, nguyện đem thư kiếm báo minh quân”. Trong thời kỳ nền chính trị trong sáng thì mới dung nạp được thư và kiếm của hiền sĩ và tuấn kiệt. Trong thế giới mê đắm hỗn loạn, càng thấy rõ lòng sắt son của những nghĩa sĩ yêu nước.

Trung Hòa
Theo Điền Vân - Epoch Times tiếng Trung



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Trí thức Trung Quốc đã đánh mất tinh thần truyền thống?