Trí tuệ cảm xúc cao nhất: Không dùng lời nói lấn át người

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sự giao tiếp chân thành khiến những hòn đảo đơn độc kết nối thành lục địa.

Nhà thơ Tô Thức đã viết một câu nói được lưu truyền qua nhiều thời đại: “Trên thì tôi có thể theo Ngọc Hoàng đại đế, dưới tôi có thể cùng với người ăn xin. Tôi có thể thấy trên thế giới này không có người xấu”.

Với trái tim rộng lớn như vậy, Tô Thức hiếm khi có bất kỳ mâu thuẫn nào với người khác. Nhưng mọi thứ đều có ngoại lệ, và học giả Trình Di chính là ngoại lệ đó. Lý do là Tô Thức ‘khẩu không tha người’.

Vào năm Nguyên Hựu thứ nhất triều đại Bắc Tống, Tư Mã Quang qua đời, và đám tang của ông trùng đúng ngày lễ Thái Miếu. Sau khi Tô Thức tham dự buổi lễ Thái Miếu vào buổi sáng, ông đã đến phủ của Tư Mã Quang vào buổi chiều để phúng viếng.

Trình Di chặn cửa ngăn không cho Từ Thức bước vào. Trình Di nói: “Tử ưthị nhật khốc, tắc bất ca” (Khổng Tử ngày nào khóc thì không ca hát). Ngụ ý là ng vừa ca hát xong, làm sao có thể tới dự đám tang?"

Tô Thức phản bác lại rằng, Khổng Tử chỉ không thể ca hát sau khi khóc tang, nhưng không nói rằng không thể khóc sau khi ca hát. Nói xong, ông còn cười nhạo Trình Di trước mặt mọi người là cổ hủ và cứng nhắc, lời nói nghe thì có vẻ phù hợp với nghi thức cổ xưa, nhưng thật ra chẳng qua là hành động thô lỗ.

Trình Di nói không lại được, tức giận tới đỏ bừng mặt, hai người từ đó kết oán với nhau.

Trong những thập kỷ sau đó, các môn sinh và đệ tử của hai người không ngừng tranh cãi, thậm chí náo động đến mức nước lửa không dung.

Nhà văn Vương Mông nói: “Đừng luôn cố gắng giành thế thượng phong bằng lời nói”.

Việc dùng lời để thắng người là sát thủ lớn nhất với các mối quan hệ. Nói chuyện luôn cứ lấn át người khác, và những người như vậy sẽ phải trả giá.

1. Không dùng lời nói để thắng người, đó là trí tuệ cực kỳ cao

Nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Gorman đã viết trong cuốn sách “Trí tuệ cảm xúc”: “Bạn có thể khiến người khác thoải mái tới đâu, quyết định độ cao bạn có thể đạt được”.

Nếu bạn làm người khác xấu hổ, người khác cũng sẽ không làm bạn cảm thấy dễ chịu, bạn làm cho người khác thoải mái, thì người khác có thể làm cho bạn thoải mái. Nếu bạn luôn muốn dùng lời nói lấn át người khác, sớm muộn gì bạn cũng phải chịu tổn thất lớn.

Nếu bạn luôn muốn dùng lời nói lấn át người khác, sớm muộn gì bạn cũng phải chịu tổn thất lớn (Ảnh: pixabay)
Nếu bạn luôn muốn dùng lời nói lấn át người khác, sớm muộn gì bạn cũng phải chịu tổn thất lớn (Ảnh: pixabay)

Thời nhà Đường, Ngụy Trưng là một thừa tướng nổi tiếng, được biết đến với những lời khuyên thẳng thắn. Một lần Hoàng đế Đường Thái Tông muốn thay đổi độ tuổi phục vụ của đàn ông từ 21 thành 18. Ngụy Trưng ra sức khuyên can, trên đại đường chỉ trích Hoàng đế tiêu hao sức dân, chỉ biết cái lợi trước mắt mà không chú ý tới lợi ích lâu dài. Đường Thái Tông nói không lại, và cuối cùng chấp nhận ý kiến ​​của Ngụy Trưng, nhưng trong lòng Hoàng đế cảm thấy không thoải mái.

Có một lần sau khi khuyên can, Đường Thái Tông trở về cung, thậm chí còn trong cơn thịnh nộ đã nói: “Một ngày nào đó, ta sẽ giết cái tên Ngụy Trưng này”.

May mắn thay, Hoàng hậu đã dùng lời lẽ thuyết phục, nên việc giết Ngụy Trưng đã không xảy ra, nhưng Hoàng đế vẫn phải nói ra lời uất nghẹn trong lòng.

Sau khi Ngụy Trưng chết, những uất hận tích tụ của Đường Thái Tông bùng lên, và cuối cùng ông đã sai người đến đập bia mộ của Ngụy Trưng.

Không ai thích người khác một mực chỉ trích mình ngay cả khi họ đúng.

Benjamin Franklin từng nói: “Đừng bao giờ trực diện đi ngược lại ý kiến ​​của người khác”.

Khi người khác bày tỏ ý kiến ​​mà bạn không đồng ý, nên kiềm chế bản thân trực tiếp ​​phản bác. Trước tiên hãy khen ngợi, sau đó trích dẫn một số điểm đáng bàn luận và đưa ra quan điểm, ý kiến ​​của riêng bạn với thái độ khiêm tốn.

Nếu tranh luận với người khác và chỉ ra lỗi của người khác, bạn sẽ chỉ khiến người khác và chính mình xấu hổ. Mọi người có xu hướng nghĩ rằng họ đúng và tốt. Nếu ai đó phá hủy cảm giác tốt đẹp này trước đám đông, điều đó chắc chắn sẽ làm bùng phát cơn giận dữ của họ.

Nhà văn Đài Loan Thái Khang Vĩnh từng nói: “Nói là một môn nghệ thuật”.

Dù sao bạn cũng nên nghĩ tới thể diện của người khác, không nên làm người khác xấu hổ. Điều ngu xuẩn nhất là thể hiện bản thân qua những sai lầm của người khác. Sau một thời gian dài, những người xung quanh bạn sẽ tự nhiên trở nên lạnh nhạt.

2. Không dùng lời lấn át người, đó là người có tấm lòng khoáng đạt

Khi Trần Đan Thanh còn nhỏ, anh và bạn bè của mình ăn ở quầy hàng. Quầy hàng rất đông khách, phải đợi rất lâu lắm mới có bàn trống. Vì người chủ bận nên họ tự dọn bàn. Bất ngờ, một ông già quần áo lam lũ khăng khăng rằng, ông chưa ăn xong mà đã dọn đồ ăn đi rồi.

Trần Đan Thanh nói: “Cháu sẽ mua suất mới để đền bù cho ông, ông xem thế có được không ạ?”

Ông cụ nói: “Tâm trạng cả ngày của tôi đã bị cậu làm hỏng rồi. Cậu phải bồi thường cho tôi”.

Người bạn cho rằng điều đó thật vô lý và định cãi lý, nhưng Trần Đan Thanh đã lấy ra một số tiền và đưa cho ông lão. Sau khi ông già đi, Trần Đan Thanh nói: "Lý luận với người ngang ngược, thì tiếp theo đó sẽ là những cuộc cãi vã không dứt. Tôi lùi một bước và có thể giảm sự việc tới mức tối thiểu, vậy tại sao không làm? Hơn nữa chúng ta còn có những việc khác phải làm”.

Như người xưa nói, rừng lớn có muôn loài chim. Trên đời này cũng có nhiều người rất vô lý. Nếu mọi thứ cứ phải tranh giành thị phi đúng sai, cuộc sống sẽ luôn nặng nề. Trong nhiều trường hợp, lùi một bước không phải là vì đuối lý, lùi một bước không phải là yếu đuối, mà là tu dưỡng và cảnh giới.

Nếu mọi thứ cứ phải tranh giành thị phi đúng sai, cuộc sống sẽ luôn nặng nề (Ảnh: pixabay)
Nếu mọi thứ cứ phải tranh giành thị phi đúng sai, cuộc sống sẽ luôn nặng nề (Ảnh: pixabay)

Thời Đông Hán có một Nho sinh là Lưu Khoan. Một lần trên đường đuổi bò về nhà, anh ta gặp một người làng, người này nói rằng gia súc của Lưu Khoan là của mình vừa bị chạy lạc mất. Lưu Khoan nhìn thấy quần áo rách rưới của anh ta, và biết rằng con bò là gia tài lớn với anh ta, vì vậy đã cho người đó con bò mà không tranh cãi.

Kết quả là trong vòng vài ngày, người kia đến cửa nhà Lưu Khoan và nói rằng, đã tìm thấy bò, và thừa nhận đã đổ lỗi sai cho Lưu Khoan. Lưu Khoan nói: "Trên đời có quá nhiều chuyện tương tự, đôi khi không tránh khỏi hiểu lầm, đã phiền anh phải mang bò trả lại, lại còn nói lời xin lỗi nữa".

Mọi người trong vùng đều bội phục sự tu dưỡng của anh và lần lượt tiến cử anh, quan lộ của anh rộng mở, được mọi người kính mến, sau này làm tới Thái uý.

Nhiều khi, thay vì tranh cãi ầm ĩ và cố gắng phân biệt đúng sai, không bằng lùi lại một bước. Những người tin tưởng bạn thì không cần phải nói, những người không tin bạn có nói cũng không có tác dụng. Thay vì làm người khác xấu hổ, tốt hơn hết hãy để thời gian lên tiếng, và sự thật tới giải đáp.

3. Không dùng lời lấn át người, đó là người có khả năng đồng cảm

Tôi đã xem một cuộc phỏng vấn của Dịch Lập Cạnh, người được phỏng vấn là ca sĩ Trương Hàm Vận. Trương Hàm Vận trở nên nổi tiếng khi mới 15 tuổi, và công ty quản lý đã đặt ra một loạt quy tắc cho cô: Cô không thể xuất hiện mà không trang điểm, bởi vì cô là một thần tượng. Cô không thể tức giận, vì cô là một thần tượng. Đừng nói những điều vô nghĩa vì cô là một thần tượng...

Cô luôn luôn bị gò ép mọi lúc, mọi nơi, cho đến tuổi trưởng thành. Trương Hàm Vận nói với Dịch Lập Cạnh rằng cô ấy đặc biệt thích diễn xuất, và cảm giác được hòa mình vào vai diễn.

Dịch Lập Cạnh nói: “Tôi đang băn khoăn không biết liệu khi nhập vai, đó là nơi duy nhất bạn có thể thể giao phó trọn vẹn sau khi ra khỏi nhà? Vào vai diễn, bạn không cần phải kiềm chế bản thân, không cần phải thận trọng, không cần phải là một cô gái ngoan, hay không phải nghĩ về mọi quy tắc và ràng buộc xung quanh mình, và không phải nghĩ phải nói những gì Trương Hàm Vận nên làm làm. Bạn hoàn toàn được giải phóng ở đó”.

Sau khi nghe điều này, Trương Hàm Vận ngay lập tức đã khóc, và cô ấy cười và nói ‘cảm ơn’ với Dịch Lập Cạnh. Cô ấy là người đầu tiên hiểu Trương Hàm Vận trong những năm qua.

Trương Hàm Vận nói: “Chính diễn xuất đã cho tôi biết rằng thực sự có thể sống như thế này, và không ai quan tâm đến việc bạn sống như thế nào".

Sự thấu hiểu và cảm thông của Dịch Lập Cạnh đã cho phép Trương Hàm Vận vứt bỏ mọi sự đề phòng, và thể hiện con người thật nhất của mình. Hàng ngàn từ cũng không sánh được với một câu nói: “Tôi hiểu bạn”.

Ngôn ngữ là công cụ để giao tiếp, không phải là vũ khí để chiến thắng người khác. Nhiều người luôn thích “dùng lời nói chế ngự” người khác, và những người như vậy chỉ có thể đem lòng oán hận mà thôi.

Ngôn ngữ là công cụ để giao tiếp, không phải là vũ khí để chiến thắng người khác (Ảnh: pixabay)
Ngôn ngữ là công cụ để giao tiếp, không phải là vũ khí để chiến thắng người khác (Ảnh: pixabay)

Sự đối đầu về ngôn ngữ sẽ chỉ làm cho hai bên xây dựng hai con đê ngăn cách và đối mặt với nhau.

Ông Kim Duy Thuần, người sáng lập “Tuần san kinh doanh”, đã kể một câu chuyện. Để làm tròn bổn phận của một người cha, ở nhà bản thân thường đưa ra ý kiến cho con cái, uốn nắn cho con, căn dặn những việc cần làm. Theo quan điểm của ông, giao tiếp là giáo dục đơn phương một chiều. Tuy nhiên, mối quan hệ của ông và con gái ngày càng xấu đi. Mãi cho đến khi một lần, ông đã lắng nghe những lời phàn nàn của con gái trong gần 5 tiếng đồng hồ, mối quan hệ giữa hai người mới dịu đi.

Lúc này, ông Kim đã nhận ra: Mối quan hệ giữa con người rất đơn giản - bạn nghe tôi, tôi sẽ lắng nghe bạn, chỉ thế thôi.

Mỗi người không phải là một hòn đảo riêng biệt, tất cả mọi người đều liên kết và kết nối với nhau. Hạnh phúc của một người không bao giờ phụ thuộc vào việc anh ta chiến thắng bao nhiêu người, mà là anh ta hiểu được bao nhiêu người.

Giao tiếp chân thành kết nối các hòn đảo biệt lập thành các lục địa, và cho phép mọi người cảm thấy hạnh phúc và thêm sức mạnh khi công nhận nhau. Đây là ý nghĩa của giao tiếp, và là hạnh phúc mà chúng ta luôn tìm kiếm.

Nhà văn Lý Tiểu Mặc nói: “Luôn muốn dùng lời nói để lấn át người khác là hành vi kém thông minh nhất về mặt cảm xúc mà tôi từng thấy”.

Trong mắt họ chỉ có thắng và bại, không có người khác, chỉ có thể diện và không có cảm xúc. Phản bác lại từng câu, từng chữ một cách hùng hồn, chỉ để lấn át người khác, cuối cùng thì mất hết nhân duyên, thua hết nhân phẩm.

Đừng luôn tranh giành hơn thua lời nói, hãy học cách an ủi, lắng nghe và im lặng.

Sự an ủi luôn quan trọng hơn chỉ trích;
Lắng nghe luôn quan trọng hơn nói;
Hiểu biết, luôn quan trọng hơn chiến thắng.

Đây chính là dấu hiệu cho thấy sự trưởng thành của một người, là trí tuệ cảm xúc hàng đầu của một người.

Minh An
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Trí tuệ cảm xúc cao nhất: Không dùng lời nói lấn át người