Trí tuệ cổ nhân: 3 kiểu hàng xóm không cần; 3 kiểu thân thích không qua lại

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Từ xưa cổ nhân đã đưa ra lời khuyên về cách giao thiệp với hàng xóm và họ hàng, và chỉ ra những loại người nào nên tránh qua lại.

Nghe thêm: Radio Văn Hóa

Khổng Tử nói: “Ích giả tam hữu, tổn giả tam hữu. Hữu trực, hữu lượng, hữu đa văn, ích hỹ. Hữu tiện tịch, hữu thiện nhu, hữu tiện nịnh, tổn hỹ.”

Ý nghĩa câu nói là: Có ba kiểu bạn có ích và ba kiểu bạn có hại. Kết bạn với người chính trực, kết bạn với người thành tín và kết bạn với người uyên bác, là điều có lợi. Kết bạn với người quen xu nịnh, với người giỏi a dua, và với người hay ăn nói giảo hoạt, là điều có hại.

Chúng ta nên thận trọng trong việc kết bạn và lựa chọn người tốt mà chơi. Lời khuyên của người xưa cho đến ngày nay vẫn thể hiện trí tuệ sâu sắc.

Trên thực tế, chúng ta nên thận trọng không chỉ trong việc kết bạn, mà cả trong các mối quan hệ xã hội trong cuộc sống, chẳng hạn như với hàng xóm và họ hàng.

Như có câu nói xưa rằng: “Láng giềng có ba kiểu không cần; thân thích có ba kiểu không qua lại”. Từ lâu, người xưa đã đưa ra lời khuyên về cách giao thiệp với hàng xóm và họ hàng, và chỉ ra những loại người nào nên tránh qua lại.

“Ba kiểu láng giềng không cần” là gì?

1. Kiểu người ‘đâm bị thóc thọc bị gạo’

- “Tôi nói với chị một chuyện quan trọng, đừng nói với ai nhé!”
- “Chị vẫn không hiểu tôi, nói đi, tôi sẽ không bao giờ nói cho ai biết”.

Chắc hẳn rằng không ít người đã từng nghe hoặc từng trải qua cuộc trò chuyện như vậy, đặc biệt là các cô bác hàng xóm, ngày nào cũng tụm lại cùng nhau nói chuyện thị phi.

Thực ra nói chuyện về gia đình không có gì sai cả, người xưa có câu nói hay rằng: “Ai không nói sau lưng người khác thì sẽ không bị người khác nói sau lưng”.

Tuy nhiên, có những người hàng xóm bề mặt biểu hiện một kiểu, sau lưng lại kiểu khác, khi ở trước mặt thì nói tốt nhưng sau lưng lại thích buôn chuyện, nói xấu người khác. Người hai mặt như vậy đã đi xa khỏi những câu chuyện gia đình thông thường, đó là biểu hiện của sự thiếu đạo đức, khi gặp hàng xóm như vậy thì chúng ta nên tránh xa.

2. Kiểu người chỉ muốn nhận mà không muốn cho đi

Như có câu tục ngữ: “Bán anh em xa mua láng giềng gần’. Trong cuộc sống, gia đình nào cũng có lúc lâm vào khó khăn và cần được giúp đỡ. Hàng xóm láng giềng sống cạnh nhau hàng ngày, không tránh khỏi gặp nhau thường xuyên, khi gặp khó khăn có thể giúp đỡ thì tự nhiên sẽ giúp đỡ một chút.

Nhưng có một số người hàng xóm ích kỷ, khi họ yêu cầu bạn giúp, dù không biết bạn có khả năng hay thời gian hay không, họ cũng dám lên tiếng yêu cầu. Nếu bạn không giúp họ, không chừng họ có thể sẽ giận bạn, và ngay cả khi bạn đã giúp đỡ họ, bạn có thể không được cảm ơn. Nhưng khi gia đình bạn gặp khó khăn và muốn nhờ họ giúp đỡ, họ sẽ viện ra rất nhiều lý do để từ chối bạn, thậm chí là tránh xa bạn.

Trong cuộc sống, đối với những người hàng xóm như thế này, chúng ta nên giữ giới hạn và đừng vì họ mà khiến bản thân liên luỵ

3. Kẻ lòng dạ hẹp hòi

Người hàng xóm lòng dạ hẹp hòi thường sẽ ôm giữ mãi một chuyện nhỏ nhặt mà không quên, mặc dù chuyện đã qua rất lâu rồi, nhưng trong lòng họ ký ức vẫn mới nguyên, và nó trở thành nỗi hận chôn chặt trong lòng.

Nếu hàng xóm của bạn là người hẹp hòi thì chúng ta nên tránh, vì trong mắt những người như vậy, họ chỉ luôn bám vào lỗi lầm của người khác mà không buông.

Khi hàng xóm chung sống cạnh nhau không thể tránh khỏi những va chạm, hiểu lầm nhỏ nhặt, hầu hết mọi người sau một thời gian đều có thể quên đi, hai bên gia đình sẽ lại hòa thuận như xưa. Nhưng kẻ lòng dạ hẹp hòi sẽ khiến tình làng nghĩa xóm ngày càng bế tắc, cuối cùng chỉ có thể là người dưng.

Có những người hàng xóm bề mặt biểu hiện một kiểu, sau lưng lại kiểu khác. (Tranh NTDVN)

“Ba kiểu thân thích không qua lại” là gì?


1. Vay tiền không trả

Như câu nói: “Máu mủ tình thâm”, giữa những người thân với nhau có sự kết nối của huyết thống. Các thành viên trong gia đình giúp đỡ nhau là chuyện bình thường, nhưng sự giúp đỡ chỉ giới hạn trong việc giúp đỡ khẩn cấp chứ không phải giúp nghèo. Đặc biệt khi vay tiền, càng nên phải thận trọng.

Một số người thấy họ hàng phát đạt, sẽ lần lượt tìm đến kết thân. Để có thể vay tiền hoặc nhận được sự giúp đỡ, họ sẽ sẵn sàng nghe lời và tươi cười săn đón. Nhưng nếu cho họ vay tiền, sau khi cầm tiền trong tay, những người này sẽ trở mặt, coi như chưa từng quen thân, và không bao giờ đề cập đến vấn đề trả nợ. Nếu bạn tới yêu cầu họ trả tiền, thì bạn sẽ trở thành: “con cháu bất hiếu”.

Tóm lại, khi gặp phải những người thân như vậy, tốt hơn hết là bạn nên bớt qua lại.

2. Thích ăn ngon và lười làm

Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Người không sợ không có năng lực, nhưng đáng sợ là nếu người đó không có tâm cầu tiến. Nếu một người cả ngày ham ăn lười làm, oán trời trách đất và không muốn tiến bộ, thì chúng ta nên tránh xa họ một chút. Vì năng lượng tiêu cực này dễ lây lan và có thể ảnh hưởng đến những người xung quanh.

3. Kẻ nịnh hót

Như người xưa có câu: “Nghèo ở chốn phồn hoa đô hội không ai hỏi, còn người giàu có ở núi sâu có bà con xa tới tìm”.

Khi bạn giàu có, thân thích và thậm chí một số họ hàng xa sẽ tới thăm viếng. Nhưng khi bạn không có tiền hay gia cảnh sa sút, cho dù bạn có chủ động đến thăm thì những người thân này cũng có thể không vui vẻ ra mặt.

Trên thực tế, dù là hàng xóm hay họ hàng, trong giao tiếp hàng ngày, họ nên thành thật, thẳng thắn với nhau, phát hiện ra nhiều ưu điểm của người khác và học cách bao dung với người khác, như thế quan hệ họ hàng, xóm giềng mới có thể chung sống hòa thuận.

Nhưng nếu gặp phải sáu kiểu người kể trên, chỉ cần làm theo lời Khổng Tử đã nói: “Đạo bất đồng, bất tương vi mưu” (ý nghĩa những người không cùng chí hướng, tư tưởng quan niệm thì không thể cùng nhau mưu sự được). Bạn nên giữ khoảng cách với họ.

Minh An
Theo Secretchina



BÀI CHỌN LỌC

Trí tuệ cổ nhân: 3 kiểu hàng xóm không cần; 3 kiểu thân thích không qua lại