Trí tuệ của người xưa: Lấy vợ lấy đức không lấy sắc, kết bạn kết tâm chẳng kết tài [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có câu tục ngữ rằng: “Lấy vợ lấy đức không lấy sắc, kết bạn kết tâm chẳng kết tài.” Đây chính là trí tuệ của người xưa về cách chọn bạn đời và kết giao bằng hữu, được truyền miệng cho đến nay, một câu đã thể hiện sự tinh túy của văn hóa truyền thống.

“Lấy vợ lấy đức”, dùng tư duy của con người ngày nay mà lý giải, “đức” chính là “đức hạnh”, nhưng nội dung bao gồm những gì, người hiện đại khó có thể nói cho minh bạch. Ngày nay, người ta càng cường điệu chữ “hiếu”, cho rằng người phụ nữ chỉ cần có thể đối xử tốt với bố mẹ chồng hơn một chút, thì chính là nàng dâu tốt. Nhưng cái “hiếu” này vẫn còn mang tính hạn chế rất lớn.

Lấy vợ lấy đức không lấy sắc

Vào tháng 3 năm Thuận Trị Giáp Ngọ đời nhà Thanh, ở huyện Vũ Tiến tỉnh Giang Tô (tên cổ là Tấn Lăng), con trai của Cố Thành cưới tiểu thư Tiền thị làm vợ. Có một lần, Tiền thị về thăm nhà cha mẹ đẻ, không lâu sau, quê nhà chồng bị bệnh dịch hoành hành, lây lan rất rộng, tốc độ lây nhiễm cũng rất nhanh, nhiều người chết vì nhiễm bệnh. Tất cả mọi người sợ truyền nhiễm, khiến cho ai nấy đều cảm thấy bất an, hoảng sợ, cho nên ngay cả người thân cũng không dám đi đến hỏi thăm, chỉ sợ không kịp trốn.

Vợ chồng Cố Thành cũng không may nhiễm ôn dịch, sau đó con cháu của ông, cả nhà tám người đều nhiễm dịch. Tiền thị ở nhà cha mẹ đẻ, nghe được tin cha mẹ chồng đều nhiễm dịch bệnh, vội vã muốn trở về nhà chồng để chăm sóc cha mẹ.

Bố mẹ đẻ của Tiền thị thấy con gái sốt ruột, chỉ sợ con gái trở về nhà chồng cũng sẽ bị lây nhiễm dịch bệnh, cho nên hết sức khuyên can Tiền thị: “Nhất định không nên trở về nhà chồng!”

Tuy nhiên, Tiền thị hiểu rõ đại nghĩa, nàng nói: “Chồng con lấy vợ, vốn là hy vọng con có thể chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ chồng. Hiện tại cha mẹ chồng con đang bệnh tình nguy kịch, nếu như con nhẫn tâm không về, thì so với cầm thú kia cũng có khác biệt gì!”

Mặc cho cha mẹ ra sức khuyên ngăn phản đối, Tiền thị vẫn không sợ dịch bệnh đang hoành hành dữ dội và lây truyền, quyết định một mình quay về nhà chồng.

Sau khi Tiền thị trở về bên ấy, vợ chồng Cố Thành cùng tám người nhà ông đều bỗng nhiên khỏi bệnh như một kỳ tích. Người dân trong vùng đều cho rằng cả nhà Cố Thành nhiễm dịch bệnh mà có thể thoát chết, là nhờ con dâu Tiền thị chí hiếu làm cảm động Thần minh.

Một chữ "Hiếu" nhìn qua thật đơn giản nhưng cũng không hề đơn giản, nói ra thì dễ, nhưng làm tuyệt không hề dễ dàng. Không thể hời hợt, cũng không thể qua loa chiếu lệ, chỉ có xuất phát từ nội tâm, suy nghĩ cho người khác, muốn tốt cho người khác, thì mới có Thần tích xuất hiện.

Tiền thị xuất từ nội tâm suy nghĩ cho nhà chồng, đối diện với nguy nan thì lựa chọn đại nghĩa, kiểu chí hiếu này mới có thể sinh ra kỳ tích: Cả nhà tám người bị nhiễm dịch, nhưng đều bỗng nhiên khỏi bệnh như một phép màu.

Tiền thị chí hiếu, làm cảm động Thần minh. (Tranh vẽ: Chí Thanh/ Vision Times)

Trong “Duyệt Vi thảo đường bút ký” của Kỷ Hiểu Lam đời nhà Thanh có ghi chép: Tuần phủ Hồ Thái Hư có thể trông thấy quỷ. Ông nói rằng bởi vì ông từng tu sửa phòng ốc, đến tuần tra nơi ở của người hầu, phát hiện các phòng đều có quỷ ra vào. Trong đó, duy chỉ có một phòng, thanh tĩnh không có quỷ. Hỏi thăm một chút, người ta nói rằng: Đây là phòng của một người hầu nọ ở. Nhưng mà người hầu này ngốc nghếch không có năng khiếu gì, vợ của anh ta cũng là một nữ nô rất bình thường.

Về sau, người hầu này qua đời, vợ của anh ta lại cả đời thủ tiết, ăn ở ngay chính. Thế mới biết: Bởi vì người phụ nữ này chính trực chất phác, luôn luôn kiên định chí hướng, có thể ngậm đắng nuốt cay mấy chục năm. Trong lòng cô đầy chính khí, thật sự là được tích tụ thật lâu. Vậy nên, quỷ không dám đến gần nhà của cô.

Lại nghe một người có thể nhìn thấy quỷ, nói: Mọi người trong nhà, luôn luôn có quỷ lui tới. Phàm là khi thân mật trong khuê phòng, nhất định có bầy quỷ vây xem, chỉ trỏ vui cười. Chỉ là người bình thường nghe không được, nhìn không thấy mà thôi. Nhưng mà, quỷ cũng biết sợ hãi, lập tức tránh né một số người, chính là những liệt phụ, tiết phụ, hiếu phụ, hiền phụ!

Điều này so với những gì Hồ Thái Hư nói tới, không có gì sai biệt. Có thể làm được “liệt phụ, tiết phụ, hiếu phụ, hiền phụ”, cũng chính là nội hàm đức hạnh của người phụ nữ.

Người xưa nói rằng “một người phụ nữ không gả hai chồng”, xã hội ngày nay đề cao nữ quyền, nói rằng người người đều có quyền lợi truy cầu hạnh phúc, nam nữ sau khi cưới nếu cảm thấy không thích hợp, có thể rất tùy tiện ly hôn để theo đuổi hạnh phúc khác.

Nhưng có thật sự hạnh phúc không? Tỷ lệ ly hôn cao đã kéo theo nhiều vấn nạn xã hội. Nó không phù hợp với những tiêu chuẩn đạo đức do Thần Phật đã đặt ra cho con người. Nếu con người không nghe theo lời dạy bảo của Thần Phật, thì làm sao Thần Phật có thể ban hạnh phúc cho con người?!

Kết bạn kết tâm chẳng kết tài

Về việc kết giao bằng hữu, người xưa rất coi trọng tâm tính, coi trọng cảnh giới tinh thần. Cảnh giới tinh thần của một người mà cao thượng, mới có thể tin tưởng lẫn nhau. Kết giao bằng hữu, nhìn nhân phẩm, trọng thanh danh.

Kết giao bằng hữu, nhìn nhân phẩm, trọng thanh danh. (Nguồn ảnh: Wikipedia)

Theo “Nam sử - Chân pháp sùng truyện” ghi chép: Chân Bân, người Lương triều, lúc trước do cuộc sống rất khốn khổ, từng mang một chùm trữ (cỏ gai, vỏ dùng đánh sợi để dệt, rễ dùng làm thuốc) đến thế chấp và vay tiền ở chùa Trường Sa. Về sau, khi anh ấy đến chùa Trường Sa để chuộc chùm trữ kia về, phát hiện bên trong chùm trữ có dấu năm lượng vàng.

Chân Bân nghĩ thầm: “Đây không phải vật thuộc về ta. Làm người cần phải lấy nhân nghĩa làm đầu, không thể thấy lợi quên nghĩa, vô cớ chiếm hết.” Thế là, anh ấy lập tức đem năm lượng vàng này trả lại cho chùa Trường Sa.

Khi Lương Vũ Đế còn là thường dân, đã nghe nói về sự việc này. Ông vô cùng tán thưởng nhân cách của Chân Bân. Sau khi lên ngôi, ông đã bổ nhiệm Chân Bân làm Huyện lệnh. Cùng nhậm chức Huyện lệnh còn có bốn người khác. Trước khi rời đi, Lương Vũ Đế lần lượt nói chuyện với bốn người này, khuyên bảo họ: “Thân là quan địa phương, cần phải lấy liêm khiết và cẩn thận làm trọng.”

Đến phiên triệu kiến Chân Bân, hoàng thượng duy chỉ nói với Chân Bân rằng: “Khanh ngày xưa có phẩm đức cao thượng ‘trả lại vàng’, quả nhân không cần phải dùng những lời này để dặn dò khanh.”

Người xưa coi tiền tài như vật ngoài thân, kết giao bằng hữu coi trọng tâm tính, đặt nặng nhân phẩm, tiền tài chỉ là phương tiện phụ trợ, cho nên người xưa có thể vì bằng hữu mà vung tiền không tiếc tay.

Con người ngày nay thì ngược lại, không còn biết truy cầu giá trị tinh thần, chỉ coi tiền bạc là mục tiêu truy cầu duy nhất, chỉ biết nhìn một người hạnh phúc hay không dựa vào việc họ tích lũy được bao nhiêu tiền của. Mà nguồn gốc của cải đó có chính đáng hay không, căn bản là không nhìn.

Đạo đức suy đồi khiến xã hội ngày nay không ngừng phát sinh hỗn loạn: ra tay tàn độc với người thân quen trong kinh doanh đã trở thành một hiện tượng phổ biến; vì tiền, thức ăn độc hại tràn ngập thị trường; cười nghèo không cười kỹ nữ; phá hoại môi trường theo kiểu “giết gà lấy trứng” ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự sinh tồn của con người… Bởi vậy, đã đến lúc con người ngày nay trầm tĩnh lại, quay trở về học hỏi trí tuệ và văn hóa truyền thống của người xưa.

Lý Tuệ
Theo Sơ Trung - Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Trí tuệ của người xưa: Lấy vợ lấy đức không lấy sắc, kết bạn kết tâm chẳng kết tài [Radio]