Trí tuệ của quan viên thời cổ đại khiến người ta khâm phục

Giúp NTDVN sửa lỗi

Làm quan tốt ngoài tri thức, khả năng ra, còn cần lòng chính trực và dũng cảm, trước yêu cầu không chính đáng của hoàng đế hay của quan trên, họ biết sử dụng trí tuệ để bảo vệ người dân dưới quyền cai quản của họ.

Lã Di Giản mưu lược tước quyền hoạn quan

Thời Tống Nhân Tông, Trung Quốc, biên cương phía Tây phát sinh chiến sự, đại tướng Lưu Bình tử trận. Dư luận trong triều cho rằng: Triều đình cử hoạn quan làm giám quân, nên chủ soái không thể phát huy hết tác dụng chỉ huy của mình, dẫn đến Lưu Bình mất mạng. Thế là, Tống Nhân Tông hạ chiếu, tru sát giám quân Hoàng Đức Hòa.

Lúc này, có người dâng tấu, bãi miễn toàn bộ giám quân của nguyên soái các lộ quân. Tống Nhân Tông trưng cầu ý kiến của Lã Di Giản (979~1044), ông trả lời: ‘Không cần bãi miễn. Nhưng cần lựa chọn những hoạn quan trung hậu cẩn thận làm giám quân’.

Nhân Tông giao cho Lã Di Giản lựa chọn người phù hợp đảm nhiệm giám quân, ông thưa: ‘Hạ thần chỉ là tể tướng đang chờ chịu tội, không có giao lưu gì với các hoạn quan, sao biết được ai hiền lương nơi họ? Xin hoàng thượng hạ lệnh cho Đô tri và Áp ban (chức quan do đại hoạn quan đảm nhiệm) tìm người, nếu giám quân được họ tiến cử không hoàn thành nhiệm vụ, thì cả giám quân và hoạn quan đều bị hạch tội’.

Tống nhân Tông thu nạp ý kiến này.

Ngày hôm sau, Đô tri, Áp ban chủ động tới trước nhà vua khấu đầu thỉnh cầu: Xin bãi miễn chức giám quân của hoạn quan.

Các sĩ đại phu trong triều, ai nấy đều khen mưu lược của Lã Di Giản.

Uông Ứng Chẩn - vị quan trung hậu nghĩa khí vì dân vì nước

Năm Chính Đức thứ 14 (năm 1519), Minh Vũ Tông hạ chiếu tuần du phía Nam, Uông Ứng Chẩn dẫn đầu nhóm trung thần lương tướng dâng sớ can gián, bị đánh đòn gần chết. Sau này ông làm chức Thái thú Tứ Châu.

Dân chúng Tứ Châu trước đây chưa biết việc canh tác, trồng dâu nuôi tằm, khi ông tới nhậm chức, liền khuyến khích cấy trồng, sau đó ông xuất tiền mua cây dâu tằm từ Hồ Nam về, rồi mời nữ công dạy dân chúng kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm.

Sứ giả dịch trạm phi ngựa tới báo, Vũ Tông sẽ đến Tứ Châu. Các châu phủ lân cận đều lo lắng cuống cuồng, vội đi gõ cửa thu gom tiền tài của dân chúng để làm chi phí nghênh đón xa giá. Nhiều người dân phải đóng cửa, trốn sang vùng khác.

Duy có Uông Ứng Chẩn, vẫn trấn tĩnh như thường, không làm bất cứ hành động gì để nghênh tiếp Thánh giá.

Có người hỏi ông tại sao lại như vậy? ông đáp: ‘Tôi cùng nhân sĩ, bách tính trong vùng, đều tin cậy lẫn nhau. Nếu Thánh giá có thực sự tới đây, thì phí dùng cần thiết rất nhanh có thể chuẩn bị đủ. Nay ngày Thánh thượng tới vẫn chưa xác định, nếu vội vội vàng vàng mà sắp đặt, sai quan dịch lại tứ xứ xoay sở, rất dễ sinh điều sai trái. Nếu tài vật chuẩn bị đầy đủ rồi, mà xa giá không đến thì làm sao đây?’

Khi đó ở châu phủ khác, huy động cả ngàn người, tay cầm đuốc sáng, đứng đợi nghênh đón xa giá trong đêm, cứ vậy kéo dài cả tháng, không ít người vì thế mà chết cóng, chết đói.

Uông Ứng Chẩn hạ lệnh buộc đuốc vào gốc cây du, cây liễu ven đường, mỗi người quản lý 10 bó đuốc. Vào tối hôm ngự giá đi qua Tứ Châu, thấy đội ngũ đèn đuốc chỉnh tề đầy đủ, gây ấn tượng khác hẳn các nơi khác.

Khi ngự giá đi qua các châu phủ khác, suốt dọc đường, các sứ giả cung đình lũ lượt theo sau mặc sức vơ vét hạch sách.

Uông Ứng Chẩn biết rõ đám quan lại ấy thực ra không có bản lĩnh gì, trong tâm rất yếu nhược, có thể dùng uy lực để chấn phục. Thế là ông dẫn theo trăm vị tráng sĩ, xếp hàng dọc theo thuyền, lớn tiếng hô hoán, thanh âm vang vọng xa gần. Người địa phương cùng người phương xa vừa đến đều thấy chấn động, kinh sợ, không biết họ đang làm gì. Vương Ứng Chẩn chỉ huy tuy tùng, nhanh chóng kéo thuyền đi nhanh, lúc sau thuyền đã đi xa trăm dặm, qua khỏi địa giới Tứ Châu. Thế nên các sứ giả tới sau cũng không dám nghênh ngang hạch sách nữa. Uông Ứng Chẩn lại dùng lễ nghi tương đãi chu đáo, nên họ chỉ có thể khiển trách các sứ giả đi trước, hết lời khen ngợi cảm kích Uông Ứng Chẩn.

Vũ Tông sau khi tới Nam Đô, lại truyền Thánh chỉ, lệnh cho Tứ Châu tuyển chọn mấy chục mỹ nữ giỏi ca múa để hiến lên. Bởi các sứ thần vẫn còn ôm hận, nên họ bày ra thủ đoạn này để đáp trả.

Uông Ứng Chẩn dâng tấu thưa: ‘Phụ nữ Tứ Châu không có tài nghệ tư sắc, hầu hết gần đây lại đi sang vùng khác, không còn cách nào để phụng mệnh, chỉ có thể lấy những phụ nữ hái dâu nuôi tằm trước đây chiêu mộ, nếu được hoàng thượng gia ơn cho vào cung, để họ hái dâu nuôi tằm, cũng có thể giúp Thiên tử về phương diện đức hóa.’

Xem xong tấu thư của Uông Ứng Chẩn, Vũ Tông hạ chiếu tạm dừng việc hiến mỹ nữ của Tứ Châu.

Uông Ứng Chẩn quả thực là vị quan xuất sắc, có lòng trung hậu nhân nghĩa vì nước vì dân!

Thẩm Khải dùng trí, tiết kiệm tiền tài cho dân

Hoàng đế Minh Thế Tông muốn tuần du đất Sở, nếu theo đường thủy, thì Nam Kinh sẽ phải chế tạo lâu thuyền đẹp dâng Hoàng đế dùng. Nếu thuyền tạo xong mà Hoàng đế lại thay đổi sang dùng đường bộ, thì hao phí bao tiền của công lao. Nếu không tạo thuyền chờ sẵn, mà Hoàng đế đột nhiên đến, thì sẽ phạm đại tội. Thượng thư Chu Dụng Nghi bèn hỏi Thẩm Khải: ‘Có cách gì hay không?’

Thẩm Khải đáp: ‘Cho triệu tập các nhà đóng thuyền, bảo họ chuẩn bị gỗ tốt, đợi ở cửa Long Giang, đồng thời tức tốc phái dịch sứ đi trinh sát tuyến đường đi của Hoàng đế. Bởi từ lộ trình có thể tính ra được số ngày, nên tính được ngày cần đóng thuyền. Nếu phải tạo thuyền, thì phân bổ tiền tạo thuyền tới các quan phủ, nếu không phải tạo thuyền, thì hoàn trả gỗ cho thương nhân, việc này đâu khó’.

Sau đó, quả nhiên Hoàng thượng thay đổi ý định chuyển sang đi đường bộ, theo trù tính của Thẩm Khải, Nam Kinh đã không bị lãng phí tiền bạc cho việc tạo thuyền.

Có hoạn quan được hoàng thượng sủng tín, thỉnh cầu Thế Tông cho tu sửa lăng mộ Thái tổ Chu Nguyên Chương. Triều đình phái vị Cẩm y vệ họ Chu làm chỉ huy, tới Nam Kinh thị sát công việc tu bổ hoàng lăng.

Thẩm Khải nhân dịp này nói với ông Chu: ‘Hoàng đế xưa đã có chiếu mệnh, cấm động một tấc đất hoàng lăng, kẻ nào vi phạm, phải chịu tội chết. Nay muốn tu sửa hoàng lăng, không thể không động đến đất, nên sẽ phạm tội chết, rất đáng sợ đó!’

Chỉ huy sứ họ Chu sợ quá, sau khi quay về nói lời của Thẩm Khải cho vị hoạn quan kia, sự tình do đó mà bị đình chỉ. Tiết kiệm được biết bao tiền của công sức cho dân cho nước.

Chủ Phụ Yển hiến kế lợi quốc dân

Hán Vũ Đế lo lắng lực lượng chư hầu lớn mạnh. Chủ Phụ Yển hiến kế sách: ‘Cho phép chư hầu có quyền dùng đất đai của họ, phân chia phong cho con cháu họ, sau đó báo cho triều đình để ban tặng phong hiệu. Như thế các tân vương sẽ chịu ơn nhà Hán, còn thế lực đại chư hầu ban đầu bị phân tán, suy yếu dần.’

Phạm Trọng Yêm nguyện một mình chịu nhục

Khi Phạm Trọng Yêm nhậm chức Tri châu Diên Châu, ông viết thư cho Lý Nguyên Hạo, quốc vương Tây Hạ, người nhiều lần phát động tấn công triều đình nhà Tống. Ông hiểu rõ chỗ lợi hại của Lý Nguyên Hạo, muốn ông ta quy thuận triều đình. Nguyên Hạo trả lời thư với nội dung cuồng ngạo, bất kính, Phạm Trọng Yêm đốt thư đi, chỉ báo cáo qua về tình hình cho triều đình.

Quan tể phụ Lã Di Giản nói với quan Tham chính tri sự Tống Tường: ‘Là phận thần tử, nếu không dựa thế lực bên ngoài, thì sao dám làm như vậy?’

Tống Tường cho rằng Lã Di Giản đang trách tội Phạm Trọng Yêm, nên dâng tấu đòi khép ông tội chết.

Phạm Trọng Yêm
Phạm Trọng Yêm. (Ảnh: Wikipedia)

Phạm Trọng Yêm bẩm rằng: ‘Ban đầu thần nghe nói Lý Nguyên Hạo có ý hối lỗi, nên gửi thư khuyên răn. Vào ngay dịp Nhiệm Phúc bại trận, khí thế Lý Nguyên Hạo đang hăng, nên thư trả lời đầy ngạo mạn. Hạ thần trộm nghĩ, nếu để triều đình thấy thư, mà lại không thể xuất quân thảo phạt hắn, như vậy sẽ mang nhục. Cho nên thần từ chức phận mình đã đốt thư đi, triều đình coi như chưa nghe thấy. Như vậy, chịu nhục chỉ một mình hạ thần’.

Đỗ Diễn khi ấy làm Khu mật phó sứ, ra sức tranh luận bảo vệ Phạm Trọng Yêm. Thế là hoàng thượng bãi chức quan triều của Tống Tường, điều đi làm Tri châu Dương Châu; cũng không có khiển trách gì đối với Phạm Trọng Yêm.

Vu Khiêm thiện đãi hàng binh

Năm Vĩnh Lạc Minh Thành Tổ, có rất nhiều binh sĩ đầu hàng, hầu hết là dân vùng Hà Gian, Đông Xương, là vùng đất trù phú giàu có. Trong đám ấy, có những kẻ ngang ngược bất thuần, nếu ngoại địch đến xâm phạm, bọn họ sẽ thừa cơ nổi loạn tạo phản. Đây là mối ẩn họa lớn.

Đúng lúc ấy, triều đình quyết định xuất binh chinh thảo tặc khấu vùng Hồ Nam, Quý Châu, Quảng Đông, Quảng Tây.

Vu Khiêm nhân dịp này dâng tấu xin phái những người kia xuất chinh, khao thưởng trọng thể, cho theo quân chủ lực. Sau khi bình định xong tặc khấu, Vu Khiêm lại dâng tấu xin cho họ được lưu lại nơi ấy để sinh cơ lập nghiệp.

Với cách làm hợp lý như vậy, ông đã thu xếp ổn thỏa cho rất nhiều binh sĩ đầu hàng, mầm phản loạn cũng vì thế mà được tiêu trừ.

Bắt giữ Giang Bân

Minh Vũ Tông sau khi đi tuần phía Nam quay về kinh đô, lúc sắp mất, quan đứng đầu nội các Dương Đình Hòa đã quyết định bắt giữ tướng biên Giang Bân, là người đã xúi giục Vũ Tông đi tuần du phía Nam.

Nhưng Vương Bân trong tay có mấy nghìn quân, thuộc hạ toàn kẻ tinh nhuệ, sợ sơ xuất sẽ phát sinh binh biến, Dương Đình Hòa nhất thời chưa nghĩ ra cách gì, bèn hỏi kế sách của Thượng thư bộ Lại Vương Quỳnh.

Vương Quỳnh nói: ‘Hãy ghi chép lại công lao của họ đã hộ giá Hoàng thượng khi Nam tuần, rồi lệnh cho họ tới Thông Châu lĩnh thưởng.’

Nhờ đó mà đã điều được Giang Bân rời khỏi đám vây cánh thuộc hạ, dễ dàng bắt giữ.

(Theo: Phùng Mộng Long “Trí Nang”)-Mạng Chánh Kiến

Huệ Thuần - Epoch Times
Thái Bình biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trí tuệ của quan viên thời cổ đại khiến người ta khâm phục