Triết gia cổ đại Plotinus và vẻ đẹp thần thánh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chúng ta đều đã nghe câu “Vẻ đẹp trong mắt kẻ si tình”, điều này thực sự có nghĩa gì? Qua nhiều thế kỷ, các triết gia và nhà hiền triết đã tranh luận về vẻ đẹp là gì, tại sao nó lại quan trọng và nó bắt nguồn từ đâu.

Khoảng 600 năm sau Plato, triết gia cổ đại Plotinus (205–270 SCN) đã nghiên cứu triết học tại thành phố lớn Alexandria và diễn giải triết học của Plato cho một kỷ nguyên mới. Plotinus trở thành người sáng lập trường phái triết học Neoplatonic. Ông cũng nói về vẻ đẹp.

Triết gia cổ đại Plotinus và cội nguồn của vẻ đẹp

Bộ ba chân dung tự họa của một nghệ sĩ: họa sĩ, nhà điêu khắc và nhạc sĩ, khoảng năm 1815–1820, của D.E. Brante. Tranh dầu trên vải. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Triết gia Plotinus nghĩ gì về vẻ đẹp? Ông thẳng thừng tuyên bố: “Vậy thì, đây là cách vật chất trở nên xinh đẹp, bằng sự giao tiếp trong tâm bắt nguồn từ thần thánh”.

Tóm lại, triết gia Plotinus nói rằng một vật thể tự nó không đẹp, nó chỉ đẹp khi được một nghệ sĩ biến đổi và truyền đạt được những điều thiêng liêng. Để đạt được điều này, người nghệ sĩ phải biết, ít nhất là một phần, hình thức hoặc ý tưởng bắt nguồn từ thần thánh; và điều đó chỉ đạt được nếu người nghệ sĩ trước tiên tự biến đổi chính mình để phù hợp với thần thánh.

Trớ trêu là, thần thánh lại siêu việt khỏi thế giới vật chất nên người nghệ sĩ phải ‘quay lưng lại với thế giới vật chất’ trước khi có thể làm đẹp cho tác phẩm của mình. Họ phải nhìn vào bên trong nội tâm và trở nên “xuất sắc về mặt đạo đức”, như triết gia Plotinus gợi ý.

Để hiểu sự xuất sắc về mặt đạo đức là gì và vẻ đẹp tâm hồn đòi hỏi điều gì, triết gia Plotinus gợi ý rằng các nghệ sĩ không cần đi xa hơn sự hiểu biết của chúng ta về sự xấu xí. Theo triết gia Plotinus, linh hồn xấu xa là “phóng đãng, bất chính: chứa đầy những dục vọng; giằng xé bởi sự bất hòa nội tâm; bị bao vây bởi nỗi sợ hãi về sự hèn nhát của nó và sự đố kị về sự nhỏ nhen của nó.”

Triết gia Plotinus chỉ ra rằng tâm hồn xấu xí không phải tự nhiên mà có; bởi chúng ta không tự nhiên xấu xí. Xấu xí - sự thấp kém về đạo đức - là thứ che khuất bản chất thực sự của chúng ta, một bản chất phù hợp với hình thức hoặc ý tưởng “xuất phát từ thần thánh”. Để lấy lại điều này, chúng ta phải gột rửa và thanh lọc thân tâm để trở lại bản chất ban đầu của chúng ta.

Chỉ sau khi tâm hồn trở thành nguồn gốc của vẻ đẹp - vẻ đẹp thần thánh - thì nó mới có thể biến thế giới vật chất trở nên đẹp: một vẻ đẹp bắt nguồn từ thần thánh.

Nói cách khác, khi nghệ sĩ biến vật chất thành vẻ đẹp sống động, là họ đang tạo ra một cách để con người trải nghiệm, kết nối và hình thành con đường dẫn đến thần thánh. Theo triết gia Plotinus: “khi chúng ta nhận ra vẻ đẹp của một bức tranh, ấy là chúng ta đang hồi tưởng lại, và vẻ đẹp vĩnh cửu ấy là ngôi nhà của chúng ta.”

Tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp của Pygmalion

Điều ước của Pygmalion về một người vợ xinh đẹp như bức tượng Galatea của ông đã được Thần Vệ Nữ ban cho. Bức tranh “Pygmalion và Galatea”, khoảng năm 1890, họa sĩ Jean-Leon Gerome. Tranh dầu trên vải. Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Thần thoại về Pygmalion và Galatea, ít nhất là một phần, có thể tiết lộ cho chúng ta mối liên hệ giữa người nghệ sĩ xuất sắc về mặt đạo đức với tâm hồn cao đẹp, tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp và thần thánh.

Theo nhà thơ La Mã Ovid (43 TCN - 17 hoặc 18 SCN), huyền thoại về Pygmalion là một bài hát do nhạc sĩ Hy Lạp nửa Thần nửa nhân Orpheus hát sau khi ông triệu tập các vị Thần để “bắt đầu bài hát của ông”.

Nhà thơ La Mã Ovid và “A Book of Myths” của Jean Lang kể lại câu chuyện về Pygmalion.

Trong câu chuyện, các cô con gái của Propoetus, còn được gọi là Propoetides, đã từ chối Nữ Thần sắc đẹp Vệ nữ. Các Propoetides thậm chí còn dám bán danh dự của mình trong đền thờ Thần Vệ nữ, điều này khiến Nữ Thần tức giận.

Nhà điêu khắc Pygmalion thất vọng trước thói xấu vô đạo đức của Propoetides, đã quyết định rằng ông sẽ từ bỏ hoàn toàn việc bầu bạn với phụ nữ. Thay vào đó, ông ấy chỉ tập trung vào việc tạo ra tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp, và niềm đam mê này đã truyền động lực cho ông.

Thất vọng trước thói xấu vô đạo đức của các Propoetides (trái), nhà điêu khắc Pygmalion tập trung vào việc tạo ra những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp. Bức tranh “Pygmalion và hình ảnh - Trái tim khao khát”, năm 1878, họa sĩ Sir Edward Burne-Jones. Birmingham Museums Trust. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Nhà thơ La Mã Ovid nói: “Sự đam mê tận tụy với cái đẹp của ông ấy cuối cùng đã cho phép ông ấy tạo ra một tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp về một người phụ nữ, một vẻ đẹp nữ tính hoàn hảo”.

Lang nói thêm: “Trong khối đá trắng tinh vĩ đại đó dường như đang ẩn giấu hình ảnh tinh tế của một người phụ nữ, một người phụ nữ mà ông ấy phải trả tự do.”

Nhà điêu khắc Pygmalion vô cùng ngạc nhiên trước tác phẩm tuyệt đẹp của mình, tác phẩm sống động đến mức ông đã đặt tên cho nó. Ông gọi đó là Galatea. Vẻ đẹp của Galatea khiến ông vô cùng say mê. Ông mua quà cho bức tượng, mặc quần áo cho bức tượng và hôn bức tượng.

Tại lễ hội của Thần Vệ nữ, nhà điêu khắc Pygmalion đứng trước bàn thờ và mong cầu các vị Thần ban cho mình một người phụ nữ giống như tác phẩm điêu khắc của mình. Thần Vệ nữ đã có mặt tại lễ hội và tình cờ nghe được lời cầu nguyện của Pygmalion. Thần Vệ nữ hài lòng với Pygmalion, và đã thực hiện điều ước của ông.

Nhà điêu khắc Pygmalion trở về nhà và nhìn thấy Galatea sống động chân thật. Ông cảm ơn Thần Vệ nữ và kết hôn với Galatea.

Triết gia cổ đại Plotinus và Pygmalion

Khi quay lưng lại và không chạy theo những cám dỗ trần thế, có lẽ nhà điêu khắc Pygmalion đã đạt đến một mức độ đạo đức cao hơn. Bức tranh “Pygmalion và hình ảnh - Bàn tay kiềm chế”, năm 1878, họa sĩ Sir Edward Burne-Jones. Birmingham Museums Trust. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Làm thế nào để giải thích về vẻ đẹp của triết gia Plotinus tương quan với huyền thoại về Pygmalion?

Tóm lại: Triết gia Plotinus gợi ý rằng vẻ đẹp thực sự bắt nguồn từ thần thánh và chỉ có thể được tạo ra trên trái đất khi người nghệ sĩ - đã đạt đến mức độ xuất sắc về mặt đạo đức bằng cách thanh lọc thân tâm mình - truyền đạt vẻ đẹp thần thánh vào tác phẩm trần thế.

Trong thần thoại Pygmalion, Thần Vệ nữ là Nữ Thần sắc đẹp, là cội nguồn thần thành, nơi vẻ đẹp thực sự tuôn trào. Các Propoetides đã không tôn trọng Thần Vệ nữ bằng cách dám bán danh dự của mình trong đền thờ - nơi bày tỏ lòng biết ơn đối với nguồn gốc của vẻ đẹp thần thành.

Tuy nhiên, nhà điêu khắc Pygmalion đối lập với các Propoetides và thói xấu của chúng, điều này đã thanh tẩy tâm hồn ông. Thông qua việc từ bỏ những cám dỗ trần thế, có lẽ Pygmalion đã đạt đến mức độ đạo đức cao hơn, nên có thể tạo ra một tác phẩm nghệ thuật đẹp đến mức khơi dậy tình yêu và sự trân quý trong lòng ông.

Tình yêu của Pygmalion dành cho Galatea thể hiện sự đánh giá cao và tình yêu của chúng ta đối với những điều thiêng liêng. Bức tranh “Pygmalion và hình ảnh - Linh hồn đạt được”, năm 1878, họa sĩ Sir Edward Burne-Jones. Birmingham Museums Trust. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Ở đây, có thể dễ dàng kết luận rằng huyền thoại về Pygmalion chỉ đơn giản là đại diện cho đam mê của một người đàn ông đối với người phụ nữ mà anh ta có thể kiểm soát (vì chúng ta có thể cho rằng ông ấy không thể kiểm soát các Propoetides nhưng có thể kiểm soát tác phẩm của mình). Tuy nhiên, một cách giải thích khác cho thấy huyền thoại này còn có ý nghĩa sâu sắc hơn.

Trong suốt câu chuyện thần thoại, có thể thấy Pygmalion dường như kiểm soát rất ít. Ông ấy không biết làm thế nào mình tạo ra tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp này, thừa nhận rằng vẻ đẹp của nó vượt quá khả năng của ông. Ông ấy muốn đưa bức tượng Galatea vào cuộc sống nhưng điều này sẽ không thành hiện thực nếu không có sự giúp đỡ của Thần Vệ nữ.

Điều duy nhất ông ấy chứng tỏ mình có thể kiểm soát được là bản thân quay lưng lại với dục vọng và lòng tham do các Propoetides đại diện. Mọi thứ khác, chẳng hạn như việc tạo ra bức tượng Galatea, sự trân quý Galatea của ông ấy và việc bức tượng Galatea trở nên sống động dường như đều diễn ra theo an bài của thần thánh.

Bức tượng Galatea không đơn thuần là một tác phẩm điêu khắc biến thành phụ nữ. Mà cô ấy đại diện cho vẻ đẹp thần thánh. Tình yêu của Pygmalion dành cho Galatea thể hiện sự đánh giá cao và tình yêu thuần khiết - với những điều thiêng liêng - khi chúng ta gột rửa thân tâm khỏi sự xấu xí che khuất bản chất chân thật của chúng ta. Galatea trở nên đặc biệt vì cô ấy bắt nguồn từ thần thánh. Cuộc hôn nhân của họ cho thấy mong muốn trong mỗi chúng ta về sự hợp nhất với “tư tưởng đến từ thần thánh”.

Tác giả: Eric Bess - The Epoch Times

Cao Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Triết gia cổ đại Plotinus và vẻ đẹp thần thánh