Triết lý nhân sinh: Buông bỏ là một loại tu hành

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong nửa sau của cuộc đời, buông bỏ là một loại tu hành, "bỏ qua" là một loại trí tuệ.

Có được là may mắn, mất đi là số mệnh

Có một chàng trai là nhân viên bình thường của một công ty, cuộc sống của anh khá bình dị.

Một lần, trong lúc rảnh rỗi anh mua một tờ vé số với giá 5.000 đồng. Lúc đầu anh không mong đợi gì nhiều, mà chỉ mua nó để tiêu khiển thôi. Nhưng thật không ngờ, anh đã trúng được một giải thưởng lớn.

Bởi vì anh thích xe thể thao nên anh ấy đã dùng số tiền trúng số đó để mua một chiếc và lái chiếc xe đi chơi cả ngày. Tuy nhiên, bất hạnh sớm ập đến: chiếc xe của anh đã bị đánh cắp.

Bạn bè sợ anh nghĩ quẩn nên chạy đến an ủi, nhưng anh cười nói với bạn bè rằng: “Các bạn có ai làm mất 5.000 đồng mà tìm đến cái chết không?”

Bạn bè thấy hơi khó hiểu, anh ta liền giải thích: "Tôi mua vé số có 5.000 đồng nên mới có được chiếc xe này. Giờ mất xe rồi chẳng phải là mất đi 5.000 đồng sao?"

Có câu: “Có được là vận may, mất đi là số mệnh”.

Khi bạn có được điều gì, đừng quá đắc ý, tài lộc tự dưng đến là do vận may của bạn, và khi mất đi cái gì cũng chớ chán nản, vì trong mệnh của bạn vốn không có nó.

Khi có một số cơ hội, nhưng bỏ lỡ qua đi rồi thì thôi, đừng quá tiếc nuối. Thay vì lo lắng được mất, chi bằng hãy buông xuống được mất.

Thay vì lo lắng được mất, chi bằng hãy buông xuống được mất. (Ảnh: Pixabay)

Một niệm buông xuống, vạn sự tự tại

Trên mạng có lan truyền một câu hỏi: "Thế nào gọi là cầm lên được thì buông xuống được?"

Đã có rất nhiều ý kiến trả lời, nhưng trong đó có một câu trả lời được khen ngợi nhiều nhất, đó là: "Buông xuống chính là từ trong tâm mình từ bỏ nó, không còn quan tâm, để ý nữa, thay vào đó dùng một tâm thái bình thản đối đãi với nó.”

Chuyện kể rằng ngày xưa, có một thư sinh lên kinh đi thi, nhưng bị thi rớt, đã thế người yêu của anh, người vốn là bạn thân từ tấm bé, cũng rời bỏ anh mà đi.

Vì thế mà cậu thư sinh này đã suy sụp tinh thần, mỗi ngày đều sầu não uất ức, sống qua ngày trong sự giày vò, thống khổ.

Một ngày nọ, chàng gặp một vị cao tăng và hỏi làm thế nào để được giải thoát, vị cao tăng không nói nhiều, chỉ để chàng đi theo ông trong ba ngày.

Trong ba ngày, vị cao tăng chỉ cho chàng thư sinh uống nước, không cho anh ăn cơm, hàng ngày để anh chăm ngựa và đốn củi, ban đêm để anh ngủ trong chuồng ngựa.

Ba ngày sau, chàng thư sinh suy sụp và khóc lóc, hối hận vì sao mình phải tự tìm đến khổ sở.

Vị cao tăng nói: “Con người cậu trước đây lẽ nào chẳng phải như thế này” .

Chàng thư sinh chợt tỉnh ngộ.

Trong “Luận ngữ” có câu: “Việc đã thành thì không nên nói nữa, việc đã xong thì không nên sửa đổi nữa, việc đã qua thì không nên trách nữa.”

Càng vướng bận sẽ càng tự kéo mình xuống vực sâu. Càng so đo càng rơi vào vũng lầy. Chỉ có học cách buông bỏ gánh nặng trong lòng, xóa tan quá khứ, thì mới có thể nhẹ nhàng tiến về phía trước.

Cuộc sống quá ngắn ngủi, cớ sao phải tự làm khổ chính mình. Hãy luôn giữ một tâm thái bình thản: Cái gì không phải của mình thì đừng miễn cưỡng, cái gì đã mất rồi thì đừng nghĩ ngợi về nó nữa. Hãy quên đi điều khiến bạn phải lo nghĩ nhiều, cái mà bạn không thể nắm giữ nữa thì hãy buông bỏ đi.

Lam Sơn
Theo secretchina



BÀI CHỌN LỌC

Triết lý nhân sinh: Buông bỏ là một loại tu hành