Trong chuyến săn hổ, vị đại úy vô tình phát hiện một quần thể kiến trúc Phật giáo đồ sộ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm 1819, khi sĩ quan người Anh John K Smith đang săn hổ trong vùng rừng núi và thung lũng Ấn Độ, ông được cậu bé chăn dê dẫn đến một quần thể hang động bí ẩn. Smith tò mò đi vào khám phá và ông đã phát hiện được một kỳ tích khiến cả thế giới kinh ngạc! Có vô số tác phẩm điêu khắc và tranh tường Phật giáo cổ đại trong những hang động này, số tác phẩm hội họa được lưu giữ vô cùng nhiều và phong phú.

John Smith chưa từng nghĩ cuộc thám hiểm bất ngờ này lại có thể đưa đến một khám phá gây chấn động thế giới phương Tây: Tàn tích của quần thể hang động Ajanta, một Thánh địa nghệ thuật Phật giáo với lịch sử hai nghìn năm. Hang động mà đại úy John Smith được cậu bé chăn dê dẫn đến chính là hang động số 10 ngày nay. Tuy rằng những hang động này không lạ lẫm với người dân địa phương nhưng chuyến thám hiểm của Smith đã khiến thế giới bên ngoài biết đến một trong những quần thể hang động Phật giáo quan trọng nhất ở Ấn Độ.

Quần thể hang động Ajanta là nhóm hang động Phật giáo lớn nhất ở Ấn Độ. Những hang động này nằm trên vách đá của dãy núi Vindhya, ở tiểu bang Maharashtra, phía đông bắc của Mumbai, Ấn Độ. Hang động Ajanta được xây dựng từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên đến thế kỷ thứ 9 sau Công nguyên, bắt đầu từ thời đại vua Ashoka.

Khung cảnh nhìn từ xa của quần thể hang động Ajanta (Freakyyash, Wikimedia Commons )
Quang cảnh quần thể hang động Ajanta (soman, Wikimedia Commons)

Quần thể hang động này nằm trên những vách đá cao và dựng đứng của thung lũng Waghora, với tổng chiều cao khoảng 76 mét. Toàn bộ các hang động dài hơn 500 mét và do 29 hang động tạo thành. Trong quần thể kiến trúc cổ đại này, những kiệt tác nghệ thuật Phật giáo như tranh vẽ và tượng điêu khắc thường phản ánh những nội dung như tín ngưỡng Phật giáo thuở sơ khai, cũng như những biến đổi trong văn hóa và đời sống xã hội. Các chuyên gia khảo cổ đánh giá rằng, ít nhất đã từng có một thế hệ với hàng trăm người sinh sống trong những hang động này.

Những động đá trong quần thể hang động Ajanta được tạc thành từ nham thạch thiên nhiên. Hình thức kiến ​​trúc của các hang động có thể chia thành hai loại: một là các động Chaitya, còn gọi là Phật điện, nơi cất giữ tháp xá lợi quý giá; và một loại là các hang Vihara, là tịnh xá và nơi ở cho các tăng lữ.

Nội Điện của hang động số 1

Bên trong hang động số 1 của quần thể hang động Ajanta (Ảnh thuộc miền công cộng)

Mái vòm và các cột đá trong những hang động này đều được chạm khắc tinh xảo hình các Tiên nữ tung bay với dáng vẻ yểu điệu thướt tha. Trên vách tường còn có tượng của 500 La Hán với vẻ mặt khác nhau, mỗi vị cũng có một tư thế khác nhau.

(Daniel Chitniss, Wikimedia Commons)

Các bức bích họa và tượng điêu khắc đều được chạm khắc rất tinh tế và tỉ mỉ, khiến người xem vô cùng kinh ngạc. Những bức tranh này được người đời sau xem là các phẩm kinh điển không thể phục chế của nghệ thuật Phật giáo và nghệ thuật hội họa thế giới, có giá trị nghệ thuật và di sản văn hóa sâu sắc.

Những bức bích họa tinh tế trong hang động (Ảnh thuộc miền công cộng)

Những bức bích họa lớn nhất ở Ấn Độ đều được lưu giữ trong hang động Ajanta. Các bức bích họa vào thời kỳ sau thường có chủ đề phong phú và đa dạng hơn, với: Phật, Thần, Tiên nữ, các bậc vương giả, công chúa, ẩn sĩ, nhà sư, nhạc sĩ, thương gia, người hầu với nhiều hình tượng khác nhau; cùng với các loại động vật của rừng rậm nhiệt đới như voi, công, linh dương, nai, chim nhạn và nhiều loài động vật khác.

Nhân vật trên bích họa: Công chúa và người hầu (soman, Wikimedia Commons)

Kỹ thuật vẽ tranh ở thời kỳ này vô cùng tinh tế, từ vị Thần âm nhạc nửa người nửa chim Kinnara cho đến những con thú kỳ lạ có đầu trâu và đuôi cá đang vui chơi trong rừng với cỏ cây hoa lá. . . . Tất cả những chủ đề này cho thấy tín ngưỡng và thế tục luôn đi liền với nhau, ở đây thiên thượng và nhân gian dường như đang hòa quyện vào nhau.

Hình vẽ tinh xảo trên các bức bích họa. (Ảnh thuộc miền công cộng)
Bên trong hang động số 10. (Wikipedia)
Bên trong hang động số 2. (Wikipedia)

Trong số tất cả các tác phẩm điêu khắc, bức tượng Thích Ca Nhập Niết Bàn dài 7,27 mét trong hang động số 26 thường thu hút được nhiều sự chú ý nhất.

Cave 26, left aisle wall: Mahaparinirvana of Buddha, or Dying Buddha[247]
Tượng Phật nhập Niết Bàn trong hang động số 26. (Wikipedia)

Điều thần kỳ của bức tượng Phật này là du khách có thể thấy những biểu cảm khác nhau của tượng Phật khi nhìn ở các góc độ khác nhau. Khi nhìn từ phía trước, tượng Phật sẽ có vẻ trầm tư, nhưng khi nhìn từ bên trái có thể thấy tượng Phật đang mỉm cười và nếu nhìn từ phía sau lại có vẻ như tượng Phật đang nhìn một cách trang nghiêm. Các du khách thường đoán rằng có thể do tâm tính mỗi người khác nhau nên những gì nhìn thấy cũng không giống nhau.

Hang động Ajanta là một di tích Phật giáo quan trọng, hiện đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới, trở thành một trong những điểm tham quan có giá trị lịch sử và văn hóa hàng đầu Ấn Độ.

Dương Hoa - Epoch Times/ NTD
Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trong chuyến săn hổ, vị đại úy vô tình phát hiện một quần thể kiến trúc Phật giáo đồ sộ