Trong khổ nạn, hãy đồng cảm với nỗi đau của người khác

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quan sát sự căng thẳng đang leo thang của thế giới khi đối mặt với virus ĐCSTQ, hay còn được gọi là chủng virus Corona mới, tôi đã dấy lên một câu hỏi về hàm nghĩa của lòng trắc ẩn.

Lòng trắc ẩn là gì? Đó có phải là sự quan tâm gián tiếp hoặc trực tiếp đến những người đang đau khổ? Trong thời đại chúng ta ngày nay, người ta không thái quá tầm quan trọng của câu hỏi này. Tôi đã thử tìm kiếm trong các tác phẩm nghệ thuật để thật sự thấu hiểu.

Một nghệ sĩ đau khổ

William Bouguereau, một họa sĩ người Pháp được đào tạo bài bản, là một trong những nghệ sĩ tài năng nhất của thế kỷ 19. Ông cũng là người kiên định với khát khao tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tốt. Thời kỳ đầu trong sự nghiệp của mình, ông đã cất công khổ luyện để có thể làm chủ được những màu sắc và hình dạng phức tạp. Vào năm 1876, sau 12 lần nỗ lực thất bại, cuối cùng ông đã được bầu vào Viện Académie des Beaux-Arts uy tín của nước Pháp.

Sự nỗ lực và quyết tâm của Bouguereau đã được đền đáp xứng đáng: Ông thường xuyên giành chiến thắng trong các cuộc thi tại viện cũng như các triển lãm quốc tế. Ông được bầu làm chủ tịch của nhiều tổ chức khác nhau, bao gồm là chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội Nghệ sĩ Pháp, hiệp hội từ thiện do Baron Taylor thành lập để giúp đỡ các nghệ sĩ kém may mắn và hiệp hội cựu sinh viên của một trường đại học ở Pons.

Mặc dù rất thành công, Bouguereau cũng phải trải qua bao thăng trầm. Ông có năm người con với người vợ đầu tiên và bốn trong số họ chết vì bệnh. Ngay cả vợ ông cũng qua đời ngay sau khi sinh đứa con thứ năm.

Trong cuốn sách có tựa đề là William Bouguereau: Cuộc đời và tác phẩm, tác giả Dam Dam Bartoli và Fred Ross kể lại Bouguereau đã giải quyết những khó khăn này bằng cách “đắm chìm trong nghệ thuật, đó là cách duy nhất xoa dịu nỗi đau của ông”

“Tang thương đầu tiên”

Bouguereau đã trút hết nỗi đau thương của mình vào nghệ thuật thông qua cọ vẽ và bút chì. Tập phác thảo của ông đã trở thành một cuốn nhật ký bằng hình ảnh. Một trong những phác thảo này đã trở thành tác phẩm Tang thương đầu tiên (The First Mourning)

Kara Ross, đồng chủ tịch và giám đốc điều hành của Trung tâm Khôi phục Nghệ thuật (Art Renewal Center), kể lại điều này về tác phẩm Tang thương đầu tiên:

“Hình ảnh này thực sự chấn động tâm can, khiến người xem đồng cảm sâu sắc với cặp đôi khốn khổ. “Tang thương đầu tiên” đã được vẽ ngay sau cái chết của con trai thứ hai của Bouguereau. Tên của tác phẩm rất có ý nghĩa đối với những người theo Cơ Đốc giáo, vì đây là lần đầu tiên con người chịu đựng sự mất mát đối với người thương.”

"Tang thương đầu tiên", mô tả khoảnh khắc Adam và Eva tìm thấy thi thể của con trai Abel, bị anh trai mình Cain giết hại để hiến tế. Bouguereau bố cục tác phẩm như một “pietà” kinh điển, trong tiếng Ý có nghĩa là “sự từ bi” hay “lòng trắc ẩn”. Các nhân vật được đặt trọn trong một hình tam giác, một cấu trúc bố cục vững chắc nhất, khi một nhân vật nằm vắt ngang đùi một nhân vật khác đang ngồi. Bố cục pietà này có thể thấy rõ trong thời kỳ Thịnh Phục hưng với tác phẩm điêu khắc nổi tiếng của Michelangelo.

Tác phẩm “Pietà” - Michelangelo, Nhà thờ Thánh Peter, Vatican (CC-BY-SA-3.0)
Tác phẩm “Pietà” - Michelangelo, Nhà thờ Thánh Peter, Vatican (CC-BY-SA-3.0)

Tuy nhiên, có một sự tương phản giữa bố cục tam giác và sự thể hiện cảm xúc của các nhân vật. Sự vặn vẹo của cơ thể Abel cũng làm tăng thêm sự tương phản này. Cách sắp đặt nhân vật này cho phép Bouguereau tạo ra cảm giác chuyển động trong một bố cục tam giác vững chắc. Với ý đồ làm cho người xem nhận ra bản chất trang trọng của sự việc với bố cục tam giác, nhưng vẫn cảm nhận được nỗi đau với kỹ năng mô tả điêu luyện các cảm xúc của con người thông qua ngôn ngữ cơ thể.

Bouguereau cũng sử dụng màu sắc dịu nhẹ, trung hòa các sắc độ. Làn khói xám từ bàn thờ tế lễ phía bên phải của bao cảnh lấp đầy và chiếm toàn bộ bầu trời, bao phủ lấy các nhân vật. Bối cảnh và việc sử dụng màu sắc dịu nhẹ khẳng định thêm tính trang nghiêm của sự việc.

“Tang thương đầu tiên”, 1888, William Bouguereau. Sơn dầu trên vải, kích thước 2 x 2,5m. Bảo Tàng Mỹ Thuật Quốc Gia Argentina. (Public Domain)
“Tang thương đầu tiên”, 1888, William Bouguereau. Sơn dầu trên vải, kích thước 2 x 2,5m. Bảo Tàng Mỹ Thuật Quốc Gia Argentina. (Miền công cộng)

Đồng cảm với khổ đau

Bức tranh khiến tôi cảm nhận được nỗi đau của Adam và Eva, nỗi đau khi mất đi một người thân yêu. Đối với tôi, Bouguereau đã thành công trong việc thể hiện vai trò của một pietà: lòng trắc ẩn. Tôi thấy đồng cảm với những đau khổ mà Adam và Eva phải chịu đựng cũng như những mất mát to lớn mà Bouguereau đã phải trải qua.

Thông qua bố cục, màu sắc dịu nhẹ đầy cảm xúc, Bouguereau đã tạo nên một sự ám ảnh với nỗi đau mà ông khắc họa, một nỗi đau từng diễn ra trong những ngày đầu tiên của lịch sử nhân loại.

Vậy lòng trắc ẩn là gì? Nó không phải là một cái gì đó có thể được diễn tả hoàn toàn bằng lời, vì vậy tôi không có câu trả lời tuyệt đối cho câu hỏi này. Tôi nghĩ rằng một phần đặc tính của nó là luôn luôn nghĩ cho người khác, đặt mình vào hoàn cảnh của họ và làm sao ít gây ra tổn hại nhất có thể. Tại sao? Vì chúng ta đã đủ đau khổ rồi. Ai cũng khổ. Không có lý do gì để mang thêm đau khổ cho thế giới chỉ bởi vì sự thiếu cân nhắc của mình.

Đừng vội nhìn thấy thành công của người khác để rồi cho rằng họ không cần tình thương. Ví như nếu chỉ nhìn vào những thành công trong nghệ thuật của Bouguereau, chúng ta sẽ dễ quên đi sự thật là ông đã phải chịu đựng rất nhiều từ cái chết của bốn đứa con và người vợ đầu tiên. Nếu giữ tấm lòng rộng mở, chúng ta có thể nhận ra rằng nỗi đau của ông không chỉ dừng lại ở đó.

Bức tranh này nhắc nhở tôi rằng đau khổ không phải là một cuộc đua. Cuộc sống không phải là một cuộc đua xem ai là người phải chịu đựng nhiều hơn. Không ai muốn đau khổ, nhưng ai cũng sinh ra trong khổ đau. Đau khổ là có thật, và tất cả chúng ta từ mọi tầng lớp xã hội, kinh tế, giới tính, chủng tộc, v.v. khi đau khổ đều cần được quan tâm và yêu thương.

Khi nhắc đến đại dịch virus ĐCSTQ, tôi tự nhắc mình phải quan tâm đến mọi người. Một số trong chúng ta không mắc bệnh hoặc không cần trợ giúp, nhưng một số thì có. Mua và tích trữ hàng hóa một cách không cần thiết có thể khiến người khác nguy kịch. Tôi cần chăm sóc cho bản thân và gia đình của mình trong thời gian khó khăn này, nhưng tôi cũng cần cân nhắc rằng người khác cũng như vậy.

Chúng tôi đề cập loại virus corona mới, nguyên nhân gây bệnh COVID-19, là virus ĐCSTQ vì sự che đậy và quản lý sai lầm của Đảng cộng sản Trung Quốc đã để virus lây lan khắp Trung Quốc và tạo ra đại dịch toàn cầu.

Nghệ thuật có một khả năng phi thường là cho ta thấy những gì ta không thể thấy, nên ta có thể thốt lên rằng: “Điều này có ý nghĩa gì đối với tôi và đối với tất cả những ai nhìn thấy nó?”, “ Nó ảnh hưởng thế nào đến quá khứ và tương lai?” “Nó nói lên gì về trải nghiệm của con người?” Đây là một số câu hỏi tôi sẽ khám phá trong loạt bài Hướng vào nội tâm (Reaching Within): Nghệ thuật truyền thống mang đến gì cho trái tim.

Eric Bess là một nghệ sĩ đại diện thực hành (practicing representational artist). Ông hiện đang học Tiến sĩ tại Viện nghiên cứu Tiến sĩ về Nghệ thuật Thị siác (IDSVA).

Hàn Mặc
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trong khổ nạn, hãy đồng cảm với nỗi đau của người khác