Trong số đệ tử của mình, học trò nào được Khổng Tử đánh giá cao nhất? Đa số đoán sai!

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong 72 đệ tử của Khổng Tử, nhiều người không nổi danh, mấy vị nổi danh chỉ có Nhan Hồi, Tử Cống, Tử Lộ. Nhưng đệ tử được Khổng Tử đánh giá cao nhất là ai? Kỳ thực, để rõ vấn đề này, cần đi vào chi tiết. Có lẽ, cũng có người biết đáp án, đó chính là Nhiễm Ung. Chúng ta cùng tìm hiểu nguyên nhân!

Nhan Hồi

颜回像。
Tranh chân dung Nhan Hồi.

Như đã biết, trong kinh điển Nho gia “Luận Ngữ”, “Khổng Tử gia ngữ”, đệ tử được Khổng Tử biểu dương nhiều nhất là Nhan Hồi.

Khổng Tử thường nói: “Ngô dữ Hồi ngôn chung nhật, bất vi, như ngu. Thoái nhi tỉnh kỳ tư, diệc túc dĩ phát. Hồi dã bất ngu”. (Ta nói chuyện với Nhan Hồi cả ngày, chẳng thấy hỏi gì cả, như ngu đần vậy. Nhưng khi ngẫm lại, thấy những điều Thầy dạy đều được phát huy, Nhan Hồi không phải ngu đâu)

Khổng Tử khen Nhan Hồi chẳng bao giờ đặt câu hỏi nghi vấn, trông cứ như ngu như ngốc, nhưng quan sát ngôn hành cử chỉ của ông, lại thấy những điều của thầy dạy đều được ứng dụng cả, lại còn có chỗ phát huy. Nói lên Nhan Hồi ngộ tính rất cao, lại còn hợp nhất được tri thức và hành vi.

Có lần Khổng Tử hỏi Tử Cống: "Nói ta nghe, con với Nhan Hồi ai hơn?"

Tử Cống nói: "Con sao bì được với Nhan Hồi? anh ấy học một hiểu mười, con chỉ học một hiểu hai!"

Khổng Tử cũng thừa nhận ở điểm này, thầy còn kém Nhan Hồi, liền gật đầu liên tục đáp: Đúng vậy, đúng vậy, ta và con đều không bằng Nhan Hồi!

Khổng Tử còn nói: “Hồi dã, kỳ tâm tam nguyệt bất vi nhân, kỳ dư tắc nhật nguyệt chí yên nhi dĩ hỹ”, có nghĩa là nội tâm Nhan Hồi giữ được trường kỳ không vi phạm nhân đức, còn các đệ tử khác thì lúc được lúc chăng, miễn miễn cưỡng cưỡng. Trong số các đệ tử, Nhan Hồi xếp thứ nhất về đức hạnh, được Khổng Tử thường nhắc đến.

Nhan Hồi là người an bần lạc đạo (an tĩnh trong cảnh nghèo, vui với Đạo), được Khổng Tử biểu dương: “Nhất đan thực, nhất biều ẩm, tại lậu hạng, nhân bất kham kỳ ưu, hồi dã bất cải kỳ lạc.” (Một giỏ cơm, một bầu nước, trong ngõ nhỏ, chẳng ưu sầu, Nhan Hồi không thay đổi niềm an lạc).

Khổng Tử còn nói, Nhan Hồi là hiếu học nhất, không giận người khác, không phạm cùng một sai lầm lần thứ hai.

Nhan Hồi còn là một vị đệ tử kiên tín nhất vào học thuyết của Khổng Tử, cho dù bị tuyệt lương suýt chết đói ở Trần Thái, ông vẫn không hề nảy sinh hoài nghi dao động đối với đạo Khổng.

Thế nhưng, một vị đệ tử ưu tú như vậy, đã đắc được chỗ sâu sắc tinh hoa của Khổng Tử, có thể nói là người tốt nhất được lựa chọn để truyền y bát lại sớm rời dương thế. Lúc Nhan Hồi mất, Khổng Tử khóc than trời sầu đất thảm, khi con trai Khổng Tử là Khổng Lý mất, ông cũng không khóc than thương tâm đến vậy.

Có thể tưởng tượng, nếu Nhan Hồi không sớm qua đời, có lẽ thầy trò Khổng Tử sẽ sánh ngang với thầy trò nhà hiền triết Hy Lạp cổ đại Socrates và Plato.

Tuy là như vậy, nhưng Khổng Tử không đánh giá Nhan Hồi là cao nhất trong số đệ tử của mình.

Tử Cống

子贡像。
Tranh chân dung Tử Cống

Ngoài Nhan Hồi, còn một đệ tử được Khổng Tử vừa ý là Tử Cống. Tử Cống có tài biện thuyết, nhiều mưu lược, giỏi buôn bán, gia tài vạn lượng, là người giàu nhất trong số các đệ tử. Tử Cống từng mang lễ vật đi thăm chư hầu các phương, ngồi xe ngựa có mui che cỡ lớn, rất sang trọng đường hoàng.

Năm 489 TCN, khi Khổng Tử chu du các nước, gặp cảnh khốn cùng tuyệt lương ở biên giới hai nước Trần, Thái. Lần ấy, Khổng Tử đã 7 ngày không ăn gì, nhiều đệ tử đói quá sinh bệnh, có người sinh tâm oán hận, thậm chí còn phát sinh dao động đối với đạo học. Khi đó, Tử Cống nhận lệnh đi sứ nước Sở, kết quả làm cho Sở Chiêu Vương tự thân dẫn quân binh đi đón rước, hóa giải nguy nan cho thầy trò Khổng Tử.

Sau này, nước Tề chuẩn bị thảo phạt nước Lỗ, Khổng Tử nói với môn đệ: “Nước Lỗ là quê hương của cha mẹ chúng ta, tại sao các anh lại không đi bảo vệ?

Tử Lộ, Tử Trương, Tử Thạch muốn đi, Khổng Tử đều không đồng ý, cuối cùng Tử Cống xin đi, Khổng Tử gật đầu. Tử Cống trước tiên đến Tề quốc, thuyết phục đại thần Điền Thường chuyển từ đánh Lỗ sang đánh Ngô. Tử Cống lại tới nước Ngô, thuyết phục Ngô Vương Phù Sai cứu Lỗ phạt Tề. Sau đó, ông còn tới nước Việt, thuyết phục Việt Vương Câu Tiễn theo Ngô phạt Tề, rồi sang nước Tấn, nói Tấn Vương chuẩn bị đề phòng quân Ngô thừa thắng đánh Tấn. Sau đó, quân Ngô đánh bại quân Tề, quân Tấn đánh bại quân Ngô, Việt Vương thừa cơ diệt Ngô, tranh bá bắc phương.

Trong Sử Ký, Tư Mã Thiên khen ngợi Tử Cống: “Tử Cống nhất xuất, tồn Lỗ, loạn Tề, phá Ngô, cương Tấn nhi bá Việt…thập niên chi trung, ngũ quốc các hữu biến.” (Tử Cống một lần cất bước, giữ được Lỗ, làm loạn Tề, phá nước Ngô, giữ vẹn toàn nước Tấn, khiến nước Việt xưng bá…trong vòng mười năm, năm nước đều biến động.)

Có thể thấy, năng lực của Tử Cống so với các nhà thuyết khách sau này như Tô Tần, Trương Nghi cao hơn biết bao nhiêu.

So sánh Tử Cống và Nhan Hồi, Nhan Hồi như nhân vật sống trong tháp ngà, mang phong thái xuất thế, tuy có đức hạnh cùng ngộ tính, nhưng không muốn ra làm quan, chịu sống đời ẩn sĩ, không để ý đến củi gạo muối dầu, do vậy nên thường đứt bữa, ngay kế sinh nhai cũng khó duy trì. Tử Cống trái lại nhập thế, ông có năng lực lớn lao, có đại trí đại dũng, du thuyết các nước như qua chỗ không người. Khổng Tử có thể dương danh thiên hạ, đều không thể tách rời sự trợ giúp của Tử Cống - một đệ tử giàu có, tài năng kiệt xuất.

Các thương nhân hậu thể rất tôn sùng Tử Cống, tôn thờ làm Thần Tài, các cửa hiệu buôn thường dán câu đối: “Kinh doanh bất nhượng Đào Chu phú, hóa thực hà phương Tử Cống hiền” (Kinh doanh có đạo có thể giàu có không thua kém Đào Chu Công (tức Phạm Lãi), hàng hóa chất đầy đâu có làm danh tiếng hiền nhân của Tử Cống phương hại gì).

Tử Cống từng hỏi Khổng Tử nhận xét về mình, Khổng Tử nói: “Hồ liễn dã” (Hồ liễn là cái bát lớn đựng đồ cúng), ví ông như vậy tức là có tài năng trụ cột, có thể đảm đương việc lớn. Khổng Tử còn bình thêm một chữ “Đạt” cho Tử Cống, nói ông thông đạt sự lý, thích hợp chính sự. Đánh giá này có phần tương tự như câu đối nổi tiếng trong Hồng Lâu Mộng:

Thế sự động minh giai học vấn
Nhân tình luyện đạt tức văn chương.

(Hiểu rõ thế sự thì thấy tất cả đều là học vấn, thấu đạt nhân tình thì thấy tất cả đều là văn chương).

Thế nhưng, Tử Cống, một vị anh tài kiệt xuất, lung linh vạn trượng như vậy, vẫn không được Khổng Tử đánh giá cao nhất!

Tử Cống cũng có chỗ thiếu sót. Trong thơ Lý Thế Dân viết: “Tật phong tri kình thảo, bản đãng thức thành thần.” (Gió mạnh biết cỏ cứng, loạn thế hiểu trung thần), chỉ có đối mặt với khảo nghiệm sinh tử vào thời khắc then chốt, mới có thể bộc lộ hết được bản tâm và chỗ thiếu sót của mình.

Phần trên đề cập đến lúc Khổng Tử bị tuyệt lương ở Thái Trần, Nhan Hồi tâm vẫn như thuở đầu, không thay đổi, nhưng trong những đệ tử dao động, Tử Lộ và Tử Cống có tên trong đó. Hai người khi ấy còn bực bội thiếu kiềm chế, gặp khốn cảnh, Tử Lộ trực tiếp chất vấn Khổng Tử, tại sao quân tử cũng bị quẫn bách đến thế này?

Còn Tử Cống sau khi nổi giận tới khuyên Khổng Tử: “Thầy à, học thuyết của Thầy quá rộng lớn, không quốc gia nào có thể dung nạp nổi, có thể hạ thấp tiêu chuẩn một chút chăng?”

Khổng Tử nhìn Tử Cống biểu thị sự thất vọng, tất nhiên ông không thể cắt gọt cho vừa yêu cầu của thế nhân, ông chỉ rõ ra chỗ chí hướng của Tử Cống không đủ xa đủ lớn.

Tuy nhiên, nạn Trần Thái cuối cùng cũng do Tử Cống đi sứ nước Sở mà hóa giải, nhưng ông đã bị dao động, đã sợ hãi, đối mặt với lý tưởng cao thượng và hiện thực khắc nghiệt, ông đã lựa chọn cúi đầu trước hiện thực. Cờ hiệu của Khổng Tử quá cao, quá lớn, Tử Cống không đủ nghị lực gánh vác.

Vậy là, cả Nhan Hồi, Tử Cống đều không phải là người được Khổng Tử đánh giá cao nhất, vậy cuối cùng người nào được Khổng Tử đánh giá cao nhất đây?

Nhiễm Ung

冉雍像
Tranh chân dung Nhiễm Ung

Trong các đệ tử Khổng môn, chúng tôi thấy có một người, kinh điển Nho gia ghi chép về ông có phần sơ lược, danh tiếng dường như kém Nhan Hồi và Tử Cống. Nhưng ông lại là người hội tụ các ưu điểm của hai vị kia, bổ xung được chỗ còn thiếu sót của hai người. Ông có phẩm đức và học vấn đều ưu tú, độ lượng khoan hồng lại có đức hạnh, còn mang thực tài thực học.

Ông chính là Nhiễm Ung, một trong mười triết gia của Khổng môn, cũng như Nhan Hồi, ông có đức hạnh lớn. Ông và anh trai Nhiễm Canh, em trai Nhiễm Cầu đều là đệ tử của Khổng Tử. Đều được liệt vào “Khổng môn thập triết” (mười bậc minh triết cửa Khổng), thế nhân gọi là “Nhất môn tam hiền” (Ba hiền nhân cùng một nhà).

Nhiễm Ung từng hỏi Khổng Tử: “Tang Bá Tử là người thế nào?”

Khổng Tử trả lời: “Ông ấy cũng được đấy, là người làm việc rất giản đơn”.

Nhiễm Ung nói ngay: “Cư kính nhi hành giản,dĩ lâm kỳ dân, bất diệc khả hồ? Cư giản nhi hành giản, vô nãi đại giản hồ?” (Có kế hoạch nghiêm mật, hành động đơn giản minh bạch, dùng đó mà quản lý chúng dân, thì chẳng phải là tốt sao? Kế hoạch thô tháo mà hành động vội vàng, chẳng phải là quá tùy tiện sao?)

Khổng Tử trả lời: “Con nói rất đúng”.

Các đối đáp thầy trò Khổng môn, điều đệ tử nói thường là phiến diện, cần Khổng Tử chỉnh sửa, tổng kết, giải thích cùng phát huy thêm. Nhưng tới Nhiễm Ung chỗ này thì trái lại, ông giải thích sâu thêm một tầng lời nói của Thầy, lại còn nói hết sức rõ ràng, được Khổng Tử khẳng định. Tình huống này rất hiếm thấy. Từ đây mà suy, học vấn và ngộ tính của Nhiễm Ung đều rất cao.

Theo tài liệu sử học, Nhiễm Ung từng làm chức Quý thị tể, tức là Tổng quản của gia tộc quyền thần họ Quý ở nước Lỗ. Ông “Cư kính hành giản”, chủ trương “Dĩ đức hóa dân”, có công tích xuất sắc. Nhưng nhà họ Quý không hoàn toàn nghe theo lời ông can gián, nên ông chỉ làm ba tháng, rồi từ quan quay về bên Khổng Tử.

Khổng Tử từng có ba lần đánh giá quan trọng về Nhiễm Ung, ông được tôn trọng và tán thưởng, trong số các đệ tử không ai sánh được.

Khổng Tử từng khen ông: “Lê ngưu chi tử tinh thả giác, tuy dục vật dụng, sơn xuyên kỳ xá chư?” (Bê con của bò cày có lông đỏ sừng cứng, tuy không muốn dùng nó để hiến tế Thần, nhưng Thần núi sông lẽ nào từ bỏ nó?)

Câu nói đó có nghĩa là, Nhiễm Ung tuy xuất thân nghèo khó, nhưng ông rất có tài, nhất định sẽ hơn người. Do Khổng Tử đánh giá “Lê ngưu chi tử” (con nhà nông dân cày ruộng), nên rất nhiều con em nhà bình dân dùi mài đèn sách, tôn kính câu này.

Khổng Tử còn bình phẩm Nhiễm Ung: “Ung dã khả sử nam diện”. (Ung có thể làm được vua (người quay mặt hướng nam là vua))

Câu này thật phi thường, bằng như Khổng Tử khen: Nhiễm Ung à, con có đủ đức của bậc đế vương, có thể làm vua đó!

Cần biết rằng thời Khổng Tử khi ấy, chỉ khi Chu thiên tử cùng quần thần hội kiến, mới ngồi ở phương Bắc quay mặt hướng về Nam, gọi là “Nam diện”. Hơn nữa, thời ấy quan niệm giai cấp rất nghiêm, chư hầu quý tộc đều cha truyền con nối, bình dân như Nhiễm Ung, không thể có địa vị đó.

Khổng Tử nói lời này, thực ra là đã phạm húy. Dùng chính tiêu chí của Khổng Tử mà nói, thì không phù hợp Lễ, là “Phi lễ vật ngôn” (Không hợp lễ thì không nói) mà! Nhưng cũng bởi Khổng Tử lỡ lời, chúng ta mới biết được ông đánh giá cao Nhiễm Ung đến thế nào!

Đặc biệt là, Khổng Tử thủy chung nhất quán khen ngợi Nhiễm Ung. Căn cứ ghi chép Sơn Đông “Nhiễm thị tông phổ - Nhiễm thị nguyên lưu cảo”, Khổng Tử trước lúc lâm chung từng nói với các đệ tử: “Hiền tai Ung dã, quá nhân viễn hĩ.” (Hiền thay Nhiễm Ung, hơn người xa lắm)

Trước khi chết, Khổng Tử tái khẳng định sự hiền đức của Nhiễm Ung, vượt xa những người khác.

Khi ấy có người bình luận Nhiễm Ung: “Trọng Cung hữu nhân đức đãn một khẩu tài.” (Trọng Cung có nhân đức nhưng không có tài thuyết nói.)

Khổng Tử không cho là như vậy nên phản bác: “Cần khẩu tài làm gì? Người giỏi biện luận phản bác chỉ làm người ta thêm ghét.

Trong sách còn ghi, sau khi Khổng Tử tạ thế, Nhiễm Ung cùng Mẫn Tử Khiên biên soạn Luận Ngữ. Liên quan việc này, Đông Hán đại Nho gia Trịnh Huyền cũng nói: Luận Ngữ là do “Trọng Cung, Tử Du, Tử Hạ biên soạn”, Trọng Cung tức là Nhiễm Ung, là vị đứng đầu trong nhóm biên soạn sách.

Ngoài ra, một vị đại biểu Nho gia thời Chiến quốc là Tuân Tử cũng có đánh giá cực cao về Nhiễm Ung, trong “Nho hiệu thiên” sách Tuân Tử có nói: “Thông tắc nhất thiên hạ, cùng tắc độc lập quý danh, thiên bất năng tử, địa bất năng mai, kiệt chích chi thế bất năng ô, phi đại nho mạc chi năng lập, Trọng Ni, Tử Cung thị dã.” (Khi đắc chí thì thống nhất thiên hạ, lúc khốn cùng cũng tự lập tiếng thơm, Trời không thể giết chết, Đất không thể lấp vùi, thời đại của bạo chúa Hạ Kiệt và kẻ trôm cướp Đạo Chích cũng không thể làm ô nhiễm, không phải vị đại Nho thì sao làm được vậy, Trọng Ni và Trọng Cung là người như thế)

(Ghi chú: Nhiều người cho rằng Tử Cung mà Tuân Tử nói đến chính là Trọng Cung, nhưng cũng có người cho là đây là 2 người khác nhau)

Trong “Phi thập nhị tử thiên” viết: Kim phù nhân nhân dã, tương hà vụ tai? Thượng tắc pháp Thuấn, Vũ chi chế, hạ tắc pháp Trọng Ni, Tử Cung chi nghĩa, dĩ vụ tức thập nhị tử chi thuyết.”(Những người nhân đức ngày nay, thì nên dốc sức làm những gì? Trên theo pháp chế của vua Thuấn vua Vũ, dưới theo đạo nghĩa của Trọng Ni, Trọng Cung, dốc sức dừng học thuyết của 12 gia phái (chư tử))

Khổng Tử cả đời tận lực thúc đẩy đại đạo trị quốc của ông, nhưng như Nhan Hồi, Tử Cống nói: “Phu tử chi đạo chí đại, cố thiên hạ mạc năng dung” (Đạo của thầy lớn quá, nên thiên hạ không dung nạp nổi).

Lý niệm của Khổng Tử thực tại quá vĩ đại, cao thâm ít người hiểu, nên trong thời thiên hạ phân tranh, chủ trương học thuyết của ông bị gạt sang bên.

Suốt cuộc đời mình, Khổng Tử chưa gặp được ai có thể thưởng thức học thuyết, quân vương nào có thể vận dụng học thuyết của ông.

Mấy chục năm gập ghềnh trắc trở, ôm nỗi niềm thất ý, như Lý Bạch viết: “Đại đạo như thanh thiên, ngã độc bất đắc xuất” (Đại đạo như trời xanh, chỉ mình ta không ra khỏi Đạo).

Có lẽ, biểu hiện của Nhiễm Ung đã làm Khổng Tử để ý, hay là trong mắt Khổng Tử, ông là người có đạo quân vương. Do vậy nên chúng ta không khó lý giải, tại sao Khổng Tử luôn đánh giá cao về ông, thậm chí tới lúc lâm chung vẫn không quên. Ông trân trọng Nhiễm Ung, cũng có lẽ là thương cảm chính mình, ôm đại đạo mà cả đời không chỗ dụng, đành buông một tiếng thở dài, ôi buồn thay!

Thái Bình
Theo Tu Kính - Visiontimes



BÀI CHỌN LỌC

Trong số đệ tử của mình, học trò nào được Khổng Tử đánh giá cao nhất? Đa số đoán sai!