“Trủng Hổ" ra khỏi mộ, Tào Tháo nhìn thấy không khỏi lạnh sống lưng, nói một câu với Tào Phi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một lần, sau khi nghị sự ở đại sảnh kết thúc, Tư Mã Ý cáo lui, vừa hướng ra ngoài đi được vài bước, thì Tào Tháo bất ngờ ở phía sau lưng ông hô lên: “Trọng Đạt, đi cẩn thận!” Tư Mã Ý quay đầu ra thẳng phía lưng ông mà nhìn về phía Tào Tháo, thân người vẫn giữ yên. Tào Tháo nhìn thấy, trong lòng chấn động!

Tam quốc quần hùng tranh bá, anh hùng hào kiệt tụ hội, cuối cùng giang sơn không phải do Thục Hán của Gia Cát Lượng, cũng không phải của Tào Ngụy, cũng không quy về Đông Ngô, mà quy về triều Tấn do gia tộc Tư Mã kiến lập.

Là người sáng lập ra cơ nghiệp nhà Tấn, Tư Mã Ý được mệnh danh là “Trủng Hổ”, tức là một con hổ ẩn mình trong mộ, tài thao lược của ông ta khiến người thường không thể tưởng tượng nổi, vậy có những câu chuyện nào về ông? Triều Tấn do ông lập ra có 15 vị hoàng đế, tại sao con cháu ông không được hưởng phúc, lại còn bỏ họ Tư Mã?

Tại “Nguyệt đán bình” nói một câu, khiến người chủ trì á khẩu

Vào những năm cuối thời Đông Hán, xã hội loạn lạc, thời thế tạo anh hùng, thời kỳ đó nổi lên rất nhiều anh hùng hào kiệt hô mưa gọi gió.

Ngày hôm đó, tại hội trường "Nguyệt đán bình" ở Nam Dương, một thanh niên anh tài tuấn tú đang tranh luận với người chủ trì đến đỏ mặt. Người thanh niên này tên là Tư Mã Phu, là tam công tử của Kinh Triệu doãn Tư Mã Phòng.

Mà "Nguyệt đán bình" này là một hội bình luận nổi tiếng khắp cả nước lúc bấy giờ, do hai người nổi tiếng là hai huynh đệ Hứa Thiệu và Hứa Tĩnh ở Nam Dương chủ trì. Hai người này giỏi bình luận các nhân vật đương thời, không thổi phồng, cũng không dèm pha, chí công vô tư, nên rất có thanh danh.

"Nguyệt đán bình" này là một hội bình luận nổi tiếng khắp cả nước lúc bấy giờ, do hai người nổi tiếng là hai huynh đệ Hứa Thiệu và Hứa Tĩnh ở Nam Dương chủ trì. (Ảnh minh họa: theepochtime)

Và bởi vì hội bình phẩm này được tổ chức vào ngày đầu tiên hàng tháng, nên nó được gọi là "Nguyệt đán bình." Khi đó hội này rất có uy quyền, tựa như vai trò giám định của bậc thầy đồ cổ ngày nay, chỉ cần bậc thầy nói đó là một khối ngọc đẹp, thì giá trị sẽ tăng lên hàng trăm lần.

Hứa Thiệu từng nhận xét rằng Tào Tháo là “Tướng tài thời thanh bình, anh hùng thời loạn thế.” Chính điều này đã khiến Tào Tháo danh tiếng chấn tứ phương từ khi còn nhỏ.

Và vào ngày đó, Tư Mã Phu đến đây với mục đích để hai nhân vật nổi tiếng này tự bình luận một chút về văn chương của mình, thể hiện một chút tài năng và nâng cao một chút giá trị của bản thân, dự định chuẩn bị ra làm quan.

Tuy nhiên, người chủ trì không để mắt đến ông một chút nào, từ trên cao nhìn xuống, miệng nói thao thao, cho rằng Tư Mã Phu chỉ có khả năng chống đỡ, không có sức đánh trả, đánh trận sẽ thất bại.

Lúc này nhìn thấy một thanh niên vẻ mặt bình tĩnh bước lên đài, anh ta cũng không nhanh không chậm, tâm bình khí hoà, cười với người chủ trì và nói: Mạnh Tử có câu: "Tận tín Thư, tắc bất như vô Thư. Ngô ư Vũ thành, thủ nhị tam sách nhi dĩ hĩ." (“Nếu tin hết vào sách thà không có sách còn hơn. Trong chương ‘Võ Thành’ này tôi cũng chỉ tin tưởng hai ba trang trong đó mà thôi)

Bởi vì bài văn chương mà Tư Mã Phu lúc ấy viết liên quan đến nội dung của "Thượng Thư", mà câu nói đó của Mạnh Tử, chính là nói: “Tin hết vào Thượng Thư thì thà không có Thượng Thư. Trong chương ‘Võ Thành’ này tôi cũng chỉ tin tưởng hai ba trang trong đó mà thôi.”

Ngụ ý là, Mạnh lão phu tử đã nói năm trăm năm trước, bản thân "Thượng Thư" cũng không phải là tin tưởng hết, thế nhưng là người chủ trì mà còn chỉ trích như vậy, thì có sức thuyết phục gì chứ? Câu này khiến người chủ trì lập tức sửng sốt, trầm mặc một hồi, không nói nên lời.

Người thanh niên này là nhân vật chính của chúng ta trong số này - Tư Mã Ý.

Lại nói về phụ thân của Tư Mã Ý là Tư Mã Phòng, có tám người con trai, mỗi người đều có chữ “Đạt” trong tên của mình, nên tám người họ được gọi là "Bát Đạt": Tư Mã Phu này là lão tam, tự là Thúc Đạt. Tư Mã Ý (179-251) là lão nhị, tự là Trọng Đạt.

Cứ như thế, tin tức Tư Mã Ý khiến người chủ trì tại “Nguyệt đán bình” không nói nên lời được lan truyền nhanh chóng trong giới sĩ phu vào thời điểm đó. Tin tức truyền đi rằng Tư Mã Ý là thần đồng hiếm có, học nhiều, tài cao.

Điều này quả thực rất đúng, Tư Mã Ý thời niên thiếu “thường xúc động lo lắng cho thiên hạ”. Thượng Thư Thôi Diễm có mối giao hảo với huynh trưởng của Tư Mã Ý là Tư Mã Lăng, và từng nói với Tư Mã Lăng: "Đệ đệ của ngươi thông minh hiểu chuyện, làm việc quả quyết, anh tư bất phàm, mạnh mẽ hơn ngươi nhiều."

Tào Tháo chiêu mộ, Tư Mã Ý giả bệnh

Vào năm Kiến An thứ 6 thời Đông Hán (201), khi Tào Tháo đang nhậm chức Tư Không, nghe được rất nhiều lời khen ngợi dành cho Tư Mã Ý, lòng yêu mến tài năng tự nhiên sinh ra, liền muốn chiêu mời Tư Mã Ý vào phủ của ông nhậm chức.

Nhưng Tư Mã Ý nghe tin này rồi vẫn không chịu quy phục, điều này cũng chẳng trách được, Tư Mã gia này là hậu duệ của chắt nội Trọng Lê của Hoàng đế Chuyên Húc, từ thời viễn cổ đến thời nhà Thương, các thế hệ đều được kế thừa chức vị của Hạ Quan Chúc Dung, đến thời nhà Chu, thì họ Hạ Quan đổi thành Tư Mã, vào thời Chu Tuyên Vương đã ban ân cho Tư Mã lấy chức làm họ, Tư Mã gia mấy đời nối tiếp nhau làm quan lớn, cho nên tâm cao khí ngạo là điều dễ hiểu.

Tư Mã Ý nghĩ thầm: Tào Tháo ngươi hồi đó làm quan, là do phụ thân ta tiến cử, một tay kéo lên. Tư Mã Ý ta đây ra làm quan, dẫu sao cũng phải làm mệnh quan triều đình, là biên chế của triều đình mới đúng.

Cho nên Tư Mã Ý đã nói dối, nói mình vừa mới mắc bệnh phong thấp, hôm nay lại bị phong thấp nặng, xương khớp trên dưới chỗ nào cũng đau nhức, không dậy nổi khỏi giường, làm sao có thể đến Tào phủ nhậm chức được? Không thể tới được đâu!

Tư Mã Ý đã nói dối mình vừa mới mắc bệnh phong thấp, hôm nay lại bị phong thấp nặng không dậy nổi khỏi giường, làm sao có thể đến Tào phủ nhậm chức được? (Ảnh: Miền công cộng)

Tào Tháo nghi ngờ, không tin lời ông ta nên sai thích khách đi dò xét. Một đêm, tên thích khách này lẻn vào phòng ngủ của Tư Mã Ý, cố ý gây tiếng động đánh thức ông, sau đó rút kiếm ra hướng vào ngực ông để đâm, thấy Tư Mã Ý không hề nhúc nhích mà vẫn nằm yên, vẫn cứ nằm ngửa mặt lên trời, dáng vẻ không thể động đậy được. Ngay khi mũi kiếm chỉ còn cách ngực Tư Mã Ý một chút thì tên thích khách bất ngờ đột nhiên thu kiếm và bỏ đi đột ngột như một con mèo hoang.

Tên thích khách trở về, bẩm báo với Tào Tháo từng chi tiết một, Tào Tháo nghe nói xong cảm thấy người này xem ra không những có tài, mà lòng dạ còn rất thâm sâu, không thể coi thường. Nghĩ rằng chỉ cần được khống chế thích hợp thì có thể trọng dụng, cho nên ông càng ngày càng muốn chiêu mời Tư Mã Ý đến phủ của ông nhậm chức.

Nhưng Tư Mã Ý cứ giả vờ ốm mãi, thử đoán xem ông giả ốm được trong bao lâu?

Ông đã giả ốm trong ròng rã bảy năm, đó là quãng thời gian của tuổi thanh xuân từ 23 đến 30 tuổi! Dẫu là người không bị bệnh thì giả vờ trong thời gian dài như thế cũng sẽ bị bệnh tâm thần, nhưng ông không sao cả! Ông giả bộ nhưng rất kín kẽ, ngay cả người hầu trong nhà cũng không biết rằng ông đang giả vờ. Nhưng trong suốt thời gian đó có một sự cố xảy ra.

Vào ngày hôm đó, lúc đầu trời trong gió nhẹ, sau đó đột nhiên bầu trời u ám, sấm sét vang dội, chẳng mấy chốc, mưa to như trút nước, Tư Mã Ý vốn đang giả ốm trong nhà, chợt nhớ ra ngoài nhà có nhiều sách đang phơi nắng, còn chưa thu vào, số sách này sắp bị mưa làm hỏng rồi, ông không thể cứ mãi nằm yên trong phòng được. Thế rồi một tiếng “Ai ya" kêu lên, ông chạy từ trong phòng ra cứu sách, mà quên mất chuyện mình đang giả bệnh.

Vừa đúng lúc đó, một người hầu nữ nhìn thấy cảnh đó, thấy nhị công tử vẫn tràn đầy sinh lực.

Lúc này, phu nhân của Tư Mã Ý là Trương Xuân Hoa cũng đang vội vàng chạy tới để thu dọn sách, cảnh tượng lúc đó đúng như là “bọ ngựa bắt ve, hoàng tước ở phía sau”. Bà cũng đã tận mắt chứng kiến cảnh này. Vì để giữ kín bí mật này của chồng, bà đã giết người hầu nữ kia để bịt miệng. Tư Mã Ý nhìn thấy liền cảm thán mà khen phu nhân của mình rằng: quả không phải người nhà thì không vào cùng một cửa. Cho nên từ đó, ông rất nể trọng vị phu nhân này.

Những năm tháng tốt đẹp tuổi hai mươi, Tư Mã Ý đều ở trong căn phòng này, thử hỏi ông có nhẫn chịu không, có đáng sợ không. (Ảnh minh họa: Miền công cộng)

Cứ như vậy, Những năm tháng tốt đẹp tuổi hai mươi, Tư Mã Ý đều ở trong căn phòng này, thử hỏi ông có nhẫn chịu không, có đáng sợ không. Đó chính là một con hổ ẩn nấp trong mộ, gọi là Trủng Hổ có đúng không? Vậy rốt cuộc bằng cách nào để con hổ này bò ra khỏi mộ?

Trủng Hổ ra khỏi mộ

Kiến An năm 13 (năm 208), Tào Tháo nhậm chức thừa tướng, cuối cùng không tin Tư Mã Ý thực sự bị bệnh, quyết định tiếp tục mời Tư Mã Ý làm Văn Học Duyện. Nói với người được sai đi rằng: “Nếu hắn lại thoái thác, thì bắt hắn giam vào ngục.”

Sứ giả đi vào Tư Mã phủ, nói với Tư Mã Ý: Thừa tướng rất quan tâm bệnh tình của nhị công tử, quý trọng tài năng hiếm có của công tử, muốn mời công tử vào phủ Thừa Tướng nhậm chức Văn Học Duyện, có điều không biết là bệnh tình của công tử đã khỏi hắn chưa? Tư Mã Ý biết, bệnh này giả bộ tiếp nữa, có thể sẽ bị chém đầu. Thế là vội vàng trả lời nói: Đa tạ thừa tướng để mắt Tư Mã Ý, bệnh nhẹ đã sớm khỏi rồi, ta rất nguyện ý vì thừa tướng mà ra sức trâu ngựa.

Thế là, Tào Tháo để Tư Mã Ý vào phủ Thừa Tướng nhậm chức Văn Học Duyện, không lâu chuyển nhiệm Chủ bộ, cũng tùy thời giúp đỡ Tào Phi.

Như vậy phải chăng Tư Mã Ý giống như Tào Tháo suy đoán sẽ là một kỳ tài có thể trọng dụng?

Ưng thị lang cố

Tiếp xúc với Tư Mã Ý được một thời gian, Tào Tháo dần dần cảm thấy Tư Mã Ý này tuy có vẻ đôn hậu, nhưng mắt sắc bén như chim ưng, ẩn chứa một loại sát khí bừng bừng. Tào Tháo cũng phát hiện ra ông có tướng lang cố. Tướng lang cố tức là: Khi con sói đi, nó cực kỳ cảnh giác, lúc nào cũng nhìn trái, nhìn phải và quay đầu lại nhìn, khi quay đầu lại nhìn không cần quay người mà quay ngoắt 180 độ để đầu ngoảnh ra sau. Do đó, nếu như người nhìn phía sau, mà quay đầu thẳng về phía sau chứ không quay người, thì chính là người có tướng lang cố. Trong sách xem tướng có miêu tả dạng người này là: cẩn thận đa nghi, thủ đoạn độc ác, có lòng dạ thâm sâu, dụng ý khó biết.

Một lần, sau khi nghị sự ở đại sảnh kết thúc, Tư Mã Ý cáo lui, vừa hướng ra ngoài đi được vài bước, thì Tào Tháo bất ngờ ở phía sau lưng ông hô lên: “Trọng Đạt, đi cẩn thận!” Tư Mã Ý quay đầu ra thẳng phía lưng ông mà nhìn về phía Tào Tháo, thân người vẫn giữ yên. Tào Tháo nhìn thấy, trong lòng chấn động!

Tam mã đồng tào

Theo "Tấn Thư Tuyên đế kỷ", một đêm nọ, Tào Tháo nằm mơ thấy ba con ngựa đang ăn cỏ trong cùng một máng cỏ, trong mơ ông cũng nghĩ: "Ba con súc sinh này, bên cạnh còn có máng, sao lại chen nhau vào một cái máng giành ăn?” chỉ thấy ba con ngựa không thèm để ý, vừa ăn cỏ, vừa xì xào với nhau.

Lúc đó Tào Tháo cảm thấy đầu choáng váng, từ trong mộng tỉnh lại. Tào Tháo nhớ lại giấc mộng “ba con ngựa ăn chung một máng”, lại nghĩ đến Tư Mã Ý có tướng lang cố, trong lòng cảm thấy e sợ.

Tào Tháo liền cho gọi Tào Phi tới cảnh báo: “Tư Mã Ý có tướng lang cố, Tư Mã Ý là kẻ không cam chịu làm bề tôi, sau này tất sẽ can dự vào đại sự của họ Tào ta, nếu như khống chế được có thể dùng, còn nếu không thì phải giết.”

Nhưng vì Tào Phi không hiểu hết được những lo lắng của Tào Tháo, lại cho rằng mình có thể kiểm soát được Tư Mã Ý, nên đã thản nhiên nói với Tào Tháo rằng: "Xin cha đừng lo, hài nhi biết rồi."

Tào Phi không hiểu hết được những lo lắng của Tào Tháo, lại cho rằng mình có thể kiểm soát được Tư Mã Ý. (Ảnh: Tổng hợp)

Trợ giúp Tào Phi giành quyền kế vị

Mọi người đều biết rằng giữa Tào Phi và Tào Thực tranh đấu nhau rất kịch liệt để được nối ngôi, Tào Tháo lại sủng ái Tào Thực, còn Tào Phi lại rất khao khát được nối ngôi, nhưng ở vào địa vị bất lợi trong thời gian lâu, nên rất cần người tài phụ tá. Và Tư Mã Ý đã trợ giúp rất nhiều cho Tào Phi.

Có một lần, Tào Tháo muốn khảo nghiệm thêm hai anh con trai của mình, ông ra lệnh cho Tào Phi và Tào Thực ra khỏi Nghiệp Thành, đồng thời mật lệnh không mở cổng thành, để xem hai người sẽ làm gì.

Tư Mã Ý nói với Tào Phi rằng: "Chúng ta không ra khỏi thành, cam tâm chịu thua, không thể chém giết những thị vệ trung thành với nhiệm vụ của mình, việc này nhất định sẽ giành được tấm lòng quý trọng nhân nghĩa của đại vương." Tào Phi khen hay.

Vì thế, Tào Phi ra cổng thành bị ngăn lại thì ngoan ngoan ngoãn trở về nhà.

Nhưng Tào Thực nghe theo chủ ý ngu ngốc của Dương Tu, chặt đầu lính canh rồi ra khỏi thành.

Kỳ thực Tào Tháo rất coi trọng cao phẩm chất khoan hậu nhân ái, và ông không muốn thấy người thừa kế của mình sát tâm quá nặng, nhưng trong lần khảo nghiệm này Tào Thực đã thể hiện ra sự tàn bạo, còn Tào Phi lại rất được ý cha.

Tư Mã Ý nhanh chóng trở thành người thân tín nhất của Tào Phi, cùng Trần Quần, Ngô Chất, Chu Thước Tịnh trở thành “tứ hữu” của Tào Phi. Tư Mã Ý là mưu sĩ quan trọng của Tào Phi, Tào Phi lại luôn bảo vệ cho ông. Mà Tư Mã Ý luôn cẩn thận trong mọi việc, dốc hết sức lực ở cương vị của mình đến quên ăn quên ngủ. Ngay cả những việc nhỏ nhặt như cho ngựa ăn cũng đều do ông tự thân làm, thời gian lâu rồi, khiến cho Tào Tháo cho rằng Tào Phi có thể khống chế Tư Mã Ý, nên dần dần giảm bớt tâm lý đề phòng với Tư Mã Ý.

Vào năm Kiến An thứ 22 (năm 217), Tào Phi cuối cùng đã giành được quyền nối ngôi và được lập làm Ngụy vương thế tử. Tư Mã Ý cũng được thăng chức.

Lập kế giết Quan Vũ

Năm Kiến An thứ 24 (năm 219), Tư Mã Ý được phong làm Quân Tư Mã. Quan Vũ bắc phạt đến Phàn Thành, nước sông Hán dâng nhanh, viện binh của Tào Ngụy bị lũ lụt nhấn chìm, Tào Nhân đóng quân ở Phàn Thành chỉ có mấy nghìn quân giữ thành, vô cùng nguy cấp.

Lúc đó, Tào Tháo lại xem trọng Tào Thực, giao cho Tào Thực nhiệm vụ quan trọng, đem quân giải cứu Tào Nhân. Không ngờ, trước khi đi, Tào Thực bị Tào Phi cố tình mời đến uống rượu say đến bất tỉnh nhân sự. Tào Tháo vô cùng tức giận, nên bãi miễn chức vị của Tào Thực.

Để tránh khỏi lưỡi đao của Quan Vũ, Tào Tháo từng định dời đô về Hà Bắc. Nhưng Tư Mã Ý khuyên can: Nay dời đô chẳng những cho quân địch thấy mình yếu thế hơn mà còn khiến lòng quân bất an; Lưu Bị và Tôn Quyền bằng mặt nhưng không bằng lòng. Nay Quan Vũ tự cao, Tôn Quyền nhất định không vui, đem chuyện này cho Tôn Quyền biết. Ta chỉ việc ngồi trên núi xem hổ đánh nhau, Phàn Thành sẽ tự được giải vây.

Tào Tháo nghe theo kế hoạch của Tư Mã Ý, quả nhiên Tôn Quyền cử Lữ Mông đánh lén căn cứ của Quan Vũ ở Kinh Châu, Quan Vũ nhanh chóng lui binh, quân Ngụy thừa cơ truy sát, Quan Vũ lưỡng đầu thọ địch, bị giết ở gần Mạch Thành. Nguy hiểm ở Phàn Thành cũng được giải trừ.

Tôn Quyền cử Lữ Mông đánh lén căn cứ của Quan Vũ ở Kinh Châu, Quan Vũ nhanh chóng lui binh, quân Ngụy thừa cơ truy sát, Quan Vũ lưỡng đầu thọ địch, bị giết ở gần Mạch Thành. (Ảnh minh họa: Công cộng)

Tào Tháo qua đời, Tào Phi xưng đế

Năm Kiến An thứ 25 (năm 220), Tào Tháo chết vì bệnh ở Lạc Dương. Trước khi chết, ông đã không để lại chỉ thị minh xác rằng Tào Phi kế vị. Lúc đó Tào Phi đang ở Nghiệp Thành. Một đệ đệ khác của Tào Phi là Nhiệm Thành vương Tào Chương, trấn thủ Trường An, có ý đồ ủng hộ Tào Thực kế vị.

Tư Mã Ý hành động quyết đoán, lợi dụng thời cơ chủ trì tang lễ Tào gia, chớp lấy thời cơ chớp nhoáng, bí mật vận chuyển quan tài của Tào Tháo tức tốc chở về Nghiệp Thành, giao cho Tào Phi. Khi đó, linh cữu của tiên vương phải do người kế vị chủ trì. Hành động nắm bắt thời cơ này của Tư Mã Ý khiến cho Tào Chương trở thành vô cớ xuất binh, đồng thời đảm bảo địa vị chính thống của Tào Phi. Lần này ông lập được một công lớn.

Cũng trong năm đó, Tào Phi lấy thân phận đế vương bước lên vũ đài của lịch sử, lấy tên là Ngụy Văn Đế, đổi niên hiệu là Hoàng Chu. Để khen ngợi công lao của Tư Mã Ý, Tào Phi ban cho ân điển đặc biệt, phong thưởng hậu hĩnh.

Tào Phi rất nể trọng Tư Mã Ý, khi Tào Phi phạt Ngô, ông đã ra lệnh cho Tư Mã Ý trấn giữ và so sánh Tư Mã Ý với Tiêu Hà, nói rằng: Tào Tham tuy có chiến công, nhưng Tiêu Hà quan trọng hơn, vì vậy để ta không có nỗi lo về sau, thì khi ta ở phía đông, thì ngươi cai quản ở phía tây; còn khi ở phía tây, thì ngươi cai quản ở phía đông.

Tào Phi băng hà chỉ sau sáu năm trị vì, hưởng thọ 40 tuổi. Lúc lâm chung, để Tư Mã Ý cùng trung quân đại tướng quân Tào Chân, trấn quân đại tướng quân Trấn Quần và chinh đông đại tướng quân Tào Hưu, bốn người cùng là phụ chính đại thần, phụ tá Ngụy Minh Đế Tào Duệ.

Vào thời Ngụy Minh Đế, Tư Mã Ý mở ra cuộc chiến quan trọng nhất trong cuộc đời mình - đó là cuộc đấu trí có một không hai với Gia Cát Lượng.

Lam Sơn

Theo SOH



BÀI CHỌN LỌC

“Trủng Hổ" ra khỏi mộ, Tào Tháo nhìn thấy không khỏi lạnh sống lưng, nói một câu với Tào Phi