Trung nghĩa truyện: Một mình một ngựa cứu chủ, Triệu Vân nghĩa nặng như núi (1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Triệu Vân, tự Tử Long, nghe tên toát ra sự phóng khoáng phiêu nhiên, cùng vóc hình anh tuấn càng hiển dương thêm khí chất bất phàm. Triệu Vân là một người như vậy, vừa là võ sĩ uy nghiêm cương nghị, vừa là văn nhân nho nhã tế nhị.

Mạt Hán Tam Quốc nổi gió mây,
Dẹp yên thiên hạ hỏi ai đây?
Tuổi trẻ tử sinh gặp minh chủ,
Máu đào bao phen đỏ chiến bào.

Năm thứ nhất Sơ Bình (năm 190), do Đổng Trác chuyên quyền loạn chính, khiến Trời giận, người oán, chư hầu liên minh ở Quan Đông thảo phạt Đổng Trác, nhất tề nổi dậy. Thế là, thế lực các phương liên tiếp xuất hiện, các lộ anh hùng nối nhau xuống núi, kẻ trí mưu trù tính toán, người giỏi võ nghệ tung hoành nơi sa trường, bậc anh hùng thì chiêu hiền đãi sĩ, mở rộng lãnh địa.

Lúc này ở phương Bắc, Công Tôn Toản cùng Viên Thiệu tranh bá thiên hạ. “Tam quốc chí” viết, tại trấn Thường Sơn Châu Ký (nay là Hà Bắc), xuất hiện một vị anh tài trẻ tuổi tên gọi Triệu Vân, được nhân sĩ bản địa tiến cử trở thành thủ lĩnh của nghĩa quân. Vào lúc tứ phương cát cứ, dân chúng lầm than, Triệu Vân không đầu quân nơi quê nhà Ký Châu Mục nơi có vị công thần 4 đời Viên Thiệu, mà dẫn quân lên phía Bắc đến U Châu, đến đại doanh của “Bạch mã tướng quân” Công Tôn Toản. Công Tôn Toản thấy Triệu Vân mình cao tám thước, thần thái uy nghi, uy vũ bất phàm, tấm tắc tán thưởng trong lòng. Chỗ lo lắng của Công Tôn Toản là dân Ký Châu theo Viên Thiệu, khó lòng thống nhất phương Bắc, vậy mà vị này lại từ nơi đó đến đây quy thuận, chẳng phải là đã rõ lòng dân chúng hay sao?

Công Tôn Toản quyết định giữ Triệu Vân bên mình trọng dụng, nhưng vẫn cố hỏi: “Nghe nói dân Ký Châu đều theo Viên Thiệu, sao chỉ mình ông có ý khác, liệu có nhầm không?”

Triệu Vân đáp: “Thiên hạ đại loạn, không biết minh chủ nơi đâu. Dân Thường Sơn chúng tôi họp bàn xong, quyết định sẽ theo nơi nào thực thi Nhân, Nghĩa, chứ không phải là rời bỏ Viên Thiệu mà sang bên tướng công đây”.

Giúp minh chủ, hành Nhân chính, giải nguy cho bách tính, dẹp yên thiên hạ đại loạn, đây là thệ nguyện chân thành và vĩ đại của vị thủ lĩnh nghĩa quân. Triệu Vân trong cuộc đời mấy chục năm của mình, đã không ngừng thực hiện thệ nguyện, cuối cùng trở thành vị khai quốc công thần, trung nghĩa hộ chủ của nhà Thục Hán.

Vừa gặp Lưu Bị - Quân thần đã thân

Triệu Vân, tự Tử Long, nghe tên toát ra sự phóng khoáng phiêu nhiên, cùng vóc hình anh tuấn càng hiển dương thêm khí chất bất phàm. Triệu Vân là một người như vậy, vừa là võ sĩ uy nghiêm cương nghị, vừa là văn nhân nho nhã tế nhị. Cùng thời gian đó, một vị hiền nhân cũng đầu quân cho Công Tôn tướng quân. Ông và Công Tôn Toản là bạn học từ thủa nhỏ, tình như huynh đệ, Công Tôn Toản rất coi trọng mối thâm giao này, không những tiến cử làm Biệt bộ tư mã mà còn phái tay chân đắc lực là Triệu Vân đến trợ giúp, bên ngoài chinh chiến sa trường, bên trong chỉnh lý quân đội

Triệu Tử Long Bàn Hà đại chiến ( Miền công cộng)

Vị hiền giả đó, chính là vị vua sáng lập Thục Hán Lưu Bị. Đây là lần gặp mặt đầu tiên của quân thần trong loạn thế. Lưu Bị lúc ấy, từ trấn áp khởi nghĩa Hoàng Cân mà khởi binh, lập nhiều chiến công, nhưng cũng chỉ qua lại các nơi làm quan nhỏ như Huyện Thừa, Huyện Lệnh, Huyện Úy. Khi đầu quân cho Công Tôn Toản, cũng là lúc giặc cướp hoành hành khắp nơi, không lối đi về, có lẽ Triệu Vân cũng không tưởng tượng được, một người tay không khởi nghiệp như Lưu Bị, liệu sau này thì làm được việc gì lớn, nhưng Triệu Vân lại cảm nhận được sức thu phục lòng người rất lớn từ Lưu Bị.

Cũng có lẽ do Lưu Bị tướng mạo thần dị, tay dài quá gối, tai lớn khác thường, hoặc do ông thuần hậu quả ngôn, tâm tính đạm bạc, không lộ vui buồn, hoặc do ông hành thiện bố thí, xử thế nhân hậu? Triệu Vân vừa bên cạnh phò tá, vừa thầm lặng quan sát Lưu Bị, thấy ông thực lực yếu nhược nhưng vẫn trung thành phục vụ, cùng các hổ thần quốc sĩ như Quan Vũ, Trương Phi. Ông tuy ít nói, nhưng kết giao toàn anh hùng hào kiệt, tuy là dòng dõi đế vương, nhưng không hề cao ngạo, với những người không chức vị, thường dân đều có thể ngồi cùng ông mà cơm nước chuyện trò.

Ông nhìn thấy Lưu Bị từng bước từng bước tích lũy chiến công, làm tới chức Bình nguyên tướng, dần dần Lưu Bị đã có được chỗ đứng của mình trong thời thế loạn ly, quần hùng phân tranh. Lại cũng thấy Lưu Bị bên ngoài cự địch, bên trong chăm lo lương thực cho dân chúng, thực thi nhân từ, yêu dân như con.

Truyện kể rằng, trong quận có kẻ coi thường Lưu Bị, không phục tùng ông, nên thuê thích khách ám sát ông. Lưu Bị không biết, nên khi gặp thích khách vẫn ân cần chu đáo, hết mực nồng hậu. Thích khách cảm động quá, buông đao, kể hết sự tình rồi đi. Tại quận Bình Nguyên nhỏ bé này, Triệu Vân dường như đã gặp được vị quân chủ nhân nghĩa anh minh, chẳng phải đây là vị chúa công mà ông nhọc công tìm kiếm để cống hiến phò tá hay sao?

Lưu Bị cũng quan sát Triệu Vân. Một vị tướng trẻ tuổi, thân mang tuyệt đỉnh công phu, có vị quân chủ nào mà không muốn chiêu mộ, kề vai sát cánh tác chiến? Tình nghĩa quân thần theo thời gian càng ngày càng sâu đậm. Lúc ấy, anh trai Triệu Vân đột ngột qua đời, Triệu Vân phải về quê chịu tang, liền cáo từ Công Tôn Sách về quê. Lưu Bị ít nói, nhưng hiểu rõ tâm ý của Triệu Vân, Công Tôn Toản không giữ được nhân tài, Triệu Vân một đi không trở lại. Bao nhiêu trận chiến đang cần ông xông pha, bao nhiêu hoạch định đang cần ông thương thảo, Lưu Bị vừa mới có một viên Đại tướng, thì lại phải đưa tiễn đường xa, trong tâm thật là vạn phần lưu luyến.

Lúc Triệu Vân xuất phát, Lưu Bị tự thân đưa tiễn, nắm chặt tay chẳng muốn rời. Triệu Vân nén bi thương mà nói với Lưu Bị: “Tôi đời này không quên được ân đức của ngài”. Ý là ông nay thuộc về Công Tôn Toản, không thể danh chính ngôn thuận mà theo Lưu Bị, chi bằng nhân cơ hội này mà rời Công Tôn Toản, sau gặp lại sẽ hết lòng phò tá Lưu Bị. Đến lúc đó, quân thần gặp lại, nắm tay tụ nghĩa, thực hiện chí lớn, chẳng phải là hay sao?

Nghiệp Thành trùng phùng, Đương Dương cứu chủ

Thời gian trôi mau, năm Kiến An thứ 5 (năm 200), Lưu Bị lại bại trận ở Từ Châu, âu cũng là thử thách của vận mệnh cho một người mang chân mệnh thiên tử, cho đến ngày cất cánh bay cao.

Nửa đời gian khó, vợ con ly tán, huynh đệ Quan Vũ bị giam cầm, bên thân chẳng người hữu dụng, chỉ còn cách lần nữa về phía Bắc tìm chốn dung thân. Năm đó, Lưu Bị đầu quân cho vị bá chủ phương Bắc Viên Thiệu.

< Tranh Tam Quốc chí> Dốc Trường Bản Triệu Vân cứu chủ. (Miền công cộng)

Lâm cảnh cô lập, không ai trợ giúp, đường xa nắng gắt. Nơi Nghiệp Thành không hẹn Lưu Bị gặp Triệu Vân. Mấy năm này, chẳng biết Triệu Vân đi đâu, trải qua những gì. Lúc binh lửa loạn ly, biết tin tức một người không phải chuyện dễ. Từ lúc chia tay, Lưu Bị chinh chiến qua Từ Châu, Dự Châu, Thanh Châu, thua chạy, phiêu bạt vô định, nói chi đến một tiểu tướng vô danh như Triệu Vân. Có câu rằng: Từng than hẹn gặp ngày vô định, hôm nay lạc bước lại gặp nhau, Lưu Bị thấy Triệu Vân lấm thân cát bụi nhưng mang thần thái kiên nghị vô song, vẳng đâu đây lời ước thề năm trước.

Lưu Bị xem Triệu Vân như một bộ tướng hết sức thân cận, như nghĩa tình vàng đá với Quan, Trương. Triệu Vân cũng không phụ lòng mong đợi, bí mật chiêu mộ vài trăm binh sĩ, tổ chức thành một đội tinh nhuệ chỉ nghe lệnh của gia đình Lưu Bị. Không lâu sau, Lưu Bị chuyển về Kinh Châu dựa vào Lưu Biểu, Triệu Vân cùng đội ngũ cũng đi theo. Năm Kiến An thứ 6 (năm 201) đến Kiến An thứ 15 (năm 210), Lưu Bị từng bước nắm Kinh Châu, nghiệp lớn sắp thành, thời gian này Triệu Vân luôn chinh chiến bên ông.

Năm Kiến An thứ 13, Tào Tháo dẫn quân xuống phía Nam đánh Kinh Châu, con thứ Lưu Biểu là Lưu Tông người vừa nhậm chức Kinh Châu mục, thúc thủ đầu hàng. Trấn thủ Phàn Thành lúc đó là Lưu Bị không thể chống cự quân Tào, chỉ còn cách bỏ thành, triệt thoái về phía Nam Giang Lăng.

Lúc qua Tương Dương, mười vạn dân trong thành vì kính ái Lưu Bị mà tự nguyện theo ông về Giang Lăng. Nghĩa cử đưa dân qua sông cũng là thể hiện lòng nhân nghĩa, cũng cho thấy ông được lòng dân, nhưng làm tốc độ hành quân chậm đi nhiều.

“Anh hùng trong thiên hạ, chỉ có sứ quân và Tháo ta” (câu nói của Tào Tháo nói với Lưu Bị trước đây), Tào Tháo sao có thể bỏ qua cho Lưu Bị, đặc phái 5 nghìn kỵ sĩ, đi suốt ngày đêm truy kích đến gần Đương Dương Trường Bản. Đây cũng là thời khắc nguy hiểm nhất trong đời Lưu Bị, ông thậm chí không kịp thu xếp vợ con, chỉ cùng Trương Phi, Gia Cát Lượng, Triệu Vân vài chục người nhanh chóng đào thoát. Trên đường trốn chạy, bỗng nhiên không thấy Triệu Vân đâu cả. Có người báo: Triệu Vân đi về phía Bắc với quân Tào rồi. Lưu Bị nghe xong, ném thủ kích quát lớn: “Tử Long không bao giờ bỏ ta mà chạy!”

Họ kết giao trong hoạn nạn, tâm trí của Triệu Vân, đâu chỉ dựa vào biểu hiện bên ngoài mà bỏ qua cân nhắc?

Luôn theo sát bên mình lại đột nhiên mất bóng, phi theo hướng ngược lại, chỉ là vì ông lo xa hơn người khác. Lưu Bị thì có tâm phúc hộ vệ, còn ấu chúa A Đẩu và Cam phu nhân thì đang lâm cảnh hiểm, liệu có ai để ý an nguy không? Do thời thế cấp bách, Triệu Vân không kịp bẩm báo Lưu Bị mà xông vào chiến trận để tìm ấu chúa.

Trong chờ đợi lòng như lửa đốt, mỗi một giây như vài năm trôi, Lưu Bị không chút nghi ngờ, ông chỉ lo lắng cho sự an toàn của Triệu Vân. Bỗng nhiên nghe vó ngựa dập dồn, làm người ngóng trông bình tâm trở lại. Lưu Bị trông ra, thấy một vị tướng quân cao lớn đang thúc ngựa đến, ôm một đứa bé trong lòng, đồng thời hộ tống một phụ nữ. Vị tướng quân đó chính là Triệu Vân, hai người kia chính là A Đẩu và Cam phu nhân. Trong mắt Lưu Bị lúc đó, có lẽ chỉ có Triệu Vân, máu nhuộm chinh bào, gần như kiệt sức. Đâu phải ông không yêu quý vợ con, mà là tấm lòng son trung nghĩa, một mình một ngựa cứu chủ của Triệu Vân đã làm ông cảm động sâu sắc. Không biết Triệu Vân đã trải qua bao phen sống chết, vượt trùng vây mà cứu được người thân.

(Xem tiếp phần 2)

Tác giả: Lan Âm -Theo Epochtimes

Thái Bình biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung nghĩa truyện: Một mình một ngựa cứu chủ, Triệu Vân nghĩa nặng như núi (1)