Trương Quả Lão vì sao cưỡi lừa ngược? [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đối với con người mà nói, một đời người chính là một quá trình sinh lão bệnh tử. Con người sinh ra, lớn lên, trưởng thành, rồi lại già đi và đến lúc phải tử vong. Đối với trời đất thì quá trình ấy chính là quá trình thành trụ hoại diệt. Vạn sự vạn vật đều nằm trong quy luật này, xã hội nhân loại cũng như vậy, Trương Quả Lão thấy rằng nền văn minh đang phát triển rực rỡ nhưng thực tế nó lại đang thoái lùi.

Những câu chuyện về Trương Quả Lão

Trương quả Lão là một trong tám vị tiên bất tử được lưu truyền trong dân gian. Trương Quả Lão nhất tâm cầu Đạo, không truy cầu vinh hoa phú quý ở thế gian. Các Hoàng đế Đường triều (Thái Tông và Cao Tông) thường triệu mời Trương Quả Lão vào triều, nhưng ông luôn từ chối những lời mời này. Một lần, khi được Võ Tắc Thiên đích thân triệu mời, ông không thể tìm nổi một lý do để từ chối. Ông đành giả chết trước cửa một ngôi đền. Đó là vào mùa hạ. Người ta thấy cơ thể ông bị phân hủy, nhưng sau đó lại thấy ông vẫn sống và khỏe mạnh, trên núi Hằng Sơn.

Đường Huyền Tông triệu mời ông vào triều nhiều lần, cố gắng tìm hiểu bí quyết về sự bất tử. Khi thấy bộ dạng già nua của Trương Quả Lão, nhà vua hỏi, “Tiên sinh đã đắc Đạo, tại sao lại trông già nua thế, đầu bạc răng long?” Trương trả lời, “Không có đạo thuật nào chống lại được tuổi già, cho nên tôi trông già nua như vậy. Tôi cảm thấy xấu hổ về điều này. Tuy nhiên, nếu tôi nhổ hết chỗ răng và tóc còn lại, liệu răng và tóc mới sẽ mọc lên chăng?” Ông liền bứt tóc nhổ răng ra. Đường Huyền Tông cảm thấy rất ái ngại vì hành động của ông, nên nhà vua bèn bảo ông đi ra nghỉ. Ngay sau đó, Trương Quả Lão trở lại triều, và trông giống như hoàn toàn là một người mới, với mái tóc đen và hàm răng trắng. Do vậy, tất cả các quan, hoàng thân quốc thích đều mong được bái yết, cầu bí quyết phản lão hoàn đồng. Trương Quả Lão cự tuyệt tất cả những yêu cầu của họ. Ông đã chứng minh tiên gia là khác với phàm phu. Cầu Đạo không giống như cầu những kỹ năng của người thường.

Trong “Bát tiên toàn truyện” có ghi chép rằng Trương Quả Lão có một con lừa trắng, ngày đi vạn dặm. Con lừa của ông không ăn cỏ hay uống nước. Khi hoàng hôn, ông vỗ vào con lừa, và nó biến thành giấy. Sau đó, ông mang cất nó đi. Sáng hôm sau, ông lại lấy tờ giấy con lừa ra khỏi túi, thổi nó lên, và nó lại biến thành một con lừa sống. Ông cưỡi lừa ngược mà di chuyển đi xa.

Tại sao Trương Quả Lão lại làm như vậy? Là một người đã đắc đạo hẳn ông phải có lý do. Tương truyền rằng Trương Quả Lão khi tu đạo đã ngộ ra rằng: Vạn vật khi mới sinh ra là nguyên sơ, mới mẻ và thuần khiết nhất, còn càng về sau thì càng cũ, càng già đi theo thời gian. Xã hội nhân loại cũng vậy, nhìn xu hướng càng ngày càng phát triển văn minh hơn, nhưng thực chất là đang thoái lùi.

Hình bát tiên tại Huế. Trương Quả Lão là người đang ngồi có áo vàng, râu bạc và tay cầm ngư cổ. (Ảnh: Miền công cộng)

Quy luật ấy cũng giống như chúng ta mua một sản phẩm công nghệ, lúc hoàn thiện sản phẩm ấy và đóng gói là lúc mới nhất, từ lúc chúng ta mở ra sử dụng, thì nó không ngừng cũ đi theo thời gian. Con người cũng vậy, khi mới sinh ra là thuần khiết nhất, tốt nhất còn lại từ đó trở đi con người không ngừng già đi, bị ô nhiễm cuối cùng là tử vong. Xã hội nhân loại cũng vậy, quá trình già đi được chia ra làm bốn thời kỳ Hoàng Đạo, Đế Đạo, Vương Đạo và Bá Đạo.

Bốn chế độ của quân vương trị quốc

Thời kỳ Hoàng Đạo: Con người thuần khiết, chân thật không tà, không ham muốn ích kỷ, hòa hợp làm một với thiên nhiên. Hoàng lấy Đại Đạo mà giáo hóa vạn vật, bách tính thiên hạ sẽ không làm trái người đó, thi hành việc vô vi mà trị. Vào thời điểm đó, vạn vật hài hòa không làm hại lẫn nhau, nhân loại không có cơ cấu chính phủ, dựa vào Đạo mà làm, không cần cai trị.

Thời kỳ Đế Đạo: Khi văn minh xã hội phát triển, đời sống vật chất phong phú thì tâm hồn không còn thuần chân, bị các loại tư tâm, dục vọng làm ô nhiễm, bắt đầu trở nên thông minh, giảo hoạt, tranh đấu lẫn nhau. “Đế” hiểu thấu thiên địa vạn vật, từ trong thiên địa vạn vật mà tham ngộ được Đạo, từ đó kiến lập “Đức”, dùng “Đức” để quy phạm ngôn hành của bách tính trong thiên hạ, dẫn dắt bách tính quay về trong “Đạo”, lấy việc đạt tới “vô vi mà trị” làm mục tiêu cuối cùng.

Thời kỳ Vương Đạo: Nhân tâm con người đã biến đổi trở nên càng phức tạp, không còn coi trọng Đức, thiên hạ càng chệch khỏi Đạo. Vương bèn tham ngộ Thiên, Địa, Nhân, định ra chế độ lễ nhạc để quy chính hành vi của nhân loại, để giáo hóa thiên hạ, thúc đẩy phổ biến nhân nghĩa ra khắp thiên hạ, vì thế thiên hạ đua nhau tới quy phục.

Thời kỳ Bá Đạo: Nhân tâm con người đã trở nên bại hoại, đến mức lễ nhạc cũng băng hoại, các chư hầu trong thiên hạ không dựa vào đạo đức và nhân nghĩa. Chỉ dựa vào vũ lực, để thiên hạ quy phục để đạt mục đích nên gọi là Bá.

Đạo của Trương Quả Lão

Zhang Guo Lao.jpg
Trương Quả Lão. (Miền công cộng)

Từ bốn thời kỳ Hoàng Đạo, Đế Đạo, Vương Đạo và Bá Đạo có thể nhận thấy con người đã lệch ra khỏi Đạo rất xa rất xa. Ban đầu là thời kỳ Hoàng Đạo, con người còn thuần khiết vô tà, hành xử theo Đạo. Sau đó đến thời kỳ Đế Đạo, con người bắt đầu rời xa Đạo nhưng còn có Đức. Đến thời kỳ Vương Đạo con người rời xa Đức nhưng vẫn còn nhân nghĩa. Cuối cùng đến thời kỳ Bá Đạo, con người đã bại hoại nhân tâm, dùng vũ lực để trấn áp người khác quy thuận. Xã hội loại nhân loại đang “già” đi, và con người cũng ngày càng trượt xa so với tiêu chuẩn của Đạo Đức ban đầu.

Trương Quả Lão nhận ra rằng, xã hội nhân loại có vẻ như đang phát triển tiến lên thực tế là đang thoái lùi. Từ thời kỳ Hoàng Đạo đến thời kỳ Bá Đạo trải qua chỉ mấy nghìn năm mà Đạo Đức con người đã lùi xa như vậy. Ông nhận thấy rằng chỉ có quay trở lại Đạo Đức thời xưa mới khiến con người có thể ngộ Đạo, mới có thể câu thông với Thiên Địa Thần Minh. Vì vậy, Quả Lão không nhìn về phía trước, ông cưỡi lừa ngược, mắt nhìn về phía sau. Nếu như xã hội nhân loại càng tiến càng thụt lùi, vậy ông đi lùi chính là tiến lên.

Ở đây, không ý nói rằng quay về thời xưa, có nghĩa là sống trong hang đá, uống nước sương, mặc áo lông thú. Mà để có thể ngộ đạo, cần phải quay trở lại tâm tính thời xưa. Tại sao người xưa có rất nhiều điển tích, điển cố về người tu luyện thành tiên, thành Phật, nhưng càng về sau càng không có. Đến thời hiện đại, nhà sư còn không tin có Phật tồn tại. Bởi vì xã hội càng về sau càng phức tạp, tư tưởng phức tạp thì khó ngộ đạo, không đắc đạo thì tu luyện không có thành tựu.

Trương Quả Lão dùng hành động cưỡi lừa ngược có lẽ muốn nói với thế nhân rằng: Quay trở lại bản tính thuần chân, thiện lương, trong tư tưởng không có tà niệm, khi ấy mới có thể tìm được Đạo chân chính.

Vân Hải

Tham khảo Chanhkien.org & vn.minghui.org



BÀI CHỌN LỌC

Trương Quả Lão vì sao cưỡi lừa ngược? [Radio]