Truyền kỳ Dương Diên Chiêu: Vết đao Lục Lang

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dương Diên Chiêu, theo "Tống sử" là một vị danh tướng kháng Liêu thời Bắc Tống, ông trấn thủ biên cương hơn hai mươi năm, người Liêu (Khiết Đan) rất sợ uy ông, tộc Liêu tin rằng sao Lục Lang là khắc tinh của họ, mà trí dũng thiện chiến như Dương Diên Chiêu có khác gì Lục Lang tinh hạ phàm, nên họ gọi ông là ‘Dương Lục Lang’.

Dương Diên Chiêu cùng các tướng lĩnh của họ Dương ở phủ Thiên Ba bảo vệ quốc gia, làm nên một câu chuyện về trung nghĩa. Bắt đầu từ thời nhà Nguyên, những câu chuyện về họ được hý kịch, tiểu thuyết, sách vở lưu truyền và nhận nhiều ái mộ từ quần chúng. Tập truyện "Dương Diên Chiêu truyền kỳ này", tác giả chỉ là người sao lục những câu chuyện được truyền khẩu trong dân gian, cùng độc giả thưởng thức những câu chuyện về vị anh hùng Dương Lục Lang lưu truyền thiên cổ.

Câu chuyện Dương Diên Chiêu uy chấn Tam quan có lẽ nhiều người đều biết. Tam quan ở đây là chỉ ba cửa ải Cao Dương quan, Ngõa Kiều quan và Ích Tân quan, dọc theo dải từ Hà Bắc đến Sơn Tây ngày nay. Tuy nhiên, ngoài những địa khu trên còn có nhiều trận giao chiến với quân Liêu kéo dài đến tận vùng xa xôi U Yến. Ông cùng tướng sĩ Dương gia đã để lại nhiều chiến tích, trong đó có một vết đao hằn sâu trên vách núi ở Lộc Bì quan gần Trường Thành, ngàn năm sau dấu ấn vết đao trông còn rõ, làm lên truyền thuyết ‘Lục Lang đao ấn’.

Truyền thuyết này lưu truyền suốt hai triều đại, đến tận thời Dương Chí trong "Thủy Hử truyện", rồi mãnh tướng Dương Tái Hưng của Nhạc gia quân…

Đao ấn Lục Lang

Tương truyền năm ấy quân Liêu liên tục xâm phạm bờ cõi Trung Nguyên. Đại tướng quân Liêu là Hàn Xương nhiều lần giao chiến với Dương Diên Chiêu và đều bại trận, đến nỗi mỗi khi nghe đến tên ông thì tim đập chân run. Tuy nhiên Trường Thành dài vạn lý, Dương Diên Chiêu không thể trông chừng hết được, nên có lúc ông phải dùng mưu kế, làm quân Liêu không đoán ra được ông ở nơi nào.

Có lần Hàn Xương dẫn binh xâm lấn, chuẩn bị công phá một cửa ải. Dương Diên Chiêu được tin tình báo, đầu tiên ông mang quân đến Lộc Bì quan, tại đây ông cho lưu một lượng nhỏ quân binh. Rồi căn dặn sĩ binh ở đó: “Khi thấy đại quân Hàn Xương kéo tới, cứ nấp cho kỹ, yên tâm, chúng sẽ không dám đánh vào đâu!”

Binh sĩ nghe thấy lạ, nhưng cũng không dám hỏi thêm. Sau đó chỉ thấy Dương Diên Chiêu rút bảo đao chém vào vách núi, tạo thành một vết sâu hoắm, để lại đao trên vách núi, sau đó dẫn quân đi tới Bạch Mã quan, thả ngựa chiến ở đó rồi đưa quân chủ lực mai phục ở Cổ Bắc khẩu.

Không lâu sau, quả nhiên Hàn Xương dẫn quân tới Lộc Bì quan, ngẩng đầu nhìn thấy vết đao: “A! thanh đao này chẳng phải là của Dương Lục Lang sao?”, lòng lo sợ bị mai phục tại đây nên dẫn quân hướng sang Bạch Mã quan.

Khi tới Bạch Mã quan, lại thấy con bạch mã - ngựa chiến thường cưỡi của Dương Diên Chiêu ở đó, Hàn Xương nghĩ ông đang trấn thủ ở đó, nên dẫn quân tấn công sang Cổ Bắc khẩu.

Dương Lục Lang. (Thiên ngoại khách/Chánh kiến net)

Quân Liêu tới Cổ Bắc khẩu, thấy trên thành cắm đầy cờ hiệu Dương gia, Hàn Xương nghĩ, trên đường thấy bảo đao, ngựa chiến, lại cờ hiệu nữa, thật là khó đoán! Dương Lục lang thì cũng chỉ là người phàm, lẽ nào có phép phân thân? Hàn Xương đoán Dương Diên Chiêu chỉ có thể trấn thủ một cửa ải, không hiện diện ở nơi này.

Thế là Hàn xương ra lệnh toàn lực tấn công, vừa tới cổng thành thì lại bị đại quân của Dương Diên Chiêu tấn công từ bên sườn, lúc này quân Tống từ trong thành đánh ra, quân Liêu bị kẹp ở giữa, đành liều mạng phá vây, trận đại chiến này bụi cuốn mù trời, kinh thiên động địa, quân Liêu tổn thất nặng nề, cuối cùng phải tháo chạy về phương bắc.

Sau trận đánh, Dương Diên Chiêu quay lại Lộc Bì quan, cầm lại bảo đao, quân sĩ ai nấy đều tấm tắc bội phục nguyên soái là thần cơ diệu toán. Ngàn năm sau, Lộc Bì quan đã bao lần trải qua chiến loạn, nhiều chỗ tường thành bị tàn phá, nhưng theo lời người dân ở đây, vết đao mà Dương Diên Chiêu lưu trên vách đá vẫn còn rõ nét…

Bảo đao lưu lạc

Theo ký ức còn lưu trong gia tộc họ Dương, sau khi Dương Diên Chiêu qua đời, bảo đao đã qua tay Dương Tông Bảo, Mục Quế Anh, Dương Văn Quảng, đến những năm cuối thời Bắc Tống, lưu lạc đến tay Dương Chí, lúc này hậu nhân của Dương gia có nhiều người ẩn cư trong Thái Hành Sơn, không màng thế sự. Nhưng Dương Chí từ nhỏ đã nghe nhiều sự tích về tổ tiên mình tinh trung báo quốc, luyện võ nghệ gia truyền để dấn thân sa trường kiến công lập nghiệp.

Tranh vẽ “Thanh diện thú” Dương Chí (Miền công cộng)

Dương Chí là nhân vật có thực trong lịch sử, được miêu tả tường tận trong tiểu thuyết "Thủy Hử truyện", câu chuyện này có bao nhiêu phần chân thực, có lẽ để cho hậu nhân kiểm chứng, ở đây chúng ta cùng xem tình tiết Dương Chí bán đao.

Dương Chí sau chuyến hộ tống Hoa Thạch Cương thất bại, bị cách chức, không xu dính túi, thứ bán được trong tay chỉ có thanh bảo đao tổ tiên truyền lại. Ông biết rõ giá trị bảo đao, nên khi rao bán trên đường, ông đòi giá ba nghìn lạng bạc trắng. Khi ấy lương tháng của một vị quan thất phẩm huyện lệnh là khoảng 50 lạng, giá bảo đao tương đương với 5 năm tiền lương, rất hiếm người có khả năng mua được bảo đao này. Nhưng họa vô đơn chí, do dính vào sự vụ náo loạn với kẻ vô lại Ngưu Nhân, Dương Chí lỡ tay đánh chết hắn. Phạm tội xong, Dương Chí chủ động tới quan phủ chịu tội. Do Ngưu Nhân là một ác bá nơi đó, nên Dương Chí chỉ bị tội nhẹ, đưa đi Bắc Kinh để sung quân, bảo đao cũng bị thu mất.

Trải qua năm tháng hao mòn, Dương Chí đành làm tướng cướp Lương Sơn, về sau cùng Tống Giang tiếp nhận chiêu an của triều đình. Sau khi về triều đình, ông theo Tống Giang nam chinh bắc chiến, lập chiến công lớn khi chinh phạt nước Liêu, dẹp yên giặc cướp Vương Khánh, Điền Hổ…do biểu hiện anh dũng nơi chiến trường nên quan phủ trả lại cho ông bảo đao gia truyền. Đang định lên đường nam chinh thảo phạt Phương Lạp thì Dương Chí lại bị mắc trọng bệnh, trước lúc lâm chung, ông trao bảo đao cho người cháu là Dương Tái Hưng rồi thanh thản ra đi.

Vào thời kỳ quá độ hỗn loạn Nam Bắc Tống, nơi đâu cũng lửa khói triền miên, dân chúng lầm than, Dương Tái Hưng cũng có một dạo mê lạc, gia nhập giặc cướp Tào Thành. Nhưng sau đó không lâu, ông được Nhạc Phi cảm hóa, trở thành một viên mãnh tướng dưới cờ Nhạc gia, nhờ có bảo đao cùng tuyệt kỹ gia truyền mà ông được theo Nhạc Phi nam chinh bắc chiến, lập lên nhiều chiến công.

Nhạc gia quân kháng Kim, khí cái sơn hà. (Vương Song Khoan tặng)

Năm thiệu Hưng thứ 10 (năm 1140), Nhạc Phi dẫn 10 vạn quân vượt Hoàng Hà, tiến hành bắc phạt lần thứ tư. Sau đại thắng Yển Thành, Dương Tái Hưng dẫn ba trăm kỵ binh tinh nhuệ đối đầu với hơn 10 vạn quân Kim trên cầu Tiểu Thương phía bắc Yển Thành. Trong trận chiến không cân sức này, Dương Tái Hưng dựa vào bảo đao cùng võ công mà giết hơn hai nghìn giặc, rồi anh dũng tử trận. Tại nơi này, nơi xưa kia Dương Diên Chiêu từng đánh trận, nơi Dương Tái Hưng tử chiến cùng bảo đao, bảo đao đã thất lạc từ khi ấy.

Câu chuyện về bảo đao họ Dương kết thúc tại đây, Dương Tái Hưng tuy tử trận, nhưng cuối cùng đã báo đáp được ân tri ngộ của Nhạc Phi, cũng hoàn thành được tâm nguyện của thúc phụ Dương Chí nơi sa trường tận trung báo quốc, không phụ tổ tiên bậc anh hùng Dương Diên Chiêu cùng tinh thần trung nghĩa truyền gia của gia tộc họ Dương.

Theo Ngưỡng Nhạc - Epochtimes

Thái Bình biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Truyền kỳ Dương Diên Chiêu: Vết đao Lục Lang