Truyền kỳ về Hoa Sơn Thánh Mẫu (P.2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Trong dòng sông đằng đẵng của lịch sử đã để lại biết bao truyền thuyết và Thần thoại huy hoàng. Những câu chuyện về một thời “Nhân - Thần đồng tại” ấy đã in sâu vào tâm khảm, khiến người ta say mê khao khát, tựa hồ như vừa bước vào thế giới Thần Tiên chân thực. Truyền thuyết về Thánh Mẫu núi Hoa Sơn là một câu chuyện như thế.

Xem lại: Phần 1

Một ngày, Thánh Mẫu và Triêu Hoa cưỡi mây lành bay trên trời, cúi xuống nhìn Hoa Sơn xinh đẹp, chỉ thấy suối chảy róc rách, hoa thơm quả ngọt, cây cỏ xanh tươi, phong cảnh một vùng rộng lớn thu vào trong tầm mắt, quả thật là mỹ cảnh chốn nhân gian.

Thánh Mẫu và Triêu Hoa cưỡi mây lành bay trên trời, cúi xuống nhìn Hoa Sơn xinh đẹp,... (Ảnh: Tổng hợp)

Xa xa thấy một chàng thư sinh trẻ tuổi, mặt mũi khôi ngô, phong tư tuấn lãng, khí độ bất phàm đang lên núi rồi tiến thẳng vào trong đền. Thánh Mẫu và Triêu Hoa trở về an tọa nơi Thần vị, lắng nghe chàng thư sinh đang lầm rầm cầu nguyện: “Tiểu sinh tên là Lưu Ngạn Xương, quê ở Dương Khúc, Sơn Tây, trên đường vào kinh ứng thí đã ngang qua nơi này. Nghe nói Thánh Mẫu Nương Nương linh nghiệm, tiểu sinh đặc biệt đến bái lạy Nương Nương, kính dâng một tấm lòng thành, xin Nương Nương bảo hộ cho tiểu sinh sớm có tên trên bảng vàng. Được như vậy Ngạn Xương sẽ cảm tạ mãi không thôi, từ nay về sau nguyện tận lực hành thiện tích đức để báo đáp ơn sâu dày của Nương Nương”.

Lưu Ngạn Xương nói xong liền dập đầu lạy tạ mấy cái, rồi thong thả dạo quanh đền thưởng ngoạn cảnh hữu tình non nước. Đến trước tượng Thánh Mẫu thắp một nén nhang, Lưu Ngạn Xương đứng ngẩn ra hồi lâu, chỉ thấy tâm trí thẫn thờ, tâm thần mê mẩn, thầm nghĩ: “Quả không hổ danh là Thần chủ Hoa Sơn, Nương Nương yểu điệu thướt tha, mỹ mạo tuyệt trần, quả thật khiến người ta ái mộ!”.

Lưu sinh lòng nghĩ, miệng cũng lẩm nhẩm thành lời, thi hứng dâng tràn bèn ngẫu hứng sáng tác một bài thơ thổ lộ tâm tình, hy vọng bản thân cũng có thể trở thành Thần Tiên để sớm ngày bầu bạn.

Nhưng Lưu sinh nào đâu biết bản thân đang bất kính với Thần, vậy mà vẫn còn ở đó tự tác đa tình. Thánh Mẫu Nương Nương trong lòng vô cùng phiền não, thầm trách rằng anh ta là người đọc sách Thánh hiền mà không biết tôn trọng, lại còn mạo phạm đối với Thần Tiên như thế. Nàng vừa định thi triển thần thông cảnh cáo tiểu sinh vô lễ thì đột nhiên nghe thấy thị nữ đến báo: “Thưa Nương Nương, có Nguyệt Lão giá lâm!”.

Thánh Mẫu bèn cho mời Nguyệt Lão vào, trong tâm không khỏi thắc mắc rằng bản thân có chuyện gì quan hệ gì với Nguyệt Lão mà phải phiền ngài đích thân đến đây? Dẫu sao ngài cũng đã đến rồi, vậy hãy lấy lễ mà đối đãi, xem ngài ấy nói gì. Sau khi gặp mặt, Thánh Mẫu hỏi: “Hôm nay không hẹn mà Nguyệt Lão lại đại giá giáng lâm, có gì xin ngài chỉ giáo?”.

Nguyệt Lão cười ha ha, vuốt chòm râu dài và nói: “Tại hạ đặc biệt đến đây hôm nay là vì Thánh Mẫu đó, chúc mừng Thánh Mẫu!”.

Nói rồi, Nguyệt Lão hai tay ôm quyền, tạo thành tư thế chào hỏi như ở chốn nhân gian.

Thánh Mẫu vừa kinh ngạc vừa có phần phẫn nộ, chẳng phải Nguyệt Lão đang cố ý giễu cợt mình sao? Nương Nương nói: “Có gì chưa đúng xin ngài cứ chỉ dạy, chỉ mong đừng để tại hạ phải hoang mang như lúc này”.

Nguyệt Lão gật đầu mỉm cười và lấy ra một cuốn sách. Nương Nương vừa mở ra liền thấy sợi tơ hồng nối liền hai tên Hoa Sơn Thánh Mẫu và Lưu Ngạn Xương lại với nhau, dòng chữ trên đó viết rằng vào năm ấy, tháng ấy, ngày ấy, Thánh Mẫu và Lưu sinh song hỷ kết đôi, duyên phận tròn ba tháng.

Nguyệt Lão chính là vị Thần chuyên quản việc hôn phối trong truyền thuyết. Ngài có một cuốn sách ghi chép ngày tháng và cơ duyên tác hợp lứa đôi. Quyển sách này vô cùng kỳ lạ, hoàn toàn không cần Nguyệt Lão đích thân cầm bút viết lên đó, vậy mà nhân duyên khắp cùng trời cuối đất đều ghi chép tận tường. Bất kỳ cặp phối ngẫu nào, mỗi khi họ bắt đầu cuộc hôn nhân thì trong sách đều chép nguyên do và danh tính của cả hai bên nam nữ. Không chỉ các cuộc hôn phối chính đáng, mà ngay cả chồng đường vợ chợ, chồng tạm vợ hờ, hoặc chỉ là vui chơi đùa cợt trong chốc lát, cũng đều không thể thoát khỏi cuốn sách này. Đợi đến khi đôi bên sắp kết hợp với nhau, Nguyệt Lão sẽ dùng sợi tơ hồng buộc tên của hai người lại. Khi ấy sợi tơ hồng dường như mọc ra từ cuốn sách, muốn gỡ cũng không gỡ ra được, muốn cắt cũng không cắt đi được. Mãi cho đến khi một trong hai người qua đời, hoặc hôn nhân đổ vỡ, hoặc vợ chồng rạn nứt, nói chung duyên phận đôi bên đã đi đến tận cùng rồi, thì sợi tơ hồng cũng tự nhiên ẩn đi không còn trông thấy nữa, ngay cả một dấu vết nhỏ cũng không còn. Không chỉ nhân gian, mà hết thảy tình duyên nội trong Tam giới đều quy về ngài quản.

Tượng Nguyệt Lão, Hong Kong. (Ảnh: Wikipedia/CC BY-SA 3.0)

Nhìn vẻ mặt kinh hãi của Thánh Mẫu, Nguyệt Lão bèn hỏi: “Không biết Thánh Mẫu có còn nhớ Tam Lang của nhà họ Lý hay không?”.

Đương nhiên Thánh Mẫu còn nhớ, đó là một đoạn quá khứ đã qua trong tiền kiếp. Vào những năm cuối thời nhà Chu, Thánh Mẫu là tiểu thư lá ngọc cành vàng trong một gia đình giàu có, tên là Nguyên Chân. Từ nhỏ Nguyên Chân đã được cha mẹ hứa gả cho một công tử con nhà quyền thế, tên gọi Lý Tam Lang. Tam Lang đường đường là một bậc phú quý, tài mạo song toàn, hào hoa phong nhã, thần thái tiêu sái. Tam Lang từ lúc đính ước đã nghe nói tiểu thư Nguyên Chân tứ đức câu toàn, mỹ mạo như tiên, trong tâm muôn phần quý trọng. Nào ngờ vị tiểu thư ấy từ nhỏ đã không ăn đồ tanh hôi, không ăn đồ mặn, không mặc lụa là gấm vóc. Lớn hơn một chút, nàng tỏ rõ quyết tâm tu luyện, ngay cả phụ mẫu cũng không thể ngăn cấm, chị em cũng không thể khuyên bảo được. Đến hơn 15 tuổi, nàng quyết chí rời nhà lên núi tu Tiên học Đạo. Khi nhận được tin này, Lý công tử lòng đầy hụt hẫng, trong tâm vì quá bi thương mà thổ huyết rồi qua đời.

Tiểu thư Nguyên Chân sau nhiều năm khổ tu thành Đạo đã được Thiên Đế phong làm phu nhân, được ban cho làm Hoa Sơn Thánh Mẫu. Mặc dù Nương Nương đã đắc Đạo và được phong Thần vị, nhưng vì năm xưa Lý công tử vì nàng mà tuẫn tình tạ thế, vậy nên theo lý nhân quả luân hồi, Nương Nương vẫn còn thiếu Lý công tử một món nợ tình duyên. Nàng vận công năng túc mệnh thông xem thử, thì ra Lưu Ngạn Xương chính là công tử Tam Lang của Lý gia chuyển thế, hôm nay đến đây, kỳ thực là để nối lại duyên nợ năm xưa.

Thánh Mẫu sững sờ một lúc, mặt mày choáng váng, trong tâm như thắt lại. Nàng biết rằng mệnh trời khó cãi, ngay cả Thần Tiên cũng khó thoát khỏi nghiệp duyên chưa trả. Lòng nghĩ, năm xưa tu luyện ta đã giữ thân như ngọc, vậy mà hôm nay vẫn không tránh được quả báo luân hồi này. Nguyệt Lão hiểu được tâm tư trong lòng Thánh Mẫu, bèn khuyên rằng: “Đã có tục duyên, chi bằng sớm ngày kết thúc. Chỉ cần Nương Nương đừng quên Thiên quy, lấy việc thiện giải mối duyên này làm gốc, giữ vững Tiên căn, không để đọa lạc phàm trần, thì chính là vận may lớn rồi”.

Thánh Mẫu không biết làm sao, nhưng trong lòng minh bạch: Sự việc đã như thế, thì cũng chỉ có thể làm như vậy mà thôi.

Lại nói, Lưu Ngạn Xương sau nửa ngày leo núi mệt nhọc, bất giác dựa vào bàn thờ mà ngủ. Trong lúc nửa mê nửa tỉnh, chàng ta thấy một mỹ nữ vận trang phục cung đình, tay cầm cây phất trần, đến trước mặt hành lễ và nói: “Thị nữ Triêu Hoa của Hoa Sơn Thánh Mẫu bái kiến Lưu công tử”.

Lưu Ngạn Xương đáp lễ, trong tâm tự hỏi: Thế này là thế nào? Đây là thực hay là mộng? Lại nghe thấy Triêu Hoa nói tiếp: “Thánh Mẫu nhà tôi cảm tạ lòng yêu mến của công tử, nguyện cùng công tử kết duyên. Nhân gặp lúc Nguyệt Lão giá đáo, hôm nay là ngày lành tháng tốt, chúc mừng công tử và Nương Nương hỷ kết lương duyên”.

Nói rồi, Triêu Hoa phất tay áo, một trận gió mát thổi qua, loáng một cái Lưu Ngạn Xương đã vận một bộ y phục cát tường, còn Thánh Mẫu thì đầu đội mũ hoa, thân khoác áo phượng. Sau đó nhờ Nguyệt Lão chủ hôn, Lưu Ngạn Xương và Thánh Mẫu cúi bái Thiên Địa, giao bái phu thê rồi cùng nhập động phòng.

Lưu Ngạn Xương và Thánh Mẫu cúi bái Thiên Địa, giao bái phu thê rồi cùng nhập động phòng. (Ảnh minh họa: kknews)

Thánh Mẫu Nương Nương khẽ liếc nhìn qua tấm khăn che mặt, Lưu Ngạn Xương thật là một bậc thư sinh anh tuấn, tuyệt hảo phong trần, tướng mạo tuấn tú, trong tâm nàng bỗng cảm thấy có chút tủi phận. Nhưng chỉ một thoáng sau, Nương Nương lập tức cảnh giác: Ta không thể để tư tưởng nhiễu loạn, trong tâm sinh ra tạp niệm như vậy được, giống như Nguyệt Lão nói, đừng tạo thêm nghiệt duyên! Còn Lưu Ngạn Xương thì âu yếm nhìn Thánh Mẫu, tự thấy vô cùng vui vẻ hoan ca, thực là ứng với những gì mà người đời vẫn nói: Nằm mộng cưới vợ hiền, hỷ sự bay từ trời đến.

Ba tháng chớp mắt đã trôi qua, cuối cùng cũng đến ngày Lưu Ngạn Xương phải vào kinh ứng thí, khi ấy Thánh Mẫu cũng mang trong mình cốt nhục của chàng. Trước lúc chia tay, Lưu Ngạn Xương quyến luyến không nỡ rời đi. Nương Nương nói với chàng: “Công tử là người có công danh, đi lần này nhất định sẽ kim bảng đề danh. Chàng và thiếp hôm nay đôi ngả, Tiên và phàm vĩnh viễn phân ly. Công tử tự có nhân duyên trần gian, vẫn cần cưới vợ. Thiếp đã mang thai, đứa con này sẽ do Triêu Hoa đưa tiễn trao tận tay cho chàng, chỉ cầu công tử và tân phu nhân chăm lo nuôi dưỡng. Giờ lành đã điểm, mong công tử hết lòng bảo trọng, thượng lộ bình an”.

Lưu Ngạn Xương nghe xong trong lòng trống trải, trầm mặc hồi lâu không nói. Đoạn chàng lấy từ trong tay nải ra một khối trầm hương gia truyền của dòng họ rồi đưa cho Thánh Mẫu, dặn rằng hãy đặt tên cho con là Trầm Hương, khi đưa tiễn hãy lấy trầm hương làm dấu hiệu. Lúc sắp chia tay, Thánh Mẫu căn dặn lần cuối rằng: “Một đoạn túc duyên, hôm nay kết thúc. Công tử đã có Tiên duyên, cũng là có túc căn. Vẫn mong chàng tương lai đắc chí thành danh, biết tiến biết lùi, có chí lập danh nhưng cũng có dũng khí thoái lui, không để bản thân mê mờ trong phú quý. Kính Trời lễ Phật, tu thiện tích đức, dưỡng tính tu tâm, được như vậy ắt tự có tạo hóa. Mong chàng đừng thuận theo dòng, đừng mê trong thanh sắc, đừng tham luyến công danh, e sẽ đọa trong luân hồi, vĩnh viễn không có ngày cất đầu lên được!”.

Lưu Ngạn Xương gật đầu, hai mắt tuôn trào lệ biệt ly…

(Còn nữa)

Minh Hạnh
Theo Tử Quân - Sound of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Truyền kỳ về Hoa Sơn Thánh Mẫu (P.2)