Truyền kỳ về phong tăng: Có thần thông biết trước sự việc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thời cổ đại có không ít truyền kỳ về các nhà sư điên (phong tăng), hành sự điên rồ, nhưng lại có thần thông, có thể tiên tri, hoặc biết rõ ý niệm con người, hoặc dễ dàng di chuyển tượng thần, khiến thế nhân tấm tắc truyền tụng.  

Trong tiểu thuyết cổ điển “Thuyết Nhạc toàn truyện” có câu chuyện "Phong tăng tảo Tần". Sau khi Nhạc Phi bị hại ở đình Phong Ba, vợ chồng Tần Cối đến chùa Linh Ẩn thắp hương. Một vị phong tăng trong chùa cầm cái chổi, quay về phía Tần Cối nói "quét sạch gian tà", phong tăng cứ mỗi câu là lại nói ra những việc làm xằng bậy ác hiểm của vợ chồng Tần Cối. Tần Cối thân là tể tướng, bị phong tăng trêu đùa thì vừa tức vừa lo, nhưng thấy ông điên điên khùng khùng nên cũng đành phải thôi. Vốn vụ lập mưu sát hại Nhạc Phi là chuyện bí mật không có người biết, nhưng ông sư điên này dường như biết rất rõ.

Vị phong tăng không hề điên, tặng người dân "hai châu báu"

Thời nhà Tống, có một vị phong tăng, họ tục là Ngô, từng tạm trú ở chùa Diệu Tịnh, huyện Vu Đô, Giang Tây, làm chủ sự tăng già trong chùa. Vì vậy mọi người gọi ông là "Ngô tăng già".

Đôi khi, Ngô tăng già điên điên khùng khùng đi ở trên đường. Gặp người thiện lương thì ông liền cung kính chắp tay hành lễ; nếu như đụng phải hạng người bất nhân, tham lam hung bạo, ông liền chửi mắng quá cả heo chó, cho nên thường bị đám hư hỏng xua đuổi.

Tuy rằng Ngô tăng già biểu hiện rất điên khùng, nhưng có một số người dân lại cho rằng ông không tầm thường. Một người dân trong huyện là Tăng Đức Thái đã nhiều tuổi, nhưng mãi chưa có con. Ông cùng vợ bàn nhau cúng dường cơm chay cho Ngô tăng già, khẩn cầu ông ban cho con nối dòng. Hai vợ chồng chỉ mới vừa ra quyết định, còn chưa kịp đi xin.

Sớm hôm sau, Ngô tăng già đã đẩy cửa bước vào, dường như ông đã thấy trước được tâm nguyện của vợ chồng họ Tăng. Vợ chồng Tăng Đức Thái vừa mới dậy, thấy Ngô tăng già chưa mời đã đến, trong lòng thất kinh, nhanh chóng làm cơm chay cúng dường ông.

Trước khi rời đi, Ngô tăng già nói với Tăng Đức Thái: "Làm thế nào báo đáp các vị đây? Chỉ có ‘hai châu báu’ khả dĩ tặng cho các vị."

Về sau bà vợ sinh liền hai người con trai, chính là ứng với “hai châu báu” mà Ngô tăng già nói.

Ngô tăng già hành tẩu trong dân gian, triển hiện thần tích, để lại không ít truyền kỳ. Khi sứ mệnh tế thế giáo hóa bách tính của ông hoàn thành, cũng là thời khắc viên tịch của ông đến. Vào một tối nọ, Ngô tăng già đi thăm chư tăng trong chùa, ngồi ở trên tấm bồ đoàn hành lễ với tăng chúng và nói: "Xin hãy bảo trọng! Xin hãy bảo trọng!"

Tăng chúng nghe xong cũng không biết ra làm sao.

Đêm ấy, Ngô tăng già ngồi ngay ngắn ở trên bồ đoàn mà viên tịch. Hôm đó là ngày 6 tháng 6 năm Đại Trung Tường Phù thứ 2 (Kỷ Dậu, 1009) thời Tống Chân Tông. Sau khi Ngô tăng già tọa hóa, toàn bộ nhà cửa tràn ngập hương thơm, đến vài ngày cũng chưa tản mất.

Ngô tăng già hành vi điên khùng, nhưng lại có tha tâm thông, thoáng nhìn một cái, liền có thể phân rõ thiện ác, cũng có thể đoán biết trước sự việc, thấy nguyện cầu trong lòng người, giúp cho mong ước của người hiền lành thành sự thật.

Phong tăng dùng thần thông điều khiển tượng Kim Cang đi theo

Thời kỳ Nam Tống, Tha Châu (vùng Bà Dương, Giang Tây) có chùa Diệu Quả. Trong ngôi chùa này có một vị hòa thượng điên, không uống rượu thì cũng ăn thịt, thường ngày cử chỉ điên điên khùng khùng. Không ai thấy ông đả tọa tu hành bao giờ.

Một ngày nọ, hòa thượng điên này bỗng nhiên cáo biệt trưởng lão, nói là muốn đi vân du thiên hạ. Ông xin trưởng lão tìm một người gánh hành lý cho mình.

Trưởng lão cho rằng hòa thượng điên lại phát bệnh, nói xằng, vì vậy nói với ông ta rằng: "Trước cửa có tượng hai vị Kim Cang, ngươi chọn lấy một pho đi theo."

Không ngờ phong tăng thản nhiên đồng ý. Bởi tượng Kim Cang rất cao lớn, phong tăng lấy thang, đem hành lý của mình treo trên vai tượng. Ông nói với tượng một câu: "Chúng ta đi thôi."

Pho tượng Kim Cang nọ ở trong chùa đã nhiều năm, nửa bước không dời. Vậy mà hôm ấy lại gánh hành lý lên, theo phong tăng đi.

Tăng chúng trong chùa đều chính mắt thấy chuyện lạ này, trố mắt há mồm kinh ngạc, hồi sau lấy lại tinh thần, mới hò nhau đuổi theo phong tăng.

Phong tăng đi đằng trước, tăng chúng đuổi đằng sau. Đoạn, phong tăng gỡ hành lý ra, tự mình gánh, xong cưỡi mây mà đi. Sau khi phong tăng bay đi rồi, tượng Kim Cang đứng bất động tại chỗ đó nửa bước không dời. Tượng Kim Cang lớn như vậy, mọi người cũng di chuyển không nổi. Để kỷ niệm vị phong tăng thần kỳ kia, mọi người liền quyên góp tiền dựng ngôi chùa mới ở ngay vị trí tượng Kim Cang, mang tên là chùa Kim Cang.

Tượng Kim Cang. (wikipedia/ CC BY SA 4.0)

Phong tăng di chuyển tượng Thiên Vương trong chùa ở Vân Nam

Thời nhà Thanh, tại vùng Diêu Châu, Vân Nam (Trấn Quang Lộc, Diêu An, Vân Nam), trên núi Long Hoa có một ngôi chùa, được xây vào thời đầu nhà Đường. Trong chùa thường thường có đến mấy trăm nhà sư tu hành. Nghe qua thì biết chùa có quy mô khá lớn, vậy mới có thể chứa nhiều người như vậy.

Có một ngày, trong chùa bỗng nhiên có một nhà sư vân du tới, tự xưng từ núi Kê Túc, phủ Đại Lý đến. Chúng tăng thấy da mặt ông ngăm đen, tăng y trên người rách rưới, giày dưới chân mòn thủng. Những lời nhà sư vân du nói ra, ai nghe cũng thấy lộn xộn không hiểu, cho nên phỏng đoán ông bị bệnh điên.

Sư chủ sự trong chùa lấy làm thương xót, vì vậy giữ ông lại, để ông làm việc vặt nhóm lửa nấu cơm ở nhà bếp. Vị phong tăng này cứ như vậy mà ở lại chùa nhiều năm.

Đến buổi trừ tịch cuối năm nọ, ông bỗng nhiên xin sư chủ sự cho được ra về. Phong tăng còn xin sư chủ sự tìm người gánh hành lý cho mình.

Sư chủ sự nghe xong thì nói với ông: "Hiện tại mọi người đều đang chuẩn bị hết năm, ai nguyện ý cùng ông đi đây? Huống hồ núi Kê Túc cách đây đến mấy trăm dặm đường, không phải một đêm là có thể đi tới đâu, hay là ông chờ đến ngày mai đi."

Thế nhưng, nhà sư điên vẫn vật nài thỉnh cầu, sư chủ sự bèn cười chỉ vào tượng Thiên Vương trong điện Di Lặc, trêu ông: "Tứ Đại Thiên Vương đều rảnh, vậy để họ theo ông đi, thấy thế nào?"

Nhà sư điên tức khắc trả lời: "Được, được."

Đợi đến sáng mùng một, chúng tăng thức dậy xong, kinh ngạc phát hiện đã khuyết một tượng trong Tứ Đại Thiên Vương, vị phong tăng kia cũng không biết đi đâu. Tăng chúng trong chùa đều cảm thấy rất kỳ lạ.

Ngày hôm sau, người ta kháo nhau một chuyện lạ, nguyên là ở trên núi Phổ Quan cách chùa 10 dặm, sau một đêm bỗng nhiên sinh ra một pho tượng Thiên Vương. Chúng tăng nghe tin, vội vàng tới đó xem, quả nhiên là pho tượng Thiên Vương của chùa bị mất.

Tượng Thiên Vương lớn như thế, sức người khó lay động nổi, vậy nhưng phong tăng lại dễ dàng di chuyển. Thế là, mọi người liền xây chùa tại ngay vị trí đó. Sau đó mấy trăm năm, đến cuối đời Thanh, học giả nổi tiếng Du Việt biên soạn “Hữu Đài Tiên Quán bút ký”, căn cứ theo người Vân Nam tên là Mã Tinh Ngũ nói lại, vào lúc ông biên soạn tập sách thì ngôi chùa vẫn còn tồn tại.

Trong mấy câu chuyện này, bất kể là “phong tăng tảo Tần” khắc họa trong tiểu thuyết cổ điển, hay là thần tích của phong tăng trong ghi chép của danh sĩ, họ đều là thần tăng có đầy đủ thần thông, hoặc đoán biết trước sự việc, thấy rõ tâm nguyện của con nhân tâm; hoặc có công năng vận chuyển vật, không cần tốn nhiều sức cũng có thể vận chuyển tượng thần. Những sự việc mà người phàm thế gian động tay động chân không làm nổi, mấy vị phong tăng này lại dễ dàng làm được, đời đời kể lại, có thể nói truyền kỳ.

(Căn cứ theo “Kiên Hồ bí tập – Diệu Quả Tự phong tăng” quyển 2, “Di Kiên Đinh chí” quyển 8, “Hữu Đài Tiên Quán bút ký”, quyển 14).

Tác giả: Tống Bảo Lam - Epochtimes

Hữu Đức biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Truyền kỳ về phong tăng: Có thần thông biết trước sự việc