Truyền thống Phục sinh độc đáo của một làng thổ dân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người Guugu Yimidhirr ở Hope Vale, một ngôi làng thổ dân ở cực Đông Bắc nước Úc, kỷ niệm Lễ Phục sinh truyền thống kéo dài một tuần độc đáo dựa trên 4 nền tảng: đức tin, lịch sử, gia đình và tinh thần - còn gọi là “wawu” theo ngôn ngữ của họ.

Bài báo này được chuyển thể từ bộ phim tài liệu “Wawu: Hy vọng thiêng liêng” được viết bởi đạo diễn kiêm nhà sản xuất người Úc Caden Pearson, hiện đang là phóng viên của The Epoch Times.

Câu chuyện về truyền thống, bắt nguồn từ di sản cổ xưa của họ, đức tin Cơ đốc và tình yêu Văn hóa cao bồi và âm nhạc đồng quê, được kể trong một bộ phim tài liệu năm 2020 được sản xuất cho Truyền hình Bản địa Quốc gia có tựa đề “Wawu: Hy vọng thiêng liêng” (Wawu).

Wawu: Hy vọng thiêng liêng

Một gia đình chuẩn bị những ngôi mộ lúc hoàng hôn tại Nghĩa trang Hope Vale. (Ảnh: Caden Pearson)

Mặt trời buông xuống thấp ở phía Tây, vẽ nên những đám mây đằng sau nghĩa trang của làng Hope Vale có màu hổ phách và màu tím, khi một nhóm nhỏ thực hiện công việc đào cỏ dại ở mộ.

Những hình bóng sắc nét của gia đình hiện trên nền mặt trời lặn khi họ chuẩn bị mộ và đặt nền móng cho bê tông. Họ bắt đầu sớm vào thứ Ba lúc hoàng hôn trước khi khu này trở thành một địa điểm hoạt động nhóm vào cuối tuần.

Bà Alice Walker ngồi giữa những ngôi mộ với cỏ dại mọc um tùm, giải thích lý do tại sao họ đến đây: “Nó chỉ diễn ra mỗi năm một lần, và nghĩa trang đầy cỏ dại. Vì vậy, chúng tôi dọn dẹp các ngôi mộ, đến chiều thứ bảy, chúng tôi đặt hoa tươi để sẵn sàng cho lễ Phục sinh”.

Bà Alice Walker (phải) ở Hope Vale và cháu trai của bà được phỏng vấn cho bộ phim tài liệu “Wawu: Hy vọng thiêng liêng” tại Nghĩa trang Hope Vale. (Ảnh: Caden Pearson)

Bà Alice nói rằng Lễ Phục sinh là một thời gian thú vị ở làng Hope Vale. Nó mang cả cộng đồng lại với nhau theo một cách đặc biệt. Đối với bà, truyền thống là một cách để tôn vinh những người đi khẩn hoang, như cha của bà - ông Bob Flinders, ông đã thành lập cộng đồng vào những năm 1950 sau khi người Guugu Yimidhirr phải di dời trong Thế chiến thứ hai.

Đối với Deborah Pearson, Lễ Phục sinh là “thời điểm rất đặc biệt và khiêm tốn” trong năm, là thời gian đáng để suy ngẫm.

“Nếu bạn là một tín đồ, thì Lễ Phục sinh là một trong những thời điểm tuyệt vời nhất trong năm”, cô nói, đề cập đến đức tin Cơ đốc của mình. Thế hệ của cô Deborah lớn lên ở Hope Vale khi họ vẫn đang làm nhiệm vụ cho Hội Thánh Lutheran.

Bà Shirley Costello, một cựu giáo viên và quản lý thư viện địa phương, được phỏng vấn cho bộ phim tài liệu “Wawu: Hy vọng thiêng liêng” tại Nhà thờ St John’s Lutheran ở Hope Vale, Úc. (Ảnh: Caden Pearson)

Ngồi trên một chiếc ghế dài trong Nhà thờ St John’s Lutheran ở làng, bà Shirley Costello, quản lý thư viện địa phương và giáo viên đã nghỉ hưu, giải thích từ ngữ của người Guugu Yimidhirr chỉ tâm hồn và cảm xúc của một người - wawu.

(wawu: đức tin, lịch sử, gia đình và tinh thần)

“Wawu là tinh thần bên trong của bạn. Trung tâm của tâm hồn bạn. Nếu không có wawu, bạn sẽ khá trống rỗng và đó không phải là một cuộc sống tốt đẹp”, bà nói.

Bà Shirley nói rằng đối với người dân Hope Vale, wawu thấm nhuần niềm tin Cơ đốc giáo trong họ, điều mà bà ấy nói là phù hợp với di sản thổ dân truyền thống của họ.

Trong 5 ngày tới, người dân Guugu Yimidhirr tham gia lễ Phục sinh toàn cầu với một truyền thống độc đáo phản ánh họ là ai và những gì dân tộc họ đã trải qua.

‘Chúng tôi tự hào về nhà thờ này’

Nhà thờ St John’s Lutheran ở làng thổ dân Hope Vale, Úc. (Ảnh: Caden Pearson)

Một nhóm phụ nữ lau và rửa nhà thờ để chuẩn bị cho tuần lễ Phục sinh sắp tới. Cách họ di chuyển như thể họ đã làm năm này qua năm khác.

Cô Deborah Pearson nói: “Chúng tôi tự hào về nhà thờ này. Mọi người giúp đỡ. Mỗi thành viên trong gia đình đều đóng góp. Và nó luôn được duy trì sạch đẹp.”

Maud Wallace, làm việc tại một trường học ở Cooktown gần đó, nói với những người phụ nữ rằng có thể hỏi mọi người tặng hoa từ khu vườn của họ.

Mọi người cảm thấy rất sôi nổi, và họ đến để hoàn thành công việc.

Phụ nữ trong làng dọn dẹp và chuẩn bị cho Nhà thờ St John’s Lutheran trước Tuần Thánh Phục sinh ở Hope Vale, Úc. (Ảnh: Caden Pearson)

Cheryl Cannon, chủ tịch ủy ban nhà thờ, nói: “Nhà thờ là một phần quan trọng của gia đình chúng tôi trước đây. Chúng tôi muốn tiếp tục duy trì điều đó”.

Cô ấy nói rằng ngày nay có rất nhiều sự cạnh tranh để thu hút sự chú ý của mọi người, nhưng truyền thống Lễ Phục sinh của làng họ nhắc nhở cô ấy về những gì mà các bậc tiền bối đã xây dựng bằng tay ở Hope Vale.

Hai ngày trước Thứ Sáu Tuần Thánh

Một cặp vợ chồng trẻ chuẩn bị xây mộ bằng bê tông tại Nghĩa trang Hope Vale ở Hope Vale, Úc. (Ảnh: Caden Pearson)

Những người sống ở làng Hope Vale yêu thích lối sống của họ. Vào lễ Phục sinh, về cơ bản họ dành cả tuần ở nghĩa trang.

Khi ngày làm việc kết thúc, các nhóm nhỏ mạo hiểm đến nghĩa trang để bắt đầu sớm công việc chuẩn bị của họ.

“Chà, bây giờ họ chỉ đang dọn dẹp, hãy xem. Và sau đó vào thứ Bảy, nó sẽ tiếp tục”, ông Herman Bambie 90 tuổi, nói khi ngồi bên mộ người vợ quá cố của mình tại nghĩa trang.

Ông ấy đang nói về việc nghĩa trang sẽ trở nên bận rộn như thế nào chỉ trong vài ngày tới khi cả làng đến thăm mộ những người thân yêu của họ.

“Đó là lý do tại sao chúng tôi đến đây ngay bây giờ vì khi đó sẽ không còn chỗ cho chúng tôi”, ông nói thêm.

Ông Robert Gibson hướng về phần mộ của cha mẹ mình tại Nghĩa trang Hope Vale ở Hope Vale, Úc. (Ảnh: Caden Pearson)

“Khi cha qua đời vào năm 1999, và mẹ qua đời vào tháng 2 sau đó trong năm 2000. Quá gần với nhau, phải không?” Ông Robert Gibson nói với một cái mỉm cười - nỗi đau của ông ấy, một ký ức xa xăm.

“Ít nhất thì bạn có thể trở về nhà và nói, Ồ, bạn biết đấy, tôi đã lau mộ của anh trai tôi, chị gái, chị họ, cháu trai. Và bạn cảm thấy tốt về nó. Tôi cũng cảm thấy tốt!”

Trở nên trầm ngâm, ông ấy nói thêm: “Tôi chắc chắn điều đó có trong Kinh thánh. Họ nói rằng mặt trời nhảy múa vào Chủ nhật Phục sinh”.

Hát trong nhà thờ nhắc nhở mọi người về tuổi thơ hạnh phúc của họ

Nhà thờ St John’s Lutheran ở Hope Vale, Úc. (Ảnh: Caden Pearson)

“Sách lịch sử cho chúng ta biết rằng thổ dân có một niềm tin. Họ tin vào mặt trời, mặt trăng, các vì sao, thực vật và động vật”, bà Shirley nói.

“Bạn thấy đấy, khi những người truyền giáo đến, họ đã dạy cho người dân chúng tôi những điều cơ bản của Cơ đốc giáo. Giống như Chúa đã tạo ra mặt trời và mặt trăng.”

“Thời gian trôi qua, chúng tôi đã có thể kết hợp cả hai. Chúng tôi có một vị Thần, nhưng chúng tôi vẫn có nền văn hóa Thổ dân của mình và nó ‘hoạt động’ cùng nhau”, bà nói.

Bên trong nhà thờ St John’s Lutheran, một nhóm hát tập luyện các bài thánh ca bằng tiếng Anh và tiếng Guugu Yimidhirr cùng với một ban nhạc nhỏ.

Selena Bowen giải thích cách một số bài thánh ca dùng từ ngữ Guugu Yimidhirr mà chỉ những người cao tuổi mới sử dụng thành thạo nên họ rất thích luyện tập.

Selena đã tổ chức nhóm hát cho biết: “Chúng tôi hát các bài hát bằng cả hai ngôn ngữ và tiếng Anh. Lý do duy nhất khiến tôi quen thuộc với những bài thánh ca đó là vì lần nào tôi cũng đến nhà thờ cùng bố mẹ. Chúng tôi vẫn nhớ cách họ hát hồi đó. Tôi cảm thấy tự hào khi được đứng trong số những người lớn tuổi ấy, được hát to và học ngôn ngữ từ họ.”

Selena nói rằng thật là "vinh dự" khi được cùng nhau hát trong Lễ Phục sinh.

Nhóm hát Nhà thờ St John’s Lutheran diễn tập tại Hope Vale. (Ảnh: Caden Pearson)

Shirley nói rằng cộng đồng yêu thích các sự kiện, các nhóm ca hát gắn kết người trẻ và người già lại với nhau. Bà giải thích rằng ca hát xuất phát từ các hoạt động ở trường và đối với người lớn ngày nay, ca hát đưa họ trở lại “những kỷ niệm hạnh phúc khi họ còn là những đứa trẻ”. Đối với trẻ em ngày nay, "nó cũng trở thành lịch sử của chúng."

Phylamena, người đang choàng một chiếc khăn, nói rằng bà ấy tự hào khi hát trước hội chúng. Bà ấy nói rằng đó là một cách tuyệt vời để trẻ em thực hành ngôn ngữ, vì vậy truyền thống này không bị mất đi.

Dorothy Rosendale, ở tuổi 80, chơi đàn tranh tự động với ban nhạc nhà thờ. Dora Gibson chơi guitar acoustic, còn chồng cô chơi guitar điện. Họ đi cùng với khoảng 10 phụ nữ và đàn ông trung niên và cao tuổi. Những bài thánh ca của họ vang lên với một rung cảm mang âm hưởng đồng quê.

Sự sáng tạo và phát triển của truyền thống

Quang cảnh Cape Bedford, địa điểm còn sót lại của Hội Truyền giáo Thung lũng Hy vọng tồn tại ở đó vào khoảng năm 1886-1942. (Ảnh: Caden Pearson)

Trong mũi đất của Cape Bedford, ẩn mình trong khung cảnh đẹp đẽ nhưng khó khăn, là những gì còn lại của Hope Valley Mission. Đây là nơi người Guugu Yimidhirr sống với nhà truyền giáo người Đức George Heinrich Schwarz, người được họ trìu mến gọi là “Muni” trong suốt 50 năm cho đến năm 1942.

Với những cây chè được trồng cách đây hơn 100 năm, đây là một nơi ngập tràn màu sắc, từ Biển San hô trong xanh cho đến những dãy núi màu chè giàu khoáng chất.

Phía Tây của Cape Bedford là một nơi được gọi là Jepson’s Crossing. Con đường đến nơi này được cắm những cọc cờ vàng.

Sau khi tìm thấy một nơi yên tĩnh để ngồi bên bờ con lạch, Esme Bowen (70 tuổi), Doreen Hart (50 tuổi), Estelle Bowen (60 tuổi) và Dora đốt lửa và kể cho cháu họ nghe những câu chuyện về những kỷ niệm thời thơ ấu của họ về Lễ Phục sinh, đám tang, và nghĩa trang.

Học sinh và giáo viên ở ngoài trời tại Cape Bedford Mission, 1899. (Ảnh: wikimedia)

Họ thảo luận về cái chết thiêng liêng được tôn trọng như thế nào. Không ai mở nhạc lớn hoặc thậm chí đi câu cá khi có người chết cho đến khi thi thể được an nghỉ. Ở làng Hope Vale, bất kể người đó là ai, họ đều được tổ chức một đám tang trịnh trọng. Đó dường như là một trong những giá trị chung tạo nên đặc trưng của nơi này.

Doreen nói thêm: “Và ngay cả những đám tang trong ngày; quan tài sẽ được chất đầy hoa từ các khu vườn địa phương của người dân. Chúng là những bó hoa được làm ở địa phương, và nó rất đẹp.”

Dora Gibson (trái) và Estelle Bowen (phải) vẽ những quả trứng với con cháu. (Ảnh: Caden Pearson)

Trà billy đang sôi, và bánh quy được bày xung quanh. Tiếng chim hót véo von, và một làn gió xào xạc qua những tán cây.

"Cha mẹ chúng tôi thường nói với chúng tôi rằng ‘dậy sớm vì mặt trời sẽ nhảy múa’. Và chúng tôi sẽ đợi đến khoảng 7 giờ và thực sự nhìn thấy mặt trời lung linh", bà Dora nói khi đề cập đến một niềm tin ngoan đạo phổ biến giữa các Kitô hữu rằng khi mặt trời mọc vào sáng Chủ nhật Phục sinh, mặt trời nhảy múa trong niềm vui mừng rằng Chúa Giêsu đã sống lại.

Trong khi đó, những đứa trẻ nô đùa trong làn nước màu trà sảng khoái, những cụ bà ngồi bên nhau, vừa nói vừa cười trong khi trang trí những quả trứng bằng sơn, hồi tưởng lại niềm vui thời thơ ấu của họ.

Esme nói rằng họ không có Trứng Phục sinh khi bà còn nhỏ, nhưng cha mẹ bà sẽ luộc trứng gà với củ dền để tạo màu cho chúng.

Từ sớm, những đứa trẻ đã tụ tập tham gia xung quanh, học cách sơn những quả trứng theo cách mà bà của chúng đã làm khi họ còn nhỏ.

Một ổ trứng Phục sinh do những đứa trẻ ở Hope Vale làm. (Ảnh: Caden Pearson)

Esme nói với bọn trẻ: “Lễ Phục sinh luôn là thời điểm rất thú vị. Cha của bà thường nói, ‘Hãy làm tổ trứng của con.’ Khi thức dậy vào buổi sáng ở đây, chúng ta sẽ có một Quả trứng Phục sinh xinh xắn và đáng yêu.”

Esme kể cho bọn trẻ biết nơi chúng ở, Jepson’s Crossing, là nơi tổ tiên của chúng bị quân đội Mỹ “chất lên xe tải” vào năm 1942 và “đưa đi”.

Với việc chính phủ Úc nghi ngờ người truyền giáo người Đức của họ, người Guugu Yimidhirr buộc phải di dời 1.500km về phía Nam đến Woorabinda, một cộng đồng thổ dân khác.

Họ ở Woorabinda trong 8 năm. Trên thực tế, nhiều nhóm gia đình đã không bao giờ quay trở lại.

Ở ngọn đồi phía trên Hope Vale là nghĩa trang tiên phong chưa được đánh dấu.

Desmond Bowen, ở tuổi 60, dẫn đầu một dự án khôi phục lại nghĩa trang ban đầu và tạo ra một khu vườn tưởng niệm ở đó. Một số người đầu tiên trở về từ Woorabinda để lập khu mộ mới của họ trong khu nghĩa trang mới.

Doreen giải thích truyền thống Lễ Phục sinh bắt đầu từ người anh họ quá cố của bà là Wayne Rosendale, người đã đề xuất một lễ kỷ niệm được tổ chức lúc bình minh vì không ai từ Hope Vale tham chiến. Khi còn trẻ, ông nghĩ đến lễ kỷ niệm bình minh, lấy cảm hứng từ Ngày ANZAC, là một cách để tưởng nhớ những người lớn tuổi đã qua đời và các thành viên trong gia đình đang bị lãng quên.

(Úc và New Zealand kỉ niệm Ngày ANZAC vào ngày 25/4 hàng năm để tưởng nhớ những thành viên của Quân đội Úc và New Zealand đổ bộ vào Gallipoli của Thổ Nhĩ Kỳ trong Thế chiến I.)

Mất mát, đau buồn và hy vọng: Truyền thống này xoa dịu những trái tim đau khổ như thế nào

Bà Joanne Bowen bên mộ con gái ở nghĩa trang Hope Vale. (Ảnh: Caden Pearson)

Vào thứ Tư trước Thứ Sáu Tuần Thánh, bà Joanne Bowen đã đến nghĩa trang để thăm con gái. Các con của bà dọn dẹp và chuẩn bị phần mộ của những người thân yêu và cũng dọn dẹp một số ngôi mộ bị bỏ quên.

Con trai của bà Joanne, Keithan Bowen, hiện là thành viên hội đồng địa phương, nói rằng anh ấy thích cách cộng đồng đến với nhau vào Lễ Phục sinh. Anh tìm thấy toàn bộ quá trình trị liệu và giải thích cách sự kiện này mang lại cho anh điều gì đó về mặt cảm xúc mà không có phương pháp nào khác có thể làm được.

Ngồi bên ngôi mộ của con gái bị chết đuối khi mới 1 tuổi, bà Joanne giải thích rằng mình đến đây cả năm, bất cứ khi nào bà cảm thấy cô đơn.

Bà June Pearson ngồi chơi đàn organ bên trong Nhà thờ St John’s Lutheran ở Hope Vale, Úc. (Ảnh: Caden Pearson)

Bà June Pearson, một cựu ủy viên hội đồng lâu năm, nói: “Khi bạn mất đi người bạn đời hoặc một đứa trẻ, bạn sẽ có cảm giác khác biệt và nó ảnh hưởng đến bạn theo cách khác nhau.”

Ngồi bên cây đàn organ trong Nhà thờ St John’s Lutheran, bà June cho biết bà có niềm tin mạnh mẽ rằng mình sẽ gặp lại chồng “trên bờ sông” vào một ngày nào đó bà lên thiên đường.

Bà ấy nói rằng đức tin mang lại cho bà hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu và giải thích ý nghĩa của Lễ Phục sinh, đối với bà, xoay quanh tình yêu của Chúa và đó là thời điểm mà mọi người ở Hope Vale ở bên nhau, thể hiện sự quan tâm đến nhau, có cơ hội cảm thấy gần gũi hơn với những người thân yêu của họ trên thiên đàng.

Bà June đã chơi organ trong nhà thờ hơn 40 năm, chơi bài thánh ca yêu thích của chồng trên nhạc cụ.

Bà Dorothy Rosendale, một trưởng lão nhà thờ tại Nhà thờ St John’s Lutheran, chơi đàn tranh tự động và hát bài “How Great Thou Art”. (Ảnh: Caden Pearson)

Bà nói: “Mới 4 tuổi, tôi đã đến Woorabinda”. Khi còn nhỏ, bà Dorothy quan sát cha mình dẫn dắt các buổi thờ phượng trong khu nhà ngoại ô ở Woorabinda, nơi họ sống lúc rời quê hương.

"Tôi rất tự hào về cha. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ làm được điều đó”, bà mỉm cười nói.

Khi Mục sư David đi vắng, bà Dorothy dẫn đầu các buổi lễ, giống như cha bà đã làm khi bà còn là một cô bé.

Nhưng lần này, Mục sư David đang ở đây để phục vụ Thứ Năm Tuần Thánh (còn gọi Thứ năm Rửa chân). Ông ấy nói về ý nghĩa của Thứ Năm Tuần Thánh vào buổi tối hôm đó. Bà Dorothy đọc một đoạn Kinh thánh trước hội chúng.

Sáng hôm sau, nhà thờ nhộn nhịp cho buổi lễ Thứ Sáu Tuần Thánh. Ca đoàn hát. Trẻ em được rửa tội. Bà June đang ở vị trí quen thuộc của mình bên cây đàn organ.

Sau lễ, mọi người ra về, và một số đông tìm đến nghĩa trang thăm mộ.

Trong số đó có Tammy Gibson, người đã tỉ mỉ cắm những bông hoa nhỏ màu trắng và đỏ thành hình cây thánh giá trên những ngôi mộ cạnh nhau của ông bà. Đó là khoảng thời gian tuyệt vời để quây quần bên gia đình, bà ấy nói.

Ngôi mộ mới được trang hoàng cho gia đình Bowen. (Ảnh: Caden Pearson)

‘Linh hồn của làng Hope Vale’ hiện diện trong các sự kiện Phục sinh hàng năm

Mặt trời ló dạng vào thứ Bảy trước Lễ Phục sinh. Những chiếc giỏ dã ngoại của họ được đóng gói và những chiếc phích chứa đầy trà, người dân của Hope Vale đổ về nghĩa trang.

Mọi người bận rộn làm việc trên các ngôi mộ khi những đám mây trắng bồng bềnh trôi từ phía sau Núi Table Top.

Nằm trên rìa của một ngôi mộ nở hoa giữa dòng người hối hả và nhộn nhịp, Cheryl giải thích rằng mọi người luôn đến đây vào dịp Lễ Phục sinh để tham gia lễ kỷ niệm này.

Trên đường đi, ngồi trước khu mộ của gia đình mình, Danny Gordon ủng hộ tình cảm truyền thống này, nói rằng: "Bạn có thể đưa mọi người ra khỏi Hope Vale, nhưng bạn không thể loại bỏ Hope Vale khỏi mọi người."

Xung quanh anh ấy, mọi người đều đang ‘hành động’.

Một gia đình ở Hope Vale chở cát vào một chiếc xe cút kít. (Ảnh: Caden Pearson)
Một người đàn ông trẻ ở Hope Vale đang xúc cát. (Ảnh: Caden Pearson)

Mọi người cào, chặt, sơn, đặt hoa tươi, chở cát trắng bằng xe cút kít, và đẩy xe cỏ dại. Đó là một loạt các hoạt động.

Alice Walker nói rằng đây là cách người Guugu Yimidhirr thể hiện sự tôn trọng đối với những người quá cố và xây dựng làng Hope Vale.

Mọi người làm việc cả ngày cho đến khi mặt trời lặn. Sau khi hoàng hôn buông xuống, những ánh đèn le lói bắt đầu rải rác khắp nghĩa trang, người ta đặt các dây đèn đủ màu lấp lánh trên một số ngôi mộ. Mặc dù cách làm này có vẻ thích hợp hơn ở hội chợ, nhưng dù sao đây cũng là một… hoạt động.

Mặt trời nhảy múa vào Chủ nhật Phục sinh

Lễ đón bình minh vào Chủ nhật Phục sinh tại nghĩa trang Hope Vale ở Hope Vale, Úc. (Ảnh: Caden Pearson)

Đắm mình trong ánh sáng rực rỡ của ánh bình minh vào Chủ nhật Phục sinh, một nhóm đông tín đồ đã tập trung tại nghĩa trang.

Mục sư David Spanagal khai mạc buổi lễ bình minh, và ca đoàn hát. Năm bia mộ hoàn toàn mới được tuyên bố. Mục sư David ban phước lành ở mỗi mộ mới. Ông ấy nói rằng lễ bình minh diễn ra hàng năm "xuất phát từ trái tim của mọi người."

Cậu bé Jaharis Gibson (13 tuổi) hát kính dâng tại bia mộ của bà mình. Cậu ấy nói đó là để tôn vinh người bà quá cố.

Bà Phylamena cho biết điều đó mang lại cho bà niềm vui lớn khi tham gia vào truyền thống và bà hy vọng sẽ còn sống cho sự kiện năm sau (và, bà đã đạt được mong muốn của mình).

Mục sư David Spanagal trò chuyện với các em nhỏ trong buổi lễ Chủ nhật Phục sinh. (Ảnh: Caden Pearson)

Trẻ em hát và nhặt Trứng Phục sinh từ mục sư, ca đoàn biểu diễn trước hội chúng, và hai em bé nữa được rửa tội.

Khi hội thánh hiệp thông, một cậu bé hát đơn ca thánh ca, nghe rất ‘Johnny Cash’. [Johnny Cash (1932- 2003), nhạc sĩ người Mỹ và là một trong số các nghệ sĩ có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20.]

Tammy và dàn hợp xướng, cùng với Dora, Dorothy và ban nhạc, biểu diễn bài hát tinh thần của Mỹ năm 1899, "Were You There When They Crucured My Lord."

Một số cư dân của Hope Vale chia sẻ về tuần đã qua và ý nghĩa của nó đối với họ.

“Nhà thờ sáng nay chật kín người. Dù thủy triều rất tốt để câu cá, nhưng mọi người chọn ở đây trong nhà thờ”, bà Shirley nói.

“Chúng ta sẽ không có gì trong cuộc sống của mình nếu chúng ta không có niềm tin”, bà nói thêm.

Estelle nhớ lại cách người xưa nói về những người thân yêu đã qua đời của họ: "Họ có thể không ở đây hôm nay, nhưng chúng ta sẽ gặp họ trên thiên đường."

Đối với Doreen, Chủ nhật Lễ Lá rất đặc biệt vì cha bà không biết ngày sinh của ông. Vào những ngày đó, luật pháp quy định thổ dân không được đăng ký.

“Vì vậy, nó đã trở thành một phong tục đối với họ trong những năm qua để kỷ niệm Ngày Chủ nhật Lễ Lá là sinh nhật của họ. Vì vậy, đó là lý do tại sao Chủ nhật Lễ Lá đặc biệt đối với tôi vì đó là sinh nhật của cha tôi”, bà nói.

Debbie nói rằng cô không thể quên sự nuôi dạy của cha mẹ, họ cũng đang hoạt động trong nhà thờ, nơi cha cô dạy trường Chủ nhật, và di sản của họ là "theo Chúa Giêsu đến tận thập tự giá cho đến khi ngài sống lại vào sáng Lễ Phục sinh."

Debbie nói: “Nếu bạn là một tín đồ và bạn đặt niềm tin của mình vào Tông đồ và Kinh Tin kính Nicea, thì Lễ Phục sinh là một trong những thời điểm tuyệt vời nhất trong năm. Mọi sự kiện khác trong năm cũng chỉ là sự kiện, nhưng đây mới là điều mà cá nhân tôi đặt niềm tin vào”.

Bà Shirley nói: “Điều quan trọng là phải biết những gì đang diễn ra trong cuộc sống. Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Bạn tiếp tục sống bởi vì đây là lịch sử. Và bạn tạo ra lịch sử”.

Bà June, ngồi bên cây đàn organ, đọc một đoạn ngắn mà bà ấy đã chuẩn bị:

“Trong những năm gần đây, chúng tôi với tư cách là một cộng đồng đã quyết định tổ chức lễ đón bình minh tại khu mộ những người thân yêu của chúng tôi.”

“Và là một cộng đồng, chúng tôi đến với nhau, quan tâm nhau và đảm bảo rằng mọi người sẽ giúp đỡ nhau tại nghĩa trang. Chúng tôi chuẩn bị cho lễ đón bình minh và mọi người thường dốc toàn lực để chuẩn bị nghĩa trang trông giống như một khu vườn xinh đẹp. Điều đó nhắc nhở tôi và giúp tôi hình dung rằng thiên đường cũng như vậy. Bạn biết đấy, đó là một khu vườn nơi những người thân yêu của chúng ta an nghỉ”.

Cao Nguyên

Theo Caden Pearson- The Epoch Times

Giới thiệu tác giả: Caden Pearson là một nhà văn và biên tập viên sống tại Cairns, Úc. Ông chủ yếu viết về chính trị quốc gia, địa chính trị ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, các biện pháp COVID-19 và phản hồi. Anh ấy có kinh nghiệm về biên kịch và phim tài liệu. Thông tin liên lạc: [email protected]



BÀI CHỌN LỌC

Truyền thống Phục sinh độc đáo của một làng thổ dân