Truyền thuyết cây lúa thần Việt Nam [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau đó Thần nông nghiệp để lại lời nhắc cho con người biết: Nếu như không biết trân quý hạt lúa thì hạt sẽ ngày càng nhỏ đi, và linh khí trong hạt lúa sẽ không còn nữa. Con người sẽ phải tự đi trồng, chăm sóc thật kỹ mới có hạt lúa để ăn. 

Từ thuở rất xa xưa, trên mặt đất vẫn chưa có ruộng đồng, chỉ toàn là rừng rậm hoang sơ. Khi đó con người vẫn còn sống dựa vào săn bắt và hái lượm. Bỗng một ngày, trời như bị nứt ra, mây đen vần vũ, mưa lớn trút xuống ngày đêm không ngừng, tạo thành một trận lũ lụt lớn chưa từng có, nước dâng lên cao hơn cả những ngọn đồi.

Rất lâu sau đó nước lũ mới rút đi, những động vật nhỏ đều bị nước lũ nhấn chìm, hoa quả cũng bị hư hỏng hết. Con người không có gì để ăn nên rất nhiều người đã bị chết đói. Loài người đáng thương chỉ biết chau mày ủ dột, không nghĩ được cách nào để vượt qua khó khăn. Để duy trì sự sống, hàng ngày phải kiếm ăn rất khổ cực, phải hái rau dại, quả dại ăn để qua ngày.

Trước sự tồn vong của tộc người, tất cả mọi người tập trung lại và cầu khấn ông Trời xin rủ lòng thương giúp đỡ. Lời khẩn cầu ấy đến tận tai Ngọc Hoàng, ông liền sai một công chúa am hiểu về các cây lương thực trên thiên đình xuống trần gian giúp đỡ con người. Ngọc Hoàng phong cho công chúa là Thần nông nghiệp, công chúa vâng lệnh liền tức tốc đi ngay. Xuống hạ giới nhìn cảnh tượng hoang tàn, còn thân thể con người yếu ớt, khó mà chống chọi lại được sự khắc nghiệt của thiên nhiên.

Gạo, Nuôi, Ngũ Cốc, Co, Nhà Máy
Ảnh: Pixabay

Công chúa dự định gieo một vài loại cây lương thực, hoa màu trên vài mảnh đất gần nơi con người, sau vài tháng sẽ ra hoa kết quả, con người sẽ có đồ ăn. Nhưng khi đến nơi con người ở, công chúa đứng một lát lại chứng kiến có người ngã xuống chết vì đói, có người chết vì thân thể bị bệnh, bị thương rồi nhiễm trùng. Đứng ở trên cao, nước mắt không ngừng tuôn rơi, công chúa nghĩ nếu chờ sau vài tháng nữa chắc con người khó mà qua được những khó nạn này. Nhưng giúp con người thế nào đây? Lúc xuống đây nàng chỉ đem theo các hạt giống cây trồng lương thực.

Suy đi ngẫm lại thì trên người bây giờ chỉ duy nhất có một pháp bảo được Ngọc Hoàng tặng khi nàng mới trưởng thành là có thể giúp được con người, đó chính là cái vòng ngọc đeo ở nơi tay. Vòng ngọc này không phải ngọc bình thường, mỗi viên ngọc đều chứa năng lượng vô cùng trân quý, người cầm nó có thể xua đuổi tà khí, bệnh tật thuyên giảm, linh khí trong viên ngọc làm cho thân thể khỏe mạnh phi thường.

Những giọt nước mắt từ bi như chảy ngược vào trong tâm, công chúa thiên đình quyết định lấy vòng ngọc ra, thi triển phép thuật biến sợi dây thành một thân cây khổng lồ, còn những viên ngọc biến thành những hạt màu vàng, to như cái thuyền con. Sau đó, nàng ở trên không nói vọng xuống với con người: Đây là cây lúa thần, các người hãy quét sạch sẽ cổng vào, dọn sạch kho lương thực, hạt sẽ tự về nhà.

Con người mừng rỡ, liền đi quét sạch sẽ đường đi, và dọn sạch nhà kho lương thực. Bên này công chúa liền làm phép cho hạt lúa từ từ hạ xuống rồi cứ thế một mạch lăn thẳng vào nhà kho của con người. Có hạt lúa thần kỳ, con người không chỉ qua cơn đói, mà mỗi khi ăn cơm thì có người khỏi bệnh, có người cảm thấy sức mạnh trong mình ngày một tăng lên, giờ họ có đủ sức khỏe để chặt cây, vác gỗ, làm nhà v.v.

Cứ như vậy, con người rất trân quý hạt lúa, có người biết được hạt gạo là do chính những viên ngọc của công chúa hóa thành nên con người ăn vào mới có thể trở nên khỏe mạnh, vì thế, con người khi ấy gọi các hạt gạo là “ngọc thực” để họ cảm tạ và nhớ ơn công chúa thiên đình, vị Thần nông nghiệp đã đem các hạt giống lương thực tới cho họ. Con người cũng đã biết tận dụng hết ưu điểm của hạt lúa, hạt gạo để nấu ăn, vỏ hạt lúa còn được tận dụng để làm thuyền.

Việt Nam, Lúa Gạo, Đồng Ruộng, Ha Giang
Ảnh: Pixabay

Cây lúa thần được duy trì cho đến thời vua Hùng, khi ấy dân cư đã trở nên đông đúc, con người đã biết trồng nhiều loại cây lương thực, cuộc sống đã trở nên sung túc. Tộc trưởng của nhóm người được cấp cho cây lúa thần khi xưa được xưng là quan lang. Mỗi năm đến ngày lúa sắp chín vàng, cửa chính và nhà kho của quan lang sẽ được dọn dẹp sạch sẽ để đón lúa về.

Vào một năm nọ, các loại lương thực được mùa, còn để đầy kho, vì vậy quan lang và mọi người còn mải mê ăn uống hoặc làm việc khác, nên năm đó không ai để ý đến ngày lúa chín vàng. Đến đúng ngày, vợ quan lang mới nhớ ra, vội lấy chổi ra quét dọn, khi ấy các hạt lúa đã lăn về đến cổng. Những hạt lúa vàng thật to, thật đẹp nhưng lăn đến cổng thì dừng lại vì cổng nhà rác quá, lúa không vào được.

Người vợ quan lang đang vội vàng quét ra đến cổng, thì thấy lúa đứng chật cổng vào liền lấy chổi đập vào hạt lúa mắng rằng: “Lúa gì mà chưa dọn dẹp xong đã mò về”. Thần nông nghiệp nhìn thấy con người không trân quý hạt lúa như lúc đầu nữa, liền nói vọng xuống: “Con người từ nay muốn có lúa ăn thì phải ra tận gốc mà gánh về”. Định cho con người một bài học giáo huấn từ nay về sau cần trân quý hạt lúa, nhưng con người không nhận ra, đến năm sau vì lương thực vẫn dư thừa nên hạt lúa đã chín vàng mà cũng không ai ra gánh về.

Thần nông nghiệp thấy con người vô minh, không biết rằng nhờ hạt lúa mà họ mới tồn tại đến bấy giờ, liền làm phép thu lại những hạt ngọc, cây lúa lập tức bé đi, chỉ để lại một viên ngọc trên cây, hạt lúa vì thế mà nhỏ đi rất nhiều. Sau đó Thần nông nghiệp để lại lời nhắc cho con người biết: Nếu như không biết trân quý hạt lúa thì hạt sẽ ngày càng nhỏ đi, và linh khí trong hạt lúa sẽ không còn nữa. Con người sẽ phải tự đi trồng, chăm sóc thật kỹ mới có hạt lúa để ăn.

Việt Nam, Lúa Gạo, Đồng Ruộng, Ha Giang
Ảnh: Pixabay

Con người đời sau cho rằng thông điệp ấy chỉ là truyền thuyết, nên đến ngày lúa vàng cũng không chú ý dọn kho, quét sân, quét cổng nhà. Đặc biệt khi có nhiều lương thực thì lại phung phí đồ ăn, nấu nhiều cơm ăn không hết thì đổ bỏ. Vì thế hạt lúa cứ nhỏ dần cho đến khi bé như hạt lúa ngày nay, và không chỉ mất đi linh khí, dinh dưỡng trong hạt gạo cũng ngày càng ít đi.

Sau này, khi phải chăm sóc cây lúa kỹ lưỡng, phải vất vả gặt hái gánh về, rồi vò và đem xay mới có gạo để ăn, con người mới ý thức được lời nhắc nhở của vị Thần nông nghiệp. Vì vậy, mỗi lần gặt lúa xong người nông dân thường làm lễ cúng Thần lúa. Tập tục ấy vẫn được người nông dân duy trì cho đến ngày nay. Người Mường ở khu vực miền núi tỉnh Phú Thọ thường lấy ngày 10 tháng 10 âm lịch hàng năm là ngày cúng cơm mới, tưởng nhớ đến vị Tiên Nông đã đem hạt lúa từ trời xuống.

Vân Hải

Truyền thuyết lưu truyền trong người Mường ở Phú Thọ



BÀI CHỌN LỌC

Truyền thuyết cây lúa thần Việt Nam [Radio]