Từ câu chuyện của cổ nhân mới thấy: "Học tài thi phận" phải chăng là có thật?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều người từng đặt câu hỏi rằng: có hay không chuyện "học tài thi phận"? Có người đồng tình, người phản đối, nhưng dù sao thì quan niệm này vẫn tồn tại hàng nghìn năm nay, thế nên cần xem xét dưới nhiều góc độ…

Người hiện đại quan niệm thế nào về "Học tài thi phận"?

Có nhiều người cho rằng cứ học tốt thì chắc chắn đỗ, tuy có một số trường hợp 'rủi ro', 'bất ngờ' học giỏi mà không đỗ là 'ngẫu nhiên', là 'xác suất'... mà thôi.

Thực tế có những người "học tài" nhưng đến kỳ thi quan trọng thì gặp những nguyên nhân như ốm đau bệnh tật đột xuất, có người nhỡ xe, tắc đường, lại có người 'ngủ quên' do đêm hôm trước 'ôn thi' quá khuya, đến gần sáng thì ngủ say đến mức chuông kêu cũng không nghe thấy. Cũng có người thì vào phòng thi lại bị tâm lý lo lắng, nên tư duy, suy nghĩ tự nhiên kém ngày thường, lại có người thấy bài dễ, làm một loáng đã xong, đến khi thi xong mới biết vì mình quá chủ quan nên đã làm sai mấy câu quan trọng…

Tuy nhiên cũng có những người tin vào "học tài thi phận" theo kiểu kỳ lạ, với sức học bình thường mà lại muốn đỗ đạt vào những trường đại học danh tiếng. Thế là họ tìm đến những 'thầy tâm linh' để mua "bùa may mắn", "bùa thi đỗ". Ví như ở một thành phố miền Nam kia, có bà thầy bói nọ bán bùa "thi gì cũng đỗ" với giá 360.000 đồng một chiếc. Thậm chí có những người thi mãi không đỗ thì bà nói cần mua bùa cao cấp với giá 3.5 triệu đồng mới 'chắc cú'. Điều kỳ lạ hơn nữa là rất nhiều trang mạng mua bán online, kể cả những trang lớn có uy tín về mua sắm như Lazada cũng rao bán "Omamori Nhật Bản cầu may mắn thi cử đỗ đạt" với giá chỉ có mấy chục nghìn đồng. Nếu như ta suy nghĩ lý trí một chút thì sẽ thấy đây chỉ là trò bịp kiếm tiền, làm gì có Thần Thánh nào mà chỉ cần bỏ ra vài trăm, vài triệu là họ sẽ giúp "thi gì cũng đỗ".

Omamori Nhật Bản cầu may mắn thi cử đỗ đạt" với giá chỉ có mấy chục nghìn đồng.
Omamori Nhật Bản cầu may mắn thi cử đỗ đạt" với giá chỉ có mấy chục nghìn đồng. (Ảnh: FB Heian Ori - Bình An May Mắn)

Học tài thi phận, vậy người có tài học sao lại không đỗ, người học lực tầm thường sao lại đỗ? Câu chuyện được ghi chép trong tác phẩm "Ngu mục tỉnh tâm biên" của Đỗ Cương đời nhà Thanh, có lẽ sẽ giúp chúng ta lý giải thêm về chủ đề "Học tài thi phận"...

Câu chuyện "Học tài thi phận" trong sách xưa

Thời nhà Minh phủ Thường Châu, Giang Nam có hai tú tài, một người là Khang Hữu Nhân, một người là Đinh Quốc Đống. Từ nhỏ 2 người đã là bạn đồng song, cùng dùi mài kinh sử. Khang Hữu Nhân là người trung hậu, khiêm nhường, nói chuyện không lanh lợi lắm, văn tài cũng chỉ bình thường. Đinh Quốc Đống nói năng lanh lợi, lại giỏi viết văn, bình thường không tránh khỏi có vài phần đắc ý tự phụ. Gia cảnh Đinh Quốc Đống hơi sa sút, nhưng vẫn có thể ăn no mặc ấm. Khang Hữu Nhân thì nghèo kiết xác, anh phải đến nhà người ta dạy học thêm, kiếm tiền nuôi miệng. Hai người đã dự thi mấy lần nhưng đều không đỗ. Khang Hữu Nhân chỉ nói mình văn không đạt, công phu chưa đến nơi đến chốn. Đinh Quốc Đống mỗi lần thi trượt thì mắng chủ khảo có mắt như mù, không biết người có tài học, cứ kêu oan uổng mãi.

Năm đó lại đến kỳ thi mùa thu, hai người đã trên dưới 20 tuổi rồi, họ lập chí phải thi đỗ, hẹn nhau đồng hành, thuê một chiếc thuyền nhỏ đi Kim Lăng. Thuyền đến Trấn Giang thì gặp gió ngược, không thể tiến lên được, đành dừng ở bên sông chờ đợi. Hai người bèn cùng nhau lên bờ tản bộ, thấy có ngôi chùa cổ, họ liền bước vào.

Khang Hữu Nhân bước tới gần bệ thờ Phật, thấy có một cái bọc vải màu xanh ở phía dưới bên tay trái, anh nhặt lên, cảm thấy khá nặng, bèn gọi Đinh Quốc Đống: “Lại đây xem, ở đây có đồ".

Đinh Quốc Đống cầm bọc vải nhấc thử xem nặng nhẹ, sau đó mở ra xem, đủ 10 gói bạc, tính ra có đến trăm lạng. Đinh Quốc Đống vỗ vai Khang Hữu Nhân nói: “Cung hỷ phát tài rồi. Kiến giả nhất phận (mỗi người một phần), mau trở về thuyền đi".

Khang Hữu Nhân nói: “Chỗ bạc này nhất định là do khách qua đường để quên, khẳng định là sẽ trở lại tìm, đợi ở đây trả lại họ mới đúng".

Đinh Quốc Đống nói: “Đúng là đồ mọt sách. Mình đã nhặt được thì là của mình. Xưa nay đều nói nhặt được, nhặt được, Hoàng đế cũng không đoạt lại được. Mặc kệ họ có trở lại tìm hay không".

Khang Hữu Nhân nói: “Không thể nói như thế được. Người mất của nếu dư dả thì còn tốt, nếu là người nghèo, hoặc gặp cấp nạn, dùng muôn phương ngàn kế mới có được, ngẫu nhiên đánh mất, không còn con đường nào nữa, thì sẽ có mối nguy hiểm tính mạng. Người xưa nói: 'Thấy của không tùy tiện lấy'. Chính là ở của cải bất ngờ này thì cần phải giữ vững phép tắc. Đợi chờ ở đây, gặp người mất của trả lại họ, đó mới là việc chúng ta nên làm".

Đợi chờ ở đây, gặp người mất của trả lại họ, đó mới là việc chúng ta nên làm". 
"...Đợi chờ ở đây, gặp người mất của trả lại họ, đó mới là việc chúng ta nên làm". (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)

Đinh Quốc Đống nói: “Anh nói đợi, đợi đến bao giờ? Nếu họ không đến, lẽ nào cứ đợi mãi ở đây, chẳng phải làm lỡ công danh đại sự sao?”

Khang Hữu Nhân nói: “Người mất bạc này chỉ vì trong lúc vội vã nhất thời đánh mất, sau này nghĩ ra ắt sẽ vội quay lại tìm. Hơn nữa thời gian thi còn cách xa, ở đây vài ngày cũng không ngại".

Đinh Quốc Đống nói: “Tôi không rỗi hơi đợi họ".

Khang Hữu Nhân nói: “Huynh không thoải mái thì huynh đến Nam Kinh trước, tôi một mình ở đây chờ là được rồi".

Đinh Quốc Đống thấy bạn khăng khăng chờ đợi bèn giả ý nói: “Đợi để trả họ cũng là hảo ý của anh. Nhưng trong ngôi chùa cô tịch hoang dã, một mình anh ôm trăm lạng bạc ở đây, nếu gặp tiểu nhân, chỉ sợ ngay cả tính mạng của anh cũng không giữ nổi. Nếu anh nhất định phải đợi, chi bằng để tôi cầm chỗ bạc này cho anh, anh ở đây đợi người đến tìm, anh và người ấy cùng đến Nam Kinh lấy, đó mới vẹn toàn, chẳng tốt hơn sao?”

chi bằng để tôi cầm chỗ bạc này cho anh, anh ở đây đợi người đến tìm, anh và người ấy cùng đến Nam Kinh lấy, đó mới vẹn toàn, chẳng tốt hơn sao?” 
"...chi bằng để tôi cầm chỗ bạc này cho anh, anh ở đây đợi người đến tìm, anh và người ấy cùng đến Nam Kinh lấy, đó mới vẹn toàn, chẳng tốt hơn sao?” (Ảnh chụp màn hình Tam Tự Kinh)

Khang Hữu Nhân là người trung hậu, nghe nói có lý, nào có nghi ngờ bạn có lòng dạ khác, bèn nói: “Thế thì tốt quá rồi".

Hai người cùng về thuyền, vừa lúc gió đã thuận, thuyền chuẩn bị đi, Khang Hữu Nhân liền đem số bạc đó giao cho Đinh Quốc Đống, cầm đồ dùng cá nhân quay trở lại chùa.

Vừa lúc gặp lão hòa thường coi chùa đi xa trở về, Khang Hữu Nhân liền nói với hòa thượng rằng: “Con có một người bạn hẹn gặp ở đây, lúc này chưa đến, nhất định sáng mai đến. Con muốn tá túc ở đây một đêm, tiền ăn tiền phòng sẽ giao theo lệ, không biết có được không?”

Hòa thượng đồng ý. Ngày hôm sau, Khang Hữu Nhân cứ đứng đợi ở cửa chùa, không thấy có người vào, anh không rời một bước. Mãi đến chiều, chỉ thấy một người mặt mũi mướt mát mồ hôi, chạy đến điện Phật, nhìn quanh nhớn nhác, miệng không ngừng nói: “Sao thế nhỉ? Sao thế nhỉ?”

Khang Hữu Nhân ở bên đứng xem, trong lòng nghĩ: “Người mất bạc nhất định là anh ta rồi".

Thế là Khang Hữu Nhân bước tới hỏi: “Anh bạn, tại sao lại sốt ruột như thế này?”

Người đó thấy Khang Hữu Nhân là người nho nhã, bèn nói: “Không giấu gì anh, tôi họ Triệu, là người Trấn Giang, có một việc gấp. Phụ thân gặp nạn, cần gấp tiền bạc, tôi đành đem cầm cố ngôi nhà cũ, hôm qua đem trăm lạng bạc cầm nhà đi cứu phụ thân, ngồi ở đây một lúc rồi quên đem theo bạc, nghĩ là để rơi ở đây, do đó vội vàng đến, nhưng tìm không thấy, làm thế nào đây?” - Nói rồi anh ta khóc trong đau khổ.

Khang Hữu Nhân nói: “Xin đừng khóc nữa. Tôi hỏi anh, bạc gói như thế nào?”

Tôi hỏi anh, bạc gói như thế nào?
Tôi hỏi anh, bạc gói như thế nào? (Ảnh chụp màn hình Tam Tự Kinh)

Người kia nói: “Là mộc chiếc bọc vải màu xanh cũ, dùng dây thừng nhỏ tết, bên trong có 10 gói, mỗi gói 10 lạng, đều được bọc bằng giấy vỏ dâu, để ở trong hộp, không biết làm sao rơi mất".

Khang Hữu Nhân nói: “Đã là như thế thì đừng lo, tôi nhặt được ở đây, trả lại cho anh là được rồi".

Người kia nói: “Quả là anh nhặt được, muốn trả lại tôi à?”

Khang Hữu Nhân nói: “Nếu tôi không muốn trả lại anh thì đã đi từ lâu rồi, sao phải đứng chờ ở đây làm gì?”

Người kia vội vàng quỳ xuống khấu đầu tạ ơn rằng: “Nếu như thế thì quả thực đã cứu tính mạng hai cha con tôi, ân này đức này lấy gì báo đáp đây?”

Hòa thượng nghe chuyện nói với Khang Hữu Nhân rằng: “Thí chủ là quân tử đọc sách chân chính, khoa này ắt sẽ đỗ cao".

“Thí chủ là quân tử đọc sách chân chính, khoa này ắt sẽ đỗ cao". 
“Thí chủ là quân tử đọc sách chân chính, khoa này ắt sẽ đỗ cao". (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)

Người kia càng cảm tạ không ngớt. Khang Hữu Nhân nói: “Vẫn còn một chuyện, tuy tôi nhặt được bạc, chỉ vì nơi này hoang dã, sợ có bất trắc nên đã nhờ một người bạn đem đến Nam Kinh, cần phải đến Nam Kinh trả lại anh".

Người kia nói: “Tôi vốn cũng phải đi Nam Kinh, có người đã đem đi trước rồi, vậy thì tốt quá rồi".

Khang Hữu Nhân nói: “Như vậy tôi và anh đồng hành, tiện quá rồi” - Thế là hai người cùng đi Nam Kinh.

Hai ngày sau, hai người đến cống viện (trường thi), hỏi thăm nơi Đinh Quốc Đống trú ngụ. Hai người bước vào. Đinh Quốc Đống vừa thấy Khang Hữu Nhân bèn nói: “Anh đến rồi à?”

Khang Hữu Nhân trả lời: “Vừa mới tới".

Đinh Quốc Đống lại hỏi: “Vị này là ai?”

Khang Hữu Nhân đáp: “Chính là nhặt được bạc của người này. Sau khi từ biệt huynh, tôi đợi đến chiều ngày hôm sau thì anh ấy mới đến, nói rõ rồi, do đó cùng anh ấy đến lấy bạc".

Đinh Quốc Đống nói: “Anh đã nhặt được thì trả lại cho anh ấy, việc chi dẫn đến đây?”

Khang Hữu Nhân nói: “Huynh đừng đùa, bạc của anh ấy là để cứu tính mạng đó, gấp lắm đó, mau mau đem trả lại anh ấy đi".

Đinh Quốc Đống nói: “Thật buồn cười quá, chỗ bạc đó tôi còn chưa trông thấy, sao lại đến đòi tôi? Anh nhờ tôi đem đi chẳng qua chỉ là một cái rương, nó ở đây, trả lại anh, các việc khác chớ hỏi tôi".

“Thật buồn cười quá, chỗ bạc đó tôi còn chưa trông thấy, sao lại đến đòi tôi?
“Thật buồn cười quá, chỗ bạc đó tôi còn chưa trông thấy, sao lại đến đòi tôi?..." (Ảnh chụp màn hình Tam Tự Kinh)

Nói rồi, Đinh Quốc Đống mặc y phục đẹp rồi dương dương bước đi. Khang Hữu Nhân tức giận nói: “Cầm bạc của người ta mà lại chối, làm sao có cái lý ấy?”

Người kia cùng Khang Hữu Nhân đến, cho rằng hễ đến nơi là có bạc hoàn trả, nay thấy quang cảnh này, kinh hãi ngây người ra, hai mắt trân trân nhìn Khang Hữu Nhân mà nói rằng: “Anh phải cứu tôi” rồi tuôn lệ.

Khang Hữu Nhân thấy anh ta lo lắng bèn nói: “Có, đừng sợ, Nếu anh ta không muốn trả thật thì tôi cũng phải đền trả anh".

Nói rồi Khanh Hữu Nhân mở rương ra, cầm mấy lạng bạc lộ phí ra đưa cho người kia và nói: “Anh hãy cầm trước, tôi cũng không trú ở đây, tôi và anh đến quán trọ đối diện ở tạm, dự tính cách trả số bạc đó về cho anh, xem Đinh Quốc Đống kia quỵt trăm lạng bạc sẽ phát tích thế nào".

Thế là hai người cùng trú trong quán trọ. Gặp một số bạn, Khang Hữu Nhân cho biết sự tình: “Đinh Quốc Đống trái lương tâm quỵt tiền bạc, bạc của người anh em này là để cứu mạng, tôi phải nghĩ cách trả lại cho anh ấy".

Có người thông cảm cũng cho 1, 2 lạng, có người nói Đinh Quốc Đống không có lương tâm, cũng có người nói: “Khang Hữu Nhân ngốc quá, ngày nay làm người tốt trên đời đều bị thiệt".

Khang Hữu Nhân lại đem hành lý của mình đi cầm đồ, gom được hơn 50 lạng bạc. Đinh Quốc Đống trái lại đi khắp nơi, trước mặt mọi người nói: “Các anh chớ để ý đến anh ta, chớ tin lời anh ta nói".

Khi đó có người Huy Châu là Uông Hiếu Nghĩa đến trú ở cùng quán trọ, nhưng không phải là dự thi, nghe chuyện Đinh Quốc Đống quỵt bạc không trả, khiến Khang Hữu Nhân phải cầm cố hết hành lý, cảm thán rằng: “Người hiền và người vô đức sao lại khác xa đến như thế này?”

Uông Hiếu Nghĩa bước đến nói với Khang Hữu Nhân rằng: “Huynh là một hàn Nho, vì chuyện của người khác mà không để ý gì đến công danh của mình, có thể nói là hiếm có. Nhưng hôm nay mùng 6 tháng 8 rồi, ngày nhập trường thi không xa nữa, số bạc đã đền được bao nhiêu rồi?”

Huynh là một hàn Nho, vì chuyện của người khác mà không để ý gì đến công danh của mình, có thể nói là hiếm có.
"Huynh là một hàn Nho, vì chuyện của người khác mà không để ý gì đến công danh của mình, có thể nói là hiếm có..." (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)

Khang Hữu Nhân nói: “Khoảng hơn 50 lạng. Nhưng lúc này tôi chỉ nghĩ đến trả bạc, nhập trường thi cũng vô ích, dự tính sẽ quay trở về bán nhà trả anh ấy".

Uông Hiếu Nghĩa nói: “Việc công danh đại sự của huynh vẫn nên lo liệu. Tôi giúp huynh 20 lạng bạc để xong việc này".

Họ Uông lại nói với người mất bạc rằng: “Chỗ còn lại còn ít, anh nên tự mình đi lo liệu, đừng liên lụy đến Khang tướng công nữa".

Người kia nói: “Tôi thấy Khang tướng công chạy vạy lo toan, trong tâm vốn tự thấy bất an, hôm nay nhờ tướng công đã vì Khang tướng công chu tế cho tiểu nhân, sao dám làm liên lụy thêm nữa? Khang tướng công, anh cầm ít tiền vào trường thi. Nếu cứ như hành vi của Đinh tướng công thì cái mạng này của tôi đã sớm mất rồi".

Uông Hiếu Nghĩa liền lấy ra 20 lạng bạc đưa cho anh ta, tính tổng cộng lại cũng đã có hơn 70 lạng rồi, người kia liền cảm tạ mãi rồi ra đi.

Khang Hữu Nhân lúc này vội vàng thu xếp đồ thi cử, ngày 8 cùng với mọi người nhập trường thi, đề bài vừa đến tay liền tiện tay viết, một loáng đã xong 7 bài văn. Nhị trường, tam trường đều như vậy, tự liệu là không đỗ. Đinh Quốc Đống có được trăm lạng bạc, vui mừng hớn hở, bèn lên phố mua lụa, mua đồ dạ. Sau khi nhập trường thi, vì tự cảm thấy tâm tình vui sướng nên họ Đinh viết văn càng hứng chí, cả ba trường thi đều viết rất đắc ý, tự cho là ắt sẽ đỗ cử nhân. Khi về đến nhà họ Đinh bèn viết ra để mọi người xem, ai ai cũng đều cho rằng ắt sẽ đỗ. Khang Hữu Nhân trở về nhà, mải lo nghĩ làm thế nào có được 30 lạng để trả người mất, nên đã sớm để việc thi đỗ cử nhân này bay theo mây gió tự khi nào rồi.

Nào ngờ sau khi yết bảng, trong huyện có 4 người trong tổng số 36 người đỗ đạt, người đỗ đứng thứ 36 trong toàn kỳ thi lại là Khang Hữu Nhân. Sau khi đỗ, thân bằng cố hữu đến chúc mừng, đưa giấy báo đến, giúp đỡ bạc, v.v.. tính ra cũng được hơn 30 lạng bạc. Khang Hữu Nhân bận rộn mấy ngày, rồi lên đường đến Nam Kinh tìm người mất bạc, lại hoàn trả 30 lạng. Người đó khấu đầu tạ ơn rồi đi. Đinh Quốc Đống không đỗ, lại nghe thấy Khang Hữu Nhân thi đỗ thì trong tâm càng không phục, nguyền rủa quan chủ khảo mù mắt, chẳng biết chọn người tài.

Sau khi đỗ, thân bằng cố hữu đến chúc mừng, đưa giấy báo đến, giúp đỡ bạc, v.v.. tính ra cũng được hơn 30 lạng bạc.
Sau khi đỗ, thân bằng cố hữu đến chúc mừng, đưa giấy báo đến, giúp đỡ bạc, v.v.. tính ra cũng được hơn 30 lạng bạc. (Ảnh chụp màn hình Tam Tự Kinh)

Sau đó Khang Hữu Nhân vào yết kiến tọa sư (quan chủ khảo), khấu tạ ý đề bạt. Tọa sư gặp liền nói với Khang Hữu Nhân rằng: “Không biết anh trong đời đã tích được những âm đức gì?”

Khang Hữu Nhân nói: “Môn sinh là một Nho sinh nghèo, có âm đức gì đâu?”

Tọa sư nói: “Vị trí đỗ của anh vốn là đã xác định cho Đinh Quốc Đống rồi. Chỉ vì trong trường thi tôi có giấc mộng, thấy một người áo đỏ nói với tôi rằng: 'Vị trí thứ 36 họ Đinh đã làm việc trái lương tâm, trên bảng Trời đã xóa tên anh ta, đổi cho người họ Khang rồi'. Kể ra cũng thật kỳ lạ, bài thi của túc hạ trước đó tôi đã xem rồi, không thấy có chỗ nào hay, do đó không chọn. Bài thi của thí sinh họ Đinh đã định là đỗ rồi, sau khi có giấc mộng này, tôi lại lấy bài của anh ta ra xem, càng xem càng thấy không hay, thế là bỏ đi. Tiện tay tôi lại nhặt một bài thi khác lên xem, thì đúng là bài thi của anh, càng xem càng thấy có thần thái, bèn bổ sung vào vị trí khuyết của họ Đinh. Đến khi điền bảng, tháo niêm phong ra xem, quả nhiên là danh tính của túc hạ. Còn bài thi bỏ đi kia, nhất định là của họ Đinh rồi, nên cũng mở niêm phong ra xem, quả nhiên là bài của Đinh Quốc Đống. Trong sự thay đổi này, thực sự có Thần linh. Nếu anh không có âm đức thì sao có thể được như thế này? Anh có thể nói cho tôi nghe xem".

Khang Hữu Nhân chỉ thoái thác không có. Lúc đó có người cùng huyện vào yết kiến tọa sư, cũng đang ngồi ở đó, người đó bèn nói: “Chuyện của Khang huynh, môn sinh cũng biết".

Thế rồi người đó đem chuyện Đinh Quốc Đống quỵt tiền như thế nào, Khang Hữu Nhân cầm cố đồ dùng rồi bồi thường cho khổ chủ ra sao, nhất nhất kể ra hết một lượt. Quan chủ khảo chắp tay nói: “Đáng kính, đáng kính. Đạo Trời quả nhiên không sai".

Người làm việc thiện, tuy phúc chưa đến, họa đã tránh xa. Người làm việc ác, tuy họa chưa đến, phúc đã rời xa”.
"Người làm việc thiện, tuy phúc chưa đến, họa đã tránh xa. Người làm việc ác, tuy họa chưa đến, phúc đã rời xa”. (Ảnh chụp màn hình Tam Tự Kinh)

Người xưa nói: "Hành vi bất chính, đọc sách vô ích"; "Tâm địa bất thiện, phong thủy vô ích", và “Người làm việc thiện, tuy phúc chưa đến, họa đã tránh xa. Người làm việc ác, tuy họa chưa đến, phúc đã rời xa”. Thế nên chuyện "học tài thi phận" cũng chính là chuyện "họa - phúc", cũng là có quan hệ "nhân - quả", nhân sinh tại thế nói chung, và người thi cử nói riêng cần nhìn lại cái tâm và tu chính hành vi của mình chứ không phải đi tìm thầy này thầy nọ, cúng bái chùa này miếu kia làm gì, chỉ tiền mất tật mang mà thôi. Cổ nhân có câu: "Có đức mặc sức mà hưởng", lời này ắt không phải là chuyện hão huyền.

Trung Hòa



BÀI CHỌN LỌC

Từ câu chuyện của cổ nhân mới thấy: "Học tài thi phận" phải chăng là có thật?