Tử Cống khẩu tài vô địch, đối xử thế nào với kẻ phỉ báng thầy Khổng Tử

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mà sau Khổng Tử, các thời đại sau, người có thể chân chính đắc Nho học nhập môn thì cũng không có mấy người. Tuy nhiên, người hiện đại phỉ báng Khổng Tử lại không ít, thậm chí trong thời kỳ “Cách mạng Văn hóa” đã có phong trào toàn dân chỉ trích Khổng Tử, thực tế đều là những người không đắc được Nho học làm ra sự việc đó mà thôi. 

Tử Cống có họ kép là Đoan Mộc, tương truyền rằng khi ông được sinh ra, mẹ ông đã mơ thấy Thần linh ban tặng bảo ngọc và đặt tên cho ông là “Tứ” (nghĩa là được Thần ban). Tử Cống có tướng mạo phi thường, tài năng, thông minh bẩm sinh, nhanh trí hơn người, là người ăn nói giỏi nhất trong các đệ tử của Khổng Tử, đồng thời cũng là người giàu có nhất, ông còn đặc biệt tôn kính Khổng Tử. Trong những môn sinh hiểu rõ Khổng Tử nhất, ngoài Nhan Hồi ra có lẽ là Tử Cống.

Thực ra, Tử Cống có một quá trình nhận thức về Khổng Tử. Sách "Luận Hành Giảng thụy" có ghi chép rằng: "Tử Cống phụng sự Khổng Tử một năm thì tự xưng mình vượt qua Khổng Tử; 2 năm thì tự xưng ngang với Khổng Tử; 3 năm tự biết mình không sánh được với Khổng Tử. Thời gian một hai năm đầu, ông không biết Khổng Tử là Thánh; sau 3 năm, ông mới nhận ra”.

Có thể thấy, ban đầu Tử Cống cho rằng mình cao minh hơn Khổng Tử, nhưng sau khi hiểu hơn về Khổng Tử, càng lĩnh hội sự bác đại tinh thâm của học thuyết Nho gia, ông càng hết mực sùng kính Khổng Tử.

Trong các học trò của Khổng Tử, Tử Cống là một chính trị gia tài đức song toàn, một nhà ngoại giao tung hoành thiên hạ, một doanh nhân rất giàu có, tài sản sánh với quốc gia, địa vị hiển hách. Khi gặp gỡ quân vương, ông chỉ hành lễ chủ khách, không hành lễ vua tôi. Tử Cống phụng mệnh Khổng Tử đi sứ, trong vòng 10 năm đã thay đổi vận mệnh 5 quốc gia, mà “Tử Cống cứu Lỗ” đã được lưu danh sử sách, có thể được gọi là huyền thoại.

Tự Cống được khắp giới quý tộc tôn trọng, có người yêu thích Tử Cống hoặc không biết Khổng Tử, ca ngợi sự hiền đức và học vấn của Tử Cống cao hơn Khổng Tử. Tử Cống không bao giờ nghĩ như vậy, cũng không vì nghe thấy những lời tán dương mà tự mãn. Mỗi khi nghe những lời nhận xét như vậy ông lại dùng lời lẽ khôn khéo, ăn nói khí phách để đáp lễ, bảo vệ thầy, tuyên dương Nho học. Chúng ta hãy cùng xem người học sinh tài năng và có tài hùng biện được Khổng Tử đánh giá là học sinh giỏi nhất về "ngôn từ" này đối đáp thế nào.

子贡(端木赐)半身像(图片:出自〔元〕《至圣先贤半身像》册,国立故宫博物院藏)
Tượng bán thân của Tử Cống (Ảnh: Bộ sưu tập "Tượng bán thân của các vị thánh hiền" vẽ thời Nguyên, lưu giữ tại Bảo tàng quốc lập Cố Cung)

"Ví như hai tay nắm Thái Sơn, không tổn thì cũng rõ"

Vua Tề Cảnh Công rất ngưỡng mộ Tử Cống, cho rằng Tử Cống là người có học vấn tốt nhất. Trong "Hàn Thi ngoại truyện" đã ghi lại một cuộc đối thoại giữa họ.

Vua Tề Cảnh Công nói với Tử Cống rằng: “Ai là thầy của tiên sinh?”.

Tử Cống đáp: “Trọng Ni nước Lỗ” (là tên tự của Khổng Tử).

Tề Cảnh Công hỏi: “Trọng Ni có tài đức ư?”.

Tử Cống nói: “Là Thánh nhân, quá tài đức!”.

Cảnh Công cười và nói: “Ông ấy Thánh như thế nào?”

Tử Cống nói: “Thần không biết”.

Cảnh Công tím mặt lộ vẻ giận dữ nói: “Mới đầu nói là Thánh nhân, giờ nói không biết, tại sao lại như vậy?”.

Tử Cống nói: "Thần cả đời đội trời, không biết trời cao thế nào. Cả đời đạp đất, không biết đất dày ra sao, nếu thần so với Trọng Ni, ví như khát cầu bầu nước, uống nước sông, đầy bụng rồi đi, đâu biết sông biển sâu?”.

Cảnh Công nói: “Lời khen của tiên sinh, chẳng phải hơi quá ư?”.

Tử Cống nói: "Thần nào dám quá lời khen? Thần nghĩ như vậy là còn chưa đủ. Thần khen ngợi Trọng Ni chỉ giống như đắp thêm hai cục đất lên núi Thái Sơn, rõ ràng sẽ không làm núi cao thêm. Cho dù thần không khen ngợi thầy thậm chí có người chỉ trích thầy, thì cũng chỉ là dùng tay bốc hai nắm đất trên núi Thái Sơn, rõ ràng cũng không thể làm giảm độ cao của núi được".

Do trong lòng Tử Cống vô cùng kính phục Khổng Tử, nên ông so sánh Khổng Tử với mặt trời và mặt trăng, trời đất, sông biển, núi Thái Sơn. Tề Cảnh Công vẫn không tin rằng Khổng Tử thông thái hơn Tử Cống, và liên tục hỏi: "Thật không? Thật không?"

"Không tìm được cửa vào"

Trong “Luận Ngữ” có ghi chép câu chuyện như sau:

Thúc Tôn Vũ Thúc nói với các vị đại phu trong triều nước Lỗ rằng: “Tử Cống có đạo đức tài năng hơn hẳn Khổng Tử”.

Tử Phục Cảnh Bá nói lại với Tử Cống. Tử Cống nói: “Lấy bức tường làm thí dụ vậy. Tường nhà tôi chỉ cao bằng vai, ai nhìn vào có thể thấy hết những cái tốt đẹp trong nhà. Còn bức tường của thầy tôi cao đến mấy thước, nếu không tìm được cửa vào thì không thể thấy được kiến trúc tráng lệ đa dạng bên trong. Chỉ có ít người tìm được cửa vào. Thúc Tôn Vũ Thúc nói như thế thật chẳng thích hợp”.

Đoạn đối thoại rất bình thường, trong nhu có cương, sử dụng cách ẩn dụ để thể hiện nghệ thuật ngôn ngữ của Tử Cống một cách sinh động và chân thực. Ông đặt kiến trúc của vườn tường nhà mình gọi là gia thất, là nơi sinh sống cá nhân, còn ví kiến trúc của tường thành của Khổng Tử gọi là tông miếu, bá quan. Tông miếu là nơi thờ cúng tổ tiên, Thánh linh, là nơi cử hành các nghi lễ tế tự, còn bá quan là quan phủ, là nơi của vua cai quản thiên hạ, làm sao mà nói giống nhau được. Ám chỉ Thúc Tôn Vũ Thúc là vì kiến thức và đức hạnh bề ngoài của bản thân vốn hoàn toàn không hiểu cảnh giới của Khổng Tử nên mới nói thế này. Điều này làm cho người ta nghĩ rằng ngày nay một số người thích nói “cần tiếp thu có phê phán các tác phẩm kinh điển của Nho giáo”. Thực ra, khi nghĩ lại, có rất ít người có thể hiểu thấu đáo chúng, làm sao họ có thể đủ tư cách để phê bình?

Con người tuy muốn cự tuyệt nhật nguyệt, thì nhật nguyệt có tổn hại gì đâu

Trong "Luận ngữ" cũng có một đoạn nói rằng Thúc Tôn Vũ Thúc đã nói xấu Khổng Tử.

Thúc Tôn Vũ Thúc phỉ báng Trọng Ni. Tử Cống đã nói: "Không thể làm gì được! Không thể phỉ báng Trọng Ni. Ông là người tài đức, đồi núi vẫn có thể vượt qua; còn Trọng Ni như là nhật nguyệt, không thể vượt qua. Dù người ta muốn cự tuyệt nhật nguyệt, thì nhật nguyệt có tổn hại gì đâu? Nhìn nhiều mà không xem trọng".

Lúc trước Thúc Tôn Vũ Thúc chỉ vì không hiểu nên phát biểu ý kiến lung tung. Lần này còn phỉ báng Khổng Tử, và Tử Cống phản bác vô cùng sắc bén. Ông nói: “Không được phỉ báng! Không chửi rủa được thầy của tôi đâu. Người tài đức giống như đồi núi, còn có thể vượt qua, tài đức của Trọng Ni như nhật nguyệt, không thể vượt qua. Dù có người muốn cự tuyệt nhật nguyệt, đối với nhật nguyệt có gì tổn hại chứ? Chỉ là cho thấy rõ họ không biết tự lượng sức mà thôi".

Ý tứ câu đáp trả này của Tử Cống là lời của Thánh nhân chỉ có thể nghe theo, không thể phỉ báng, bởi vì Thánh nhân khác với người thường một trời một vực, một ở trên Trời, một ở dưới đất, một người hiểu biết nông cạn liệu có thể hiểu được sự vĩ đại cao xa của nhật nguyệt không? Phỉ báng nhật nguyệt có tác dụng gì không? Những lời này không khác nào một gậy cảnh tỉnh đối với Thúc Tôn Vũ Thúc.

“Không sánh được với Phu tử, giống như không thể lên được Trời”

孔子与学生 (图片:〔明〕仇英《孔子圣绩图》局部)
Khổng Tử và các học trò của ông (ảnh: "Tranh Khổng Tử Thánh tích" của Cừu Anh thời nhà Minh)

Trần Tử Cầm, danh tiếng cao ngạo, là hậu duệ của vua Trần Hồ Công nước Trần. Ông ta cũng là một đệ tử của Khổng Tử, kém Khổng Tử 40 tuổi. Ông ta nói với Tử Cống: "Ông chỉ kính cẩn, khiêm nhường thôi, Trọng Ni làm sao có thể hiển đạt được so với ông?".

Tử Cống nói: “Lời nói của quân tử có thể biểu hiện sự cơ trí của anh ta, một câu nói cũng có thể cho thấy sự ngu dốt của anh ta. Vì thế lời nói ra không thể không thận trọng!

Thầy cao xa không thể chạm tới, chính là như trời xanh không thể bắc thang lên tới. Nếu Phu tử có cơ hội trị quốc, thì sẽ giống như mọi người nói: Dìu dắt bách tính thì bách tính ai nấy đều tự tạo lập được chỗ đứng trong xã hội. Dẫn dắt bách tính thì bách tính ai nấy đều đi theo. Vỗ yên bách tính thì người gần vui thích, người xa tìm đến. Sai khiến bách tính thì ai nấy đều dốc sức đồng tâm. Phu tử sống thì thiên hạ đều phồn thịnh, Phu tử ra đi thì khắp nơi đều buồn. Đạo đức, công lao, sự nghiệp như thế của Thánh nhân ai có thể so bì được?"

Tử Cầm hỏi câu này không phải ác ý, mà là tư chất của ông ta thấp, khó hiểu được những điều sâu xa vi tế, không thể hội được cảnh giới của thầy nên mới nói những lời hoang đường như vậy. Tử Cống nghe Tử Cầm khen ngợi, không có chút gì là vui mừng, mà là nghiêm túc chỉnh lại Tử Cầm, vì thế đoạn đối thoại này khá dễ hiểu.

“Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, đó là trí tuệ"

Tử Cống từng nói: "Văn chương của Phu tử, có thể lĩnh hội được và nghe được. Phu tử luận về bản tính và Đạo Trời thì không thể lĩnh hội được và nghe được”.

Tử Cống cho rằng, các kiến thức về thơ, sách, lễ nhạc Khổng Tử giảng là hữu hình, đọc và nghe là có thể học được nhưng về các lý niệm của nhân tính và Thiên Đạo là học vấn cao thâm, không phải nghe và đọc được là có thể học được. Đối với Đạo Thánh nhân cao thâm không đo được, Tử Cống thừa nhận rằng ông không thể lĩnh hội được cách mà vị thánh sáng suốt mà anh ta đã học được. Đây là thái độ đúng đắn: "Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị trí dã" (nghĩa là: Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, đó là trí tuệ).

Thật đáng tiếc khi có quá nhiều người không biết mà cứ cho là biết, thậm chí còn đơn giản, thô bạo đem những gì họ không thể hiểu nói là ngu ngốc. Đối với một số người, đây là chỗ kém về thái độ học hỏi, và thậm chí là chỗ kém về đạo đức.

Đối với một số người khác,có thể chỉ là bảo sao hay vậy, không có nhận thức và chỉ chạy theo xu hướng.

Những lời này của Tử Cống tới ngày nay vẫn rất thích hợp. Có bao nhiêu người dù là cùng thời với ông hay là hậu thế sau này, có thể so sánh với ông về học vấn, đức hạnh, khẩu tài, kinh tế, năng lực chính trị? Mà tại góc nhìn của bản thân Tử Cống, ông cũng chỉ là đệ tử nhập môn của Khổng Tử mà thôi, mới chỉ là đăng đường, còn chưa nhập thất.

Mà sau Khổng Tử, các thời đại sau, người có thể chân chính đắc Nho học nhập môn thì cũng không có mấy người. Tuy nhiên, người hiện đại phỉ báng Khổng Tử lại không ít, thậm chí trong thời kỳ “Cách mạng Văn hóa” đã có phong trào toàn dân chỉ trích Khổng Tử, thực tế đều là những người không đắc được Nho học làm ra sự việc đó mà thôi.

Tử Cống tuy phú quý hiển đạt nhưng không kiêu căng, khiêm tốn, hiếu học, tôn Sư trọng Đạo, lấy việc truyền bá tư tưởng Nho gia làm trách nhiệm của mình, dùng sức ảnh hưởng xã hội của mình để truyền bá danh tiếng của Khổng Tử ra thiên hạ, có những cống hiến không thể xóa nhòa đối với việc phổ truyền rộng rãi Nho học, khiến người đời ca tụng.

Minh An
Theo SOH



BÀI CHỌN LỌC

Tử Cống khẩu tài vô địch, đối xử thế nào với kẻ phỉ báng thầy Khổng Tử