Từ Công Minh - kẻ anh hùng công tư phân minh rạch ròi của Tam Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Với đồng sự thì cộng tác rất tốt nhưng không thân. Với bạn thân thì rất quý nhưng không cộng tác, thậm chí phải đặt tình bạn sang một bên để làm tròn bổn phận với quân chủ, với quốc gia. Đó là chỗ khác người của Từ Hoảng.

Tướng Ngụy lắm anh hùng hào kiệt. Nhưng mấy ai nhiều công lao được như Từ Hoảng (tự là Công Minh).

Là công thần 3 triều Tào Ngụy, Từ Hoảng có mặt hầu như trong tất cả những cuộc chinh phạt lớn của Tào Tháo từ Quan Độ, Từ Châu đến Xích Bích, Đồng Quan… Cần kẻ góp vui khi yến ẩm lúc tột đỉnh vinh quang, hay người bảo vệ trong những giờ phút sinh tử - 9 phần chết, 1 phần sống - Tháo đều có Từ Hoảng bên cạnh.

Từ Hoảng là một tướng được chiêu hàng. Tình huống được chiêu hàng của Hoảng có giống và có khác với Lã Bố.

Bố thì bảo vệ Đinh Nguyên trước Đổng Trác. Hoảng thì bảo vệ Dương Phụng, Hàn Tiêm trước Tháo. Đó là cái giống thứ nhất.

Lý Túc chiêu hàng Lã Bố, Mãn Sủng chiêu hàng Từ Hoảng, đều là lẻn đến lúc canh khuya. Đó là cái giống thứ hai.

Nhưng khác nhau ở chỗ, Lý Túc cần có ngựa Xích Thố và vàng ngọc mới khiến Bố động lòng. Mà Lã Bố đã động lòng tham thì đến bố nuôi Đinh Nguyên hắn cũng giết. Còn Mãn Sủng chỉ đi người không, mang theo những điều lợi hại mà tỏ bày cho Từ Hoảng. Dù chẳng được hậu đãi hay có quan hệ đặc biệt gì với Dương - Hàn, nhưng Từ Hoảng dứt khoát không giết họ để làm lễ ra mắt Tháo như Mãn Sủng đã gợi ý. Đấy là chỗ Từ Hoảng khác Lã Bố. Đối với kẻ sành sỏi như Tháo mà nói, cái nghĩa khí không “bán chủ cầu vinh” ấy chính là một điểm cộng chứ không phải điểm trừ.

Đối với kẻ sành sỏi như Tháo mà nói, cái nghĩa khí không “bán chủ cầu vinh” ấy chính là một điểm cộng chứ không phải điểm trừ của Từ Hoảng.
Đối với kẻ sành sỏi như Tháo mà nói, cái nghĩa khí không “bán chủ cầu vinh” ấy chính là một điểm cộng chứ không phải điểm trừ của Từ Hoảng. (Baike.baidu.com)

Đó là nói về nghĩa khí. Giờ ta hãy xem xét khía cạnh thú vị thứ hai của con người Từ Hoảng là công tư phân minh. Muốn thế, phải mượn mối quan hệ của Từ Hoảng với Hứa Chử và với Quan Vũ.

Người đầu tiên trong quân đội của Tháo đọ tài cùng Hoảng là Hứa Chử - một hổ tướng. Khi ấy Hoảng còn đang ở phía Dương Phụng, Hàn Tiêm. Hai tướng đánh nhau ngang sức ngang tài khiến Tháo càng muốn có Hoảng. Hứa Chử vì vậy mà gián tiếp có công trong việc Từ Hoảng về với Tháo.

Sau này Từ Hoảng cũng hay đánh cặp với Hứa Chử trong các trận đánh thành Hạ Phì – lần đầu đánh Lã Bố, lần sau đánh Quan Công; hoặc khi Tháo bình Hán Trung có lúc chỉ mang theo Từ Hoảng, Hứa Chử đi do thám trại địch. Ta tưởng họ phải thân nhau. Nhưng hình như không phải. Mỗi người vẫn muốn được Tào Tháo nhìn nhận là kẻ trội hơn. Không thế làm sao lại đánh nhau để tranh giành phần thưởng là một chiếc áo gấm Tứ Xuyên? Cùng thờ một chủ, về việc công họ phải gắng sức cùng nhau mà làm. Nhưng tình riêng lại là chuyện khác.

Nếu nói về tình riêng, thì phải đề cập mối quan hệ của Từ Hoảng với Quan Vũ. Khi Vũ tạm về với Tháo, mối quan hệ của Vũ với các tướng của Tháo khá tốt, thân nhất là với Trương Liêu và Từ Hoảng.

Khi Vũ tạm về với Tháo, mối quan hệ của Vũ với các tướng của Tháo khá tốt, thân nhất là với Trương Liêu và Từ Hoảng. 
Khi Vũ tạm về với Tháo, mối quan hệ của Vũ với các tướng của Tháo khá tốt, thân nhất là với Trương Liêu và Từ Hoảng. (Epoch Times)

Vì mấy lẽ.

Thứ nhất, anh hùng thì trọng anh hùng.

Thứ hai, Từ Hoảng đã từng gặp khó khăn với Nhan Lương, Văn Sú và Quan Vũ tình cờ giải nguy giúp.

Thứ ba, Hoảng không phải kẻ võ biền như Hứa Chử. Hoảng biết binh pháp và Vũ cũng thế. Họ có thể tìm đến nhau để đàm đạo về binh thư hay sách vở nói chung. Đó có thể là mấy lẽ khiến họ hợp nhau về tính tình.

Tháo cũng biết thế. Vậy mà lúc Quan Vân Trường chém Bàng Đức, dâng nước đánh đắm 7 đạo quân Ngụy khiến Tháo luống cuống muốn dời đô… mà Tử Hoảng lại xin ra cự nhau với Vân Trường, Tháo cũng cho đi. Tháo không sợ Từ Hoảng phản mình chạy theo ông bạn cũ với uy danh đang lừng lẫy khắp vùng Hoa Hạ hay sao?

Vì Tháo biết Từ Hoảng công tư luôn rõ ràng.

Khi hai người bạn cũ gặp lại nhau ở hai bên chiến tuyến, Từ Hoảng tiến ra kể lể khúc nôi. Nào là: “Nay gặp lại nhau đã bạc đầu râu trắng”. Nào là: “nhớ khi xưa nhờ ơn quân hầu dạy bảo cho nhiều” Nào là: “tiếng tăm quân hầu vang lừng, khiến tôi hâm mộ lắm”. Rồi lại: “được trông thấy nhau ở đây thật thỏa lòng”.

Ai không biết Từ Hoảng, tưởng ông ta hàng Quan Vũ cho rồi.

Nhưng ngay lập tức, Từ Hoảng ngoảnh lại về sau bảo với đám bộ tướng:

“Hễ ai lấy được đầu Vân Trường, thì thưởng cho nghìn vàng!”

Dù rất thân và ngưỡng mộ Quan Vũ, nhưng Từ Hoảng không vị việc tư mà quay lưng phản bội quốc gia, cô phụ trách nhiệm mà chủ giao phó.
Dù rất thân và ngưỡng mộ Quan Vũ, nhưng Từ Hoảng không vị việc tư mà quay lưng phản bội quốc gia, cô phụ trách nhiệm mà chủ giao phó. (Baike.baidu.com)

Rồi:

“Hôm nay là việc nhà nước, tôi không dám vị chút tình riêng mà bỏ việc công!”

Vậy đấy. Với đồng sự thì cộng tác rất tốt nhưng không thân. Với bạn thân thì rất quý nhưng không cộng tác, thậm chí phải đặt tình bạn sang một bên để làm tròn bổn phận với quân chủ, với quốc gia. Đó là chỗ khác người của Từ Hoảng.

Từ Hoảng còn hơn người ở tài cầm quân nữa. Nếu Trương Liêu khét tiếng ở bến Tiêu Diêu thì Từ Hoảng vang danh ở sông Miện Thủy. Chỉ có năm trăm quân với vài tướng mà Từ Hoảng có thể đả bại quân Thục đông đảo đóng ở 12 trại dài dằng dặc. Tưởng như quân Từ Hoảng ở khắp nơi vậy. Thậm chí Từ Hoảng cướp được cả trại Tứ Chủng - một pháo đài kiên cố dường như bất khả xâm phạm. Hoảng làm được cũng là nhờ giỏi dùng kỳ binh và chiến tranh tâm lý. Bên cạnh đó, là duy trì được kỷ luật thép trong quân đội. Đến Tháo còn phải khen nức khen nở: “Từ tướng quân quả thật có dáng như Chu Á Phu ngày xưa”.

Nhưng con người ấy cũng có lúc sai lầm. Ở trận Hán Thủy, Hoảng dùng lại mưu đóng trại bờ sông của Hàn Tín nhưng hơi máy móc, nên thua trận. Lại khiến Vương Bình buộc phải tạo phản, hàng Thục. Hoảng vẫn có lỗi trong việc ấy.

Từ Hoảng cũng chết như một anh hùng - bị trúng tên của Mạnh Đạt. Với một dũng tướng, cái chết trên sa trường là một vinh dự. Nhưng xem ra Ngụy chủ lúc đó là Tào Tuấn không xem trọng Từ Hoảng như các đời tiên vương của ông ta nữa. Sau cái chết của Từ Hoảng ngay hôm ấy thì: “Tư Mã Ý sai đưa ma về táng ở Lạc Dương” là những dòng cuối cùng về họ Từ.

Một kẻ anh hùng đi vào thiên thu thật là thầm lặng không kèn không trống. Thật đáng tiếc.

Thanh Phong



BÀI CHỌN LỌC

Từ Công Minh - kẻ anh hùng công tư phân minh rạch ròi của Tam Quốc