Giáo dục hạnh phúc (Bài 15): Tu tâm dưỡng đức - Tự hỏi lòng mình [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Về "Tự hỏi lòng mình" thì Tăng Tử đã nói rằng: "Một ngày ta 3 lần xem xét bản thân rằng: Mưu sự cho người ta mà mình có tận trung không? Kết giao với bạn bè mà mình có giữ chữ tín không? Những điều được truyền thụ mình có luyện tập, thực hành không?"... đó chính là tu tâm dưỡng đức.

(Xem thêm: Bài 1; Bài 2; Bài 3; Bài 4; Bài 5; Bài 6; Bài 7; Bài 8; Bài 9; Bài 10; Bài 11; Bài 12; Bài 13; Bài 14; Bài 15; Bài 16)

Mưu sự cho người ta mà mình có tận trung?

Tại sao chúng ta tu tâm dưỡng đức cần phải "trung thành"? Khi làm cho doanh nghiệp hoặc làm một việc vào đó cho bạn bè, chúng ta đã tận tâm tận lực chưa? Nếu bạn là Tổng giám đốc, bạn có mong muốn nhân viên tận tâm tận lực không? Nếu người bạn của bạn làm một việc gì đó cho bạn thì bạn có mong muốn người bạn tận tâm tận lực không?

Khi chúng ta nghĩ đến phải tận trung, cảm giác phải cống hiến, phải hy sinh, phải chịu khổ. Nhưng khi quay trở lại mà nghĩ, người ta làm việc cho mình mà qua quýt cho xong, bất trung bất nghĩa thì có được không? Do đó nên tận tâm tận lực làm việc mới là tốt. Khi bạn làm như vậy thì sẽ được bạn bè hoan nghênh, được lãnh đạo yêu mến.

Kết giao với bạn bè mà mình có giữ chữ Tín không?

Chữ Tín (信) gồm chữ Nhân (人) và chữ Ngôn (言), nghĩa là lời con người nói ra chính là chữ Tín, phải giữ chữ Tín. Con người chân chính thì nói phải thực hiện, lời nói ra khiến mọi người tin tưởng.

Những điều được truyền thụ mình có luyện tập, thực hành không?

Đạo lý mà người thầy truyền thụ, chúng ta đã làm được chưa? Còn có một câu nữa là: "Thấy người hiền năng thì suy nghĩ làm thế nào để trở nên hiền năng như họ, thấy người chưa hiền năng thì tự xem xét mình xem có lỗi giống họ không, từ đó sửa chữa" (nguyên văn: "Kiến hiền tư tề yên, kiến bất hiền như nội tự tỉnh dã").

Trong sách Phép tắc người con (Đệ Tử quy) có đoạn:

Thấy người tốt
Nên sửa mình
Dù còn xa
Cũng dần kịp
Thấy người xấu
Tự kiểm điểm
Có thì sửa
Không cảnh giác

"Thấy người hiền năng thì suy nghĩ làm thế nào để trở nên hiền năng như họ, thấy người chưa hiền năng thì tự xem xét mình xem có lỗi giống họ không, từ đó sửa chữa"
"Thấy người hiền năng thì suy nghĩ làm thế nào để trở nên hiền năng như họ, thấy người chưa hiền năng thì tự xem xét mình xem có lỗi giống họ không, từ đó sửa chữa" (Ảnh: Shutterstock)

Chúng ta ra nước ngoài, người ta nhận ra ngay, bởi vì trên mặt hiện lộ rõ vẻ "đề phòng" và "căng thẳng". Khi có người nói chúng ta có lỗi chỗ nào đó, thường chúng ta có thói quen lập tức giải thích và thoái thác nói rằng, việc này là do nguyên nhân này nguyên nhân kia.

Nếu ở những nước văn minh, khi có người nói họ sai ở chỗ nào thì người ấy sẽ nói: "Xin lỗi, tôi sai rồi, lần sau sẽ không mắc lỗi này nữa". Quả là đơn giản, chỉ cần nói: "Xin lỗi, tôi sai rồi". Thế mà chúng ta lại nói việc này là như thế này thế kia, là ai đó như thế nào dẫn đến như thế... nói một thôi một hồi để giải thích, ý tứ là: Lỗi không phải của tôi. Nó đã hình thành thói quen, tập tính rồi.

Ngoài ra giữa người với người đề phòng lẫn nhau thì trong nội tâm luôn phòng bị. Khi bạn phòng bị thì sẽ căng thẳng, thế thì người khác tự nhiên cũng đề phòng bạn, như thế này thật mệt mỏi.

Tự hỏi lòng mình

Tại sao 4 thầy trò Đường Tăng cùng gặp nạn lại mỗi người lại khác nhau?

Gặp việc gì cũng tự hỏi lòng mình, xem có phải là tâm mình có vấn đề không. Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại như thế mà vẫn thường xuyên phải đi cầu người trợ giúp. Một lần có yêu tinh đến, Đường Tăng bị bắt treo trong hang động. Tôn Ngộ Không đánh không nổi yêu tinh bèn đi tìm cứu viện, tìm đến Long Vương. Long Vương cũng không địch nổi, Ngộ Không bèn tìm đến Diêm Vương. Diêm Vương cũng không xử lý được, Ngộ Không bèn tìm đến Ngọc Hoàng Đại Đế, Bồ Tát Quán Âm.

Tại sao Ngộ Không thường phải đi tìm người trợ giúp?

Chúng ta có thể thấy Ngộ Không thường xuyên làm việc cứu người. Vậy Đường Tăng làm gì? Đường Tăng bị bắt trói treo trong hang động. Tại sao Đường Tăng luôn luôn bị bắt trói? Tự hỏi lòng mình xem, bạn nói xem trong tâm Đường Tăng có vấn đề gì? Tại sao không bắt trói Ngộ Không, để Đường Tăng đi tìm người trợ giúp?

Ở đây có đạo lý rằng, Ngộ Không tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh, cao bằng Trời. Ngộ Không rất cuồng vọng, thường không khách khí gì với người ta. Cầu xin người mà vẫn cuồng vọng, vẫn không khách khí với người ta thì có được không? Thế nên cầu người ta giúp đỡ thì phải bỏ cái tâm cao ngạo, cuồng vọng đó đi. Thế nên luôn luôn là Ngộ Không đi cầu người giúp đỡ, đó là để Ngộ Không trừ bỏ ngạo mạn và cuồng vọng. Nếu Ngộ Không không còn ngạo mạn, không còn cuồng vọng thì cũng không cần phải cầu xin người giúp đỡ nữa, việc này sẽ xử lý được, ma nạn này sẽ qua.

Ngộ Không đi cầu người giúp đỡ, đó là để Ngộ Không trừ bỏ ngạo mạn và cuồng vọng. Nếu Ngộ Không không còn ngạo mạn, không còn cuồng vọng thì cũng không cần phải cầu xin người giúp đỡ nữa
Ngộ Không đi cầu người giúp đỡ, đó là để Ngộ Không trừ bỏ ngạo mạn và cuồng vọng. Nếu Ngộ Không không còn ngạo mạn, không còn cuồng vọng thì cũng không cần phải cầu xin người giúp đỡ nữa. (Ảnh: Wikipedia)

Tại sao Đường Tăng bị trói?

Tại sao Đường Tăng luôn bị bắt trói? Đường Tăng còn cái tâm sợ hãi, trông thấy yêu quái liền sợ. Càng sợ thì yêu quái càng dọa nạt: "Tên này mềm, hấp lên ăn, tên kia già, ninh lên ăn". Sau này Đường Tăng dần dần hiểu ra, không sợ hãi nữa.

Tại sao Bát giới bị trói?

Có lần Bát Giới cũng bị bắt trói treo lên cây, tại sao vậy? Có bốn vị Bồ Tát biến thành bốn mẹ con, Trư Bát Giới còn muốn cưới cả mẹ lẫn con. Bát Giới quá tham lam, tâm sắc dục quá nặng, quên mất trọng trách đi lấy kinh, thế nên bị trói treo lên cây, không những chẳng dễ chịu mà còn bị mắng chửi, trong khi những người khác thì được ngủ một đêm ngon lành. Tại sao lần này Sa Tăng không bị bắt trói? Bởi vì Sa Tăng không có sắc tâm, không tham dục.

Gặp nạn là để tu tâm dưỡng đức

Bốn thầy trò Đường Tăng trải qua 81 nạn, đều là nhắm vào những thiếu sót của họ mà xảy ra. Mỗi lần ngã dập đầu là một lần thu hoạch. Ngã nhiều rồi, họ biết thiếu sót của mình ở đâu. Tôn Ngộ Không biết tại sao mình luôn phải đi cầu xin người giúp đỡ, vì luôn cảm thấy mình tài giỏi xuất chúng, nhưng có lúc ngay cả con bò cạp hay con chuột cũng không xử lý được. Đó là để nói rằng mình chẳng có gì là xuất sắc cả. Khi Tôn Ngộ Không hiểu rõ cái tâm tranh đấu, tâm ngạo mạn của mình rồi, tu bỏ được rồi thì Ngộ Không không còn là con khỉ nữa, mà đã là tu thành rồi.

Tại sao 4 thầy trò Đường Tăng cùng đến Tây Thiên lại có kết quả khác nhau?

Trong Phép tắc người con có đoạn:

Mực mài nghiêng
Tâm bất chính
Chữ không kính
Tâm sinh bệnh

Trọng tâm văn hóa truyền thống quy tất cả vấn đề về tâm, do tâm tạo thành. Điều thú vị là khi Tôn Ngộ Không cuối cùng thành Phật đã nói với Phật Như Lai rằng: "Con đã thành Phật rồi, Ngài vẫn chưa tháo vòng kim cô xuống cho con?".

Phật Tổ nói: "Ngươi sờ thử xem, xem nó còn không?"

Ngộ Không sờ đầu thì quả nhiên không còn nữa. Vòng kim cô này là để chế ước ma tính của Ngộ Không, không để Ngộ Không phóng túng, hành ác. Khi Ngộ Không không phóng túng nữa, không còn suy nghĩ xấu nữa thì cái vòng này cũng không còn tác dụng nữa, cho dù nó còn trên đầu thì cũng chỉ là một vật trang sức đẹp mà thôi.

Tại sao lại liên tiếp xuất hiện 81 nạn

Toàn bộ quá trình 81 nạn này, Đường Tăng cũng vậy, Trư Bát Giới cũng thế, Tôn Ngộ Không cũng vậy, đều không ngừng sửa chữa những tật xấu của mình, không ngừng thăng hoa. Quá trình này lặp đi lặp lại, đến cuối cùng, họ đã hiểu ra, họ cũng đã thăng hoa rồi. Do đó khi gặp vấn đề thì chúng ta tự hỏi lòng mình, đó là việc cực kỳ quan trọng.

Toàn bộ quá trình 81 nạn này, Đường Tăng cũng vậy, Trư Bát Giới cũng thế, Tôn Ngộ Không cũng vậy, đều không ngừng sửa chữa những tật xấu của mình, không ngừng thăng hoa.
Toàn bộ quá trình 81 nạn này, Đường Tăng cũng vậy, Trư Bát Giới cũng thế, Tôn Ngộ Không cũng vậy, đều không ngừng sửa chữa những tật xấu của mình, không ngừng thăng hoa. (Ảnh: Wikipedia/CC BY-SA 3.0)

Tôn Ngộ Không tự xưng Tề Thiên Đại Thánh, lấy cái tên rất cuồng vọng. Nhưng chúng ta đổi góc nhìn xem, thì đó lại là chí hướng cao xa. Cuối cùng Đường Tăng đã thành Phật, Tôn Ngộ Không cũng đã thành Phật - Đấu Chiến Thắng Phật. Trư Bát Giới không thành Phật, mà là Tịnh Đàn Sứ Giả. Cùng đi Tây Thiên, kết quả lại khác nhau, đó là căn cơ của họ khác nhau, nhưng mục tiêu của mỗi người khác nhau cũng là nhân tố rất quan trọng.

Nội hàm văn hóa truyền thống trong Tây Du Ký

Màu sắc theo Ngũ hành

Đường Tăng có tấm lòng bao dung rộng lớn, chí hướng rất cao. Các bạn nhỏ xem Tây Du Ký, rất nhiều bạn nói: "Đường Tăng nhút nhát bất tài lại làm sư phụ của Ngộ Không thần thông quảng đại, tại sao?". Bởi vì Đường Tăng đại biểu cho chí hướng. Nội hàm Tây Du Ký vô cùng phong phú. Năm nhân vật trong Tây Du Ký rất hài hòa: Bạch Long Mã màu trắng, là hành Kim trong Ngũ hành, Đường Tăng màu vàng, ông luôn mặc cà sa vàng, là hành Thổ, ứng với Ngũ tạng là Tỳ, đại biểu cho chí hướng.

Trình tự xuất hiện theo lý tương sinh

Nhân vật xuất hiện đầu tiên trong Tây Du Ký là Ngộ Không. Tôn Ngộ Không màu đỏ, hành Hỏa, ứng với Tâm, do đó gọi là "tâm viên ý mã" (tâm vượn ý ngựa), nghĩa là tâm không yên định, như khỉ như vượn vậy. Tôn Ngộ Không hành Hỏa, Hỏa sinh Thổ, do đó Ngộ Không rất tôn trọng sư phụ. Nhân vật thứ hai xuất hiện là Đường Tăng, sau đó là Thổ sinh Kim, xuất hiện Bạch Long Mã.

Kim sinh Thủy. Thủy màu đen, ai là Thủy? Là Bát Giới, màu đen, hành Thủy, ứng với ngũ tạng là Thận. Thận liên quan đến sinh dục, do đó tâm sắc dục của Bát Giới rất nặng. Thủy sinh Mộc, do đó Sa Tăng là nhân vật xuất hiện sau cùng. Sa Tăng màu xanh, thuộc hành Mộc, ứng với ngũ tạng là Can (gan).

Thế nên, văn hóa truyền thống rất nghiêm cẩn, chu đáo, tinh tế, người đi lấy kinh cũng xuất hiện lần lượt theo trật tự, có quy luật.

Lời kết

Nói tóm lại, chúng ta học văn hóa truyền thống, khiến mọi người mở rộng tầm mắt. Trong quá trình đó, tâm của chúng ta cũng không ngừng thăng hoa. Chúng ta học văn hóa truyền thống để làm người quân tử, làm bậc Thánh hiền tương lai, thế nên quyết không làm kẻ tiểu nhân. Trong Tam tự kinh có câu: "Tam tài giả, Thiên Địa Nhân" (Tam tài gồm có Trời Đất và Con Người), do đó chúng ta làm gì cũng cần phải xứng đáng với chữ Nhân trong câu đó, vĩ đại như Trời Đất. Nhục thân chúng ta không thể nào so với Trời Đất được, nhưng tâm hồn chúng ta, tinh thần chúng ta có thể vĩ đại vô cùng, vĩ đại như Trời Đất.

Thanh Hà (biên dịch)
Tác giả: Đồng Hân - zhengjian.org.



BÀI CHỌN LỌC

Giáo dục hạnh phúc (Bài 15): Tu tâm dưỡng đức - Tự hỏi lòng mình [Radio]