Tư tưởng của Khổng Tử đã bị hậu thế hiểu sai như thế nào? - Kỳ 2

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vật đổi sao dời, 2500 năm tựa như thoáng qua trong chớp mắt... do thời đại đổi thay, ngôn ngữ và hoàn cảnh giao tiếp cách biệt, cộng thêm người đời sau hiếu sự, giải thích bừa bãi khiến cho đến thời hiện đại, tư tưởng của Khổng Tử mà mọi người lý giải so với ý nghĩa nguyên gốc đã khác hẳn rồi...

Hiện nay rất nhiều người có quan điểm thiên lệch, họ cho rằng: Tư tưởng của Khổng Tử là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ, lạc hậu và suy bại đạo đức của con người hiện đại. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người tâm huyết nghiên cứu những văn bản gốc của Nho gia về Khổng Tử, để rồi từ đó có cách nhìn nhận khách quan hơn, có đạo lý và có sức thuyết phục về những tư tưởng thấm đượm giá trị nhân văn và hết sức tốt đẹp của ông.

"Trung dung" phải chăng là làm người ba phải 'hòa vi quý'?

Không biết từ khi nào "Trung dung" diễn biến thành "Đạo Trung dung", và cũng không biết từ khi nào "Đạo Trung dung" diễn biến thành từ đồng nghĩa với người ba phải 'hòa vi quý'.

Khổng Tử nói: "Trung dung là tu đức, nó cực kỳ cao. Con người đã thiếu nó lâu rồi" (nguyên văn: "Trung dung chi vi đức dã, kỳ chí hĩ hồ. Dân tiển cửu hĩ" - Luận ngữ - Ung dã)

Vậy Trung dung là gì? Trung nghĩa là chính, không nghiêng không lệch, là chính Đạo của thiên hạ. Dung là thường hằng, là trung hòa thủ thường, là Thiên lý bất biến. Trung dung chính là hành vi phải phù hợp với Thiên lý, theo chính Đạo.

Tư tưởng Trung dung trong Nho học có vị trí cực kỳ trọng yếu, nội dung chủ yếu của nó quyết không phải là trung lập, bình thường mà người hiện đại phổ biến lý giải. Từ bản chất mà nói, Trung dung là cảnh giới tối cao của tu dưỡng Nho gia.

Lại xin có đôi lời về sách "Trung dung" trong "Tứ thư". Tương truyền sách "Trung dung" là do cháu nội Khổng Tử là Tử Tư trước tác, là một trong những kinh điển Nho gia. Trung dung vốn không phải là một bộ sách độc lập, mà là một thiên trong "Tiểu Đới Lễ ký". Các nhà Nho đời Tống vô cùng sùng chuộng Trung dung. Chu Hi đã viết sách "Trung dung tập chú", đồng thời đưa vào trong Tứ thư.

Tư tưởng Trung dung trong Nho học có vị trí cực kỳ trọng yếu, nội dung chủ yếu của nó quyết không phải là trung lập, bình thường mà người hiện đại phổ biến lý giải.
Tư tưởng Trung dung trong Nho học có vị trí cực kỳ trọng yếu, nội dung chủ yếu của nó quyết không phải là trung lập, ba phải mà người hiện đại phổ biến lý giải. (Ảnh minh họa: Shutterstock).

Thế nào là quân tử? Người quân tử không phải là công cụ?

Khổng Tử nói: "Người quân tử không phải là công cụ" (Quân tử bất khí - Luận ngữ - Vi chính).

Trong những lời nói của Khổng Tử được ghi chép trong "Luận ngữ" thì từ "Quân tử" xuất hiện trên 100 lần, trong đó đại bộ phận đều là phẩm hạnh, đặc tính người quân tử trên một phương diện nào đó. Người viết cho rằng, miêu tả hoàn chỉnh nhất thế nào là người quân tử thì chính là câu "Người quân tử không phải là công cụ" (Quân tử bất khí).

Khí tức là khí cụ, dụng cụ, công cụ, bất kể là khí cụ gì thì chức năng của nó đều hữu hạn. Lâu nay câu này đa phần được giải thích rằng: người quân tử không thể chỉ có một tài một nghệ, mà phải đa tài đa nghệ. Cách giải thích này vô cùng phù hợp với nhân loại hiện đại đang chìm đắm trong thế giới vật chất. Thực ra nghĩ kỹ thì sẽ thấy, bất kể là đa tài đa nghệ như thế nào thì cũng là có giới hạn, đều là tầng thứ "công cụ", chỉ là lớn nhỏ, nhiều ít mà thôi. Vậy thế nào là "bất khí" (không phải là công cụ)?

Nói "bất khí" thì trước tiên cần nói về "Đạo". Trong "Luận ngữ" tuy không có ghi chép Khổng Tử nói "Đạo" là gì, nhưng có thể chứng minh "Đạo" có vị trí rất cao trong tâm Khổng Tử: "Sáng nghe Đạo, tối có thể chết cũng được rồi" (Triêu văn Đạo, tịch tử khả hĩ).

Khổng Tử lại nói, người quân tử cần "Lập chí học Đạo, bám vào đức, dựa vào nhân và vui chơi trong lục nghệ (lễ, nhạc, bắn cung, đánh xe, thư pháp, toán) (nguyên văn: "Chí ư Đạo, cứ ư đức, y ư nhân, du ư nghệ").

Người quân tử nên cầu Đạo như thế nào? Khổng Tử nói: "Người quân tử mưu cầu Đạo chứ không mưu cầu cái ăn. Người cày vẫn thường bị đói, người học vẫn thường có tước lộc. Người quân tử chỉ lo học Đạo chứ không lo nghèo khó" (Quân tử mưu Đạo bất mưu thực, Canh dã, nỗi tại kỳ trung hĩ; Học dã, lộc tại kỳ trung hĩ. Quân tử ưu Đạo bất ưu bần).

Có thể thấy, Khổng Tử cho rằng mục đích làm việc của người quân tử không phải là ở việc mà là ở Đạo. Môn sinh của Khổng Tử là Tử Hạ thì nói: "Người trong trăm ngành nghề làm việc để hoàn thành công việc. Người quân tử học để đi đến Đạo". Câu này đã nói rõ, hành sự của người quân tử và người trong các ngành các nghề là khác nhau, còn người quân tử hành sự là để cầu Đạo, những người thợ các ngành nghề chỉ là hoàn thành công việc của họ.

Người quân tử mưu cầu Đạo chứ không mưu cầu cái ăn. Người cày vẫn thường bị đói, người học vẫn thường có tước lộc. Người quân tử chỉ lo học Đạo chứ không lo nghèo khó
Người quân tử mưu cầu Đạo chứ không mưu cầu cái ăn. Người cày vẫn thường bị đói, người học vẫn thường có tước lộc. Người quân tử chỉ lo học Đạo chứ không lo nghèo khó. (Ảnh: Shutterstock).

Người quân tử cầu Đạo là vì mục đích gì? Vì "quân tử bất khí". Người quân tử cầu Đạo là để nâng cao tu dưỡng đạo đức. Nâng cao tu dưỡng đạo đức thì phải dùng tu dưỡng đạo đức của mình ảnh hướng đến người khác để quy chính nhân tâm, cũng chính là cái gọi là "chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ".

Thử hỏi người quân tử thông qua tu dưỡng đạo đức bản thân mà quy chính nhân tâm, khiến gia tộc hưng thịnh, quốc gia giàu mạnh, thiên hạ thái bình, lòng người hướng thiện, thế thì tài học hoặc các kỹ năng có thể đạt được mục đích này không? Đương nhiên là không được. Chỉ có sức mạnh của đạo đức mới có thể đạt được mục đích này, đó chính là "bất khí". Thế nên câu "Quân tử bất khí" của Nho gia gần giống cảnh giới "Phật quang phổ chiếu, lễ nghĩa viên minh" của Phật gia.

Nói đến đây khiến chúng ta nhớ đến đoạn trò chuyện giữa Khổng Tử và Tử Cống như sau:

Tử Cống hỏi: Học trò là người thế nào?

Khổng Tử: Trò là công cụ (khí).

Tử Cống: Công cụ (khí) là như thế nào ạ?

Khổng Tử: Là cái hồ liễn (đồ thờ cúng, đẹp và quý).

Xem ra Tử Cống khi đó tuy có tài năng nhưng dưới con mắt của Khổng Tử thì vẫn chưa đạt đến cảnh giới "bất khí".

Khổng Tử coi thường người chỉ thiện riêng mình. Trong "Luận ngữ - Tử Lộ", Tử Cống hỏi: "Như thế nào thì được gọi là sĩ (quan lại, trí thức)?

Khổng Tử nói: "Hành xử có liêm sỉ, thực thi công việc ở bốn phương mà không hổ thẹn với mệnh vua thì có thể gọi là sĩ rồi.

Tử Cống lại hỏi: "Con xin hỏi tiếp theo là gì?"

Khổng Tử nói: "Tông tộc ca ngợi là hiếu, làng xã ca ngợi là đễ".

Tử Cống hỏi tiếp: "Con xin hỏi tiếp theo là gì?"

Khổng Tử nói: "Lời nói giữ chữ tín, làm việc ắt có kết quả".

Đối với người bình thường mà nói, thì làm được đến đây đã là vô cùng tốt đẹp rồi, nhưng đối với Khổng Tử mà nói, nếu một người tu dưỡng chỉ làm đến "lời nói giữ chữ tín, làm việc ắt có kết quả" mà chưa có ảnh hưởng giáo hóa đối với thế nhân thì cũng chỉ coi là "tiểu nhân" thôi.

Quân tử bất khí, ở đây không chỉ là nói người quân tử nên làm người thế nào, mà còn nhắc nhở những người muốn trở thành quân tử khi hành xử không được quên mục đích chân chính. Khổng Tử nói, người quân tử "Lập chí học Đạo, bám vào đức, dựa vào nhân và vui chơi trong lục nghệ", đây chính là chuẩn mực hành vi người quân tử.

Người viết cho rằng, khi khoa cử hưng thịnh thì chính là lúc Nho giáo suy bại. Khi "đọc sách" mất đi ý nghĩa chân chính là cầu Đạo tu dưỡng mà trở thành "công cụ" cầu công danh lợi lộc thì không chỉ Nho học sa sút mà là do nhân tâm suy bại tạo thành. Giáo dục hiện đại càng sa sút hơn nữa, cái gọi là "nhân tài" hiện nay thì phải chăng cũng dưới con mắt của bậc Thánh nhân cũng chỉ là: "Trò là công cụ" mà thôi.

Lời kết

Khi hưng thịnh thì lên vòi vọi, khi suy vong thì cũng xuống vùn vụt. Sự vật từ thịnh chuyển sang suy là quy luật nội tại của bản thân vật chất. Văn hóa truyền thống Á Đông đã từng rực rỡ xưa kia thì giờ đã suy bại vì tư tưởng hiện đại thực dụng và có phần nông nổi... Nhưng suy cũng là khởi đầu của thịnh, là mở đầu của sự vật canh tân. Hiện nay trên khắp thế giới, dấu hiệu và sự phục hưng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đang dần trở thành một trào lưu mạnh mẽ, trở về truyền thống chính là con đường bước đến tương lai tươi sáng.

Trung Dung (biên dịch).
Tác giả: Thanh Nguyên - zhengjian.org.



BÀI CHỌN LỌC

Tư tưởng của Khổng Tử đã bị hậu thế hiểu sai như thế nào? - Kỳ 2