Tư tưởng Tập Cận Bình - phao cứu sinh hay con đường không lối thoát của ĐCSTQ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vậy nên, kế hoạch của Tập dù có đáng ngạc nhiên và nực cười đối với ngoại giới đến đâu thì ông ta cũng nhất quyết sẽ làm, vì ông ta không thể làm khác hơn trong một bầu không khí văn hóa đặc trưng “Giả - Ác - Đấu” của ĐCSTQ.

Bộ Giáo dục Trung Quốc gần đây đã ra lệnh cho 37 trường đại học hàng đầu của nước này phải dạy về tư tưởng chính trị của nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình trong học kỳ mùa thu này. Tất cả sinh viên được yêu cầu phải học.

Chương trình sẽ được mở rộng cho tất cả các trường đại học Trung Quốc trong vòng 5 năm tới.

Tư tưởng Tập Cận Bình

Có chừng 8 nội dung chính về tư tưởng Tập Cận Bình mà quý độc giả có thể xem qua ở đây. Có thể tóm tắt về nó như sau: “Xác định rõ và phát triển xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, đặt trọng tâm vào phát triển kinh tế để Trung Hoa trỗi dậy, với một quân đội mạnh đẳng cấp thế giới tuyệt đối phục tùng Đảng, với công nghệ cực kỳ hiện đại có thể giám sát chặt chẽ toàn dân khiến cho không thể nảy nòi một trào lưu đòi hỏi tự do dân chủ được. Cho đến thời điểm 100 năm thành lập ĐCSTQ, tức là năm 2021, Trung Quốc sẽ trở thành một xã hội tiểu khang, tức là có kinh tế khá giả, cuộc sống khá giả. Phấn đấu vào dịp kỷ niệm 100 năm lập quốc, tức là năm 2049 Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới - một bá chủ hoàn vũ”. Đó là giấc mộng Trung Hoa của ông Tập Cận Bình.

Về cơ bản, nó vẫn là chính sách: “cây gậy và củ cà rốt”. Củ cà rốt là đời sống vật chất giàu có để dẫn dắt ham muốn của nhân dân; là chủ nghĩa dân tộc cực đoan - giấc mơ được thỏa mãn lòng hãnh tiến Đại bá muốn cả thế giới phải quỳ rạp dưới chân mình để trả hờn cho 100 năm nhục nhã... mà bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ đã nhồi nhét vào đầu óc người dân Trung Quốc từ hàng chục năm nay. Còn cây gậy? Hãy nhìn vào cách đối xử với Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông, Hong Kong, Đài Loan, Pháp Luân Công, giới bất đồng chính kiến… và tất cả những thành phần xã hội khác biệt với tư tưởng của ĐCSTQ thì rõ.

Tư tưởng Tập Cận Bình
Phấn đấu vào dịp kỷ niệm 100 năm lập quốc, tức là năm 2049 Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới - một bá chủ hoàn vũ. (Ảnh: JOHANNES EISELE/AFP qua Getty Images)

Tình huống hiện tại của Trung Quốc

Hoàn cảnh của Trung Quốc hiện thời là khó khăn rợp trời, tai họa dậy đất, thù trong giặc ngoài tầng tầng lớp lớp. Thế nhưng, dường như ông Tập không chú trọng để khắc phục khó khăn đó từ gốc rễ, trái lại còn khuấy động những mâu thuẫn với nhiều nước trên thế giới và khu vực khiến nước Tàu bị cô lập và có thể nói, đang trên đà sụp đổ. Giữa lúc này, ông ta và phe cánh lại đi làm một việc khiến ngoại giới khó mà hiểu nổi: đẩy mạnh việc học tập tư tưởng Tập Cận Bình trong các trường đại học trước khi áp dụng trên toàn xã hội.

Trong lịch sử phong kiến Trung Hoa cũng chưa từng có ông vua nào cưỡng chế xã hội phải học tập tư tưởng của mình. Với 5000 năm văn hóa thần truyền rực rỡ, Trung Hoa là quê hương của những nhà tư tưởng kiệt xuất của nhân loại, như những thánh nhân Lão Tử, Trang Tử, Khổng Tử, Mạnh Tử… và các nhà tư tưởng khác trong thời đại Bách gia chư tử cũng như hậu thế. Vậy mà chưa từng có ai ép buộc người khác phải học tập tư tưởng của mình. Người Trung Hoa cổ quan niệm rằng: “hữu xạ tự nhiên hương”, bởi tư tưởng ưu việt tự nó có sức sống của mình trong lòng đại chúng. Không rõ tư tưởng Tập Cận Bình có gì ưu việt nhưng với quyền lực của nhà độc tài, ông ta có thể sử dụng sức mạnh tàn bạo của một thể chế sắt máu để cưỡng bức người dân phải học tập tư tưởng của ông ta như thời Mao.

Bài viết này vốn không có mục đích bình luận về thời sự chính trị mà muốn lý giải sự việc dưới một góc nhìn khác. Bao giờ cũng thế, khi tìm hiểu một sự kiện chính trị đến bản chất của nó thì không thể tách rời khỏi bối cảnh lịch sử và văn hóa. Vì vậy, chúng ta hãy ngược dòng thời gian, trở về cuối thập niên 50 của thế kỷ trước trên đất nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa để tìm nguyên nhân gốc rễ của vấn đề.

Đại nhảy vọt và Đại Cách mạng Văn hóa

Năm 1957, sau khi chính sách tập trung hóa nông nghiệp thất bại và nạn đói lan rộng, Mao Trạch Đông - chủ tịch Đảng, muốn giảm bớt căng thẳng trong nội bộ Đảng và toàn xã hội, đã khuyến khích tự do ngôn luận, tiếng là để mọi người có thể tự do phê bình Đảng nhưng thực ra đó là kế hoạch của ông ta để làm lộ diện và tiêu diệt những tư tưởng chống đối, chủ yếu là ở những nhà trí thức và một số thành viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Cuộc vận động này được gọi là “Chiến dịch chống cánh hữu” hay “Chiến dịch trăm hoa đua nở”. Chiến dịch này đã truy bắt hơn nửa triệu người và làm câm lặng những tiếng nói phản đối trong Đảng.

Năm 1958, Mao tiếp tục áp dụng kế hoạch “Đại nhảy vọt” nhằm biến đổi nhanh nền kinh tế Trung Quốc từ nông nghiệp lạc hậu tới công nghiệp hiện đại, nhưng chiến dịch thất bại đã dẫn tới mất mùa, khiến nạn đói lớn xảy ra làm chết khoảng 20 đến 46 triệu người trong thời gian 1958 và 1962. Cuộc vận động thất bại này khiến uy tín của Mao xuống thấp. Cảm thấy vị trí “hoàng đế đỏ” của mình bị đe dọa, Mao khởi xướng và lãnh đạo cuộc Đại Cách mạng Văn Hóa từ ngày 16 tháng 5 năm 1966, với mục tiêu chính thức là: "đấu tranh với giai cấp tư sản trong lĩnh vực tư tưởng và sử dụng những tư tưởng và lề thói mới của giai cấp vô sản để thay đổi diện mạo tinh thần của toàn bộ xã hội".

Đại nhảy vọt và Đại Cách mạng Văn hóa
Đập phá miếu Khổng Tử trong thời Cách mạng Văn hoá. (Ảnh miền công cộng)

Tuy nhiên, mục đích chính của cuộc cách mạng này là để Mao lấy lại quyền kiểm soát ĐCSTQ sau thất bại của cuộc Đại nhảy vọt, dẫn đến sự tổn thất quyền lực đáng kể của Mao Trạch Đông so với đối thủ chính trị là Lưu Thiếu Kỳ - chủ tịch nước, và cũng để loại bỏ những người bất đồng ý kiến như Đặng Tiểu Bình, Bành Đức Hoài...

Mao khiến các đồng chí của ông ta không thể hợp lực để chống lại mình, thay vào đó họ luôn trong tình trạng nơm nớp lo sợ bị thanh trừng và đồng thời tích cực tố cáo lẫn nhau để chứng tỏ sự trung thành với Mao. Đồng thời, Mao đẩy mạnh việc tuyên truyền thần thánh hóa bản thân đến mức cao nhất. Lâm Bưu - nhân vật số 2 trong Đảng với khả năng nịnh bợ siêu phàm đã giúp Mao chế tạo một cuốn sách có tên là “Mao chủ tịch ngữ lục” hay “Hồng bảo thư” hay “Mao tuyển”, một văn bản mang tính thiêng liêng, gần giống như một cuốn Kinh Thánh phục vụ cho sự sùng bái Mao Trạch Đông trong toàn xã hội.

Trong cuốn hồi ký của bác sĩ riêng của Mao có tên: “Mao Trạch Đông, Cuộc đời chính trị và tình dục”, vị bác sĩ Lý Chí Tuy này đã viết: “Cả Trung Quốc đều mang hình Mao, đi đâu cũng lận theo cuốn Mao tuyển nhỏ màu đỏ. Ngay cả một cái biên nhận nhỏ trong tiệm tạp hóa cũng in thêm một câu nói vàng ngọc của Mao Chủ tịch. Buổi sáng trước khi đi làm đều phải cúi lạy bức hình Mao, chiều về cũng cúi đầu bái lạy và sám hối những điều mình đã làm sai hôm đó”.

Thay vì qua các tổ chức Đảng, nhà nước hay công an, quân đội, Mao tiếp xúc trực tiếp với giới trẻ, được họ tung hô ngưỡng mộ như một vị Thần, Mao khuyến khích họ học tập “tư tưởng Mao Trạch Đông” trong Mao tuyển, thành lập những nhóm Hồng vệ binh trên khắp đất nước, cho phép họ đảo loạn xã hội, từ đó những cuộc khủng hoảng sinh mạng và đạo đức, văn hóa... ghê gớm đã diễn ra. Quân đội cũng được yêu cầu phải ủng hộ những việc làm loạn này. Mao đã nói với Lý Chí Tuy: “Nhiều nghìn người sẽ chết lần này, mọi thứ đều đang đảo lộn. Tôi thích bạo loạn mà”.

Đó là những bài học từ quá khứ, giờ chúng ta quay trở lại với kế hoạch hiện tại của Tập Cận Bình.

Phong cách Mao Trạch Đông trong lòng Tập Cận Bình

Ngày 12/9 Tập Cận Bình đã đến Công viên Hương Sơn ở ngoại ô phía tây Bắc Kinh, trước tiên đến Biệt thự Song Khánh để thăm nơi Mao Trạch Đông sống và làm việc năm xưa, sau đó đến Nhà tưởng niệm Cách mạng Hương Sơn để tham quan triển lãm. Năm xưa, vào ngày 25/3/1949, Trung ương ĐCSTQ và Mao Trạch Đông đã đến Hương Sơn - Bắc Kinh, tại đây Mao Trạch Đông và tướng quân Chu Đức đã ban lệnh tiến quân trên toàn quốc.

Theo truyền thông của ĐCSTQ, Tập Cận Bình trong hoạt động lần này thể hiện “tâm trạng xúc động đặc biệt”. Trong phát biểu ở Trường Đảng trung ương ngày 3/9, ông Tập còn nhắc lại “thuyết đấu tranh” và nhấn mạnh hơn chục lần.

Ông Dương Kiến Lợi, người sáng lập tổ chức nhân quyền “Sức mạnh Công dân” đã phân tích cho biết, bài phát biểu nhấn mạnh “thuyết đấu tranh” của Tập Cận Bình cho thấy triết lý đấu tranh của Mao Trạch Đông đã trở thành tư tưởng dẫn dắt Tập Cận Bình.

Ông Tập cũng sử dụng lại những chiêu thức từ thời Mao như sùng bái cá nhân. Ông chiếm lĩnh không gian truyền thông, có vẻ như tên của Tập Cận Bình được nhắc đến ở khắp nơi. Ngày 02/09 vừa rồi, trên trang web của Tân Hoa Xã, những thông tin chính trong ngày về Trung Quốc đều nêu bật hoạt động của ông Tập Cận Bình như là: ông Tập với lũ lụt sông Hoàng Hà, với việc giảng dậy triết học chính trị, với cải tổ kinh tế, với môi trường, với Tây Tạng; Tập Cận Bình và hợp tác với Indonesia, quan hệ với Maroc, trao cờ cho cảnh sát… Một ca khúc bợ đỡ Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viên của ông ta “Tập Đại Đại ái Bành Ma ma” - được chính quyền ĐCSTQ ra sức tuyên truyền.

Một nhà quan sát lâu năm nói: “Trước đây, tôi đã nghe nói là các chi bộ đảng hàng ngày phải đọc những câu tư tưởng Tập Cận Bình rồi kiểm điểm, rồi phải báo cáo cho chi bộ, chi ủy, cả các giảng viên cũng vậy…”

Song song với đó, ông ta cho tổ chức những chiến dịch thanh trừng mới theo kiểu Mao, xuất hiện từ tháng 7, nhắm vào ngành công an, tư pháp và guồng máy an ninh nhà nước.

Phong cách Mao Trạch Đông trong lòng Tập Cận Bình
Ông Tập cũng sử dụng lại những chiêu thức từ thời Mao như sùng bái cá nhân. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)

Tình thế của Tập Cận Bình trong nội bộ ĐCSTQ

Tập Cận Bình nắm giữ vị trí Tổng Bí thư Ủy ban Trung ương ĐCSTQ và Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 15/11/2012. Chỉ mấy tháng sau, vào ngày 14/3/2013, Tập tiếp tục được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Tư tưởng Tập Cận Bình được đưa vào Điều lệ Đảng tại phiên bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 24/10/2017, khiến ông trở thành nhà lãnh đạo thứ hai trong lúc còn sống, sau Mao Trạch Đông, được đưa tư tưởng kèm tên tuổi của mình vào Điều lệ Đảng. Chỉ 7 tháng sau, ngày 11/3/2018, Quốc hội của ĐCSTQ bãi bỏ các giới hạn về nhiệm kỳ cho vị trí lãnh đạo nước này, khiến Tập Cận Bình có thể duy trì chức vụ Chủ tịch nước cho đến hết đời.

Chúng ta thấy rõ Tập đang trong quá trình thâu tóm hết mọi quyền lực của đất nước vào tay mình, nhất thể hóa các chức danh cao nhất của bên Đảng, nhà nước, quân đội, an ninh tình báo… và duy trì sự tại vị lâu nhất có thể. Điều này cho thấy Tập rất bất an nên muốn tập trung cao độ quyền lực. Cũng không ngạc nhiên vì phe cánh đối thủ của Tập là phe Giang Trạch Dân cũng rất mạnh, nhất là sau những chiến dịch thanh trừng phe phái lấy danh nghĩa là diệt tham nhũng như “đả hổ diệt ruồi” thì Tập đã tích lũy vô số những kẻ thù hung mãnh.

Thành thử, dù đang ở thời khắc “nước sôi lửa bỏng” của ĐCSTQ mà Tập vẫn làm một việc khiến giới quan sát khó lý giải, thậm chí nhiều người cho rằng nó nực cười: tức là cưỡng ép giới trẻ, tiến tới là toàn xã hội phải học tập tư tưởng của mình. Thực ra ý nghĩa của hành động này khó có thể nhận ra nếu ta không nhìn lại những cuộc vận động của Mao thời Đại Cách mạng Văn hóa như đã nói ở trên. Giữa Tập và Mao hiện có một sự tương đồng không hề nhỏ. Tập có vị thế, mức độ tập trung quyền lực cũng như sự sùng bái cá nhân gần như Mao. Mao có những thất bại trong “Trăm hoa đua nở” rồi đến “Đại nhảy vọt” khiến vị thế lung lay thì tương tự, Tập cũng có những thất bại trong việc để bùng phát dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, vấn đề “Nhất đới nhất lộ”, vấn đề khủng hoảng nợ và kinh tế, vấn đề Hong Kong, vấn đề cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ… Mao có Đại Cách mạng Văn hóa thì Tập có “đả hổ diệt ruồi”, những chiến dịch thanh trừng như trên đã đề cập. Mao có “Mao chủ tịch ngữ lục” hay “Mao tuyển” thì Tập cũng có “tư tưởng Tập Cận Bình”, “Trung Hoa mộng”. Mao có Hồng vệ binh thì Tập cũng muốn chế tạo Hồng vệ binh thông qua việc tẩy não giới trẻ trong các trường đại học bằng “tư tưởng Tập Cận Bình”... và quan trọng nhất đó là Mao có những đối thủ chính trị sừng sỏ như Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình… thì Tập có kẻ thù còn ghê gớm hơn, đó là Giang Trạch Dân và phe cánh dữ dằn của ông ta. Vậy nên, kế hoạch của Tập dù có đáng ngạc nhiên và nực cười đối với ngoại giới đến đâu thì ông ta cũng nhất quyết sẽ làm, vì ông ta không thể làm khác hơn trong một bầu không khí văn hóa đặc trưng “Giả - Ác - Đấu” của ĐCSTQ.

Tình thế của Tập Cận Bình trong nội bộ ĐCSTQ
Tính toán của Tập dù có đáng ngạc nhiên và nực cười đối với ngoại giới đến đâu thì ông ta cũng nhất quyết sẽ làm. (Ảnh: DENIS BALIBOUSE/AFP qua Getty Images)

Văn hóa Giả - Ác - Đấu, điều lý giải cho con đường sụp đổ tất yếu của ĐCSTQ

ĐCSTQ sở hữu 3 "con chó dữ": Giả - Ác - Đấu. Ba "con ác khuyển" này nếu không phải do ĐCSTQ sinh ra thì cũng nhờ công bú mớm của ĐCSTQ mà khi sang đến đất Trung Hoa chúng lớn như thổi. Trong đó, công lao của Mao là to lớn nhất.

“Giả” có nghĩa là dối trá hết thảy, vì để đạt được mục đích của mình mà nói dối bất chấp tất cả. Trong quá trình nói dối đó, ĐCSTQ và các thành viên của nó tự mâu thuẫn với chính mình, phủ nhận chính mình, những quyết sách trọng đại của nước nhà cũng có thể thay đổi chóng mặt và phủ nhận lẫn nhau theo kiểu: “sáng đúng, chiều sai, ngày mai lại đúng”. Vậy mà ĐCSTQ vẫn luôn vỗ ngực ta đây: “Vĩ đại, vinh quang, chính xác”.

Đã “Giả” thì phải “Ác”, không “Ác” sao trấn áp được người khác để còn tiếp tục “Giả”.

Đã “Ác” tất nhiên sẽ “Đấu”. Tư tưởng “Ác” sinh ra hành vi “Đấu”.

Mao đã từng hùng hồn tuyên bố” “Đấu Trời, đấu Đất, đấu người, thật sướng vô cùng”. Và chữ “Đấu” trong nội bộ Đảng là cực kỳ khốc liệt kể từ những đợt chỉnh phong, kiểm thảo đầu tiên của ĐCSTQ khi nó còn hoạt động chui lủi ở Diên An. Hơn ai hết Mao Trạch Đông hiểu rất rõ điều này như một tổ sư võ thuật hiểu rõ khả năng phá hủy sát thương của những đòn ác hiểm sở trường của mình vậy. Mao biết rõ đến mấy rằng khi Mao thất bại trong những cuộc vận động, những “đồng chí” thường ngày xun xoe nịnh bợ, chứng tỏ lòng trung trước sau như một với ông ta đều là giả dối và chúng sẽ đấu ông ta tới chết như Mao đấu Lưu Thiếu Kỳ, hay Lâm Bưu âm thầm triệt hạ Mao… để chiếm ghế hay để trả tư thù nếu Mao không “tiên hạ thủ vi cường” bằng những cuộc vận động tiếp theo nhằm triệt hạ đối thủ. Do vậy, Mao mới đẩy mạnh sùng bái lãnh tụ, khơi dậy và tiếp sức cho văn hóa đấu tố trong nội bộ Đảng và toàn xã hội, nhồi nhét tư tưởng Mao Trạch Đông… chỉ có thế Mao mới có thể là kẻ tồn tại cuối cùng.

Chính văn hóa Giả - Ác - Đấu đó, như một con nghiện ngày càng nặng, sẽ không cho phép ĐCSTQ tự hối cải hay sửa đổi, hoặc hòa giải với nhau bằng thiện chí hay tinh thần quân tử của người Trung Hoa cổ, mà sẽ khiến nó đi thẳng một mạch tới nghĩa địa, xem ra cũng không còn xa nữa.

Tập Cận Bình trong tình huống này còn có lựa chọn nào khác ngoài việc tập trung quyền lực đến mức độc tài để đi con đường mà Mao đã đi? Không thể khác. Và cưỡng bức giới trẻ học tập tư tưởng Tập Cận Bình hóa ra cũng chỉ là một động tác mà ông ta hay bất kỳ ai khác ở vị trí đó buộc phải làm khi tiếp tục con đường của ĐCSTQ mà thôi. Cho nên, đây có lẽ không chỉ là vấn đề cá nhân Tập Cận Bình, đây còn là vấn đề Văn hóa Đảng.

Văn hóa Giả - Ác - Đấu, điều lý giải cho con đường sụp đổ tất yếu của ĐCSTQ 1
Chính văn hóa Giả - Ác - Đấu đó sẽ khiến nó đi thẳng một mạch tới nghĩa địa, xem ra cũng không còn xa nữa. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)

Tư tưởng Tập Cận Bình có thi hành được không?

Dẫu hoàn cảnh cá nhân của Tập có sự tương đồng với Mao, nhưng thời thế hiện nay đã khác. Hiện nay xu thế dân chủ hóa của thế giới là tất yếu, người Trung Quốc đã kinh qua hết thảy các cuộc vận động của ĐCSTQ cũng không còn dễ mắc lừa như trước. Nếu như trước kia Mao có thể đóng cửa cai trị Trung Quốc theo ý mình thì ngày nay với sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, sự phát triển của công nghệ khiến thông tin khó có thể bị cô lập… Tập không thể làm như trước nữa. Mặt khác, trên bình diện quốc tế, ĐCSTQ đã bị nhận mặt, bị bao vây cô lập, gặp vô số tai ương… đến mức sinh mạng của ĐCSTQ còn tồn tại được đến lúc nào, có lẽ Tập cũng chẳng thể nói trước được. Dẫu Tập và ĐCSTQ có muốn nhồi nhét, tẩy não thanh niên, ngăn chặn tự diễn biến, tự chuyển hóa cũng không đi đến đâu. Nhưng Tập Cận Bình không còn cách nào khác, dẫu biết trước mặt là vực thẳm vẫn không thể không đi vì dừng lại trên thế “cưỡi lưng cọp” có lẽ theo tính toán của ông ta và phe cánh là vô cùng nguy hiểm.

Cái gọi là tư tưởng Tập Cận Bình, như thường lệ với phong cách ngôn ngữ chính trị của ĐCSTQ, được diễn tả bằng một mớ văn tự chung chung không cụ thể, với văn phong mờ mờ ảo ảo không có sức sống để dễ bề giải thích cong queo, thực chất cũng chỉ là: “nghe ta thì được sống, chống ta thì phải chết” mà thôi. Đó là thực tế lịch sử mà ĐCSTQ không thể chối cãi.

Cố thủ văn hóa Đảng, phản lại văn hóa truyền thống, phản Đạo, đi ngược lại lòng người cũng là việc làm vô ích, thậm chí phản tác dụng, nhất là trong tình thế hiện nay. Chưa cần biết tư tưởng có gì hay, việc ép buộc người khác phải học tập tư tưởng, đạo đức của mình thì đã lộ rõ tà khí rồi. Trong Đạo Đức Kinh, đức Lão Tử đã viết:

“Kẻ kiễng chân không đứng được (vững), kẻ xoạc cẳng không đi được (lâu), kẻ tự xem là sáng thì không sáng, kẻ tự xem là phải thì không chói, kẻ tự xem là công thì không có công, kẻ tự kiêu căng thì không đứng đầu.

Theo Đạo mà nói thì: “Đồ ăn dư, việc làm thừa, ai cũng oán ghét.” Vì vậy người có Đạo không làm.”

Nguyên Vũ



BÀI CHỌN LỌC

Tư tưởng Tập Cận Bình - phao cứu sinh hay con đường không lối thoát của ĐCSTQ?