Từ Vũ Hán đến Trịnh Châu và Thượng Hải: câu chuyện về điềm gở và nỗi thờ ơ

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Ngày nay, Trung Quốc họa phát nơi nơi, nhưng dữ dội nhất cho đến giờ là ở 3 địa phương: Vũ Hán, Trịnh Châu, Thượng Hải. Vũ Hán cuối năm 2019 và Thượng Hải đầu năm 2022 mắc đại dịch COVID - 19 trên diện rộng; Còn Trịnh Châu giữa năm 2021 bị thảm họa lũ lụt. Có điểm gì chung trong những tai họa này? Chúng ta thử xâu chuỗi lại sự việc xem có phát hiện gì mới.

Thượng Hải!

Một danh tự khi âm vang trong tâm trí, sẽ ngay lập tức khiến người ta liên tưởng đến:

Một đại đô thành hoa lệ;
Một đời sống phồn vinh giàu có;
Một trung tâm tài chính và thương mại bậc nhất;
Một thương cảng rộng lớn và sôi động với cơ man hàng hóa;
Một nơi hợp lưu văn hóa Đông Tây;
Và cái tên “Bến Thượng Hải” cũng gợi lên những cơn sóng dạt dào trong ký ức những người yêu phim bộ Hong Kong thế kỷ trước…

“Biển vẫn dạt dào
làm sao quên tháng năm xưa
đẹp biết bao

Và nơi đó bao người
đời liệt oanh
bước chân trên vinh nhục thăng trầm…” (1)

Nhưng đó đã là quá khứ.

Thượng Hải giờ đây có 26 triệu người đang bị nhốt trong nhà, chết dần vì đói, vì không được thăm khám bệnh, vì khủng hoảng tinh thần… chứ chẳng phải chỉ vì COVID - 19. Không gian công cộng của thành phố chỉ có quân đội tràn vào tiếp quản. Hàng trăm nghìn âm thanh gào khóc, điên giận, la hét qua vô vàn cửa sổ căn hộ trên những cao ốc chọc trời giữa đêm đen, khiến người ta liên tưởng đến âm thanh vọng lên từ dưới địa ngục.

Con số lây nhiễm chóng mặt về COVID - 19 và sự theo đuổi chính sách "Zero COVID" của chính quyền Trung Nam Hải khiến cho Thượng Hải phồn hoa một thời rơi vào thảm cảnh. Một tai họa tày trời như thế chẳng lẽ bất thần ập xuống mà không có dấu hiệu báo trước. Thực ra, vẫn là bởi con người thờ ơ.

Điềm báo đại tang, thế nhân chẳng màng

Tháng 9/2020, một cư dân mạng Trung Quốc kể lại rằng khi đến giao dịch tại một ngân hàng ở Thượng Hải, anh phát hiện rằng cửa sổ quầy giao dịch của ngân hàng này đã được cải tạo trông như bia mộ. Anh cảm thấy rất hoang mang, sợ hãi. Ở mỗi ô của quầy giao dịch đều có khách đứng chờ tư vấn, trông như đang đợi làm thủ tục xuống mồ.

Cửa sổ quầy giao dịch của một ngân hàng ở Thượng Hải, Trung Quốc trông giống như bia mộ, đang gây tranh cãi. (Ảnh chụp màn hình video chương trình truyền hình)
Cửa sổ quầy giao dịch của một ngân hàng ở Thượng Hải, Trung Quốc trông giống như bia mộ, gây tranh cãi. (Ảnh chụp màn hình video chương trình truyền hình)

Từ hình ảnh trên video, có thể thấy các ô cửa sổ quầy giao dịch của ngân hàng này đều được ốp viền đá hoa cương, mỗi ô cửa sổ được nối với nhau bằng rào sắt đen, toàn bộ khung cảnh hệt như một nghĩa địa.

Sau khi thấy cảnh này, nhiều cư dân mạng Trung Quốc cũng bình luận: "Tôi thực sự sợ hãi"; "Nhìn thấy ngân hàng thay đổi như vậy, tâm lý sinh ra u buồn"; "Đây có phải là cố tình hù dọa khách hàng không?"; "Các ngân hàng nên tập trung vào việc phục vụ khách hàng, trưng những thứ lòe loẹt này ra làm gì, không hiểu nổi?"

Một số cư dân mạng còn chỉ ra: "phía trên mỗi cửa sổ quầy giao dịch có một màn hình LED và liên tục nhấp nháy các dòng chữ, giống như một phiên bản nâng cấp hiện đại của tên bia mộ, thực sự là không quên theo kịp thời đại”.

Một số cư dân mạng còn đề cập rằng vào năm 2019 sau khi thống nhất đổi mới các bảng hiệu cửa hàng ở Thượng Hải, đã xuất hiện tình huống "xuống đường như xuống mồ". Họ than thở rằng các nhà quản lý Thượng Hải đã lặp lại những sai lầm tương tự và biến thành phố trở thành "đô thị ma" thực sự.

Tất cả các bảng hiệu cửa hàng trên đường Thường Đức, quận Tĩnh An, Thượng Hải đã được thay thế bằng chữ trắng trên nền đen. Cư dân mạng phàn nàn chúng là "một con phố tang lễ". (Ảnh web)
Tất cả các bảng hiệu cửa hàng trên đường Thường Đức, quận Tĩnh An, Thượng Hải đã được thay thế bằng chữ trắng trên nền đen. Cư dân mạng phàn nàn chúng là "một con phố tang lễ". (Ảnh web)

Thực tế là vào tháng 3 năm 2019, tất cả các cửa hàng trên đường Thường Đức, quận Tĩnh An, Thượng Hải đã bị chính quyền địa phương cưỡng chế cải tạo. Các biển hiệu đều theo phong cách thống nhất với nền đen và ký tự trắng. Vào thời điểm đó, nó cũng gây ra một làn sóng phản đối lớn trong dư luận. Cư dân mạng Trung Quốc phàn nàn đây là "phong cách nghĩa trang" hoặc "mang đầy không khí của tiết Thanh Minh".

Sự việc cứ thế qua đi, từ ngân hàng cho đến chính quyền không coi đó là việc nghiêm túc. Cũng chẳng hiểu ai là tác giả của những “cải cách” này, và họ bị ma xui quỷ khiến thế nào mà làm vậy. Nhưng rõ ràng đó là một dạng điềm báo ít người lưu ý.

Ngày hôm nay, Thượng Hải cũng giống như một nghĩa địa của người dân, và phần nào của hệ thống tài chính mà ngân hàng kia đại diện.

Đâu phải chỉ Thượng Hải nhận được điềm báo về tai họa, và tai họa vẫn xảy ra ở nhiều nơi trên đất nước Trung Quốc, nhưng khủng khiếp nhất là ở Thượng Hải, Vũ Hán và Trịnh Châu.

Điềm báo ma quỷ trước đại dịch viêm phổi Vũ Hán

Ai cũng biết đại dịch COVID - 19 này xuất phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, nên còn gọi là đại dịch viêm phổi Vũ Hán. Trước khi đại dịch phát tác vào cuối tháng 12/2019, ở Vũ Hán đã xảy ra một hoạt động bất thường, đầy yêu khí.

Ngày 24 tháng 8 năm 2019, một rạp hát ở Vũ Hán đã dàn dựng một vở kịch kỳ lạ có tựa đề "Thần chết đến từ chuyến du lịch Hoàng Tuyền". Nhân vật chính trong vở kịch chính là quỷ "Hắc Bạch Vô Thường", kịch bản là "một ngày du lịch xuống Âm Phủ". Mỗi khi trời tối, trong một công viên giải trí lớn ở Vũ Hán, có hơn trăm người đóng vai u minh quỷ quái, đội hình có thể nói là lớn nhất cả nước.

Thảm họa lũ lụt Trịnh Châu, thiên tượng cảnh báo phải đâu một lần

Vào ngày 12 tháng 6 năm 2020, tại quảng trường Erqi Wanda, thành phố Trịnh Châu, Hà Nam, một chủ quầy hàng đã đóng vai "Mạnh Bà" để nấu "canh Mạnh Bà" miễn phí cho người xem, và nói: "Hy vọng rằng mọi người có thể quên đi những phiền muộn trong đợt dịch". Sự việc đã khiến hàng nghìn người dân xếp hàng để nếm thử và chụp ảnh.

Ngày 24 tháng 2 năm 2021, tức ngày 13 tháng Giêng âm lịch, trước tiết Kinh trập 9 ngày, ở thành phố Trịnh Châu tỉnh Hà Nam vùng Trung Nguyên đột nhiên có thiên tượng “sấm nổi tuyết rơi”. Trong tiếng sấm sét ầm ầm, những bông tuyết lớn bằng chiếc lông ngỗng rơi xuống. Những người già đều nói, họ chưa từng thấy thiên tượng quái dị như thế này. Người ta nhớ đến câu ngạn ngữ của vùng Trung Nguyên: “Tháng Giêng sấm dậy, xương cốt chất đầy” hoặc “Tháng Giêng sấm dậy, mồ mả chất đầy”.

Chỉ vài tháng tiếp sau đó tức là ngày 20/7/2021, một trận lụt thảm khốc đã xảy ra tại Trịnh Châu, Hà Nam, con số thương vong là không thể tưởng tượng nổi.

Những sự kiện này khiến ta phải đặt câu hỏi: “Từ bao giờ người ta xem hình ảnh ma quỷ, tang tóc là điều thú vị đáng gần gũi, nhưng lại thờ ơ với thông điệp đằng sau nó?”

Tuy vậy, không giống như với các đô thị khác ở Trung Quốc, tai họa ở Thượng Hải ảnh hưởng đến toàn cục, tác động tổng thể là lớn hơn nhiều.

Thành Phố, Thành Phố Lớn, Tòa Nhà Chọc Trời
Không giống như với các đô thị khác ở Trung Quốc, tai họa ở Thượng Hải ảnh hưởng đến toàn cục, tác động tổng thể là lớn hơn nhiều. (Ảnh: Pixabay)

Thượng Hải tai họa, Trung Quốc đại họa, toàn cầu vạ lây

Theo ước tính của ông Zheng Michael Song - Giáo sư kinh tế tại Đại học Hong Kong, thì kinh tế Trung Quốc thiệt hại gần 30 tỷ USD trong 2 tuần bởi đợt phong tỏa ở Thượng Hải. Gần 7% thiệt hại đến từ tác động lan tỏa đến các thành phố khác.

Thượng Hải là trung tâm sản xuất công nghệ cao, trung tâm vận chuyển hàng hóa nên khi Thượng Hải bị phong tỏa, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng, tác động đến giá cả và sự tuyển lựa hàng hóa toàn cầu. Đó là chưa kể đến ảnh hưởng tương tự từ việc phong thành Thâm Quyến - một siêu đô thị, trung tâm cung ứng hàng hóa và cũng là một trung tâm công nghệ khác, khiến cho vấn đề càng thêm trầm trọng.

Thượng Hải cũng là trung tâm tài chính có hạng trên toàn cầu, tề danh với New York và London - những trung tâm tài chính số 1 thế giới. Các cơ quan tài chính lớn của Trung Quốc đều nằm ở Thượng Hải, khi Thượng Hải bị phong tỏa, hoạt động tài chính tê liệt, ảnh hưởng rất lớn đến các giao dịch trong và ngoài nước. Đó là chưa kể đến Hong Kong, một đại trung tâm tài chính quốc tế khác của Trung Quốc cũng đang trong tình cảnh tương tự.

Thượng Hải cũng có thể là một điểm yếu được các đối thủ chính trị của ông Tập Cận Bình khai thác. Vì ngày nay con số tăng trưởng kinh tế gần như là chỗ dựa duy nhất cho tính chính danh của chế độ, nên nếu chính sách “Zero COVID” - chủ trương của chính quyền ông Tập, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Trung Quốc, thế lực của ông Tập có thể bị đả kích lớn trong cuộc đấu tranh phe phái cho đến Đại hội 20 của ĐCSTQ vào tháng 11/2022.

Ngày nay, Trung Quốc họa phát nơi nơi, nhưng dữ dội nhất cho đến giờ là ở 3 địa phương: Vũ Hán, Trịnh Châu, Thượng Hải. Vũ Hán cuối năm 2019 và Thượng Hải đầu năm 2022 mắc đại dịch COVID - 19 trên diện rộng; Còn Trịnh Châu giữa năm 2021 bị thảm họa lũ lụt. Có điểm gì chung trong những tai họa này? Chúng ta thử xâu chuỗi lại sự việc xem có phát hiện gì mới.

Vũ Hán bôi nhọ, Trịnh Châu hành hình, Thượng Hải làm hang ổ

Điểm chung thứ nhất chính là trước khi tai họa xảy đến, ở ba địa phương này đều có những điềm gở, hiện tượng ma quái quỷ dị, không phải từ thiên nhiên, mà là yếu tố nhân tạo. Cũng như mầm họa COVID - 19 hay lũ lụt Trịnh Châu đều là thông qua bàn tay con người mà tạo ra.

Điểm chung thứ hai, những địa phương này đều là nơi trọng điểm trong cuộc bức hại chính tín lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Hãy bắt đầu với Vũ Hán.

Tháng 6 năm 1999, dưới lệnh trực tiếp của Triệu Chí Chân - giám đốc Đài truyền hình Vũ Hán, nhân viên đài này đã đến thành phố Trường Xuân để bộ dựng phim “Câu chuyện của Lý Hồng Chí”, còn gọi là “Phim họ Triệu đài Vũ Hán”. Phim này được Giang Trạch Dân dùng như một bằng chứng để áp đảo Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khiến họ đồng tình với chính sách khủng bố Pháp Luân Công của y. Bộ phim với thời lượng lên đến 6 tiếng, dùng thủ đoạn phao tin đồn thật giả lẫn lộn đã mê hoặc người xem, có tính quyết định trong việc ĐCSTQ ra nghị quyết cuối cùng về việc trấn áp Pháp Luân Công.

Sau đó phim này được trình chiếu toàn quốc rất nhiều lần trên hệ thống truyền hình Trung Quốc bắt đầu vào ngày 22 tháng 7 năm 1999, (ba ngày sau khi chính sách khủng bố bắt đầu) và kéo dài một khoảng thời gian vì là tài liệu duy nhất được dùng trên truyền hình khi ấy để mạ lỵ Pháp Luân Công. Nó cũng là công cụ chính để tẩy não người dân Trung Quốc. Sau khi xem phim này, có rất nhiều người công an trở nên dữ dằn hơn, thù ghét Pháp Luân Công hơn và sau đó gia tăng tra tấn, hành hạ các học viên pháp môn này. Đặc biệt, Vũ Hán chính là một nơi đàn áp học viên Pháp Luân Công khét tiếng trên toàn quốc...

Còn Trịnh Châu chính là một loại “trung tâm ghép thận” ở Trung Quốc, với nguồn nội tạng từ các tù nhân, người Duy Ngô Nhĩ, và nhiều nhất là mổ cướp từ các học viên Pháp Luân Công vì họ có sức khỏe tốt hơn cả.

Có tới hơn 383.000 kết quả tìm kiếm trên google về “ghép thận ở Trịnh Châu” (bằng tiếng Trung). Theo trang tin SOH: “năm 2006 SOH phỏng vấn các bệnh viện nhân dân số 3, 5, 7 của Trịnh Châu cho thấy kinh nghiệm ghép thận rất phong phú, nguồn cung cấp rất nhiều, thời gian chờ đợi ghép ngắn, nguồn cung đều là người trẻ khỏe, chi phí từ 30,000 đến 70,000 tệ. Ba bệnh viện này mỗi năm làm cấy ghép thận 80% toàn tỉnh Hà Nam...”. Trận lũ nhân tạo ở Trịnh Châu vào ngày 20/7/2021 chính là ngày mà 22 năm trước Giang Trạch Dân và ĐCSTQ phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công trên toàn quốc.

Thượng Hải thì sao?

Thượng Hải chính là sào huyệt của “Băng đảng Thượng Hải” hay còn gọi là “Giang phái”, nơi có hai “con hổ” lớn nhất là Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng. Trong hầu hết những việc làm tàn ác của ĐCSTQ hai, ba mươi năm gần đây, từ phản quốc hại dân đến tham nhũng đục khoét, từ thảm sát Thiên An Môn đến bức hại Pháp Luân Công… đều có vai trò chủ chốt của Giang và phò tá của Tăng. “Giang phái” là đối thủ lớn nhất của phe ông Tập Cận Bình.

Tội ác bức hại chính tín tạo nên vô vàn nghiệp lực cho những cá nhân tổ chức liên đới, từ quốc gia tạo nghiệp đến địa phương tạo nghiệp; từ ĐCSTQ, chính quyền Trung Quốc và các cơ quan thực thi tạo nghiệp, đến cá nhân các lãnh đạo và nhân viên công lực tạo nghiệp; đến cả những người dân thờ ơ với tội ác thậm chí vào hùa với cuộc bức hại cũng tạo nghiệp. Phật gia có giảng cộng nghiệp và nghiệp báo, dân gian cũng có câu “ác giả ác báo”, ắt sẽ đến ngày món nợ cần phải thanh toán theo luật Trời. Địa phương càng nặng nghiệp, tai họa càng lớn.

Tai họa nào mà trước đó chẳng có lời cảnh cáo, nhưng sự coi khinh luật Trời lại khiến cho người ta thờ ơ với những điềm báo chết chóc, mà đáng lý ra phải giật mình sám hối… vì thế lịch sử vẫn luôn lặp lại.

Thôi Bối Đồ và Kinh Thánh
Tai họa nào mà trước đó chẳng có lời cảnh cáo, nhưng sự coi khinh luật Trời lại khiến cho người ta thờ ơ với những điềm báo chết chóc. (Ảnh: Tổng hợp)

Tề Mân Vương mất nước vì bạo ngược không hối cải

Tề Mân Vương là vị vua thứ 6 của nước Điền Tề thời Chiến Quốc. Ông vua này sau khi diệt nước Tống đã bội ước với đồng minh Sở, Ngụy, sinh kiêu căng ngạo mạn, chèn ép các chư hầu, toan tính lật đổ nhà Chu. Công tử Mạnh Thường Quân khuyên can, Tề Mân Vương không nghe còn đoạt quyền, gây sức ép khiến Mạnh Thường Quân phải chạy khỏi nước Tề.

Tề Mân Vương sau đó càng kiêu căng tàn bạo, tham vọng thay nhà Chu làm thiên tử để hiệu lệnh thiên hạ. Bấy giờ ở nước Tề sinh ra nhiều điềm quái dị, trời mưa ra máu trong khoảng vài trăm dặm, ướt cả áo người đi đường, tanh hôi lạ thường; đất nứt nẻ vài trượng, nước suối chảy ra; lại có người đến cửa quan khóc lóc, nhưng chỉ nghe tiếng, không thấy hình. Nhân dân lấy thế làm lo sợ, các quan đại phu là Hồ Cắng, Trần Cử trước sau can ngăn và xin gọi Mạnh Thường Quân về, Tề Mân Vương đều căm giận giết chết cả, sai phơi thây ở ngoài đường đi, để bịt miệng những người chực can gián. Vì vậy, nhiều đại thần lìa bỏ.

Thượng tướng Nhạc Nghị nước Yên dẫn đầu liên minh các nước chống Tề đánh bại quân của Tề Mân Vương, chiếm đến 70 thành trì nước Tề, chỉ còn lại 2 thành. Tề Mân Vương bỏ chạy, nhưng chạy đi đâu cũng bị ghét bỏ vì thói cuồng ngạo, cuối cùng bị tướng Náo Xỉ nước Sở bắt, kể tội, rồi rút gân chân cho chết.

Vua Trung Tông triều Thương sửa đức mà giải được điềm gở

Căn cứ theo ghi chép của triều Thương, thời vua Trung Tông Thái Mậu đã xuất hiện một hiện tượng dị thường, một cây dâu (tằm) và một loài cây dại cùng nhau mọc giữa điện triều, trong vỏn vẹn một đêm mà lớn đến độ mấy người ôm không xuể. Trung Tông thấy điềm chẳng lành, trong lòng vô cùng lo sợ, liền hỏi ý kiến của Đại thần Y Trắc.

Y Trắc tâu rằng: “Dâu và cây dại hai loại này vốn dĩ mọc nơi hoang dã, theo lý mà xét không nên mọc trong triều. Nay lại thấy chúng ở đây, hơn nữa chỉ sau một đêm đã to lớn nhường này, ắt là yêu quái dị dạng. Tuy nhiên yêu không thể thắng đức. Hiện tại trong triều xuất hiện yêu vật, chẳng hay việc chính sự của quân vương có chỗ nào khiếm khuyết? Người tu dưỡng đạo đức thì có thể thắng được".

Trung Tông nghe xong, liền xem xét lại các việc chính sự của tổ tông, tu dưỡng thân tâm xem trọng lễ tiết, việc chính sự hết sức siêng năng. Quân vương đức cảm lòng Trời, nên yêu vật không thắng nổi. Ba ngày sau, hai cây dại đó đột nhiên chết khô; ba năm sau những người ngoại quốc phương xa vì ái mộ đức nhân nghĩa của quân vương mà đến tìm hiểu kết giao. Triều Thương một lần nữa đang trên bờ suy tàn được phục hưng trở lại.

Dị tượng, cơ hội thức tỉnh và cái giá của sự thờ ơ

Ông Trịnh Huy Hoa (Zheng Huihua), Bí thư đảng bộ Bệnh viện Nhân Tế Thượng Hải, người phụ trách chỉ huy và điều phối công tác tại 2 bệnh viện dã chiến cỡ lớn ở Thượng Hải, cho biết: “Đợt dịch lần này ở Thượng Hải phức tạp hơn và nghiêm trọng hơn so với đợt dịch cách đây 2 năm ở Vũ Hán… “ (2)

Từ Vũ Hán, đến Trịnh Châu, rồi Thượng Hải, cấp độ nghiêm trọng của thảm họa cứ tăng dần. Sự diễn biến của đại dịch lần này vừa phức tạp vừa nghiêm trọng hơn so với 2 năm trước ở Vũ Hán, mặc dù trong 2 năm vừa qua, con người đã có thêm nhiều kinh nghiệm đối phó với dịch bệnh. Thượng Hải không chỉ tổn thất về người, mà còn về kinh tế, quốc lực và mối quan hệ làm ăn quốc tế - dường như đối với ĐCSTQ, điều ấy còn đáng sợ hơn cái chết của người dân.

Vào thời Tây Hán, đại thần, đại học giả Đổng Trọng Thư đã nói về đạo lý "Thiên nhân hợp nhất" và “Thiên nhân cảm ứng”, trong đó có một ý nghĩa là thiên tượng và những biến động nơi con người là trực tiếp đối ứng với nhau; Trời và người là có sự tương thông, tương hỗ cảm ứng; Trời có thể ảnh hưởng đến sự việc nơi nhân gian, báo trước tai họa hay cát tường, ngược lại, hành vi của con người cũng có thể cảm ứng Thiên thượng. Hán Vũ Đế từng thỉnh giáo Đổng Trọng Thư, hỏi rằng: "Thiên mệnh là không thể vãn hồi sao?"

Đổng Trọng Thư trả lời: "Quốc gia phát sinh chuyện xấu vi phạm Thiên đạo, Trời trước hết giáng xuống tai hoạ để khiển trách, khuyên bảo. Nếu như không biết tỉnh ngộ, thì lại bày ra một số chuyện quái dị để cảnh cáo. Vẫn không biết cải biến, sau đó tai hoạ mới ập đến".

Thiên tượng là cơ hội Trời ban để thế nhân cảnh tỉnh, nhưng con người đã lãng phí hết cơ hội này đến cơ hội khác, khi họa ập tới, lại oằn oại oán Trời trách đất. Điềm gở ở Vũ Hán, Trịnh Châu, Thượng Hải… do con người trong vô minh mà tạo ra rồi tự mình lại xem như trò đùa. Nếu những đau thương cực độ của nhân dân Vũ Hán, Trịnh Châu, Thượng Hải và trên khắp mảnh đất Hoa lục đến nay vẫn không khiến người người sám hối, nơi nơi tỉnh ngộ, thế thì họa ắt chẳng dừng, mà cũng chẳng riêng gì Hoa lục. Trời đất mãi trường tồn, nhưng xưa nay chưa từng có “muôn năm triều đại”. Bến Thượng Hải sóng vẫn dâng trào, sông Hoàng Phố vẫn trôi xuôi mải miết, Hồng triều Hoa lục như đám bọt rác đang lùi dần vào trang sử đen tối của loài người, cuốn theo cả những sinh mệnh không kịp thời thức tỉnh.

Biển sóng đời đời
làm nên giông tố
xua đi vạn đắm say

Ai mất ai còn
dòng thời gian
vẫn trôi âm thầm người ơi… (3)

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Vũ

Chú thích:

(1), (3): Ca khúc “Bến Thượng Hải” nhạc của Cố Gia Huy, lời tiếng Quảng Đông của Hoàng Triêm, nhạc sĩ Nhật Ngân đặt lời Việt.

(2): Theo Lý Mộc Tử, Vision Times



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Từ Vũ Hán đến Trịnh Châu và Thượng Hải: câu chuyện về điềm gở và nỗi thờ ơ