Tưởng Giới Thạch rút về Đài Loan không chỉ mang theo vàng bạc mà quan trọng nhất là những thứ này 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đoạt được chính quyền, Tưởng Giới Thạch mang theo 60 vạn quân dân rời khỏi lục địa Thần Châu đến Đài Loan. Ông đã dành hơn 20 năm cuối đời mình để xây dựng Đài Loan trở thành căn cứ địa phục hưng dân tộc Trung Hoa.

Tưởng Giới Thạch mang theo 5 báu vật đến Đài Loan

Như Tưởng Giới Thạch đã nói trong bài phát biểu của mình tại Phiên họp toàn thể lần thứ tư của Ủy ban Trung ương khóa X năm 1973:

"Khi lòng người cả thế gian nhất thời chìm đắm mà mê lạc, dũng khí đạo đức trong nội bộ phe chống cộng có xu hướng chìm xuống, chúng ta chịu đựng hết thảy oan khuất nhục nhã, chống cự mọi sự xung kích, chính là muốn làm căn cứ phục hưng dân tộc Trung Hoa, trở thành đầu nguồn lòng tin chống cộng trong thế giới tự do, trở thành ngọn đuốc truyền cảm hứng cho hy vọng tự do của nhân loại".

Tướng Tưởng Vĩ Quốc đã nói trong hồi ký "Cha của tôi - Tưởng Trung Chính" rằng Tưởng Giới Thạch đã mang đến cho Đài Loan 5 tài nguyên quý giá:

(1) Hiến pháp của Trung Hoa Dân Quốc.
(2) 80 tấn vàng và 120 tấn bạc.
(3) 6.800 vị trong giới tinh hoa văn hóa, giáo dục, công nghệ cùng các chuyên gia chính trị và kinh tế.
(4) 60 vạn quân nhân, nhân sĩ công nghiệp quốc phòng cùng tình nguyện viên công thương.
(5) 60 vạn di vật văn hóa và bảo vật quốc gia.

Những năm gần đây, có rất nhiều chương trình dư luận hai bên eo biển Đài Loan nói về chủ đề “Tưởng Trung Chính mang theo cái gì từ đại lục”. Trong đó, nhiều người chỉ tập trung vào “vàng bạc”, các tài sản, bảo vật quốc gia và các di vật văn hóa, nhưng rất ít người đề cập đến việc ông đã theo theo các nhân sĩ tinh anh văn hóa và lịch sử để sau đó phục hưng nền văn hóa truyền thống Trung Hoa.

Vào thời điểm đó, Đài Loan đã trải qua nửa thế kỷ bị Nhật Bản thống trị, Nhật Bản đẩy mạnh công cuộc "Hoàng dân hóa" ở Đài Loan, bãi bỏ nền giáo dục Hán ngữ, bãi bỏ báo chí Hán văn, yêu cầu đổi họ theo người Nhật, kết quả là người Đài Loan từng bước dần dần xa rời văn hóa Trung Hoa.

Sau khi Tưởng Giới Thạch đến Đài Loan, ông đã lấy văn hóa truyền thống Trung Hoa làm trọng tâm, chú trọng giáo dục tinh thần dân tộc và giáo dục đạo đức. Ông đã đề cập trong "Hai bổ sung về Giáo dục chủ nghĩa dân sinh và Âm nhạc" rằng:

"Giáo dục Trung Quốc cổ đại của chúng ta là lấy lục nghệ 'lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số' làm nội dung. Tác dụng của giáo dục lục nghệ là đào tạo ra một công dân toàn diện có tinh thần và thể chất cân bằng, sử dụng cả tay và não, trí đức kiêm tu, văn võ kiêm toàn". "Điều quan trọng hơn nữa là phải hiểu rõ luân lý tập tính, và 6 chính Đức của người Trung Quốc 'phụ từ, tử hiếu, huynh hữu, đệ ái, phu nghĩa, phụ thuận'".

Tưởng Giới Thạch đã yêu cầu tất cả các cấp trường học ở Đài Loan sửa đổi toàn diện giáo trình, bổ sung các khóa học như "cuộc sống và luân lý", "tài liệu giảng dạy cơ bản về văn hóa Trung Quốc"... Khuyến khích học sinh tiểu học và trung học đọc thuộc các tác phẩm văn hóa kinh điển như thơ Đường và thơ Tống, bồi dưỡng khả năng văn cổ của học sinh, tiến hành hun đúc văn hóa truyền thống. Mỗi trường học đều lấy "lễ, nghĩa, liêm sỉ" làm khẩu hiệu chung của trường, để từ đó văn hóa truyền thống bắt rễ nảy mầm ở Đài Loan.

Bức ảnh "Chủ tịch muôn năm" do tờ "Nhật báo Nanyang" của Hồng Kông tặng lãnh đạo Trung Hoa Dân Quốc, Tưởng Giới Thạch. (Nguồn ảnh: Wikipedia)
Bức ảnh "Chủ tịch muôn năm" do tờ "Nhật báo Nanyang" của Hồng Kông tặng lãnh đạo Trung Hoa Dân Quốc, Tưởng Trung Chính. (Nguồn ảnh: Wikipedia)

Phong trào Phục hưng Văn hóa Trung Hoa

Vào năm 1966, ĐCSTQ phát động Đại Cách mạng Văn hóa, Hồng vệ binh tại Đại lục với khẩu hiệu "phá tứ cựu, lập tứ tân", phá phách cướp bóc đốt phá khắp nơi, văn hóa Trung Hoa đứng trước kiếp nạn chưa từng có. Để chống lại sự phá hủy truyền thống của ĐCSTQ, vào tháng 11 năm 1966, 1.500 tinh hoa văn hóa, bao gồm Tôn Khoa, Vương Vân Ngũ, Trần Lập Phu, Trần Khải Thiên, Khổng Đức Thành, Trương Tri Bản v.v., đã cùng nhau viết một lá thư cho Hành chính viện (tức chính phủ) Đài Loan, khởi xướng "Phong trào Phục hưng Văn hóa Trung Hoa". Ủy ban Xúc tiến Phong trào Phục hưng Văn hóa Trung Hoa được chính thức ra mắt vào tháng 7 năm sau, với Tưởng Giới Thạch là chủ tịch.

Khi mới bắt đầu phong trào phục hưng văn hóa này, Tưởng Giới Thạch đã mời ông Tiền Mục, một trong bốn nhà sử học lớn, đến giảng dạy ở Đài Loan, đồng thời tập hợp giới tinh hoa trong giới văn hóa và lịch sử để chú dịch một số lượng lớn sách cổ Trung Quốc và các bài luận của các nhà tư tưởng, các câu chuyện về lòng trung thành và lòng hiếu thảo, v.v. Về sau lại tiến một bước phổ biến chế độ giáo dục bắt buộc 9 năm đối với công dân.

Trong số đó, phải kể đến việc xây dựng giáo dục âm nhạc của Tưởng Giới Thạch.

Trong cuốn sách "Văn hóa Trung Hoa và giáo dục âm nhạc Trung Quốc", Giáo sư âm nhạc Hà Minh Trung đã đề cập đến hiểu biết của ông về Tưởng Giới Thạch:

“Kể từ khi ông Tưởng Trung Chính phục chức ở Đài Loan, ông ấy đã mở tiệc ở Đài Loan tiếp đón các nguyên thủ quốc gia Trung Quốc, Tổng thống Hàn Quốc Lý Thừa Vãn, Tổng thống Việt Nam Ngô Đình Diệm, Tổng thống Philippines Garcia, Tổng thống Hoa Kỳ Eisenhower. Sau mỗi lần quốc yến hoàn tất đều mời dàn nhạc Trung Quốc diễn tấu, không cần những tiết mục nào khác. Trước khi dàn nhạc biểu diễn, Tưởng Công đều giải thích cho các nguyên thủ quốc gia về sự tao nhã ưu mỹ của âm nhạc Trung Quốc, khiến mọi người đều yêu thích. Sau khi tan cuộc, còn mời khách quý đến hậu trường tham quan các loại nhạc cụ được sử dụng cho quốc nhạc, đủ thấy tình yêu và sự quan tâm của Tưởng Công đối với âm nhạc Trung Quốc như thế nào".

Tưởng Giới Thạch còn tự tay chỉnh sửa "Hai bổ sung cho Giáo dục chủ nghĩa dân sinh và Âm nhạc", trong đó đề cập:

"Chúng ta cần biết rằng âm nhạc đủ để biểu hiện sự thịnh suy của dân tộc và hưng vong của quốc gia. Cổ nhân nói: 'vong quốc chi âm, ai dĩ tư' (Dân mất nước, tiếng nhạc buồn thảm và lo lắng). Khi nhà Trần vong thì có 'Ngọc thụ hậu đình hoa', nhà Tề vong liền có 'Bạn lữ khúc', đều là âm thanh vong quốc, nó có thể khiến chúng ta trở thành tù nhân. Vì vậy, chúng ta trong cuộc chiến chống cộng, chống Nga và sự nghiệp cách mạng xây dựng đất nước này, nhất định phải bồi dưỡng chính khí dân tộc, cổ vũ tinh thần chiến đấu, lấy tinh thần quật cường và phong thái quang minh chính đại dồn vào âm nhạc và các ca khúc, để uốn nắn thứ âm nhạc suy đồi và các ca khúc dâm mị..."

"Từ những điều trên, chúng ta biết rằng âm nhạc không phải là vật phẩm trang sức văn hóa, cũng không phải là thú vui của một số ít người trong giới văn hóa. Âm nhạc là có công hiệu đặc biệt đối với sức khỏe tinh thần quốc gia. Công hiệu đặc biệt này quyết không được giao cho tay của những người tổ chức giải trí thương mại, mà nhất định phải chiếm một vị trí quan trọng trong nền giáo dục quốc dân. Do đó, chính quyền trung ương và địa phương phải có những kế hoạch đặc biệt, ngoài giáo trình âm nhạc của các trường tiểu học, trung học và khoa âm nhạc của các trường đại học, mỗi một huyện thị phải có một viện âm nhạc, là nơi diễn tấu âm nhạc và thưởng thức âm nhạc quốc dân. Và các thành phố lớn càng phải có ca kịch viện được trang bị tốt để bảo trì những hí kịch vốn có của Trung Quốc chúng ta, tiến hành cải tiến để chúng có thể góp phần giáo dục luân lý và giáo dục thẩm mỹ quốc dân".

Người dân ở Đài Loan ngày nay nói chung có trình độ hiểu biết âm nhạc nhất định, hơn nữa tất cả các quận và thành phố nói chung đều có nhà hát thưởng thức âm nhạc. Từ điểm này, không thể không nói rằng đó là nhờ Tưởng Giới Thạch đã dày công kiến thiết nền giáo dục âm nhạc ở Đài Loan.

Trung Nguyên
Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Tưởng Giới Thạch rút về Đài Loan không chỉ mang theo vàng bạc mà quan trọng nhất là những thứ này