Tướng Trung Quốc lãnh án chung thân, số tiền tham ô lớn tới mức chính quyền không dám công khai

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cựu Thượng tướng Quách Bá Hùng là một trong những tướng lĩnh cấp cao nhất bị điều tra và xử phạt trong lịch sử 100 năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vậy rốt cuộc ông ta đã tham ô bao nhiêu tiền? Chính quyền Trung Quốc đã không công bố cho công chúng, chỉ nói rằng "số tiền đặc biệt khổng lồ".

Vào ngày 9/4/2015, ông Quách Bá Hùng, cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), từng là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, bị điều tra vì vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật. Tới ngày 25/7/2016, ông ta bị tòa án quân sự kết án và phạt tù chung thân, tước quân hàm Thượng tướng.

Từ một số tin tức mà các kênh truyền thông nắm được, có thể thấy rằng ĐCSTQ không dám công bố số tiền ông Quách đã tham nhũng.

Số tiền quan chức tham nhũng cao nhất từng được báo cáo công khai là hơn 3 tỷ nhân dân tệ (theo tỷ giá hiện tại là hơn 427 triệu USD), cho nên có khả năng số tiền tham ô của Quách Bá Hùng đã phá vỡ kỷ lục này và gấp rất nhiều lần.

Cả gia đình họ Quách đều hủ bại

Vào tháng 4/2016, tạp chí China Newsweek tiết lộ rằng con trai của ông Quách Bá Hùng là Quách Chính Cương từng khoe khoang rằng: "Hơn một nửa số cán bộ trong toàn quân đội là do gia đình tôi đề bạt". Câu này có thể hơi cường điệu, nhưng với 10 năm đảm nhiệm các chức vị Ủy viên Bộ Chính trị và Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, số lượng tướng lĩnh được Quách Bá Hùng đề bạt trọng dụng khẳng định là rất nhiều.

Ví dụ, Phòng Phong Huy, cựu Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Liên hợp Quân ủy Trung ương, là do một tay Quách Bá Hùng đề bạt trọng dụng. Do đó, Quách phải là một trong những đối tượng chính nhận hối lộ từ Phòng. Ngày 20/2/2019, Phòng Phong Huy bị tòa án quân sự tuyên phạt mức án tù chung thân vì phạm tội nhận hối lộ, đưa hối lộ và sở hữu khối tài sản khổng lồ không rõ nguồn gốc.

FangFenghui.jpg
Phòng Phong Huy, cựu Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Liên hợp Quân ủy Trung ương, là do một tay Quách Bá Hùng đề bạt trọng dụng. (Miền công cộng)

Ngày 23/11/2017, Trương Dương, cựu Chủ nhiệm Bộ Công tác Chính trị của Quân ủy Trung ương, đã treo cổ tự tử tại nhà. Tờ South China Morning Post của Hong Kong từng đưa tin, trong quân đội lan truyền thông tin rằng Trương Dương đã "cống nạp" 25 triệu nhân dân tệ (hơn 3,5 triệu USD) cho Quách Bá Hùng.

Theo truyền thông nước ngoài, tòa án quân sự xác định rằng hơn 50 sĩ quan cấp cao của ĐCSTQ đã tặng tiền cho Quách Bá Hùng. Nguồn tin quân sự tiết lộ, có thể kể đến một số cái tên như:

  • Thượng tướng Điền Tu Tư, nguyên Chính ủy Quân chủng Phòng không;
  • Trung tướng Lưu Tranh, nguyên Cục trưởng Tổng cục Hậu cần;
  • Trung tướng Phạm Trường Bí, nguyên Phó Chính ủy Quân khu Lan Châu;
  • Trung tướng Vu Kiến Vĩ, nguyên Phó Chính ủy Lực lượng Cảnh sát vũ trang;
  • Trung tướng Lưu Chí Cương, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh;
  • Thiếu tướng Mã Thành Hiệu, nguyên Tư lệnh Tập đoàn quân 31;
  • Thiếu tướng Mạnh Học Chính, nguyên Cục trưởng Cục 3 Bộ Tổng tham mưu, sau là Hiệu trưởng Đại học Kỹ thuật Thông tin Giải phóng quân;
  • Thiếu tướng Phó Di, nguyên Tư lệnh quân khu tỉnh Chiết Giang;
  • Thiếu tướng Trương Vạn Tùng, nguyên Cục trưởng Tổng cục Hậu cần Quân khu Lan Châu;
  • Thiếu tướng Chiêm Quốc Kiều, nguyên Cục trưởng Tổng cục Hậu cần Quân khu Lan Châu;
  • Thiếu tướng Đặng Thụy Hoa, nguyên Chính ủy Tổng cục Hậu cần Quân khu Lan Châu;
  • Thiếu tướng Kiều Chiêm, nguyên Phó cục trưởng Cục Trang bị Quân khu Bắc Kinh;
  • Thiếu tướng Đổng Minh Tường, nguyên Cục trưởng Tổng cục Hậu cần Quân khu Bắc Kinh; v.v.

Vậy trước một “đội quân hối lộ” khổng lồ như vậy, Quách Bá Hùng đã nhận hối lộ như thế nào? Bản cáo trạng của Viện kiểm sát Quân sự cho biết, Quách "đã nhận hối lộ trực tiếp và thông qua người nhà".

Vào tháng 7/2015, trang thông tin Trung Quốc NetEase đã đăng tải bài viết có tiêu đề "Bóc trần Quách Bá Hùng: Vợ và con gái kiếm bộn tiền từ quân đội". Bài báo viết:

"Người trong nội bộ Bộ Tổng tham mưu nói rằng, các cán bộ quân đội muốn được thăng chức thông thường đều thông qua Hà Tú Liên [vợ của Quách]. Đặc biệt là, nếu các cán bộ quân đội không thuộc Quân khu Thiểm Tây hoặc Quân khu Lan Châu, những người vốn không thể liên hệ trực tiếp với Quách Bá Hùng, họ sẽ nghĩ cách để kết nối với Hà Tú Liên”.

“Sau khi nhận được tiền, Hà sẽ nói với Quách Bá Hùng về yêu cầu của người đưa tiền. Nếu Quách Bá Hùng nói rõ là không được, số tiền sẽ được trả lại; nếu Quách Bá Hùng giữ im lặng, số tiền đó sẽ được giữ lại, tất nhiên yêu cầu sẽ được thực hiện".

Vào cuối tháng 12/2014, mạng xã hội WeChat của Trung Quốc lan truyền rầm rộ một bức thư ngỏ vạch trần sự tham nhũng của Quách Bá Hùng có tên "Cán bộ hiểu rõ tình hình kính gửi Chủ tịch Tập và Trung ương Đảng".

Thư ngỏ viết: "Về nguồn gốc số tiền tham nhũng khổng lồ của Quách Bá Hùng, ngoài 'thu lợi' từ việc mua bán quan chức và bán đất, còn có một lượng lớn khiến người ta phải kinh ngạc là tiền hoa hồng khi mua sắm vũ khí, trang bị và đạn dược cho toàn quân, ước tính sơ bộ không dưới 100 tỷ nhân dân tệ” (14,3 tỷ USD).

Vào tháng 3/2015, Thiếu tướng ĐCSTQ Dương Xuân Trường cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Truyền hình vệ tinh Phượng Hoàng (Phoenix TV) rằng, những con ‘hổ’ trong quân đội không chỉ nhận hối lộ mà còn biển thủ chi phí quân sự, "tham ô hàng chục triệu hàng chục triệu". Tuyên bố này đã gián tiếp xác nhận tin đồn Quách Bá Hùng biển thủ công quỹ quân sự.

Vào tháng 4/2014, có người đã lấy danh nghĩa "một số cán bộ của Tổng cục Chính trị Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc" công bố ra hải ngoại bức "Thư ngỏ thứ hai gửi tất cả các chỉ huy và binh sĩ trong toàn quân".

Trong đó có đề cập rằng: "Chính ủy Tập đoàn quân 47 Phạm Trường Bí đã đến Bắc Kinh để mời [Phó cục trưởng Tổng cục Hậu cần Quân ủy Trung ương] Cốc Tuấn Sơn ăn cơm. Cốc nói với Phạm rằng, nếu uống một ly rượu sẽ được cấp một triệu tệ. Phạm đã uống liên tiếp 38 ly, và Cốc thực sự đã phân bổ một lúc 40-50 triệu tệ cho Tập đoàn quân 47. Khi tiền về tay, Phạm đã đưa 10 triệu cho con trai của Quách Bá Hùng. Chẳng lâu sau, Phạm Trường Bí được thăng chức làm Chủ nhiệm Bộ Chính trị Quân khu Lan Châu".

Phạm Trường Bí là một trong những thân tín quan trọng của Quách Bá Hùng ở Quân khu Lan Châu. Vào tháng 12/2014, Phạm Trường Bí ngã ngựa, sau đó bị khai trừ khỏi đảng và quân đội, tước quân hàm trung tướng và chuyển cho cơ quan kiểm sát quân sự. Những tình tiết này có thể gián tiếp chứng minh rằng: Tuyên bố trong bức thư ngỏ trên là đúng sự thật.

Thư ngỏ còn viết: "Khi con gái của Quách [là Quách Vĩnh Hồng] ra làm kinh doanh, Quách nói với Cốc Tuấn Sơn là phải giúp con gái ông ta có một khởi đầu tốt; Cốc nhanh chóng gửi cho cô ta 3 triệu tệ tiền mặt và gửi vào tài khoản ngân hàng của cô ta 20 triệu nhân dân tệ".

Vào ngày 3/8/2015, kênh truyền thông Trung Quốc Caijing đã đăng tải "Biên niên sử của Quách Bá Hùng", trong đó viết: "Theo một người thân cận với gia đình họ Quách, Cốc Tuấn Sơn đã từng tặng cho Quách Vĩnh Hồng 20 triệu nhân dân tệ". Thông tin này trùng khớp với nội dung trong thư ngỏ trên.

Ai đã dung túng cho Quách Bá Hùng?

Ngoài tham nhũng, Quách Bá Hùng còn là kẻ háo sắc, hoang dâm cực độ.

Theo tờ Đông phương Nhật báo (Oriental Daily News) của Hong Kong, dù đã hơn 70 tuổi nhưng Quách Bá Hùng vẫn vô cùng háo sắc và không có chừng mực trong đời sống cá nhân. Các nhân viên điều tra chống tham nhũng của chính quyền Trung Quốc đã tìm thấy hơn 500 đĩa CD và hơn 120 tạp chí khiêu dâm cùng 9 cuốn hộ chiếu giả tại nơi ở của ông ta ở Bắc Kinh, Tây An, Tế Nam và Chu Hải.

Bài báo cho biết, Quách đã ba lần bị tố cáo ngoại tình, hai lần bị quân đội ra lệnh kiểm tra, trong đó một lần bị “ghi lỗi nặng". Theo Điều 56 Luật Công chức của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, các hình phạt được chia thành 6 cấp, lần lượt từ thấp đến cao là: cảnh cáo, ghi lỗi, ghi lỗi nặng, giáng cấp, cách chức, khai trừ.

Theo bài viết, còn có tin đồn rằng Quách đã bao nuôi hơn 10 tình nhân trong một thời gian dài. Những người lọt vào mắt Quách đều được Từ Tài Hậu – khi đó là Ủy viên Bộ chính trị, kiêm Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương – điều về các đoàn văn công Chiến Hữu, Chiến Sĩ, Tiền Tiến và Hải Chính để phục vụ Quách.

Ai là người đã dung túng, đề bạt và trọng dụng một Quách Bá Hùng như thế? Không ai khác ngoài cựu độc tài ĐCSTQ Giang Trạch Dân. Vào tháng 9/1999, ông Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng Bí thư ĐCSTQ, Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương, đã đề bạt Quách Bá Hùng làm Phó Tổng Tham mưu trưởng Bộ Tổng Tham mưu Quân ủy Trung ương.

‘Giang Trạch Dân và tình nhân' là từ bị kiểm duyệt tại Olympic Bắc Kinh 2022
Cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân (phải) tham dự phiên khai mạc Đại hội Đảng 18 được tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân vào ngày 8/11/2012 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Feng Li / Getty Images)

Đến Đại hội 16 của ĐCSTQ vào tháng 11/2002, Quách Bá Hùng cật lực ủng hộ Giang Trạch Dân giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương, còn Giang đề bạt Quách làm Ủy viên Bộ Chính trị và Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương. Tại Hội nghị lần 4 của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 16 tổ chức năm 2004, trước khi Giang từ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương, ông ta đã đề bạt Từ Tài Hậu làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Giang Trạch Dân đã dùng tham nhũng và hủ bại để điều hành đất nước và quân đội, dung túng cho hai Phó chủ tịch Quân ủy mà ông ta đề bạt mua quan bán tước, tham nhũng háo sắc, khiến toàn quân hủ bại ngoài tầm kiểm soát, đâu đâu cũng thấy các giao dịch tiền - quyền - sắc.

Tham nhũng, hoang dâm, hủ bại đã không còn là những vấn đề cấm kỵ đối với các quan chức ĐCSTQ.

Quách Bá Hùng chạm vào lằn ranh chính trị

Trong cuốn sách "Luận thuật quan trọng của Chủ tịch Tập về Kiến thiết Quốc phòng và Quân đội (Ấn bản năm 2016)" phát hành vào tháng 5/2016, ông Tập Cận Bình nói:

"Vấn đề tham nhũng hủ bại của Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu khiến người ta nghe mà rợn người, nhưng đây không phải là mấu chốt trong vấn đề của họ, mấu chốt là họ đã chạm vào vạch giới hạn cuối cùng trong chính trị".

Có thể nói, nó liên quan đến các cuộc đấu tranh trong nội bộ ĐCSTQ. Vậy thì, Quách Bá Hùng đã chạm vào "vạch giới hạn cuối cùng trong chính trị" như thế nào?

Tiến sĩ Vương Hữu Quần từng làm việc dưới trướng ông Úy Kiện Hành – cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ kiêm Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương. Ông Vương phân tích rằng, đầu tiên: Cùng với Từ Tài Hậu, Quách đã khiến Chủ tịch Quân ủy Trung ương khi đó là ông Hồ Cẩm Đào mất đi thực quyền.

Sau khi Giang Trạch Dân nghỉ hưu, Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu trở thành người đại diện của ông ta trong quân đội. Trong 8 năm từ năm 2004 đến 2012, mặc dù ông Hồ Cẩm Đào giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương, nhưng “bộ ba” Giang - Quách - Từ mới là người cầm trịch quân đội.

Trong thể chế của ĐCSTQ, quyền lực quân đội là quan trọng nhất, có thể ra lệnh cho toàn đảng, toàn quân và toàn dân. Do bị tước mất quân quyền, khi đó ông Hồ Cẩm Đào chỉ là bù nhìn, trở thành công cụ để bảo vệ lợi ích cho các gia tộc quyền lực trong ĐCSTQ, và cũng trở thành công cụ để Giang, Quách và Từ tối đa hóa lợi ích cá nhân của họ.

Vì vậy, sau khi ngã ngựa, Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu đã bị chỉ trích là "những kẻ có dã tâm và âm mưu", "mưu đồ chiếm đoạt quyền lực của đảng và nhà nước, tham gia vào các hoạt động âm mưu chia rẽ đảng, đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của chính trị quốc gia".

Ngoài ra, Quách Bá Hùng còn chạm vào lằn ranh chính trị khi cản trở chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội ĐCSTQ.

Quách Bá Hùng (trái) và Từ Tài Hậu. (Ảnh trái: Department of Foreign Affairs and Trade website – www.dfat.gov.au, CC BY 3.0 au/WikiMedia Commons; Ảnh phải: Phạm vi công cộng)
Quách Bá Hùng (trái) và Từ Tài Hậu (phải). (Ảnh trái: wikipedia/CC BY 3.0 au; Ảnh phải: Phạm vi công cộng)

Vào ngày 20/1/2014, lại có người công bố "Thư ngỏ gửi các chỉ huy và binh sĩ trong toàn quân về việc không thể thâm nhập sâu vào vụ án Cốc Tuấn Sơn” ra hải ngoại. Trong đó có viết:

"Vụ án tham nhũng khổng lồ của nguyên Phó cục trưởng Tổng cục Hậu cần Quân ủy Trung ương Cốc Tuấn Sơn đã bị phanh phui hai năm nay nhưng vẫn không có cách nào để thâm nhập [điều tra] sâu hơn. Căn nguyên là do các cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng – những kẻ có dính líu đến vụ của Cốc – đã ngoan cố chống lại ông Tập Cận Bình".

"Trong gần hai năm qua, ông Tập Cận Bình đã 12 lần chỉ thị và phê chỉ thị, yêu cầu phải điều tra và trừng trị nghiêm khắc vụ án Cốc Tuấn Sơn, nhưng Từ và Quách chống lại không chịu tiến hành, cực lực che đậy cho Cốc".

Vào ngày 4/8/2014, tờ Trường Bạch Sơn Nhật báo của Cát Lâm tiết lộ, ông Tập Cận Bình nói rằng: "Tham nhũng và chống tham nhũng là hai đội quân đối đầu nhau và đang ở thế giằng co"; “Trong đấu tranh chống tham nhũng, sự sống chết của cá nhân, sự phỉ báng và ca ngợi của cá nhân, đều không quan trọng”. Lời phát biểu này của ông Tập đã gián tiếp xác nhận tuyên bố trong bức thư ngỏ này.

Nam Phương
Theo
The Epoch Times

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Tướng Trung Quốc lãnh án chung thân, số tiền tham ô lớn tới mức chính quyền không dám công khai