Văn hóa đọc trong thời đại số - Kỳ 1: phải chăng con người sắp đánh mất khả năng đọc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nói cách khác, khi đọc lướt, điều chúng ta nhận được chỉ là những mảnh thông tin rời rạc không đầy đủ. Chúng ta đã lỡ mất những kiến thức thực sự có giá trị, vẻ đẹp của tư tưởng, của văn chương câu từ, phương pháp trình bày khoa học và khéo léo, những hàm ý tinh tế sâu xa được đan cài lớp lớp một cách kín đáo trong tác phẩm…

“Sách này hay lắm. Đọc đi. Share rồi đấy”
“Dài thế! tóm tắt cho cái. Đọc đau hết cả đầu”.

Đó là một đoạn trao đổi của nhiều người Việt – vẫn chưa già, trong thời đại kỹ thuật số. “Dài thế!”, “đọc buồn ngủ”, “hại não”, "đau đầu"… là những ca thán thường thấy khi người ta phải đọc sách. Ta tưởng rằng đó là vấn đề riêng của người Việt. Nhưng không, khi tra google bằng tiếng Anh, ta nhận được những kết quả như: “I can’t focus when I read anymore. What's happening – tôi chẳng thể tập trung khi đọc sách nữa. Chuyện gì đang xảy ra vậy?”; “why we can’t read anymore? – vì sao chúng ta không còn có thể đọc nữa?”; “Digital addictions mean we can’t read books anymore. And that’s a problem – Sự lệ thuộc công nghệ số có nghĩa là chúng ta không còn có thể đọc sách nữa. Và đó là vấn đề”…

Khoan hãy nói về việc đọc sách gì cho đúng, đó là một chủ đề tốn giấy mực không nằm trong khuôn khổ bài viết này. Ở đây, chúng tôi chỉ định bàn về thái độ và cách thức đối với việc đọc và hậu quả của nó, cũng như cố gắng đi tìm một giải pháp.

đọc sách đúng cách
Chúng tôi chỉ định bàn về thái độ và cách thức đối với việc đọc và hậu quả của nó, cũng như cố gắng đi tìm một giải pháp. (Ảnh: Pixabay)

Có phải não của chúng ta sẽ không còn có khả năng đọc?

Tờ Washington Post của Mỹ và The Guardian của Anh có hai bài báo cùng nói về nghiên cứu của các nhà khoa học về việc đọc trong thời đại công nghệ số; thông điệp của những bài báo đó có thể tóm tắt lại như sau: có một nguy cơ lớn ảnh hưởng sâu sắc tới nhận thức cũng như tình cảm của chúng ta khi con người ngày càng quen thuộc với việc đọc lướt trên các phương tiện nghe nhìn kỹ thuật số, và có thể đến một ngày không xa, não của chúng ta không còn biết đọc.

Bài báo trên tờ Washington post dẫn chứng trường hợp của Claire Handscombe, một sinh viên 35 tuổi học chương trình sau đại học ở American University. Trong công việc, cô phải đọc rất nhiều sách, từ sách trực tuyến đến sách in.

Giống như nhiều người khác, khi “lướt web” cô click vào các đường link trên mạng xã hội; cô tìm từ khóa, đọc loáng thoáng vài câu, rồi theo các liên kết khác, cô “lang thang” sang nhiều nội dung khác trên mạng mà ban đầu cô chẳng định đọc. Mỗi nội dung cô cũng chỉ đọc lướt một chút... cứ như vậy cho đến một ngày cô phát hiện khi đọc tiểu thuyết hoặc các tác phẩm có giá trị, cô cũng vô tình áp dụng kiểu đọc lướt y như đọc trên mạng. Cô nói: “Tựa như mắt tôi chỉ lướt qua chữ mà không hiểu nó nói gì. Khi nhận ra điều đó, tôi phải trở lại, chú tâm đọc kỹ”.

Chắc hẳn Handscombe không phải trường hợp cá biệt và hầu như mỗi chúng ta lại thấy hình ảnh mình trong thói quen “lướt mạng” của cô.

Hầu như mỗi chúng ta lại thấy hình ảnh mình trong thói quen “lướt mạng” của cô ấy.
Hầu như mỗi chúng ta lại thấy hình ảnh mình trong thói quen “lướt mạng” của cô ấy. (Ảnh: Pixabay)

Thậm chí, cả những nhà chuyên môn hay chuyên gia đọc cũng bị ảnh hưởng bởi thói quen này. Theo nhà phân tích Brandon Ambrose, câu lạc bộ sách của ông có tổ chức đọc quyển sách “best-seller” của Meg Wolitzer - The Interestings. Khi họp nhóm, ông mới biết mình đã bỏ qua nhiều điểm then chốt trong cốt truyện. Ông phát hiện não của ông chỉ quét qua để tìm một khía cạnh đặc biệt nào đó của quyển sách, cũng giống như ông đã lướt qua màn hình máy tính. Còn với sách in, ông nói: “Dường như tôi không còn thói quen đọc như trước nữa”.

Maryanne Wolf, nhà sinh học thần kinh nhận thức tại Đại học Tufts (Boston, Mỹ) và là chuyên gia hàng đầu thế giới hiện nay về việc đọc, kể về câu chuyện sau: Bà nhận được nhiều thư điện tử từ các khoa tiếng Anh ở các đại học Mỹ cho biết sinh viên của họ gặp khó khăn trong việc đọc những tác phẩm kinh điển, đặc biệt là với những tác phẩm có dung lượng lớn, nhiều cấu trúc câu phức tạp, hàm ý sâu xa. Nhưng không ngờ, Maryanne Wolf cũng là một nạn nhân của việc đọc lướt. Một ngày nọ, bà phát hiện chính mình gặp khó khăn khi đọc tiểu thuyết của Hermann Hesse (nhà thơ, nhà văn người Đức giành giải Nobel văn học năm 1946) có tên “Glass bead game”. Bà nói: “Tôi không đùa đâu. Tôi đã đọc hết trang đầu như bị tra tấn vì không thể buộc mình đọc chậm. Tôi cứ lướt nhanh, chọn vài từ khóa, tổ chức mắt mình sao cho thu được nhiều thông tin nhất có thể trong một vận tốc nhanh nhất”.

Nhưng đó không phải điều bà muốn, bởi vậy bà bắt mình phải đọc lại, một cách từ tốn, thấu đáo từng ý nghĩa của truyện. Bà kể lại: “Tôi cảm thấy như vừa hồi phục. Tôi mừng vì tìm lại được kỹ năng đọc chậm, nhấm nháp và suy nghĩ”.

Bà bắt mình phải đọc lại, một cách từ tốn, thấu đáo
Bà bắt mình phải đọc lại, một cách từ tốn, thấu đáo từng ý nghĩa của truyện. (Ảnh: Pixabay)

Vì đâu nên nỗi?

Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy nhìn ra xung quanh mình. Có phải hầu như ai cũng đang cầm trên tay một thiết bị nghe nhìn nào đó? Người lớn dùng laptop, Macbook để kiểm tra email, dùng Kindle để đọc sách, trẻ em chơi game, đọc truyện trên smartphone, Ipad… dường như các thiết bị điện tử đã là một thành phần tự nhiên và không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta, là cửa sổ để chúng ta nhìn ra thế giới. Thông qua các thiết bị ấy, chúng ta nhìn, nghe, đọc về mọi điều xung quanh mình. Thậm chí với lũ trẻ, thế giới đương nhiên phải bao gồm các thiết bị điện tử vì từ khi chúng sinh ra, đời đã thế.

Theo những nhà nghiên cứu về khoa học thần kinh: Bộ não chúng ta không được thiết kế cho việc đọc, không có gen đọc như gen ngôn ngữ hay gen thị giác. Nhưng nhờ sự xuất hiện chữ tượng hình Ai Cập, rồi bảng mẫu tự Phoenicia, giấy từ Trung Quốc… và khi chúng kết hợp lại thì dẫn đến sự ra đời báo in của Gutenberg, đó là ở phương Tây. Còn ở Trung Hoa, in mộc bản đã có từ thế kỉ thứ IX. Còn các nhà làm sách người Hàn Quốc đã in chữ trên kim loại vào một thế kỷ trước thời của Gutenberg.

Và từ đó mà bộ não chúng ta thích nghi với việc đọc.

Trước khi Internet xuất hiện, não có thể đọc phần lớn là theo hàng, hàng này qua hàng khác, hết trang này đến trang sau... Phần lớn nội dung là chữ viết, có thể thêm chút tranh ảnh nhưng không quá nhiều để dẫn đến ảnh hưởng tới việc đọc. Đọc văn bản in thậm chí còn cho chúng ta khả năng ghi nhớ những thông tin chủ chốt trong một quyển sách qua cách nó trình bày.

Nhưng thời đại internet đã khiến chúng ta phải tiếp cận với lượng thông tin bùng nổ theo cách khác. Thông tin phải được xuất hiện nhiều nhất với hình ảnh hấp dẫn nhất. Bởi vậy, trên một website có rất nhiều những hình ảnh, màu sắc, những đường link, video kèm theo text và các tương tác ở khắp nơi… não của chúng ta phải làm việc với tất cả thứ đó - từ quét qua trang mạng, tìm từ then chốt, kéo lên lướt xuống thật nhanh. Không còn cách đọc theo dòng, cách đọc này chỉ còn trong các nghiên cứu học thuật.

Bởi vậy, trên một website có rất nhiều thông tin nên não của chúng ta phải làm việc với tất cả thứ đó.
Bởi vì trên một website có rất nhiều thông tin nên não của chúng ta phải làm việc với tất cả thứ đó. (Ảnh: Pixabay)

Nói cách khác, việc đọc lướt bắt đầu phổ biến khi có internet và các phương tiện kỹ thuật số.

Như đã đề cập, việc đọc của chúng ta không nằm trong cấu trúc di truyền, nó cần có môi trường để phát triển. Nói xa hơn, nó sẽ thích nghi với những kiểu viết lách hay phương tiện truyền tải khác nhau. Nếu phương tiện truyền tải thông tin là theo kiểu nhanh, đa tác vụ và có khối lượng thông tin lớn giống như ở các phương tiện kỹ thuật số ngày nay, thế thì việc đọc của chúng ta sẽ thích nghi theo hướng ấy. Nhà tâm lý học của đại học UCLA là Patricia Greenfield đã viết rằng, sự chú ý và thời gian sẽ được phân bổ ít đi cho các quá trình đọc sâu, chậm, đòi hỏi thời gian, cũng như các kỹ năng suy luận, phân tích phê phán và đồng cảm.

Andrew Dillon, một giáo sư ở Texas chuyên nghiên cứu việc đọc, cảnh báo rằng với việc lướt web, đọc link, rê chuột lên xuống mà ông gọi là “hành vi thông tin”, con người sẽ phải đối mặt với một số hậu quả trong thời gian tới.

Đó là hậu quả gì?

Ông Ziming Liu từ Đại học bang San Jose đã thực hiện một loạt các nghiên cứu chỉ ra rằng kiểu đọc phổ biến hiện nay là đọc lướt qua, với việc phát hiện từ và duyệt qua văn bản. Nhiều người đọc hiện chỉ lấy mẫu dòng đầu tiên, sau đó lướt tới một vài từ đáng chú ý rồi cứ thế đi hết phần còn lại của văn bản. Khi bộ não đọc lướt như vậy, nó sẽ giảm thời gian phân bổ cho các quá trình “đọc sâu”. Nói cách khác, độc giả không có thời gian để nắm bắt sự phức tạp, để hiểu được những cảm xúc khác, nhận thức về cái đẹp và lắng đọng được những thu hoạch của riêng mình.

Ngày nhỏ, có lúc chúng ta được nhắc nhở rằng: đừng ăn cơm nhanh quá, cần nhai kỹ trước khi nuốt, tiêu hóa sẽ dễ hơn, "nhai kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa". Nhưng chắc ít ai quan tâm nhắc nhở ta: đừng đọc lướt quá, sẽ hiểu sai đấy, sẽ có hại cho nhận thức không kém gì việc đau dạ dày, nếu không muốn nói là còn hơn thế. Bởi vì cả hai đều là quá trình tiêu hóa: Một đằng tiêu hóa đồ ăn vật chất, một đằng "tiêu hóa" thức ăn tinh thần.

đọc sách sai cách
Đừng đọc lướt quá, sẽ hiểu sai đấy, sẽ có hại cho nhận thức không kém gì việc đau dạ dày. (Ảnh: Pixabay)

Mỗi dạng văn bản lại cần mức độ tư duy khác nhau, cần thời gian "tiêu hóa" khác nhau.Tác dụng của việc đọc lướt, có chăng cũng chỉ giới hạn trong một vài dạng văn bản đơn nghĩa. Tuy vậy, điều này chỉ nên làm khi bạn đã nắm được ý tưởng đại khái của nó, tức là quá trình "tiêu hóa" đã diễn ra từ trước. Như vậy, cũng chẳng hẳn là chỉ đọc lướt mà xong.

Nhưng với tác phẩm văn hóa có giá trị mà chúng ta làm theo cách ấy thì rốt cuộc chúng ta chẳng hiểu được gì cả. Tác phẩm kinh điển cần phải được đọc đi đọc lại nhiều lần, mỗi lần ta ngấm được một ít. Đó là quá trình "tiêu hóa" đang diễn ra, tâm não chúng ta đang thấm nhập từng chút một để "tiêu hóa" tác phẩm, và nhờ đó trí tuệ, tâm hồn của chúng ta lớn lên.

Tương tự như một bức tranh được vẽ theo kỹ thuật vẽ sơn dầu nhiều lớp: Lớp lót tạo nên toàn bộ hình ảnh bức tranh, nhưng là đơn sắc; các lớp kế tiếp là các lớp màu đục, bán đục, bán trong, trong... phủ lên nhau để đạt được hiệu ứng hình ảnh tuyệt vời nhất… một tác phẩm văn học kinh điển cũng có những lớp hàm nghĩa tương tự như vậy. Mà nếu đọc lướt, có thể coi như ta chưa đọc.

Đấy là những tác phẩm đi cùng năm tháng. Ở thời thơ ấu, ta thấy nó hài hước, lung linh; khi lớn hơn một chút, ta thấy đó là những bài học cuộc sống; lúc trưởng thành ta lại thấu cảm nét đượm buồn sâu xa về nhân tình thế thái của tác giả. Truyện cổ Andersen là một dạng như thế. Khi trẻ dại ta đọc để giải trí; khi trưởng thành ta tìm thấy trong đó một cung điện lộng lẫy của văn hóa thần truyền; lúc mái đầu đã bạc mới thấy đó là cả một bầu trời tư tưởng bao la mà trí tuệ của chúng ta bay mãi đến khôn cùng. Hồng Lâu Mộng, Tây Du Ký là một dạng như thế.

Khi trẻ dại ta đọc để giải trí; khi trưởng thành ta tìm thấy trong đó một cung điện lộng lẫy của văn hóa thần truyền
Khi trẻ dại ta đọc để giải trí; khi trưởng thành ta tìm thấy trong đó một cung điện lộng lẫy của văn hóa thần truyền. (Ảnh: Pixabay)

Nói cách khác, khi đọc lướt, điều chúng ta nhận được chỉ là những mảnh thông tin rời rạc không đầy đủ. Chúng ta đã lỡ mất những kiến thức thực sự có giá trị, vẻ đẹp của tư tưởng, của văn chương câu từ, phương pháp trình bày khoa học và khéo léo, những hàm ý tinh tế sâu xa được đan cài lớp lớp một cách kín đáo trong tác phẩm… Còn hơn thế nữa, chúng ta đã mất đi sự đồng cảm với tác giả hoặc cơ hội để cho lòng mình xúc động với những cảm xúc cao thượng và sâu sắc mà câu chuyện truyền tải. Tiếc thay, đó mới chính là những mục đích chính của việc đọc: xây dựng tri thức và bồi bổ tâm hồn bằng những tương tác rất “con người”, nó khiến chúng ta trở nên “người” hơn; chứ không phải là sự lạnh lùng của máy móc, sự khô héo của tâm hồn như thể chúng ta và thiết bị điện tử đã hòa vào làm một. Chẳng phải thông qua việc đọc sâu, đọc kỹ mà chúng ta hoàn thiện con người mình hay sao?

Nói như bà Maryanne Wolf thì với đà nhận gửi tin trên Twitter như hiện nay, với mỗi lần nhắn chỉ 140 từ thì “bao nhiêu cú pháp đã mất đi, khi cú pháp chính là phản ánh tư duy đan quyện của chúng ta”?

Chúng ta đang bàn tới cái hại của việc đọc lướt, đọc vội trên các thiết bị điện tử. Chẳng phải chỉ có hại cho cá nhân, nó còn có hại cho nền văn minh của nhân loại.

Việc đọc lướt, đọc vội trên các thiết bị điện tử sẽ có hại cho nền văn minh của nhân loại.
Việc đọc lướt, đọc vội trên các thiết bị điện tử sẽ có hại cho cá nhân và cho cả nền văn minh của nhân loại. (Ảnh: Pixabay)

Phủ nhận văn tự - phủ nhận văn minh

Con người có ngôn ngữ để trao đổi với nhau, nhờ vậy mà hiểu được nhau. Nhưng ngôn ngữ phải được ký hiệu hóa bằng chữ viết thì nhân loại mới có sự truyền thừa văn hóa, lịch sử và những thành quả của nền văn minh qua các thế hệ con người. Chữ viết hình nêm xây dựng nền văn minh Sumer, chữ tượng hình Ai Cập cổ đại xây dựng nên văn minh Ai Cập cổ, chữ cái Phoenician là tiền đề của văn minh Hy Lạp cổ đại, chữ tượng hình của Thương Hiệt là nền tảng xây dựng nên văn hóa Thần truyền Trung Hoa 5000 năm… bởi vậy có thể nói, chữ viết là phương tiện không thể thiếu để xây dựng nên văn minh nhân loại.

Điều này có thể thấy rõ ràng nhất qua việc Thương Hiệt sáng tạo nên Hán tự vào thời Hoàng Đế. Ông cẩn thận quan sát các đặc điểm của nhiều sự vật khác nhau, ví như mặt trời, mặt trăng, vì sao, mây, núi, sông, hồ, biển, các loại chim và muông thú… dựa vào đặc điểm của chúng mà vẽ, tạo nên nhiều chữ tượng hình. Sau đó, ông lại tạo thêm các chữ hội ý (hội tụ ý nghĩa của các bộ phận cấu thành nên chữ). Bởi vậy mỗi chữ Hán phồn thể đều hàm chứa những ý nghĩa sâu xa về vũ trụ và nhân sinh.

Theo định nghĩa của từ điển Thiều Chửu “văn tự (文字)” có nghĩa là “bắt chước hình trạng từng loài mà đặt gọi là văn 文, hình tiếng cùng họp lại với nhau gọi là tự 字. Sinh sản, người ta sinh con gọi là “tự”. Chữ “tự” ở trong “văn tự” cũng là noi ở nghĩa ấy mà ra, ý nói nẩy nở ra nhiều vậy”. Như vậy “văn tự” hay “chữ viết” tức là sự mô phỏng ý nghĩa của tự nhiên bằng các ký hiệu, chúng phối hợp với thanh âm ngôn ngữ. Từ đó, những khái niệm cứ sinh sôi nảy nở thêm phong phú.

Như vậy “văn tự” hay “chữ viết” tức là sự mô phỏng ý nghĩa của tự nhiên bằng các ký hiệu, chúng phối hợp với thanh âm ngôn ngữ.
Như vậy “văn tự” hay “chữ viết” tức là sự mô phỏng ý nghĩa của tự nhiên bằng các ký hiệu, chúng phối hợp với thanh âm ngôn ngữ. (Ảnh: Pixabay)

Mỗi chữ viết như vậy đã ký thác bao nhiêu trí tuệ, tâm hồn, tình cảm… của tiền nhân và là công cụ để chuyển tải những giá trị tinh hoa văn hóa của 5000 năm lịch sử, là những "viên gạch" để xây dựng nên những kỳ thư, những áng thi văn bất hủ, những tư tưởng kiệt xuất của cổ nhân… và truyền thừa cho các thế hệ sau. Dù ở phương Đông hay phương Tây thì câu chuyện đều là như thế. Nhưng khi phổ biến việc đọc lướt, thì rõ ràng chúng ta không còn tiếp nhận được những giá trị truyền thừa này nữa. Những khái niệm văn hóa, lịch sử sẽ mai một, tư tưởng của người xưa không còn ai tiếp nối, truyền thống bị vứt bỏ, con người đã tự cắt đứt với quá khứ. Như câu chuyện đã đề cập về những sinh viên Mỹ, và cả người trưởng thành, dần dần không thể đọc hiểu được những tác phẩm kinh điển của chính cha ông họ nữa.

Đó mới thật là điều đáng lo ngại.

Có lẽ từ hơn 200 năm trước, thi hào Nguyễn Du (tự là Tố Như) – người mà khả năng tiên tri cũng không kém văn chương là mấy, đã đau đớn thốt lên trong tác phẩm "Độc Tiểu Thanh Ký":

“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”
Tạm dịch:
“Không biết ba trăm năm lẻ nữa
Thiên hạ ai người khóc Tố Như?”

Tượng đài Nguyễn Du, đọc sách đúng cách, bảo vệ chữ viết
Tượng đài Nguyễn Du. (Ảnh: Wikipedia)

Với văn hóa đọc hiện nay, e rằng sẽ sớm đến ngày người ta không còn đọc, không còn yêu thích Truyện Kiều và các tác phẩm của Tố Như. Tư tưởng của ngài sẽ chẳng mấy ai thấu hiểu, tình cảm của ngài sẽ trở nên xa lạ với số đông. Lúc ấy có lẽ chẳng còn ai khóc Tố Như nữa thật. Nhưng chẳng phải chỉ mình Tố Như chịu thiệt thòi, biết đâu ở thế giới bên kia, các tác gia kinh điển khác cũng sẽ đến chia sẻ cùng ngài nỗi buồn bị con cháu cho vào quên lãng. Tuy vậy, chịu thiệt thòi nhiều nhất, chính là văn hóa Việt và các thế hệ người Việt tương lai. Còn nhớ lúc sinh thời, thượng thư Phạm Quỳnh - một học giả nổi tiếng của triều Nguyễn từng nói một lời bất hủ: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”.

Không chỉ có chức năng truyền thừa văn hóa, chữ viết còn là nơi lưu giữ an toàn nhất những thành quả của nền văn minh. Chúng ta hãy thử tưởng tượng, giả sử như vào một ngày xấu trời vì một lý do nào đó: thiên tai, nhân họa, chiến tranh hạt nhân hay bất kỳ bất trắc nào khác trong thời đại mà điều gì cũng có thể xảy ra được này… khiến chúng ta không còn điện để dùng, các phương tiện điện tử trở nên vô dụng thì cái gì sẽ lưu giữ nền văn minh?

Chỉ còn có chữ viết trong các văn bản in mà thôi.

Chữ viết sẽ là nơi lưu giữ an toàn nhất những thành quả của nền văn minh.
Chữ viết trên các bản in sẽ là nơi lưu giữ an toàn nhất những thành quả của nền văn minh. (Ảnh: Pixabay)

Giải pháp khuyến nghị

Những chuyên gia như Maryanne Wolf đề xuất một chế độ được gọi là “đọc lưỡng chế”, tức là đọc tốt cả trên phương tiện điện tử và bản in giấy. Họ còn đề xuất rằng nên cho trẻ tiếp cận và quen với cách đọc trên sách giấy trước khi tiếp cận từ từ với việc đọc trên thiết bị điện tử. Bằng cách ấy, chúng có thể quen với cả hai phương pháp. Nhưng theo thiển ý của chúng tôi, chính ý thức của mỗi người chúng ta mới là cơ chế kiểm soát tốt nhất. Phần đầu của câu chuyện này nói đến một chi tiết: từ cô sinh viên Handscombe đến các chuyên gia đều tự phát hiện ra cách đọc lướt dị thường của mình cản trở họ tìm đến với tri thức thực sự và họ đều nỗ lực để thay đổi điều ấy. Bản thân Maryanne Wolf đã phải bỏ ra hai tuần liền, trong đó tối nào bà cũng đọc lại bản in cuốn sách của Hermann Hesse theo cách từ tốn, chậm rãi, thấu đáo, trong lúc đọc sách bà hoàn toàn chú tâm và không để việc gì khác ảnh hưởng. Cuối cùng, bà đã tìm lại cảm giác đọc đúng. Có thể đó là một tham khảo tốt, hoặc tự chúng ta tìm ra cách cho riêng mình.

Thời gian là quý. Thời gian đọc cũng vậy. Nếu sau khi đọc ta thu nhận được ít, "tiêu hóa" càng ít hơn thì đó không phải là sự lãng phí thời gian hay sao?

(Còn tiếp...)

Nguyên Phong



BÀI CHỌN LỌC

Văn hóa đọc trong thời đại số - Kỳ 1: phải chăng con người sắp đánh mất khả năng đọc?