Văn hóa đọc trong thời đại số - Kỳ 2: Cái giá của sự thông thái

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhà thông thái chậm rãi đến trước mặt đức vua, rút trong túi ra một cuốn kỳ thư đính vô vàn kim cương và ngọc dạ minh châu. Đó là cuốn sách quý, bên trong chỉ có duy nhất một trang giấy nhưng lại chứa đựng tất cả sự thông thái của nhân loại…

Xem lại Kỳ 1

Không rõ tự bao giờ, có một nhà vua mang hiệu là Lãn Đế, ngài trị vì vương quốc Thính Mục. Ở vương quốc này, các thiết bị kỹ thuật số là hết sức phổ biến, lại có đến cả nghìn tờ báo điện tử, Lãn Đế chẳng cần đi đâu cũng có thể biết hết chuyện khắp trong và ngoài nước.

Ngài cũng thích ngồi một chỗ lướt mạng hơn là ra ngoài thăm thú tình hình. Theo sát bên ngài như hình với bóng bao giờ cũng là một con culi mà ngài nuôi làm thú cưng bản mệnh. Tuy vậy, phần lớn thời gian nó ngủ vì con thú này khá lười nhác.

Nhà vua tất nhiên cũng có tài khoản mạng xã hội riêng. Danh sách bạn thân trên mạng xã hội của ngài có từ những cung nữ được “sủng ái” và những hoàng tử công chúa “con cưng” sống ở nội cung mà có đến mấy năm ngài chưa gặp mặt… rồi cả giới showbiz, giới doanh nhân, giới thạo tin, giới chính trị, giới dân chủ… cho đến các bà mẹ “bỉm sữa”. Quốc vương rất chịu khó tương tác nên bao chuyện lớn chuyện nhỏ từ trên báo chí hay trong dư luận ngài đều biết, đến cả những thị phi trong giới showbiz ngài cũng biết hết.

nghiện vào mạng xã hội
Quốc vương rất chịu khó tương tác nên bao chuyện lớn chuyện nhỏ từ trên báo chí hay trong dư luận ngài đều biết. (Ảnh: Pixabay)

Lắm lúc ngài cũng tự hào: “Gia Cát Lượng xưa chưa ra khỏi lều tranh mà đã biết hết chuyện trong thiên hạ. Người ta hay nói ông là bậc kỳ tài trên thông thiên văn, dưới tường địa lý; là bậc tu luyện có đạo hạnh cao. Còn trẫm đây dẫu chẳng kỳ tài như thế, cũng chẳng cần tu Đạo gì hết, nhưng chỉ cần ngồi một chỗ mà biết hết mọi chuyện, thậm chí biết đến cả chuyện con út của ca sĩ X đang mọc răng khôn. Như thế trẫm cũng có thể coi là thông thái thời nay đấy chứ nhỉ?”

Tuy nói thế, nhưng nhà vua vẫn không thực sự tự tin khi đọc những bản tấu chương dài và văn hoa, những kỳ thư dày cộp dạy cách trị quốc của tổ tiên; hay khi lắng nghe những lối tâu bày thâm thúy, nhiều ẩn ý và điển tích của các bậc đại thần làu thông kinh sử...

Những buổi luận bàn văn chương hay khoa học của giới trí thức luôn làm ngài lúng túng khi chủ trì.

“Này, khanh có thể viết ngắn hơn không? Dài quá, ta đọc buồn ngủ lắm”.

“Chỗ này khanh kể cái câu chuyện từ đời nảo đời nào rồi thì có liên quan gì nhỉ? Sao không nói cụ thể hơn một chút lại cứ dùng điển cố làm gì? Sốt ruột!”

“Trẫm bận lắm, khanh có nói gì thì nói nhanh lên”.

v.v.

đọc sách dài khó chịu
“Này, khanh có thể viết ngắn hơn không? Dài quá, ta đọc buồn ngủ lắm”. (Ảnh:Unsplash)

Đó là phản ứng thường thấy của ngài trước bất kỳ vấn đề lớn nhỏ nào của vương quốc mà ngài được người ta tâu trình.

Tất nhiên không ai dám tỏ vẻ coi thường kiến thức của nhà vua. Vì dù sao, ngài vẫn là vua. Tuy vậy, tự trong lòng ngài cảm thấy len lén cựa quậy chút đố kỵ và dằn vặt.

Nhà vua cũng lờ mờ hiểu rằng, những gì ngài xem được, nghe được trong vương quốc Thính Mục chẳng qua chỉ là tin tức, không phải là kiến thức thực sự. Đó là chưa kể trong đó có tạp lẫn nhiều tin đồn thất thiệt, vô giá trị. Ngài cũng muốn mình trở nên thông thái và được các đại thần uyên bác nể vì, không phải chỉ bởi ngài là vua, mà vì ngài cũng uyên bác không kém gì họ.

Nhưng ngặt một nỗi, nhà vua lại lười…

Thế là một hôm, ngài cho gọi các nhà thông thái của vương quốc đến, ra lệnh cho họ phải thu thập mọi kiến thức và sự khôn ngoan của thế gian, rồi tập trung vào một nơi để thuận tiện cho ngài tiếp thu toàn bộ.

Các nhà thông thái cảm thấy đây quả là nhiệm vụ vừa đầy vinh dự lại hết sức khó khăn. Nhưng họ vẫn gắng sức làm bằng được trong mấy năm trời. Một sáng xuân trời đẹp, nhà vua được bẩm báo rằng công trình đã gần như hoàn tất. Ngài quyết định lên kiệu để đám nội thị đưa ngài đến tận Thư viện Hoàng Gia - nơi các nhà thông thái làm việc, để tham quan công trình của họ, như thế cũng là hơi trái với bản tính lần lữa thường ngày của ngài. Con culi tất nhiên được nằm cùng kiệu với ngài và tất nhiên nó vẫn ngủ.

Nhưng vừa xuống kiệu, bước chân vào cửa Thư viện Hoàng Gia, cảnh tượng hàng nghìn cuốn sách to tướng, dày cộp đập vào mắt khiến nhà vua cảm thấy choáng váng. Ngài rút khăn mùi xoa ra chấm chấm thái dương rồi lập cập hỏi:

– Đây… đây là toàn bộ kiến thức mà ta phải đọc sao?

đọc sách đúng cách, văn hoá đọc
Cảnh tượng hàng nghìn cuốn sách to tướng, dày cộp đập vào mắt khiến nhà vua cảm thấy choáng váng. (Ảnh: Pixabay)

Các nhà thông thái trả lời:

– Muôn tâu hoàng thượng, chính thế ạ.

– Các khanh hãy viết lại đi. Nhiều thế này, ta đọc bao giờ mới hết.

Nói rồi ngài lảo đảo quay người hồi triều. Về đến nội cung, ngài thả mình nằm vật xuống long sàng. Thái y viện lại phải vất vả tất bật mấy ngày cắt thuốc bổ để giúp ngài hồi phục tinh thần.

Các nhà thông thái cảm thấy thực hiện yêu cầu của nhà vua còn khó hơn lên trời. Nhưng mệnh vua khó cưỡng. Vậy là họ lại hì hục đêm ngày sửa sang lại bố cục, cấu tứ, thu gọn nội dung thật cô đọng. Có những đợt họ tranh cãi với nhau hàng mấy tuần để bàn xem nên giữ lại nội dung gì, bỏ nội dung gì; viết câu văn làm sao cho thật ngắn gọn dễ hiểu nhất để Lãn Đế còn đọc được mà lại phải không đánh mất giá trị của tác phẩm; vừa phải có nội hàm lại cũng phải "nói trắng" ra cho dễ hiểu; vừa hấp dẫn thu hút, lại không được rẻ tiền câu khách hay phóng đại; lại không được phạm húy, không được làm mếch lòng nhà vua; vừa không được khiến ngài bị chạm tự ái mà vẫn giúp ngài nhìn ra vấn đề... Có khi vì không thống nhất được ý kiến mà họ oán hận nhau hàng tháng trời. Từ những kẻ đầu xanh, công việc này đã khiến người nào cũng phải suy nghĩ đến bạc trắng cả tóc, trên những vầng trán cao rộng thông minh của họ, những nếp nhăn cứ ngày càng đùn ra như sóng. Viết văn cũng thật cực nhọc và nguy hiểm không kém gì đánh trận. Mỗi câu mỗi từ mạo phạm có thể khiến tác giả bị tống ngục hay thậm chí mất đầu như chơi. Nỗi vất vả thật không thể tả xiết.

Trong khi ấy, nhà vua vẫn rung đùi xem tin tức và hưởng thụ sự an nhàn mà không hề biết đến sự khó nhọc của các nhà thông thái. Từ hôm tham quan công trình của họ, ngài lại càng tâm đắc với những ý kiến trên mạng xã hội rằng không cần đọc nhiều mà vẫn có thể không gì không thông tỏ… hiện đang khá phổ biến trong các tầng lớp thị dân của vương quốc Thính Mục.

đọc sách cho đúng cách, Văn hóa đọc trong thời đại số
Ngài lại càng tâm đắc với những ý kiến trên mạng xã hội rằng không cần đọc nhiều mà vẫn có thể không gì không thông tỏ. (Ảnh: Pixabay)

Rồi cũng đến ngày các nhà thông thái hoàn thiện việc sửa chữa tác phẩm. Sách đã được chuyển đến hoàng cung bằng xe ngựa và được một toán lính ngự lâm khệ nệ bê vào triều. Trước mắt nhà vua là một cuốn sách to và dày như chiếc két sắt cỡ lớn. Thế nhưng trong giây lát, chẳng hiểu sao nhà vua lại mong ước rằng giá như trong đó đựng kim cương, vàng khối hay ngoại tệ mạnh thì tốt hơn là kiến thức và sự khôn ngoan.

Ngài phán:

– Sách vẫn to và dày quá. Ta có tật cứ nhìn thấy nhiều chữ là buồn ngủ. Các ái khanh có thể làm ngắn gọn thêm nữa được không? Và cho thêm nhiều hình ảnh minh họa chất lượng cao nữa, nhiều màu sắc bắt mắt vào.

Các nhà thông thái đáp:

– Muôn tâu hoàng thượng, việc cô đọng toàn bộ kiến thức của nhân loại vào một cuốn sách duy nhất quả là việc rất khó khăn. Thời nhà Tần, tể tướng Lã Bất Vi tập hợp kỳ nhân dị sĩ khắp nơi để viết nên cuốn sách Lã Thị Xuân Thu được coi như Bách khoa Toàn thư của thời đại đó. Nhưng đó chỉ là chuyện của thiên hạ nhà Tần và cách nay đã hơn 2000 năm. Từ bấy đến nay, nhân loại đã có thêm biết bao nhiêu kiến thức. Chúng thần đã cố gắng hết sức chỉnh sửa từng câu từng chữ, nhưng…

– Dài dòng quá. Ta không cần biết! Các khanh muốn làm gì thì làm. Hạn cho các khanh một tháng nữa phải có sách để ta đọc.

Các nhà thông thái run bắn, tim đập thình thịch. Sau nhiều năm khổ công nghiên cứu, họ vốn đã thông thái lại càng thông thái hơn. Giờ đây có thể nói họ là những người thông thái nhất. Nhưng họ vẫn không thể nghĩ ra cách nào khiến cho cuốn sách nhỏ hơn, mỏng hơn nữa mà vẫn không để sót một nội dung nào trong kho tri thức của nhân loại.

lười đọc sách
Họ vẫn không thể nghĩ ra cách nào khiến cho cuốn sách nhỏ hơn, mỏng hơn nữa. (Ảnh: Pixabay)

Họ ước được làm con culi đang ngáy khò khò bên long sàng của hoàng thượng.

Nhưng thánh chỉ đã ban ra, họ buộc phải tìm ra giải pháp nếu không muốn rơi đầu. Người xưa nói: “Làm bạn với vua như chơi với hổ” quả không sai!

Rốt cuộc thì ngày ấy cũng đến. Hôm đó dân chúng trong thành nô nức rủ nhau đi xem sách quý. Họ không muốn ngồi nhà xem điểm tin nữa. Cuốn sách được một nhà thông thái đại diện cho cả nhóm mang vào triều, những người còn lại không biết đã đi đâu. Nhà thông thái này đã già lắm rồi. Có vẻ như những nỗ lực trong nhiều năm nghiên cứu và viết sách theo yêu cầu của nhà vua đã lấy đi toàn bộ sinh lực của ông, và dường như sau việc này ông đã có thể thanh thản nhắm mắt.

đọc sách đúng và yêu đọc sách
Cuốn sách được một nhà thông thái đại diện cho cả nhóm mang vào triều, những người còn lại không biết đã đi đâu. (Ảnh: Shutterstock)

Cả triều đình đang háo hức đợi ông.

Nhà thông thái chậm rãi tiến vào sân chầu, rút trong túi ra một cuốn sách cực đẹp, bìa làm bằng da đính vô vàn kim cương và ngọc dạ minh châu, các đường may đều bằng chỉ vàng, tưởng như một tác phẩm nghệ thuật thời Phục Hưng. Ông lập cập quỳ xuống, tay run run nâng sách ngang mày, giọng khàn khàn:

– Muôn tâu bệ hạ, sách đã xong, chúng thần xin kính cẩn dâng bệ hạ ngự lãm.

Một quan nội thị chạy tới đỡ lấy sách mang lên bệ rồng rồi quỳ xuống và dâng lên nhà vua.

Nhà vua hớn hở giơ tay cầm lấy cuốn sách. Có vẻ như bìa sách đã chiếm hầu hết chiều dày của cuốn kỳ thư, ruột sách rất mỏng, rất đúng ý ngài, rất đáng hài lòng. Nhà vua sắp trở nên thông thái trong giây lát. Ngài giở sách ra.

Bên trong sách chỉ có một trang giấy. Nhà vua liếc mắt từ trên xuống dưới:

Không có sự thông thái nào không phải trả giá.

 

Không có sự thông thái nào không phải trả giá.
Không có sự thông thái nào không phải trả giá. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp từ Pixabay)

Có tiếng thét lớn.

Con culi lần đầu tiên choàng mở mắt, nhổm phắt dậy…

Chuyện đến đây là hết. Chúng tôi cũng không rõ kết thúc của chuyện ra sao, hay có lẽ đó là câu chuyện không có hồi kết của loài người.

Nguyên Phong



BÀI CHỌN LỌC

Văn hóa đọc trong thời đại số - Kỳ 2: Cái giá của sự thông thái