Nhân phẩm cao thượng của con người có thể cảm động Trời Đất, hơn nữa cũng có thể cảm động đến cả loài thú. 

Trong lịch sử đã từng có nhiều trường hợp hổ cảm nhận được tinh thần trung thành, nhân nghĩa. Mãnh thú như hổ dữ cũng có thể cảm ứng được cao đức nhân từ của vị quan viên. Cả Lưu Côn và Tống Quân ở thời Đông Hán đều để lại kỳ tích "độ hổ" trong lịch sử - họ lấy chính trị nhân từ để giáo hóa nhân dân tại địa phương, hổ ăn thịt người trong quận huyện đều tự động vượt sông mà đi. Bài viết này kể lại một câu chuyện được ghi chép trong chính sử xảy ra vào cuối thời nhà Minh đầu thời nhà Thanh.

Sau khi nhà Minh bị diệt vong, những hậu duệ còn lại của hoàng gia lập ra chính quyền Nam Minh tồn tại trong thời gian ngắn ngủi. Đường vương Chu Duật Kiện tự xưng đế ở Mân Trung (tức Phúc Kiến). Chưa đầy hai năm, Long Vũ Đế bị bắt và băng hà, Vĩnh Minh Vương Chu Do Lang tự xưng là giám quốc. Chẳng bao lâu sau, em trai của Long Vũ Đế là Thiệu Vũ Đế cũng kế vị ở Quảng Châu, Quảng Đông. Mấy ngày sau, Vĩnh Minh Vương Chu Do Lang cũng xưng đế ở Triệu Khánh Quảng Tây, lấy niên hiệu là Vĩnh Lịch.

Vào thời điểm đó, hầu hết các kẻ sĩ trung nghĩa đều hy sinh. Phụ thần Nghiêm Khởi Hằng (tự Chấn Sinh, hiệu Thu Dã) có danh tiếng và uy tín lớn. Nghiêm Khởi Hằng là người Sơn Âm, tỉnh Chiết Giang. Ông đỗ Tiến sỹ vào năm Sùng Trinh thứ 4, từng giữ chức Tri phủ Quảng Châu, sau đó được điều động làm Phó sứ Binh bị Vĩnh Châu. Vào năm Sùng Trinh thứ 16, Trương Hiến Trung xâm chiếm Hồ Nam, giết người như ngóe, khiến cho quan lại và bách tính lũ lượt chạy trốn, nhưng Khởi Hằng vẫn bảo vệ vững vàng Vĩnh Châu, làm cho quân giặc không thể tiến đến.

Sau khi Long Vũ Đế lên ngôi, Nghiêm Khởi Hằng được bổ nhiệm làm Hữu thị lang Hộ bộ, Tổng đốc tài chính Hồ Nam. Dưới triều đại Vĩnh Lịch Đế, ông cũng kiêm việc giám sát quân lương cho quân đội Hồ Nam. Khi Vĩnh Lịch Đế đến Võ Cương, Nghiêm Khởi Hằng được bổ nhiệm làm Lễ bộ Thượng thư kiêm Đại học sĩ Đông Các. Khi Vĩnh Lịch Đế chuyển đến Tĩnh Châu (nằm ở khu vực giáp ranh với Tương Tây Nam và Tương Kiềm Quế), Khởi Hằng không kịp đi theo, lánh nạn ở Vạn Thôn. Sau đó, biết được Hoàng Lịch Đế đang ở Liễu Châu, Khởi Hằng đã hướng theo đường mòn mà đi để bảo vệ chủ. Sau đó đi theo đến Nam Ninh và những nơi khác.

Khi chính quyền của Vĩnh Lịch Đế lưu lạc khắp nơi ở Tây Quảng Đông, bị kiểm soát bởi Tôn Khả Vọng. Tôn Khả Vọng là con nuôi của tên cướp lưu vong Trương Hiến Trung, vốn là tướng của quân đội Đại Tây, sau đó chuyển sang dưới trướng của chính quyền Nam Minh. Tại Vân Nam, Tôn Khả Vọng muốn Vĩnh Lịch Đế phong hắn làm Tần Vương, nhưng Vương Khởi Hằng và nhiều quần thần khác đều cho rằng điều đó là không thể, Tôn Khả Vọng rất lấy làm tức giận. Có một cận thần là Hồ Chấp Cung đã ban hành một sắc lệnh giả để phong hắn làm Tần Vương, nhưng Tôn Khả Vọng phát hiện ra đó là giả, liền sai sứ giả đến để yêu cầu sắc phong thật. Nhưng Nghiêm Khởi Hằng kiên quyết không đồng ý, điều này khiến Tôn Khả Vọng vô cùng tức giận.

Khi Tôn Khả Vọng biết tin Vĩnh Lịch Đế sẽ di dời đến Nam Ninh, liền phái các tướng Hạ Cửu Nghi, Trương Thắng… dẫn 5.000 binh lính nghênh vương đến Nam Ninh. Tôn Khả Vọng trực tiếp lên thuyền của Nghiêm Khởi Hằng, tức giận trừng hai mắt, vung hai tay, tra hỏi rốt cuộc Vĩnh Lịch Đế phong hiệu cho hắn có phải là "Tần" hay không phải là "Tần"? Nghiêm Khởi Hằng trả lời: “Ngài từ xa đến nghênh đón quân chủ chúng ta, công lao rất lớn, triều đình ắt sẽ tự nhiên ban ân sủng cao quý. Nhưng ngài lại đến đây như vậy, đó là ép phong, chứ không phải nghênh chủ".

Hạ Cửu Nghi ở bên cạnh giận tím mặt, giết Nghiêm Khởi Hằng chết ngay tại chỗ, đem thi thể của ông ném xuống sông. Đó là tháng Hai năm Thuận Trị thứ tám (năm 1651). Thi thể của Nghiêm Khởi Hằng trôi hơn mười dặm, dạt vào cồn cát. Đột nhiên, có một con hổ xuất hiện, tha xác của Nghiêm Khởi Hằng lên vách đá, chôn cất ông ở chân đồi.

Nhìn lại loạn tặc Trương Hiến Trung và mấy người con nuôi của ông ta vào cuối thời nhà Minh, ngoại trừ Ngụy Tấn Vương Lý Định Quốc chịu quy chính ra, những người như Lưu Văn Tú, Ngải Năng Kỳ… đều thích giết người gây họa, so với mãnh thú ăn thịt người còn hung tàn hơn. Con hổ này thậm chí còn hiểu được lòng trung nghĩa, bảo vệ trung nghĩa, nếu so sánh, những tên phản nghịch kia thực sự không bằng loài cầm thú!

Nguồn: "Minh sử liệt truyện số 167”

Theo Hoài Nhẫn Nhẫn - The Epoch Times

Đức Nhã biên dịch