Vào địa phủ cải biến vận mệnh, nghe quái thai kể chuyện nhân duyên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Con người chết rồi sẽ đi về đâu? Linh hồn đã rời khỏi thân xác liệu có tiến vào kiếp sống tiếp hay chăng? Nếu như số phận đã an bài, thì làm thế nào để cải biến thọ mệnh? Hai câu chuyện dưới đây sẽ cho chúng ta câu trả lời.

Thọ mệnh dài ngắn có thể cải biến được không?

Xưa ở vùng Ninh Hải có gia đình họ Triệu sinh được người con trai tên là Triệu Sinh. Triệu công tử phơi phới thanh xuân, chỉ mới 16 tuổi nhưng đáng tiếc lại mắc trọng bệnh, dù gia đình đã tận tình săn sóc nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm.

Một ngày Triệu Sinh nằm trên giường, đang mơ mơ màng màng thì đột nhiên thấy người cha quá cố của mình đang làm quan Thị ngự dưới âm tào.

Triệu lão gia gặp lại con trai thì vô cùng kinh ngạc, ông bèn hỏi: “Con à, con còn trẻ tuổi, sao lại lạc vào chốn địa phủ thế này? Ta tin thọ mệnh của con còn dài, vậy hãy cùng ta đi gặp Thần Thành Hoàng cai quản nơi này để hỏi cho rõ ràng”.

Vị quan Thị ngự dẫn Triệu Sinh đến sở quan, tại đây hai cha con được Thần Thành Hoàng tiếp đón theo lễ tân khách.

Quan Thị ngự nói với Thần Thành Hoàng rằng, chàng thiếu niên đứng bên cạnh mình tên là Triệu Sinh, là con trai của ông lúc sinh thời, mặc dù tuổi còn rất trẻ nhưng không rõ vì sao lại đọa vào địa phủ. Thần Thành Hoàng bèn kiểm tra sổ sinh tử rồi phán: “Dương thọ chưa hết, nhà ngươi vẫn còn sống thêm được 10 năm nữa, giờ thì ngươi có thể hồi dương được rồi”.

Triệu Sinh nghe nói rằng mình chỉ sống được chục năm ngắn ngủi thì trong tim như thắt lại, sắc mặt bỗng tối sầm, bộ dạng vô cùng buồn bã.

Thần Thành Hoàng hiểu được tâm ý của cậu, bèn cười vang và nói: “Nhà ngươi yên tâm, cuốn sổ sinh tử này có linh tính. Tuổi thọ của mỗi người không cố định bất biến, chỉ cần luôn gắng sức hành thiện thì ai cũng có thể cải biến vận mệnh, có thể kéo dài tuổi thọ được”.

Sau đó một viên sai lại đến báo: “Khương tiết phụ đã đến!”.

Thần Thành Hoàng mừng rỡ sai người mở rộng cửa chính rồi cung kính bước ra nghênh đón. Triệu Sinh chăm chú nhìn vị khách vừa mới đến, thì ra Khương tiết phụ là một bà lão thôn quê đã hơn bảy mươi tuổi. Thần Thành Hoàng nói với bà lão: “Bà kiên định tâm chí, ở góa thờ chồng suốt bốn mươi năm mà không cải tiết, nhất định sẽ được thác sinh làm một quý phu nhân”.

Khương tiết phụ vội hỏi: “Thưa ngài, liệu đời sau tôi có thể đắc thân nam, làm một trang nam tử không?”.

Thần Thành Hoàng đáp: “Có thể. Thân phận nên là như thế, sau khi chuyển sinh hy vọng bà sẽ không hồ đồ quên mất nhân duyên tiền kiếp. Lần chuyển sinh này bà sẽ được làm quan viên, danh vọng hiển đạt, hãy lấy đó mà cống hiến sức mình phục vụ muôn dân, chớ có cô phụ phúc đức từ tiền kiếp”.

Dứt lời, Thần Thành Hoàng liền sai người tấu nhạc tiễn đưa Khương tiết phụ lên đường chuyển sinh.

Triệu công tử tỉnh dậy sau cơn hôn mê, đến lúc này mới biết cậu đã nằm mê man trên giường suốt một ngày một đêm. Và trong thời gian ấy, ở thôn Nam gần đó quả nhiên có một tiết phụ họ Khương vừa mới từ trần. Triệu Sinh hiểu rằng “Thiện ác hữu báo”, sau khi trở về từ địa phủ cậu luôn nỗ lực hành thiện, say này được hưởng dương thọ đến 80 tuổi mới qua đời.

Một tòa cổ miếu (Ảnh: Khu vực công cộng)

“Quái thai” kể lại nhân duyên chuyển thế

Vào năm cuối Sùng Trinh thời nhà Minh, bang giặc cướp Trương Hiến Trung hoành hành tại Tứ Xuyên, và đã tàn sát vô số dân chúng vô tội. Lúc ấy có một người quê ở Ma Thành (thuộc Hoàng Cương, Hồ Bắc) bị bang loạn tặc này giết chết. Nhưng anh ta không biết rằng bản thân đã chết, linh hồn vẫn còn vất vưởng ở Tứ Xuyên, ngày đêm mong ngóng được trở về cố hương.

Mỗi khi đêm đến quỷ hồn lại tìm đường đi về phía đông, nhưng giữa đường luôn bị gió thổi bay sang hướng khác, vậy nên dù đã cất công đi suốt ba năm mà vẫn chưa về đến quê nhà. Quỷ hồn vô cùng lo lắng, hễ nghe thấy tiếng gió liền nằm phủ phục xuống đất, hai tay nắm chặt lấy gốc cỏ mới mong không bị gió thổi bay. Cuối cùng anh ta cũng về đến Ma Thành. Lúc ấy trời tờ mờ tối, cửa thành vẫn đóng, quỷ hồn liền ngồi nghỉ phía sau miếu Nhạc Thần. Tòa cổ miếu này còn gọi là miếu Nhạc Đế, là nơi thờ phụng Thần Đông Nhạc Thái Sơn.

Đột nhiên quỷ hồn thấy một vị Phán quan cầm cuốn sách bước lên điện báo cáo với Thần Nhạc Đế: “Xin hãy ban cho người họ Mai ở Ma Thành một đứa con trai”.

Nhạc Đế lắc đầu: “Người này nghiệp chướng nặng nề, không thể có con trai”.

Phán quan nói: “Nhưng quan Thự sở trên Thiên đình đã hạ lệnh, e rằng không thể làm trái ý trời”.

Sau đó, Phán quan cầm cuốn sổ sinh tử dâng lên điện và tâu với Nhạc Đế: “Trước kia Mai Mỗ từng gặp một người sắp chết cóng trên đường, anh ta liền mua một bó cỏ cho anh ta sưởi ấm, nhờ đó đã cứu sống một mạng người. Nhờ việc thiện ấy nên mới được ban cho một mụn con trai”.

Nhạc Đế đáp: “Vậy hãy để người ngồi bên cạnh miếu đầu thai làm con trai Mai Mỗ”.

Nhạc Đế dứt lời, liền có một nhóm sai nha từ trong miếu bước ra, kéo quỷ hồn vào miếu điện.

Quỷ hồn hốt hoảng kêu lên: “Tôi là người vẫn còn đang sống sờ sờ ra đây, sao lại bắt tôi đi đầu thai?”.

Nhóm sai nha liền cười lớn: “Ngươi là người, vì sao lại sợ gió và lại đi đêm?”. Lúc này quỷ hồn mới ngộ ra rằng bản thân đã tử vong từ lâu rồi.

Quỷ hồn bước lên điện thưa: “Cho dù phải đầu thai, tôi cũng không muốn làm người nhà họ Mai! Tôi quen biết ông Mai, luôn biết hắn ta là kẻ thế nào, sao có thể đi làm con trai hắn ta cơ chứ?”.

Phán quan đáp: “Ngươi cứ yên tâm làm con trai họ Mai, như thế cũng có chỗ tốt cho cả đôi bên”.

Quỷ hồn ghi nhớ lời Phán quan căn dặn, sau đó theo các sai nha đến nhà họ Mai.

Đêm ấy, vợ họ Mai sinh được một mụn con trai, đứa trẻ vừa sinh ra đã mở miệng nói chuyện khiến ai cũng kinh hãi cho là “quái thai”. Người nhà họ Mai tin rằng đây là điềm gở, toan giết bỏ đứa trẻ để diệt trừ hậu họa. “Chờ đã!”, đứa trẻ liền vội vàng kể lại mọi chuyện và giải thích vì sao lại chuyển sinh vào nhà họ Mai. Câu chuyện khó tin nhưng có thật này khiến ai nấy đều kinh ngạc sững sờ.

Trên đầu ba thước có Thần linh, từ đó nhà họ Mai nỗ lực làm việc thiện, nuôi dưỡng con trai nên người. Đến năm Bính Thìn dưới thời Khang Hy, tức năm 1676, cậu con trai nhà họ Mai vẫn còn sống và là nhân chứng cho cuộc đời kỳ lạ của mình. Sau này, tiến sĩ Thi Phổ Lâm, một hậu duệ của tướng lĩnh thị lang thời nhà Thanh đã tường thuật lại câu chuyện này và lưu truyền hậu thế.

(Câu chuyện được Tiến sĩ Thi Phổ Lâm, hậu duệ của tướng triều Thanh Thi Lang kể lại)

Theo Hoài Nhẫn Nhẫn - Epoch Times
Minh Tâm biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Vào địa phủ cải biến vận mệnh, nghe quái thai kể chuyện nhân duyên