Vào thời cổ đại vợ chồng không gọi nhau là lão công, lão bà mà thường gọi là gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một cặp vợ chồng mới cưới là nền tảng cốt lõi của gia đình, đạo đức luân thường của quốc gia và xã hội. Một cặp vợ chồng tốt còn có thể gọi là một cặp uyên ương, có thể cùng sánh đôi, tình sâu nghĩa nặng. Từ xưa đến nay, vợ chồng với nhau sẽ xưng hô như thế nào?

Cách xưng hô có thể bắt nguồn từ những lễ nghi được đặt ra, hoặc sử dụng phương pháp ẩn dụ hoặc đại từ xưng hô để vừa có thể thể hiện tình nghĩa, sự tôn kính lẫn nhau, đôi lúc còn xen lẫn sự hài hước và dí dỏm.

Trong xã hội hiện đại, hoặc trên các phương tiện truyền thông ngày nay thường dùng từ “lão công” (ông xã) và “lão bà” (bà xã) để chỉ cách xưng hô giữa vợ chồng với nhau, thay thế cho cách gọi trượng phu và thê tử. Cách xưng hô này dường như đã thay thế hoàn toàn những cách gọi truyền thống khác trong lịch sử. Chữ “lão” trong từ “lão công”, “lão bà” có nghĩa là tuổi tác đã cao.

Ví dụ trong “Tam quốc chí – Đặng Ngải truyện” có câu: “Thất thập lão công, phản dục hà cầu!” (Tạm dịch là: Chồng đã bảy mươi, còn mong gì đây?);

Trong “Toàn Đường thi” có viết: “Bát thập lão bà phách thủ tiếu, đố tha chức nữ giá khiên ngưu” (Tạm dịch là: Vợ tám mươi tuổi vỗ tay cười, đố kị nhìn Chức Nữ được gả cho Khiên Ngưu).

Đến thời nhà Minh và nhà Thanh, từ “lão công” và “lão bà” cũng được dùng để chỉ vợ chồng, nhưng chỉ được dùng cho những người thô tục. Ví dụ trong cuốn tiểu thuyết “Kim Bình Mai”, Tây Môn Khánh sau lần đầu tiên gặp Phan Kim Liên, đã đến tìm Vương Bà để nghe ngóng: “Lại đây, cho ta hỏi dưới mái nhà cách vách này là nương tử của ai?”.

Vương Bà nói: “Đại quan nhân sao lại không nhận ra? Lão công (chồng) cô ấy bán đồ ăn ở phía trước huyện nha”.

Trong “Tây du ký”, Trư Bát Giới cũng gọi vợ là “lão bà”. Trư Bát Giới nói Tôn Ngộ Không rằng: “Tôi e đi tu không thành thì ắt là làm hòa thượng không xong, mà lại khó cưới vợ (lão bà), phải là lỡ dở hay không”.

So với cách gọi lão công và lão bà, vợ chồng cũng có thể gọi nhau là “khanh” để thể hiện tình cảm, vừa có ý tứ lại vừa thể hiện sự khăng khít, thương yêu và đùm bọc lẫn nhau. Ở bài thơ “Tiêu Trọng Khanh thê” trong Nhạc Phủ thi tập, Lưu Chi Lan gọi Tiêu Trọng Khanh là “khanh”, “Ngã tự bất khu khanh, bức bách hữu a mẫu” (Tạm dịch là: “Đâu phải ta muốn bỏ khanh, mẹ bức bách khó hòng).

Đến cuộc khởi nghĩa Quảng Châu thời cận đại, trong thư “Vĩnh biệt vợ”, Lâm Giác Dân đã gọi vợ là ‘khanh khanh’ để thể hiện tình cảm chân thành, đã khiến trái tim bao người xúc động, phải rơi lệ vì tình yêu của họ.

Ngoài ra, còn có những cách xưng hô giản dị khác hoặc những cách gọi mang tính ẩn dụ, cần sự liên tưởng khi vợ chồng gọi nhau. Đồng thời, cách xưng hô giữa vợ chồng với nhau cũng có thể có hàm ý sâu xa, thể hiện sự kết duyên xứng đôi vừa lứa của hai người. Chúng ta hãy cùng nhau bàn luận về những cách xưng hô này nhé.

Sơ đồ hôn lễ của Hoàng đế thời nhà Thanh. Bức tranh “Toàn tập sơ đồ lễ cưới lớn” do Khánh Khoan thời nhà Thanh vẽ. (Ảnh thuộc miền công cộng)

“Tướng công và phu nhân”, “Tướng công và nương tử”

Tướng công là cách gọi đối với chư hầu, còn phu nhân là cách gọi kính trọng đối vợ của chư hầu, thiếp của Thiên tử, và những người phụ nữ được sắc phong. Trong cuốn “Thích danh - Thích thân thuộc” có chép: “Vợ của chư hầu gọi là phu nhân, phu cũng tức là phù trợ, giúp đỡ chồng vậy”.

Có thể thấy rằng từ phu nhân có hàm ý chỉ một người vợ hiền thục. Vì vậy, cặp danh từ “tướng công và phu nhân” đã trở thành một trong những cách xưng hô của vợ chồng, người chồng được gọi là tướng công, người vợ được gọi là phu nhân. Cách gọi này cũng làm nổi bật thân phận và địa vị của hai người.

“Tướng công” cũng là cách gọi tôn kính dành cho những người có học thức, còn “nương tử” dùng để chỉ vợ của quan lại, hoặc vợ của những người dân thường. Trong cuốn “Nam thôn chuyết canh lục - Quyển thứ 14 - Phụ nữ viết nương” của Đào Tông Nghi đời nhà Nguyên có chép rằng: “Ở Đại Đô nhà Nguyên, từ vợ của dân thường đến vợ của quan lớn trong triều, đều được gọi là nương tử”. Cách gọi này vẫn được sử dụng vào thời nhà Minh và nhà Thanh.

Lương nhân và nội tử, ngoại tử và nội tử

Ngoài ra, cách dùng từ “lương nhân” để chỉ người chồng hoặc đối tượng để kết hôn đã có từ thời xưa. Trong cuốn “Mạnh Tử - Ly Lâu hạ” có chép: “Lương nhân là người mà vợ ngưỡng vọng và sống trọn đời”. Lương nhân chính là người chồng mà người vợ có thể yên tâm giao phó cả cuộc đời.

Trong bài “Hàn Khuê thi” của Tiêu Dịch thời Nam Bắc Triều có câu: “Chim khách bay về phương nam trong đêm, lương nhân vẫn chưa trở về”, thể hiện sự thương nhớ của người vợ nơi chốn khuê phòng đối với người chồng đang bôn ba bên ngoài.

Vào thời cổ đại, người vợ cả của Khanh Đại Phu được gọi là “Nội tử”. Trong cuốn “Thích danh - Thích thân thuộc” có chép rằng: “Vợ của bậc Khanh thì gọi là nội tử, là người phụ nữ lo toan mọi việc của gia đình vậy”.

Vợ của tể tướng Yến Anh nước Tề thời Xuân Thu là một trong những “nội tử” nổi tiếng nhất, là người đã làm nổi bật phẩm chất cao quý không bị mê hoặc của Yến Tử (Yến Anh), đến nay sử sách vẫn còn lưu danh.

Sách “Hán Thư” có chép: “Yến Anh là tướng quốc của Cảnh Công, khi ăn không coi trọng việc ăn thịt, vợ không mặc áo lụa, trị vì nước Tề thịnh trị”.

Khi đó, Yến Anh làm tể tướng nước Tề, danh tiếng được lan truyền khắp nơi. Một hôm, Vua Tề Cảnh Công đến nhà ngỏ ý muốn gả con gái cho ông. Vào thời điểm đó, Yến Anh đã kết hôn nhiều năm, vợ của ông cũng không còn trẻ. Tề Cảnh Công thấy vợ của Yến Anh mặc quần áo may bằng vải thô, vừa già vừa xấu nên cảm thấy rất ngạc nhiên, cho rằng hai người không xứng đôi với nhau.

Trong “Yến Tử Xuân Thu” có chép: “Cảnh Công có một người con gái, muốn gả cho Yến Tử, nên đến nhà Yến Tử, lúc uống rượu say thấy vợ của Yến Tử thì hỏi rằng: “Đây là nội tử của khanh à?”. Sau đó Tề Cảnh Công ngỏ lời muốn gả con gái của mình cho ông, nhưng Yến Anh nhiều lần từ chối. Dù làm quan cao đến đâu, danh vọng lớn đến mấy thì Yến Anh vẫn giữ gìn đạo nghĩa với người vợ đã cùng mình trải qua khó khăn hoạn nạn, là một lương nhân chân chính để nội tử có thể nương tựa suốt đời. Yến Tử cùng vợ chính một đôi “lương nhân và nội tử” mẫu mực, làm gương cho hậu thế”.

Người vợ quản lý gia đình ở chốn khuê phòng được gọi là “nội tử”, nên người đời sau còn gọi người chồng là “ngoại tử”, để thành một đôi. Vậy cách gọi này xuất hiện từ khi nào? Trong cuốn thứ ba sách “Hằng Ngôn Lục” của Tiền Đại Hân thời nhà Thanh có chép một câu chuyện: Người chồng Từ Phỉ có bài thơ “Tặng nội thi”, ngoài ra còn có một bài thơ “Vịnh cây đào trước phòng tặng nội thi”, người vợ Lưu Thi đáp lại bằng bài “Đáp ngoại thi”. Cách xưng “nội” và “ngoại” có lẽ bắt nguồn từ đây. Cách gọi này đến vẫn được sử dụng một cách phổ biến.

Cảo châm và Chuyết kinh

Trong cuốn “Ấu học quỳnh lâm - Quyển hai - Phu phụ loại” có chép: “Chồng gọi vợ là Chuyết kinh, cũng gọi là nội tử; vợ gọi chồng là Cảo châm, cũng xưng là lương nhân”.

Vậy cách gọi “Cảo châm” có nguồn gốc như thế nào? Cảo châm là một dụng cụ dùng để cắt cỏ dại, còn được gọi là Phu (?). Vì chữ Thiết đồng âm với chữ phu (夫 - chồng), nên được mượn dùng để chỉ từ “trượng phu”. Quyền Đức Dư đời Đường trong tác phẩm “Ngọc Đài Thể” viết rằng: “Diên hoa bất khả khí, mạc thị cảo châm quy” (Tạm dịch là: Không thể không trang điểm, để đợi chồng trở về), không chỉ thể hiện tình cảm giữa vợ chồng với nhau mà còn thể hiện sự hài hước của người xưa.

Người vợ mượn dụng cụ cắt cỏ là “Phu” để gọi người chồng, còn người chồng lại mượn hình tượng chiếc trâm cài đầu mộc mạc để gọi người vợ là “Chuyết kinh”. Cách gọi này bắt nguồn từ một điển cố nổi tiếng được chép lại trong “Liệt Nữ truyện”.

Điển cố này kể về một ẩn sĩ nổi tiếng thời Đông Hán là Lương Hồng cùng người vợ là Mạnh Quang đi ẩn cư. Mạnh Quang là người vợ hiền thục, không chút phấn son, chỉ dùng một nhành mận gai làm trâm cài tóc, mặc quần áo bằng vải thô, giúp Lương Hồng có thể vừa cày cấy vừa đọc sách. Mạnh Quang là một người vợ hiền đức được sử sách lưu danh, tỏa sáng từ đức hạnh ở nội tâm, mộc mạc tự nhiên còn quý hơn cả châu ngọc. Vì thế người đời sau, gọi người vợ của mình một cách khiêm tốn là Chuyết kinh.

Mạnh Quang đem cơm đã làm sẵn đặt lên một chiếc mâm gỗ, hai tay dâng cao ngang mày, cung kính đem đến trước mặt chồng
Mạnh Quang đem cơm đã làm sẵn đặt lên một chiếc mâm gỗ, hai tay dâng cao ngang mày, cung kính đem đến trước mặt chồng. (Tranh: phạm vi công cộng)

Phu tử và phu nhân, quân và thiếp

“Phu tử” là cách gọi kính trọng của người vợ dành cho chồng. Thuở xưa, khi người con gái sắp lấy chồng, người mẹ sẽ dặn dò kỹ lưỡng rằng: Khi về nhà chồng thì phải vâng lời phu tử!

Trong cuốn “Mạnh Tử - Đằng Văn Công hạ” có chép như sau: “Con về nhà chồng, phải kính phải răn, chớ trái mệnh phu tử”.

“Phu nhân” là để chỉ người vợ giúp đỡ chồng (phu tử) của mình. Còn người thiếp sẽ gọi chồng mình là “quân” hoặc là “nam quân”, gọi người vợ cả là “nữ quân”. Trịnh Huyền thời nhà Hán đã giải thích trong cuốn “Lễ ký - Nội tắc” rằng: “Phàm là thê thiếp thì gọi chồng là quân”. Đó chính là sự phân biệt về luân thường.

Quan nhân và nô gia

Từ “quan nhân” trên mặt chữ có nghĩa là người có chức vị, không phải là người thường. Ví như Hàn Dũ thời nhà Đường trong bài “Thí Đại Lý bình sự Vương quân đại chí minh” có viết: “Phải gả cho quan nhân, không được gả cho người thường”. Về sau từ “quan nhân” cũng trở thành cách để người vợ gọi chồng.

“Nô” hay “nô gia” là cách tự xưng khiêm tốn của người phụ nữ. Trong biến văn thuyết xướng và tiểu thuyết tại Đôn Hoàng cũng biểu đạt ý giống như vậy, chẳng hạn như “Đôn Hoàng biến văn tập tân thư – quyển 5 – Vương Chiêu Quân biến văn” có viết: “Chỉ tay lên mây trắng mà hô gọi, nghe một nhạc khúc tạm biệt quê hương của nô”.

Vào thời nhà Minh, trong tác phẩm “Tĩnh thế hằng ngôn – quyển chín – Trần Đa Thọ sinh tử phu thê” có viết: “Thiếp và chàng kết tóc xe duyên, vui buồn cùng nhau. Nay quan nhân mắc bệnh, cũng là trong mệnh của nô gia có vậy. Hai ta sống chết có nhau thì có lý gì phải nói!”

Trượng phu và thái thái, trượng phu và thê tử

Theo đơn vị đo lường thời nhà Chu, một người nam trưởng thành sẽ cao khoảng 8 thước (tức 1,6 m, gần 1 trượng, 10 thước), vì vậy người nam thường được gọi là “trượng phu”. Ví dụ như trong “Trùng san tống bản mao thi chú sớ phụ hiệu khám kí / Quốc Phong – phiêu hữu mai” có câu “Trượng phu ở độ tuổi 20 không thể không lấy vợ; nữ tử ở tuổi 15 không dám không thờ người”.

Từ “trượng phu” trong câu này là để chỉ người nam, hình tượng người nam trái người với người nữ. Từ trượng phụ dùng để chỉ bậc nam tử anh tuấn uy vũ, có chí khí. Sau này từ trượng phu trở thành cách xưng hô trong quan hệ vợ chồng, để chỉ hình tượng “người chủ của gia đình”. Trong các tiểu thuyết thời nhà Minh, từ “trượng phu” thường dùng để gọi người chồng. Trong hồi thứ 12 của Tây Du Ký cũng có câu: “Tên của ta là Lý Thúy Liên, trượng phu của ta tên là Lưu Danh Toàn”.

“Thái thái” là từ dùng để gọi vợ của quan viên từ Tuần phủ trở lên. Trong “Tục thuyết phu – quyển 16 – giáp ất thừa ngôn, biên đạo thi” viết: “…duy chỉ có vợ của chức trung thừa trở lên được gọi là thái thái”.

Trong “Nho lâm ngoại sử” có câu: “Nếu như người phụ nữ đã gả chồng, lúc gả thì gọi là tân nương, sau này gọi là nãi nãi, thái thái, mà không gọi là tân nương nữa”.

Cách gọi “thê tử” đã xuất hiện từ thời thượng cổ. Trong cuốn “Thích danh - Thích thân thuộc” có chép: “Vợ của người nam gọi là thê, được xếp ngang nhau. Người chồng không cao quý hơn vì vậy được gọi ngang nhau”, chính là nói cách xưng hô "phu thê" thể hiện quan hệ vợ chồng cùng ngồi cùng ăn, ngang vai ngang vế trong một những gia đình bình thường.

Trong "Thi Kinh - Thường Đệ" có câu: "Thê tử hảo hợp như cổ sắt cầm" miêu tả cảnh chung sống hòa hợp của vợ chồng như hòa âm của đàn sắt đàn cầm.

Từ những danh xưng giữa vợ chồng từ thời cổ đại đến nay, cho dù là cách gọi hàm súc hay tao nhã, ngọt ngào hay giản dị, mỗi cách gọi đều có nguồn gốc, đều hàm chứa trong đó tình cảm, giúp tình nghĩa vợ chồng thêm son sắt.

Tác giả: Dung Nãi Gia - Epoch Times

Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Vào thời cổ đại vợ chồng không gọi nhau là lão công, lão bà mà thường gọi là gì?