“Vén màn bí ẩn văn minh tiền sử”: Khảo cổ và Thần thoại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bạn còn nhớ các Thần thoại như Thượng Đế tạo ra nhân loại, Nữ Oa tạo ra con người, Bàn Cổ khai thiên tịch địa, hay con tàu Noah vượt hồng thủy?

Từ rất nhiều cổ vật đã khai quật và từ các điển tịch chúng ta có thể thấy rằng, cho dù là ở phương Đông hay phương Tây thì cổ nhân đều tín Thần, kính ngưỡng Thần, tuân theo lời Thần dạy. Tín ngưỡng vào Thần đã từng là niềm tin cao đẹp và được truyền thừa từ đời này qua đời khác. Nhưng với sự xuất hiện của thuyết tiến hóa, nhân loại đã không còn tin rằng con người là do Thần tạo ra nữa, mà là từ vượn tiến hóa thành. Cũng từ đó những câu chuyện Thần thoại dần dần bị người đời quên lãng. Đến khi hậu nhân không còn lý giải được nội hàm của Thần thoại, người ta liền cho rằng hết thảy chỉ là trí tưởng tượng viển vông của người xưa.

Tuy nhiên, không ít học giả bắt tay vào nghiên cứu Thần thoại và phát hiện rất nhiều điều bất ngờ. Vậy đó là gì?

Xem thêm:

“Sơn Hải Kinh”

“Sơn Hải Kinh” là cuốn cổ thư vô cùng quý giá của Trung Quốc thời cổ đại, tương truyền là do Bá Ích và Đại Vũ biên soạn vào thời đại vua Nghiêu, vua Thuấn. Cuốn sách bao hàm những kiến thức vô cùng phong phú về tự nhiên học thời viễn cổ, trong đó đề cập đến khoảng 550 tòa danh sơn, 300 dòng chảy, 450 vị Thần linh, hơn 100 nhân vật lịch sử, hơn 100 tiểu quốc lân bang, và hơn 180 loài động thực vật… Cuốn sách phân thành hai bộ phận lớn là Sơn Kinh và Hải Kinh, bao gồm “Ngũ tạng Sơn Kinh”, “Hải Ngoại Tứ Kinh”, “Hải Nội Tứ Kinh”, “Đại Hoang Tứ Kinh” và phụ lục Hải nội kinh.

Người hiện nay thường coi “Sơn Hải Kinh” là Thần thoại, cho rằng nội dung viết trong đó đều là chuyện hoang đường không cách nào lý giải được. Nhưng các tài liệu lịch sử lại cho thấy cổ nhân có góc nhìn hoàn toàn khác với chúng ta, người xưa luôn đánh giá rất cao “Sơn Hải Kinh”. Ví dụ, “Hán Thư Nghệ Văn Chí” cho rằng nó là cuốn địa lý và tự nhiên học, “Tùy Thư Kinh Tịch Chí” liệt nó vào thể loại sách địa lý. Thời Đông Hán khi Vương Cảnh trị thủy, Hán Minh Đế đã ban cho Vương Cảnh cuốn “Sơn Hải Kinh”, cho thấy bộ sách có giá trị thực tiễn rất lớn.

"Đế Vũ sơn hà đồ". (Ảnh: zhihu)

Học giả Vương Hồng Kỳ cùng với vợ ông là Tôn Hiểu Cầm cho rằng, “Sơn Hải Kinh” là một bộ bách khoa toàn thư thời cổ đại với nội dung vô cùng phong phú, uyên thâm. Vương Hồng Kỳ và Tôn Hiểu Cầm căn cứ vào những mô tả trong sách để vẽ bức “Đế Vũ sơn hà đồ” có kích thước 5,4x7,8m. Tác phẩm đã tái hiện lại hoàn cảnh địa lý và tự nhiên của Trung Quốc cổ đại cách chúng ta nhiều ngàn năm về trước, triển hiện trước mắt chúng ta những hình ảnh sống động về hàng trăm loài động thực vật, gần trăm bộ tộc bộ lạc cổ đại, cùng với rất nhiều loài trân kỳ dị thú. Năm 1999, Vương Hồng Kỳ và Tôn Hiểu Cầm đã thực hiện và công bố báo cáo học thuật liên quan tới chủ đề này tại Sở Nghiên cứu Khoa học Tự nhiên và Lịch sử, Viện Khoa học Trung Quốc.

Vương Hồng Kỳ vốn là nhà khoa học nghiên cứu vật lý nguyên tử. Sau khi đọc “Sơn Hải Kinh” vào những năm 1970, ông cảm thấy tò mò thích thú, nhưng đồng thời cũng có rất nhiều nghi vấn về nội dung bên trong sách. Trải qua 20 năm nghiên cứu, ông dần dần tìm ra lời giải cho những thắc mắc của mình. Vương Hồng Kỳ cho rằng vào thời Đại Vũ cách chúng ta bốn, năm ngàn năm, từng có một công trình khảo sát đo đạc địa lý trên quy mô lớn, từ đó người xưa đã vẽ ra địa đồ đồng thời viết báo cáo khảo sát địa lý. Tiếc là địa đồ đã thất truyền, chỉ còn lại các báo cáo khảo sát về núi non và địa hình, báo cáo ấy chính là bộ phận “Ngũ Tạng Sơn Kinh” mà chúng ta đã biết.

Từ những mô tả trong “Ngũ Tạng Sơn Kinh” như đi về phía đông hoặc phía tây bao nhiêu dặm, Dương có gì, Âm có gì, dòng nước nào sẽ chảy vào đâu, v.v., Vương Hồng Kỳ cho rằng bản thân văn tự trong sách đã tiết lộ tính chất của bản báo cáo khảo sát địa lý. Sau khi nghiên cứu kỹ hơn, ông lĩnh ngộ rằng tác giả “Sơn Hải Kinh” lấy cơ điểm là Hoa Sơn ngày nay, ông có thể suy ra nguyên tắc sắp xếp 26 mạch núi từ trong ra ngoài, từ gần đến xa. Theo đó, Vương Hồng Kỳ và vợ là Tôn Hiểu Cầm từng bước hoàn thành bức đồ hình phục hồi mạch núi trong Sơn Hải Kinh.

Sơn Hải Kinh
Sách "Sơn hải kinh" được bán trên tiki.

Trong bức đồ hình, chúng ta thấy bán đảo Sơn Đông bị nước biển chia cắt, một phần đồng bằng Hoa Bắc bị nhấn chìm trong nước biển, hồ Động Đình khi ấy là một vùng nước đầm lầy rộng lớn… Kết hợp với nghiên cứu khoa học tự nhiên, Vương Hồng Kỳ chỉ ra rằng vào khoảng 7000 năm trước, nhiệt độ toàn cầu tăng lên khiến cho các sông băng nhanh chóng tan chảy, nước biển dâng lên tới chân núi Thái Hành Sơn ở phía dải Bắc Kinh - Quảng Châu. Những gì miêu tả trong “Ngũ Tạng Sơn Kinh” chính là tình huống này.

Câu chuyện trên nhắn nhủ chúng ta rằng, nếu có thể thay đổi những quan niệm cố hữu, suy nghĩ lại về di sản của người xưa, thì rất có thể chúng ta sẽ đạt được những bước tiến vượt bậc trong tư duy. Nỗ lực của vợ chồng Vương Hồng Kỳ không chỉ giúp chúng ta nhận thức lại về cách phân bố địa lý thời cổ đại mà thậm chí còn có được những khám phá khoa học mới.

Con tàu Noah

“Thánh Kinh - Sáng Thế Ký” kể cho chúng ta câu chuyện về đại hồng thủy thời Noah:

Nước lụt xảy ra khi Nô-ê được sáu trăm tuổi. Ngày mười bảy tháng hai năm đó, các suối ngầm sâu dưới biển vỡ ra, các cổng chận nước trên trời mở ra, đổ mưa ào xuống. Mưa lũ đổ xuống ròng rã bốn mươi ngày bốn mươi đêm. Ngày hôm ấy Nô-ê, vợ, các con trai: Sem, Cham và Gia-phết, cùng các người vợ của họ, đi vào tàu. (Sáng Thế 7:11-13)

Nước lụt tuôn đổ liên tục bốn mươi ngày trên đất. Mặt nước dâng cao, nâng chiếc tàu lên, khiến tàu nổi cao trên mặt đất. Mặt nước cứ tiếp tục dâng cao và gia tăng nhiều vô kể trên đất. Chiếc tàu nổi bồng bềnh trên mặt nước. Nước cứ tiếp tục dâng cao khủng khiếp trên đất, đến nỗi tất cả các ngọn núi cao ở dưới trời đều bị nước phủ ngập. Nước dâng cao hơn các ngọn núi, khiến chúng chìm sâu bảy mét rưỡi[a] dưới mặt nước. (Sáng Thế 7:17-20)

Mặt nước cứ dâng cao trên đất như vậy suốt một trăm năm mươi ngày. (Sáng Thế 7:24)

Các nguồn vực thẳm và các cửa sổ trên trời đóng lại; mưa từ trời tạnh hẳn. Nước từ từ rút khỏi mặt đất. Sau một trăm năm mươi ngày, nước hạ xuống. Vào ngày mười bảy, tháng bảy, chiếc tàu hạ xuống trên Núi A-ra-rát. Nước cứ tiếp tục hạ xuống cho đến tháng mười. Ðến ngày mồng một tháng mười, các đỉnh núi mới bắt đầu lộ ra. (Sáng Thế 8:2-5)

Ông đợi thêm bảy ngày, rồi thả con bồ câu ra khỏi tàu một lần nữa. Ðến chiều tối, con bồ câu bay về, và kìa, trong mỏ nó có một lá ô-liu non. Thế là Nô-ê biết nước đã rút khỏi mặt đất. (Sáng Thế 8:10-11)

Vào ngày mồng một, tháng giêng, năm sáu trăm lẻ một của đời Nô-ê, nước đã rút khỏi mặt đất. Nô-ê dỡ mui tàu và nhìn; ông thấy mặt đất đang khô ráo. Ðến ngày hai mươi bảy, tháng hai, mặt đất đã khô hẳn. (Sáng Thế 8:13-14)

Đoạn Kinh Thánh trên nói rõ rằng, Thượng Đế vì để cải tạo thế giới nên đã hạ lệnh cho Noah đóng một con thuyền gỗ lớn và đem một số cặp động thực vật lên thuyền tránh nạn. Sau đó, hồng thủy nhấn chìm hết thảy mọi thứ trên mặt đất, chỉ có con thuyền của Noah là lênh đênh trên mặt nước. “Thánh Kinh - Sáng Thế Ký” viết:

Hãy đem theo ngươi bảy cặp mọi thứ thú vật thanh sạch, có đực có cái; còn những thú vật không thanh sạch mỗi thứ một cặp, có đực có cái. Các chim trời cũng vậy, mỗi thứ bảy cặp, có trống có mái, để bảo tồn mạng sống của chúng trên khắp mặt đất. (Sáng Thế 7:2-3)

Trận đại hồng thủy và con thuyền Noah được miêu tả trong Kinh Thánh. (Pixabay)
Trận đại hồng thủy và con thuyền Noah được miêu tả trong Kinh Thánh. (Pixabay)

Hễ nhắc tới con tàu Noah, ngoại trừ những người có tín ngưỡng vẫn còn tin vào tính chân thực của câu chuyện này, thì người bình thường hoàn toàn không coi đó là một sự kiện lịch sử. Tuy nhiên vào tháng 9 năm 1960, tạp chí “Life” đã công bố một bức ảnh chụp từ độ cao 10.000 feet (3047,4m) bởi máy bay trinh sát của Thổ Nhĩ Kỳ, trong ảnh rõ ràng có thể thấy trên núi Ararat xác thực có một tàn tích hình con thuyền. Phát hiện này đã thu hút rất nhiều nhà khoa học đến hiện trường khảo sát. Mặc dù vẫn cần tiến hành nghiên cứu chuyên sâu mới có thể khẳng định liệu đó có thực sự là con tàu Noah hay không, nhưng phát hiện mới này đã cung cấp cho chúng ta một manh mối để suy nghĩ về tính chân thực của truyền thuyết đại hồng thủy: Vì sao hồng thủy phát sinh? Vì sao Thượng Đế lại chọn Noah và chỉ bảo ông con đường thoát khỏi kiếp nạn? Và chúng ta học được điều gì từ câu chuyện này?

Huseyin Yildiz/ Anadoluy/qua Getty Images
Địa điểm được cho là nơi con thuyền Noah nằm sau trận Đại hồng thủy. (Huseyin Yildiz/ Anadoluy/qua Getty Images)

Từ rất nhiều Thần thoại và truyền thuyết của các dân tộc khác nhau trên thế giới, có thể nói đại hồng thủy là ký ức chung của toàn nhân loại. Câu chuyện ấy đã được chúng tôi giới thiệu tới quý độc giả qua bài viết “Văn minh tiền sử: Những trận hồng thủy kinh hoàng” cách đây không lâu.

Nhưng không chỉ có đại hồng thủy, mà vẫn còn rất nhiều tàn tích văn minh còn sót lại kể cho chúng ta những câu chuyện huy hoàng. Hãy cùng chúng tôi tiếp tục khám phá những ẩn đố ấy trong kỳ tiếp theo của “Vén màn bí ẩn văn minh tiền sử”, mời quý độc giả cùng đón đọc.

Theo Epoch Times
Minh Tâm biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

“Vén màn bí ẩn văn minh tiền sử”: Khảo cổ và Thần thoại