“Vén màn bí ẩn văn minh tiền sử”: Người khổng lồ không chỉ là truyền thuyết

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong rất nhiều truyền thuyết của các dân tộc trên thế giới, chúng ta thường bắt gặp một nhân vật đặc biệt: người khổng lồ.

Từ người khổng lồ một mắt Cyclops chạm trán với anh hùng Odyssey trong Thần thoại Hy Lạp tới người khổng lồ trong “Jack và cây đậu thần”, cho đến đất nước của những cự nhân trong “Gulliver phiêu lưu ký”... bạn sẽ thấy có vô số câu chuyện kể về những người khổng lồ. Đến thế kỷ XVIII, cùng với sự phát triển của nhân chủng học cận đại, truyền thuyết về người khổng lồ cũng dần dần biến mất, người đời sau đã coi tất cả chỉ là chuyện hoang đường.

Tuy nhiên, những hóa thạch khảo cổ có liên quan lại khiến hậu nhân không ngừng suy nghĩ và đặt ra câu hỏi: Người khổng lồ có thực hay chỉ là tưởng tượng? Và truyền thuyết có phải chỉ là truyền thuyết hay không?

Xem thêm:

Hình điêu khắc đá ở ICA

Ở Nam Mỹ có rất nhiều di tích cổ văn minh mà khoa học vẫn chưa giải thích được. Đơn cử như ở phía bắc cao nguyên Nazca của Peru có một thôn làng nhỏ tên là ICA, trong ngọn núi nhỏ gần đó người ta đã phát hiện một lượng lớn các tảng đá có hình điêu khắc đặc biệt.

File:Ica stones1.JPG
(Chân dung Tiến sĩ Javier Cabrera Darquea cùng với những hòn đá ICA. Ảnh: Brattarb/Wikipedia)

Tiến sĩ Javier Cabrera Darquea bắt đầu nghiên cứu các tảng đá ICA từ những năm 1960. Trong bảo tàng tư nhân của mình “Museo de Piedras Grabadas”, Tiến sĩ Cabrera đã thu thập trên 11.000 viên đá có hình khắc. Những viên đá này có hơn ngàn năm lịch sử, bề mặt khắc rất nhiều hình vẽ khiến người ta khó có thể tin. Trong những hình khắc ấy, chúng ta có thể thấy con người và khủng long sinh sống cùng nhau, khủng long giống như một loại gia súc được con người thuần hóa. Các nhà khoa học cho rằng khủng long đã biến mất từ hơn 100 triệu năm trước, vậy thì những hình khắc này rốt cuộc là ai làm ra?

File:Ica stones21.JPG
(Hình khắc hai người đang cưỡi trên lưng khủng long trong một viên đá ICA. Ảnh: Brattarb/Wikipedia)

Trên một viên đá có khắc cảnh một người bị khủng long bạo chúa (Tyrannosaurus Rex) tấn công. Con khủng long bạo chúa này giống như tạo hình trong bộ phim “Công viên kỷ Jura” (Jurassic Park) với hai chân sau vô cùng lực lưỡng, hai chân phía trước nhỏ và ngắn hơn, xem ra rất không tương xứng với cơ thể to lớn của nó.

File:Ica stones8.JPG
(Hình khắc một người bị khủng long tấn công. Ảnh: Brattarb/Wikipedia)

Hiện nay, chúng ta đã tìm ra cách khôi phục hình dáng khủng long: từ những hóa thạch khai quật được, trải qua quá trình phân tích, phân loại, sắp xếp, sau đó lại phục hồi và chắp ghép lại thành bộ xương hoàn chỉnh, từ đó suy đoán hợp lý để miêu tả hình dáng của khủng long. Từ bức hình khắc khủng long bạo chúa tấn công con người kể trên, thiết nghĩ có thể có hai loại khả năng xảy ra:

Một là, những người điêu khắc đá ICA có tri thức tương đương với tri thức khoa học hiện nay, có thể thông qua cách phục hồi hóa thạch để vẽ ra hình dáng khủng long thời tiền sử.

Hai là, đã có thời con người và khủng long cùng sinh sống.

Cho dù khả năng nào xảy ra, thì kết luận cuối cùng vẫn rất đáng kinh ngạc. Bởi vì những hình điêu khắc ấy khiến người ta khó có thể lý giải: Làm thế nào mà khủng long và con người có thể đồng thời tồn tại cùng nhau?

Chúng ta hãy xem một khối đá khác khắc hình khủng long ba sừng (Triceratops). Loài khủng long này trông giống như con tê giác khổng lồ, được đặt tên theo ba chiếc sừng trên đầu. Trong hình điêu khắc là một người cưỡi trên lưng khủng long ba sừng, trong tay cầm một thứ vũ khí giống như chiếc rìu. Trên một khối đá khác, chúng ta còn thấy một người cưỡi trên lưng khủng long có cánh (Pterosauria). Gần như các loài khủng long trứ danh đều được khắc trên những khối đá này, hơn nữa còn có quan hệ mật thiết đến cuộc sống của con người.

So sánh những hình khắc đá kể trên, người ta đã đi đến một giả thiết đáng kinh ngạc. Trong những hình điêu khắc đá, có thể thấy tỷ lệ chiều cao giữa con người và khủng long không sai biệt quá nhiều. Ví dụ như từ hóa thạch có thể thấy khủng long bạo chúa cao bằng tòa nhà ba tầng, tạo hình trong “Công viên kỷ Jura” là một con khủng long vô cùng to lớn, chỉ giơ một chân lên là có thể giẫm bẹp người. Và ở đây trong các hình điêu khắc đá, tỷ lệ giữa khủng long và con người không chênh lệch quá nhiều, người cưỡi trên lưng khủng long ba sừng cũng giống như là người ngày nay cưỡi trên lưng trâu vậy.

Quay trở lại với bức hình điêu khắc khủng long bạo chúa tấn công con người. Theo các tài liệu hiện hành, khủng long bạo chúa đứng thẳng có chiều dài thân thể khoảng 12m, đuôi của nó bằng một phần ba chiều dài cơ thể, chiều cao bằng hai phần ba còn lại, tức cao khoảng 8m. Từ tỷ lệ trên bản khắc có thể suy ra hình người này cao khoảng 5m.

Trên bức khắc hình người cưỡi khủng long ba sừng, chúng ta hãy thử tính toán một chút về tỷ lệ giữa người và khủng long. Thông thường một con khủng long ba sừng cao khoảng 4,5m, theo tỷ lệ trên hình khắc thì người này cao khoảng 4m, cao lớn hơn người hiện đại chúng ta.

Ngoài các hình điêu khắc trên đá kể trên, tiến sĩ Cabrera cũng tìm thấy rất nhiều hình khắc ba chiều về khủng long trong khu vực ICA. Những hình khắc này cho thấy đã từng có thời người và khủng long cùng tồn tại, hơn nữa còn triển hiện một cách sinh động tỷ lệ lớn nhỏ giữa con người và khủng long.

Câu chuyện trên nói với chúng ta điều gì? Liệu có phải người khổng lồ đã từng sinh sống cùng thời đại với khủng long trong quá khứ hay không?

Giả thiết này có thể vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ học đã phát hiện một sự thực thú vị: Sống cách chúng ta 280 triệu năm có một loại chuồn chuồn cổ đại với tên khoa học là Meganeura Monyi, độ rộng hai cánh của nó có thể lên tới 70cm.

File:Meganeura monyi au Museum de Toulouse.jpg
(Hóa thạch chuồn chuồn Meganeura Monyi với chiều dài sải cách là 68cm. Ảnh: Didier Descouens/Wikimedia)

Bên cạnh đó, vào thời đại khủng long có một số loài dương xỉ khổng lồ, loại dương xỉ lớn nhất cao khoảng 30m, thậm chí còn cao lớn hơn cả khủng long. Hầu hết các loài dương xỉ hiện nay đều rất thấp, cao nhất là cây dương xỉ thân gỗ với chiều cao vài mét, nhưng vẫn không để đạt đến độ cao như tổ tiên xa xưa của chúng. Hãy thử nghĩ xem, vào thời khủng long từng có chuồn chuồn và dương xỉ khổng lồ, vậy nếu lúc ấy nhân loại cũng đồng thời tồn tại, hẳn cũng sẽ cao lớn hơn con người chúng ta hôm nay?

Dưới đây chúng ta hãy xem một chứng cứ khác về sự tồn tại của người khổng lồ:

Vào cuối những năm 1950, người ta đã phát hiện rất nhiều hóa thạch xương ở thung lũng Euphrates Valley phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Những hóa thạch này trông rất giống với xương người, nhưng kích thước thì lớn hơn nhiều lần. Trong số đó, một hóa thạch xương đùi có chiều dài 1,2m, chủ nhân của nó có thể có chiều cao lên tới 5m! Chẳng phải cũng chính là một người khổng lồ đó sao?

Truyền thuyết về người khổng lồ

Thổ dân da đỏ Anh-điêng ở châu Mỹ có truyền thuyết kể rằng, rất lâu rất lâu về trước, nơi ấy có một chủng tộc người khổng lồ tóc đỏ, họ có thân thể thô kệch và tính cách vô cùng hung dữ. Tổ tiên của người Anh-điêng phải trải qua nhiều năm chinh chiến mới đánh đuổi được những gã khổng lồ này ra khỏi lãnh thổ. Sau đó, người khổng lồ tóc đỏ lẩn trốn trong hang Lovelock Cave ở bang Nevada, cách thị trấn Lovelock, Nevada (Mỹ) 35km về phía tây nam.

Lúc đầu các nhà khoa học hoàn toàn không chú ý đến truyền thuyết này. Mãi đến năm 1911, hai công nhân là James Hart và David Pugh khi khai thác phân chim đã phát hiện nhiều cổ vật trong hang Lovelock. Phát hiện mới này đã thu hút sự chú ý của các nhà khảo cổ học, sau đó L. L. Loud thuộc Đại học California đã tiến hành cuộc khai quật khảo cổ đầu tiên vào năm 1912.

Sau khi phát hiện này được công bố, các học giả nghĩ đến truyền thuyết cổ xưa của người Anh-điêng và bắt đầu bắt tay vào cuộc điều tra. Cuộc khai quật thứ hai diễn ra vào năm 1924, sau khi kết thúc cuộc khai quật, Loud công bố một báo cáo về khoảng 10.000 mẫu vật khảo cổ đã được phát hiện, bao gồm các công cụ, xương, giỏ và vũ khí. Một kỹ sư khai khoáng của thị trấn Lovelock và những nhân viên khác đã tiến hành đo đạc độ dài của xương đùi khai quật được, phát hiện xương đùi này thuộc về những người có chiều cao từ 2-3m. Những hài cốt này đến hiện nay vẫn được lưu giữ tại bảo tàng Humboldt Museum.

Ở Sarawak, Malaysia cũng có truyền thuyết về người khổng lồ. Vào đầu thế kỷ XX, người ta đã phát hiện một số cột gỗ dài 2,5-9m trong rừng rậm Sarawak, những cột gỗ này được cho là công cụ của người khổng lồ.

Trong lịch sử đằng đẵng, trên Trái Đất đã từng có người khổng lồ cư trú hay không? Nếu câu trả lời là không, vậy làm thế nào giải thích về những bộ hài cốt to lớn được phát hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ và hang Lovelock nước Mỹ? Còn nếu trả lời là có, vậy thì chủng tộc người khổng lồ đã đi đâu?

Trong “Thái Bình Quảng Ký”, quyển thứ 463, thiên “Cầm Điểu” có ghi chép: Vào thời Tây Tấn năm Vĩnh Gia thứ hai, ở huyện Thủy An xuất hiện một bầy chim Thu. Người ta phát hiện một con chim Thu bị trúng tên, đầu mũi tên dài 6 tấc rưỡi (65cm), từ độ dài của đầu mũi tên có thể suy đoán người bắn ra mũi tên này có thể cao đến hơn 4m! Vị cung thủ này là ai? Chẳng phải đó cũng là một người khổng lồ đó sao?

File:04-Nazca Lines-nX-54.jpg
(Những hình vẽ khổng lồ ở cao nguyên Nazca, Peru. Ảnh: PsamatheM/Wikipedia)

Cuối cùng chúng ta hãy xem những hình vẽ khổng lồ trên cao nguyên Nazca ở Peru. Nazca là một sa mạc khô cằn rộng 53 dặm năm giữa hai thị trấn Nazca và Palpa ở Pampas de Jumana (một khu vực bằng phẳng ở miền nam Peru). Tại đây, người ta đã phát hiện khoảng 300 bức vẽ khổng lồ bao gồm các hình vẽ như chim ruồi, khỉ, nhện và thằn lằn, v.v. Chúng được tạo nên trong suốt thời kỳ nền văn hóa Nazca, từ giữa năm 200 trước Công nguyên tới năm 600 sau Công nguyên. Những hình vẽ đều có diện tích rất lớn, và được chụp bằng máy bay thương mại từ trên cao. Lẽ nào bức tranh ở Nazca chính là tác phẩm của người khổng lồ?

Một số phát hiện khảo cổ học kể trên đều là những bí ẩn chưa thể giải đáp, để lại nhiều ý vị sâu xa. Ngắm nhìn những cổ vật khảo cổ ấy, chúng ta lại lần nữa nhìn nhận lại về lịch sử nhân loại: Câu chuyện về người khổng lồ là có thật, hay chỉ là truyền thuyết hão huyền?

Theo Epoch Times
Minh Tâm biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

“Vén màn bí ẩn văn minh tiền sử”: Người khổng lồ không chỉ là truyền thuyết