Vì để hóa độ em trai, Đức Phật đã dùng đủ mọi thần thông

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Đức Phật Thích Ca có một người em trai cùng cha khác mẹ tên là Nan Đà. Vì để hóa độ em trai, Đức Phật đã vận dụng đủ mọi thần thông…

Nghe thêm: Radio Văn Hóa

Khác với các vị vương tôn khác trong dòng họ Thích Ca, thái tử Nan Đà vẫn đắm chìm vào nữ sắc và hưởng lạc chốn nhân gian, hoàn toàn không có nguyện ý tu hành. Vì để hóa độ thái tử, Đức Phật đã vận dụng đủ mọi thần thông. Câu chuyện ấy diễn ra như thế nào?

Thái tử Nan Đà

Thái tử Nan Đà là hoàng tử thứ hai của vua Tịnh Phạn trong thành Ca Tỳ La Vệ, cũng là em trai cùng cha khác mẹ của Đức Phật Thích Ca. Mẹ ông là phu nhân Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di. Bà Kiều Đàm Di vừa là em gái của hoàng hậu Ma Da, vừa là dưỡng mẫu của Đức Phật thời thơ ấu, do hoàng hậu Ma Da sớm qua đời khi Đức Phật chỉ mới đản sinh được 7 ngày.

Về nhân duyên làm dưỡng mẫu của Phật, “Kinh Bản Sinh” ghi chép rằng: Vào thời Thượng Liên Hoa Phật truyền đạo, trên thế gian có một nàng công chúa rất thành tâm cúng dường. Một hôm khi đang nghe Phật thuyết Pháp, công chúa chú ý đến một nữ đệ tử đứng đầu các Tỳ kheo ni, cũng là nữ đệ tử giác ngộ sớm nhất. Công chúa liền phát nguyện rằng, trong tương lai sẽ được như vị Tỳ kheo ni ấy. Nàng công chúa đó chính là tiền kiếp của Kiều Đàm Di.

Sau này, Kiều Đàm Di sinh hạ được một tiểu hoàng tử, đặt tên là Nan Đà. Nan Đà và Tất Đạt Đa cùng lớn lên bên nhau, hai anh em trông giống nhau gần như hai giọt nước, chỉ có điều Nan Đà thấp hơn hoàng huynh một chút. Vì vậy, rất nhiều người không quen biết tưởng nhầm Nan Đà là Đức Phật.

Hoàng tử ​​Nan Đà có dung mạo trang nghiêm đoan chính, nếu như Đức Phật có 32 tướng tốt thì ông cũng có 30 tướng lành. Tương truyền, trong tiền kiếp ông từng lấy vàng ròng trang trí cho tượng Phật rồi thành kính thắp đèn cúng lễ, vậy nên đời này mới có được vẻ ngoài trang nghiêm như vậy.

Sau khi Thái tử Tất Đạt Đa rời hoàng cung đi tìm đường giác ngộ, vua Tịnh Phạn vô cùng tiếc thương và luôn phái người tìm kiếm thái tử. Nhiều năm sau, nhà vua nghe tin thái tử đã đắc Đạo, ông bèn gửi hàng ngàn tùy tùng đến mời Tất Đạt Đa quay về. Những tùy tùng này được nghe Phật thuyết Pháp, và đều tham gia tăng đoàn.

Sau đó, vua Tịnh Phạn lại cử người bạn thân của Tất Đạt Đa là Kaludayi đi tìm Phật. Kaludayi chuyển lời của quốc vương mời Phật quay trở về Ca Tỳ La Vệ, sau đó ông cũng đi tu. Trong chuyến về thăm quê ấy, Đức Phật đã thuyết Pháp cho vua cha và những người trong vương thất. Rất nhiều vị hoàng thân quốc thích đều tự nguyện theo Phật Đà xuất gia.

Nhưng Nan Đà lại không có suy nghĩ ấy. Lúc đó ông vừa được thụ phong làm thái tử, là hy vọng duy nhất kế thừa vương vị của vua cha. Hơn nữa, ông cũng vừa mới thành thân với nàng Tôn Đà Lợi - bậc sắc nước hương trời nổi tiếng khắp thành Ca Tỳ La Vệ. Nan Đà dành cho vợ tình yêu say đắm, do đó mọi người gắn liền tên của ông với tên của thê tử, gọi là Tôn Đà La Nan Đà.

Hai vợ chồng chàng chàng thiếp thiếp, ái ân nồng thắm. Bên cạnh ông là trang mỹ nhân tuyệt sắc, đợi chờ ông là vinh hoa tột đỉnh, là quyền lực tối cao của một đấng quân vương. Sống trong giấc mộng hồng trần quá ư mỹ mãn ấy, nào ai còn nguyện ý xuất gia? Thế nhưng, Phật Đà lại chẳng yên lòng, Ngài luôn nghĩ rằng nhất định sẽ khiến em trai được giác ngộ, tu hành.

Nan Đà vừa mới thành thân với nàng Tôn Đà Lợi - bậc sắc nước hương trời nổi tiếng khắp thành Ca Tỳ La Vệ. (Ảnh chụp màn hình)

Tình cao hơn núi, tình vững hơn vàng

Một buổi sáng sớm, ngoài trời chim hót véo von, trong vườn hoa tươi khoe sắc, còn Nan Đà thì đang trộn phấn thơm giúp vợ thoa mặt điểm trang, và chấm một chấm đỏ giữa hai lông mày. Bỗng bên ngoài vang lên tiếng gõ cửa, thì ra là Phật Đà cầm bát đến hóa duyên. Nan Đà thấy anh trai thì vô cùng cao hứng, vội vàng mời Đức Phật vào nhà. Nhưng Ngài vẫn lặng yên đứng đó, Nan Đà bèn đón lấy chiếc bát và đổ đầy thức ăn vào, rồi lại đích thân cầm ra cửa dâng lên Đức Phật. Lúc ấy, nàng Tôn Đà Lợi đột nhiên cảm thấy bất an, lo sợ chồng một đi không trở lại.

Nan Đà nói: “Nàng yên chí, ta chỉ đi một lát rồi về”.

Tôn Đà Lợi không có cách nào, liền dùng bột phấn vừa mới trộn chấm lên mặt chồng, nũng nịu nói rằng, chàng nhất định phải về trước khi phấn khô, nếu không thì thiếp sẽ phiền lòng. Nan Đà gật đầu: “Được rồi, được rồi mà, nàng cứ yên tâm!”.

Nhưng ông vừa bước ra khỏi cửa, thì… Chà, Đức Phật đâu rồi nhỉ? Ông ngó trái rồi ngó phải. À, chẳng phải Ngài đang ở đầu đường đó sao? Nan Đà vội vàng đuổi theo, thấy Phật bước đi thong thả chậm rãi, nhưng không hiểu sao ông cứ đuổi theo, đuổi theo hoài mà mãi vẫn không kịp, cuối cùng đến tận tịnh xá của Phật Đà. Ông nghĩ: Ôi chao, thật là thảm hại, thể nào Tôn Đà Lợi cũng sẽ giận ta! Nghĩ vậy, ông liền dâng bát cơm đặt vào tay Thế tôn và định bụng nói lời cáo từ. Thế tôn mở miệng nói: “Đã đến rồi, còn quay về làm gì? Thợ cắt tóc đâu, hãy cắt tóc cho thái tử!”.

Nan Đà ngẩn người thẫn thờ, ông giơ nắm đấm lên và hét vào mặt thợ cắt tóc: “Ca Tỳ La Vệ có nhiều người như vậy, ngươi cạo hết cho họ được sao?”.

Con dao trên tay thợ cạo ngập ngừng giữa chừng, cậu ta nhìn Đức Phật rồi lại nhìn thái tử, thật là tiến thoái lưỡng nan, không thể cạo tóc, cũng không thể buông tay xuống được. Đức Phật bình thản bước tới cầm lấy con dao cạo và đích thân cắt đi mái tóc đen của thái tử. Nan Đà kính sợ trước sự uy nghiêm của Phật nên không dám phản kháng. “Hẳn là ta đang mơ ngủ!” - ông thầm hy vọng rằng khi mở mắt ra sẽ thấy mình vẫn đang nằm cạnh vợ. Nhưng hiện thực không phải là mơ, lần nào mở mắt ra ông cũng thấy mình ở tịnh xá của Phật Đà.

Nan Đà thân ở trong tăng đoàn nhưng tâm lại đặt ở hoàng cung, thời thời khắc khắc đều nhung nhớ người vợ xinh đẹp ở nhà. Ông không muốn tu hành, chỉ nung nấu ý định đào tẩu, tìm cơ hội quay về. Nhưng Đức Phật thần thông quảng đại, làm thế nào đây?

“Nan Đà ý dục quá nặng, ta phải dùng lửa trừ lửa”

Một ngày, Đức Phật dẫn các tăng nhân ra ngoài hóa duyên, dặn Nan Đà quét dọn và trông coi tịnh xá. Nan Đà khấp khởi mừng thầm: “Hôm nay cơ hội đến rồi đây!”.

Nan Đà ở lại quét dọn, nhưng quét mãi mà vẫn không sạch, cứ dọn bên này thì bên kia lại bẩn, dọn bên kia thì lại thấy vẫn còn rác ở bên này. Khi đóng cửa cũng vậy, ông vừa quay lưng đi thì cửa lại tự nhiên mở ra, đóng mãi vẫn không được. Nan Đà thầm nghĩ: Cứ mãi thế này biết bao giờ mới xong? Nhân lúc Đức Phật và thánh chúng không có mặt, chi bằng ta cứ về nhà thăm vợ. Ông tự nhủ: “Phật đi đường lớn nhất định sẽ trở về đường lớn, ta hãy chọn đường nhỏ”. Không ngờ, vừa mới đi được nửa chừng đã thấy Phật trở về.

Một lần khác, Đức Phật lại ra ngoài và dặn Nan Đà ở nhà xách nước. Nan Đà như mở cờ trong bụng, định bụng xách nước xong sẽ chạy về với vợ. Nhưng ông cứ xách mãi, xách mãi, đến gần trưa mà vẫn chưa đầy. Không được, ta phải về kẻo Tôn Đà Lợi mong! Ông tự nhủ: “Phật đi đường nhỏ, ắt sẽ về đường lớn”.

Nhưng vừa đi được một đoạn không xa, ông đã thấy Phật và thánh chúng từ xa trở về. Nan Đà cuống quýt vội trốn vào sau gốc cây, nhưng cây lại đổ xuống. Đức Phật liền gọi ông trở lại và đưa về tịnh xá.

Phật hỏi: “Con nhớ vợ phải không?”.

Nan Đà đáp: “Vâng, thưa Thế tôn”.

Đức Phật nghĩ: “Nan Đà lửa dục quá mạnh, ta phải dùng lửa trừ lửa”.

Sau đó, Phật liền đưa ông đến một ngọn núi, ở đó có con khỉ già vừa đen vừa xấu. Đức Phật hỏi: “Vợ của con so với con khỉ kia thì thế nào?”.

Nan Đà nói: “Lấy vẻ đẹp mỹ lệ của vợ con mà so với vẻ xấu xí của con khỉ kia thì thật không thể so sánh được”.

Phật lại đưa ông đến tầng trời Đao Lợi, nơi đây có các Thiên nam, Thiên nữ đang vui chơi hưởng lạc. Nan Đà liền dạo chơi một hồi, thấy một cung điện chỉ có Thiên nữ mà không có Thiên nam. Những Thiên nữ ấy băng thanh ngọc khiết, cử chỉ thanh tao thoát tục, dung mạo diễm lệ đoan trang, hoàn toàn khác biệt với mỹ nữ dưới trần gian.

Nan Đà bèn hỏi: “Vì sao ở đây lại không có Thiên nam?”.

Các Thiên nữ đáp: “Dưới nhân gian có một người em trai của Phật tên là Nan Đà, theo Phật xuất gia tu hành. Vì công đức xuất gia, người ấy sau khi chết sẽ được thăng lên tầng trời này làm Thiên tử. Cung điện này chính là dành cho người ấy”.

Nan Đà sung sướng trở về kể lại với Thế tôn. Đức Phật liền hỏi: “Thê tử của con so với các Thiên nữ ở đây thì thế nào?”.

Nan Đà đáp: “Chính như con khỉ mù so với vợ con, xấu xí không thể bì được”.

Từ khi được tận mắt chứng kiến cuộc sống vui vẻ trên Thiên thượng và vẻ mỹ lệ của các Thiên nữ, Nan Đà liền giữ giới tu hành, không còn mơ tưởng đến vinh hoa và nữ sắc chốn nhân gian nữa.

Những Thiên nữ ấy băng thanh ngọc khiết, cử chỉ thanh tao thoát tục, dung mạo diễm lệ đoan trang. (Ảnh chụp màn hình)

“Nan Đà nhân tâm chưa bỏ, ta sẽ dùng nước diệt lửa”

Nan Đà giữ giới là vì ham muốn cõi Tiên, đắm say ngọc nữ, chứ không phải vì có tâm tu hành. Phật bèn nghĩ: “Nhân tâm chưa bỏ, ta sẽ dùng nước diệt lửa cho Nan Đà”.

Vài ngày sau, Đức Phật lại đưa Nan Đà xuống địa ngục, chứng kiến các tội hồn bị tra tấn với đủ mọi nhục hình. Khắp nơi là những vạc dầu sôi sùng sục, tội hồn trong đó kêu la thảm thiết, cảnh thịt nát xương tan khiến ai nấy đều khiếp sợ. Bỗng Nan Đà nhìn thấy duy nhất một chiếc vạc dầu còn trống, ông lấy làm lạ bèn hỏi ngục sai. Ngục sai đáp: “Em trai của Phật ở chốn nhân gian tên là Nan Đà, vì ham muốn nên mới trì giới. Vậy nên sau khi thăng thiên và hưởng hết phúc lộc trên trời thì sẽ phải đọa xuống địa ngục chịu khổ. Chiếc vạc này là đợi chờ anh ta!”.

Nan Đà sợ hãi liền chạy về cầu cứu Phật. Đức Phật nói: “Đúng vậy, nhưng nếu con ráng tu thiên phúc thì sẽ không bị đọa vào địa ngục này!”.

Nan Đà nói: “Nay con mới biết, không thoát khỏi sinh tử thì không phải là an lạc cuối cùng. Trên trời cho dù khoái lạc, nhưng khi phúc tận thì sẽ có ngày bị đọa xuống, phải trầm luân trong ba nẻo luân hồi, chịu đau đớn thê thảm trong địa ngục, thật là khiến người ta kinh hồn bạt vía! Giờ thì con không muốn lên trời nữa, chỉ cầu Thế tôn độ con ra khỏi biển khổ sinh tử này”.

Sau đó, Đức Phật liền giảng Tứ Diệu Đế Pháp, trong 7 ngày Nan Đà đắc quả vị A La Hán.

Con người sống trên đời luôn truy cầu những thứ tốt nhất, mong muốn có được cuộc sống ung dung thoải mái, phú quý sang giàu. Nhưng những thứ mỹ hảo trên đời đều đến từ phúc phận, phúc hết thì họa đến, không có gì là mãi mãi. Chỉ có tu luyện và giác ngộ mới là chốn về vĩnh hằng của sinh mệnh. “Thân người khó được, Phật Pháp khó tìm”, nếu may mắn sinh vào thời Phật truyền Đại Pháp, mong bạn đừng bỏ lỡ cơ duyên...

Minh Hạnh
(Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Vì để hóa độ em trai, Đức Phật đã dùng đủ mọi thần thông