Vì sao bị chém rách mặt lại là niềm tự hào một thời của sinh viên và quý tộc Đức

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việc đạt được những vết sẹo trong môi trường ưu tú, gắn liền với địa vị và học thuật, cho thấy một người có lòng dũng cảm và cũng là "người chồng tốt". Những vết sẹo thậm chí còn được Otto von Bismarck đánh giá là dấu hiệu của lòng dũng cảm, và lòng dũng cảm của đàn ông có thể được đo lường "qua số vết sẹo trên má của họ".

“Danh dự của tôi cuối cùng đã được toại nguyện. Tuần trước, một thằng ranh tên là Schwartz đã giẫm lên đuôi con chó của tôi và tôi đã thách thức hắn. Cuộc đấu diễn ra ngày hôm qua. Schwartz bị một vết chém nặng vào má trái, còn tôi bị hai vết chém, một vết ngay dưới mắt và vết còn lại trên đầu. Những vết chém rất đau, nhưng chúng sẽ để lại những vết sẹo đẹp.” – Tạp chí The Strand, 1897

Cuối thế kỷ 19, Kaiser Wilhelm II là vua của nước Phổ, lãnh thổ Đức bành trướng bằng gần một nửa châu Âu. Đó là vùng đất của niềm kiêu hãnh chiến binh, và cũng là vùng đất của nghệ thuật và học tập. Thật vậy, nhà vua đã dành rất nhiều thời gian và tiền bạc cho việc thúc đẩy khoa học, kỹ thuật và nghệ thuật. Dù như vậy là chưa đủ để anh chàng Adolf Hitler toàn tâm toàn ý theo đuổi nghiệp họa sỹ, hoặc ngăn chặn Thế chiến thứ nhất, nhưng biết sao được, trần đời có ai hoàn hảo đâu.

Sinh viên và quý tộc trong vùng đất đó lập tức bị ràng buộc vào một khế ước ngầm. Các trường đại học mở rộng hơn bao giờ hết và trở thành nơi nghiên cứu tuyệt vời, nhưng song song đó là một nền văn hóa nam nhi mạnh mẽ đòi hỏi phải chiến đấu và thể hiện lòng dũng cảm. Làm cách nào các sinh viên thể hiện điều đó trong khi bận rộn với khoa kỹ và nghệ thuật? Câu trả lời là lấy kiếm chém vào mặt nhau.

Vết sẹo vẻ vang

“Vết sẹo vẻ vang” (tiếng Đức: schmisse, renommierschmiss), vết sẹo có được do đấu kiếm, được coi là "huy hiệu danh dự" có lẽ bắt đầu từ năm 1825, và phổ biến trong giới sinh viên, quý tộc, quân sự của Áo và Đức.

Nhìn chung, các chàng trai thường lĩnh sẹo mặt từ hai kiểu đấu kiếm.

Kiểu thứ nhất, là một cuộc đấu tay đôi vì danh dự. Về cơ bản, nếu mới vào đại học mà chưa có vết sẹo nào, chàng trai sẽ ra bãi biển và đợi ai đó hất cát vào mặt. Hoặc dắt theo chó tới quán cà phê và đợi một gã khác (kẻ cũng đang đi tìm sẹo) giẫm lên đuôi nó. Theo The Strand, giống chó thời thượng lúc bấy giờ là Great Dane. Hầu như sẽ luôn có người giẫm lên đuôi con chó tội nghiệp. Sau đó thì sao? Chà, chàng trai sẽ đứng lên, nói vài điều xúc phạm, hẹn thời gian, hai người trao đổi danh thiếp một cách lịch sự và đến ngày giờ thì tiến hành đấu tay đôi.

“Trong số các loại vết sẹo khác nhau khi đấu tay đôi, hình parabol là nổi tiếng nhất, hình chữ nhật đứng thứ hai, hình bầu dục và chữ f dắt tay nhau ở vị trí thứ ba, sau đó là các hình hình học khác.” – “Chuyện kể về một trường đại học Đức”, 1901

Đó là câu chuyện của một sinh viên đại học người Anh tại Đức, kể về vết sẹo đầu tiên của mình. Thật không may, vết sẹo của anh chàng không phải loại tốt nhất, vì vậy anh phải tiếp tục đấu tay đôi cho đến khi kiếm được cái tốt hơn. Tuy nhiên, anh chàng coi cuộc đấu tay đôi của mình là một chiến thắng, vì đối thủ không có vết sẹo nào cả.

Kiểu thứ hai để có sẹo đó là đấu kiếm hàn lâm (tiếng Đức: mensur), rất thịnh hành ở các trường đại học. Và vết sẹo từ kiểu này mới được coi là “vết sẹo vẻ vang” chuẩn.

Mensur. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Mensur, thường được tổ chức và trọng tài bởi hội huynh đệ, được coi là điều cao quý vượt trên chiến đấu tay đôi hay thể thao thông thường, thay vào đó là phương thức rèn luyện, giáo dục tư cách, gắn kết tình anh em; do đó, trong một trận đấu kiếm hàn lâm, không có kẻ thắng người thua.

Loại kiếm được dùng trong mensur cũng có thiết kế đặc biệt. Phổ biến nhất là loại kiếm chém korbschläger với đốc kiếm có bộ phận bảo vệ kiểu giỏ chụp. Ở một số trường đại học miền đông nước Đức, người ta sử dụng loại kiếm chém glockenschläger với đốc kiếm có bộ phận bảo vệ hình chuông. Trong một số trường hợp, hai đối thủ được mặc quần áo bảo hộ, gồm miếng đệm trên cánh tay và kính bảo vệ mắt.

Kiếm korbschläger. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Trong cuộc đấu kiếm, việc có thể đứng vững và chịu đòn mới được coi là lý tưởng và là một cách thể hiện lòng dũng cảm, chứ mục đích chủ yếu không phải để gây ra vết thương. Điều quan trọng là thể hiện năng lực của một người, nhưng đương nhiên người đó cũng phải có khả năng chịu đựng thương tích. Trong khi thi đấu, việc né tránh một lưỡi kiếm sẽ bị coi là hèn nhát. Nghiêm túc mà nói, nếu lộ sơ hở và để cho lưỡi kiếm của đối thủ lao tới, các chàng trai không được phép nao núng mà phải dùng mặt để chặn nó lại.

Bởi vì kiếm được sử dụng bằng một tay và hầu hết các kiếm thủ đều thuận tay phải, nên các vết sẹo thường nằm ở phía mặt bên trái. Những tay kiếm giàu kinh nghiệm, từng đánh nhiều trận, thường có cả một mảng sẹo. Một người qua đời năm 1877 được ghi nhận "đã đánh không dưới 13 trận và có 137 vết sẹo trên đầu, mặt và cổ".

Khách du lịch nước ngoài đến thăm nước Đức vào cuối thế kỷ 19 đã bị sốc khi nhìn thấy các sinh viên, thường là với hội huynh đệ của họ, tại các trường đại học lớn của Đức như Heidelberg, Bonn hoặc Jena với những vết sẹo trên mặt - một số đã cũ, một số gần đây và một số vẫn còn quấn băng.

Sinh viên hội huynh đệ đi dạo. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Thực tế, các vết thương nói chung không quá nghiêm trọng, theo một tờ báo viết vào năm 1887 thì “các vết thương thường chỉ gây ra sự bất tiện tạm thời và để lại dấu vết như là bằng chứng vĩnh viễn của một trận đấu đẹp. Các vết thương, ngoại trừ khi gây ra ở mũi, môi hoặc tai, thì không nhất thiết phải đau đớn, và trừ khi người bị thương uống quá nhiều rượu khiến chúng sưng và tấy đỏ, còn không thì hoàn toàn có thể tránh được những vết sẹo xấu. Những thanh kiếm được sử dụng có dạng giống như dao cạo nên chúng cắt khá ngọt, không gây bầm tím, vết thương dễ dàng khép miệng, không để lại biến dạng lớn nếu so với việc bị mất một tai."

Có những sinh viên không tham gia đấu kiếm đã bắt chước tự rạch sẹo bằng dao, và một số người sẽ gây tổn thương lên các vết cắt đang lành để làm toác rộng thêm các vết sẹo, tất nhiên điều này thường bị phản đối. Thậm chí còn có những người trả tiền cho bác sĩ để cắt má của họ.

Ý nghĩa xã hội

Việc đạt được những vết sẹo trong môi trường ưu tú, gắn liền với địa vị và học thuật, cho thấy một người có lòng dũng cảm và cũng là "người chồng tốt". Những vết sẹo thậm chí còn được Otto von Bismarck đánh giá là dấu hiệu của lòng dũng cảm, và lòng dũng cảm của đàn ông có thể được đo lường "qua số vết sẹo trên má của họ".

Những vết sẹo đấu kiếm được coi là huy hiệu danh dự ở Đức và Áo, khiến chủ nhân của chúng trở thành "người chồng tốt". Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Các nhóm người thiểu số ở Đức cũng say mê tập luyện, một số người coi đó là trợ lực vươn lên trong hoàn cảnh xã hội của họ. Năm 1874, William Osler, khi đó là một sinh viên y khoa trong chuyến thăm Berlin, đã mô tả "một chàng trai trẻ tràn đầy hy vọng người Mỹ gốc Tây Ban Nha mà tôi quen biết có một nửa khuôn mặt - chúng vẫn thường nằm ở nửa bên trái như vậy - được bố cục một cách bất thường nhất có thể, các vết sẹo chạy theo mọi hướng, bao quanh các mảng đủ hình dạng, di tích của 14 trận đấu tay đôi.”

Người nổi tiếng nhất có mang vết sẹo vẻ vang là trung tá Otto Skorzeny của Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Otto Skorzeny sinh ra ở Viên trong một gia đình Áo trung lưu có lịch sử phục vụ quân đội lâu đời. Ông là một tay kiếm nổi tiếng với tư cách là thành viên của Hiệp hội sinh viên quốc gia Đức khi theo học tại Đại học Kỹ thuật Viên. Ông đã tham gia vào 15 trận đấu và nhận vết sẹo vẻ vang trong trận thứ 10.

Otto Skorzeny, “kẻ nguy hiểm nhất châu Âu”. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng

Skorzeny là một sĩ quan xuất sắc của SS. Cuộc đột kích táo bạo để giải cứu trùm phát xít Italia Benito Mussolini năm 1943 giúp ông được trao tặng huân chương Thập tự Sắt cao quý nhất của Đức. Sau khi chiến dịch đổ bộ Normandy, Pháp diễn ra, Skorzeny đã dẫn một đội biệt kích mặc quân phục lính Mỹ xâm nhập vào phòng tuyến của phe Đồng minh để cướp vũ khí và tổ chức tấn công thọc hậu. Phe Đồng minh gọi Skorzeny là "kẻ nguy hiểm nhất châu Âu" vì ông thường tổ chức những cuộc đột kích táo bạo và những kế hoạch điên rồ.

Ngoài ra, dễ thấy Kurt Heinrich Debus - cựu khoa học gia Đức Quốc xã, sau này trở thành giám đốc Trung tâm phóng tên lửa của NASA - cũng mang một vết sẹo đấu kiếm.

Kurt Heinrich Debus. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Biến mất và di sản

Mensur có tác dụng tập hợp và gắn kết tình huynh đệ, khiến Đảng Quốc xã không hài lòng. Vì thế trong thời Đệ tam Đế chế, chúng đã bị cấm. Tuy nhiên những người đam mê vẫn tìm mọi cách để tiến hành hoạt động đấu kiếm truyền thống này. Tất nhiên họ không thể để những vết thương tố cáo mình với cảnh sát mật. Và theo đó, những vết sẹo vẻ vang cũng biến mất.

Ngày nay, Mensur được thực hành bởi khoảng 400 hội huynh đệ truyền thống ở Đức, nó cũng được biết đến ở một số quốc gia châu Âu khác, mặc dù hiện tại việc sử dụng đồ bảo hộ đã phổ biến và hầu như không có vết thương hay vết sẹo nào.

Nhìn chung, vết sẹo vẻ vang của người Đức có thể coi là kiến chứng của một thời kỳ lịch sử, tương tự như tục xăm rồng lên đùi của các vua Trần nước ta vậy. Đó là một phương cách biểu hiện lòng dũng cảm và niềm kiêu hãnh, dù có đôi chút kỳ dị.

Hữu Đức

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Vì sao bị chém rách mặt lại là niềm tự hào một thời của sinh viên và quý tộc Đức