Vì sao cha mẹ không nên cãi nhau trước mặt con cái?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có một chia sẻ trên mạng Internet khiến các bậc cha mẹ giật mình: "Mỗi phút đều là dày vò, khiến tôi chỉ muốn chạy trốn. Bố mẹ thường cãi nhau đến đỏ cả tai, thậm chí còn đánh nhau trước mặt tôi. Sau bao nhiêu năm, tôi vẫn gặp ác mộng thấy bố mẹ cãi nhau mà choàng tỉnh giấc".

Trong tiết sinh hoạt chung cùng phụ huynh tại một trường mẫu giáo nọ, lũ trẻ nô đùa vui vẻ vây quanh cô giáo, chỉ có một cậu bé lẻ loi ngồi dựa vào góc tường, hai tay ôm chặt chiếc khăn tắm đã sờn, cứ yên lặng trong góc tường như vậy.

Sau đó, mẹ của cậu bé kể lại với cô giáo: Một lần khi cô đang tắm cho con, thì vợ chồng cô gây chuyện cãi nhau dữ dội, đứa bé chỉ biết ôm khăn tắm đứng khóc. Từ đó, đứa trẻ không thể rời chiếc khăn tắm.

Người lớn cãi nhau, trẻ em vô tội trở thành "nạn nhân"

Trong một cuộc khảo sát tâm lý với 3.000 trẻ em ở độ tuổi đi học, có một câu hỏi được đặt ra là: “Con sợ nhất điều gì?”. Và câu trả lời nhận được nhiều nhất là: "Con sợ bố mẹ cãi nhau. Dáng vẻ của họ khi cãi nhau rất đáng sợ!"

Trên mạng Internet cũng có một chủ đề nóng hổi: Khi vợ chồng cãi nhau, đứa trẻ cảm thấy thế nào?

Một câu trả lời được nhiều người tán đồng, đó là: "Mỗi phút đều là dày vò, khiến tôi muốn chạy trốn. Bố mẹ thường cãi nhau đến đỏ cả tai, thậm chí còn đánh nhau trước mặt tôi. Sau bao nhiêu năm, tôi vẫn gặp ác mộng thấy bố mẹ cãi nhau mà choàng tỉnh giấc".

Người lớn cãi lộn nhau, cho dù là ai thắng thì người thua trận lại chính là con trẻ. Sau khi có con, chuyện vợ chồng cãi nhau không chỉ là việc khiến người lớn "lưỡng bại câu thông", thiệt cả đôi đường, mà còn là hình ảnh đáng sợ trong mắt đứa trẻ.

Tổn thương do những cuộc cãi vã của cha mẹ sẽ ám ảnh cả cuộc đời con trẻ

Tuổi thơ của Huệ Mẫn trải qua trong cuộc cãi vã của bố mẹ. Có lần bố mẹ cãi nhau và đập phá hết đồ dùng trong bếp. Giữa đống mảnh vỡ ngổn ngang trên sàn, bố mẹ mỗi người kéo một tay cô và hỏi cô muốn sống cùng với ai...

Đó là một ký ức không vui và không thể nào quên trong thời thơ ấu, cho nên sau khi lớn lên cô vẫn thường bị ám ảnh bởi chúng.

Điều trẻ em mong muốn nhất là một cuộc sống bình thường và hòa thuận. Trong bầu không khí gia đình bất hòa, sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ sẽ bị tổn hại, trẻ dễ bị khiếm khuyết về nhân cách và các vấn đề về tâm lý.

Cha mẹ “yêu nhau ghét nhau” trong một gia đình đầy khói thuốc súng, thì người bị thương nặng nhất thường là đứa trẻ. Vì vậy, đừng để những va chạm trong hôn nhân phá hủy hạnh phúc của thế hệ kế tiếp.

Một ngôi nhà hòa thuận và yêu thương là món quà tuyệt vời nhất dành cho trẻ em. (Nguồn ảnh: Adobe stock)
Một ngôi nhà hòa thuận và yêu thương là món quà tuyệt vời nhất dành cho trẻ em. (Nguồn ảnh: Adobe stock)

Tấm gương tốt nhất mà cha mẹ có thể cho con cái, chính là yêu thương nhau

Bởi vì con trẻ sẽ rất chú ý đến sự tương tác tình cảm giữa cha mẹ, và lấy đây làm cơ sở để đánh giá xem hoàn cảnh gia đình có an toàn hay không.

Cuộc sống vợ chồng ấm êm sẽ cho con cái họ ngay từ nhỏ đã biết thế nào là hạnh phúc.

Tuy nhiên, các cặp đôi dù yêu nhau đến đâu thì thỉnh thoảng vẫn có thể không tránh khỏi những tranh chấp.

Vậy làm thế nào để giảm thiểu tổn thương nhỏ nhất đối với trẻ em?

Đầu tiên, cha mẹ hãy cố gắng không cãi vã trước mặt con cái. Chúng ta không thể tưởng tượng nổi một đứa trẻ chưa đủ tuổi khi đối mặt với cảnh cha mẹ mình kiệt sức khi cãi nhau, nội tâm của chúng sẽ bất lực đến mức nào. Những cảm xúc tiêu cực của các cặp đôi cần được trút bỏ, nhưng đừng để cuộc cãi vã trở nên mất kiểm soát và cố gắng tránh mặt con trẻ nếu có thể.

Thứ hai, nếu đứa trẻ trong lúc vô tình nhìn thấy cha mẹ cãi nhau, hãy giải thích cho trẻ hiểu. Trẻ em thực sự rất nhạy cảm, nhiều đứa trẻ trở nên đặc biệt nhạy cảm sau khi cha mẹ chúng cãi nhau. Nếu con bạn nhìn thấy điều đó, đừng cố tình che giấu, hãy tự nhiên nói với trẻ rằng cha mẹ có thể có ý kiến ​​khác nhau và giọng nói của họ có thể hơi to. Tất nhiên, giữa vợ chồng tốt nhất nên ngồi lại nói chuyện với nhau, bởi nhiều khi câu thông có thể giải quyết vấn đề, nhưng cãi lộn lại làm mọi việc trở nên hỏng bét.

Thứ ba, nói với trẻ rằng cuộc cãi vã không phải là lỗi của trẻ. Trong bộ phim "Môt thuở tình thơ" của Mỹ có một đoạn nói về cách xử lý của cha mẹ sau cuộc cãi vã: Cô bé Juli 7 tuổi nhìn thấy cha mẹ cãi nhau trên bàn ăn và rất buồn. Sau khi Juli về phòng, cha mẹ cô bé từng người một đến an ủi cô. Bố nói với Juli: “Đó không phải là lỗi của con”. Mẹ nói: “Chuyện của người lớn sẽ có cách giải quyết, bố và mẹ sẽ luôn yêu thương nhau và yêu con”. Juli nhanh chóng thoát ra khỏi tâm trạng buồn bã, đồng thời cảm thấy yêu bố mẹ nhiều hơn.

Một ngôi nhà hòa thuận và yêu thương, chính là món quà tuyệt vời nhất dành cho con trẻ. Trẻ con là để yêu thương, không phải để làm tổn thương. Hy vọng rằng mọi đứa trẻ đều có thể được đối xử dịu dàng!

Hòa An
Theo Vision Times

Văn hoá Giáo dục


BÀI CHỌN LỌC

Vì sao cha mẹ không nên cãi nhau trước mặt con cái?