Vì sao không thấy Thần vịt và yêu tinh vịt trong Tây Du Ký

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có người thắc mắc vì sao chúng ta không thấy thần vịt và yêu tinh vịt trong Tây Du Ký. Thôi thì thần vịt cũng có thể bỏ qua, nhưng chẳng nhẽ vịt không thể thành yêu tinh sao? Có người nói vui rằng, liệu có phải vì đặc tính vịt trời di cư theo hướng Nam - Bắc, còn thầy trò Đường Tăng đi về phía Tây nên khó gặp nhau, nghe qua cũng có đạo lý.

Trong các truyện Thần Tiên, hình tượng gà không hề hiếm gặp, chính diện có, phản diện có. Chính diện có vị Thần gà Mão Nhật Tinh Quan giúp thầy trò Đường Tăng thoát nạn yêu quái bò cạp trong “Tây Du Ký”; có chú gà trống tham gia cuộc đua đến Thiên Môn trong “Sự tích 12 con giáp”. Phản diện có yêu tinh gà lôi chín đầu trong “Phong thần diễn nghĩa”; trong “U Minh Lục” có con gà trống thành tinh bị thư sinh họ Chư phát hiện và tiêu diệt; hay con yêu tinh gà trắng phá hoại thành Cổ Loa bị An Dương Vương giết chết. Vậy nhưng, tuy cùng là giống cầm điểu gần gũi với con người, loài vịt lại dường như không được ưu ái, nhắc đến nhiều như loài gà. Thậm chí “Liêu Trai chí dị” của Bồ Tùng Linh là một tác phẩm rất thoải mái phóng túng, mà cũng không hề có con yêu tinh vịt nào. Vì sao lại như vậy?

Gà, vịt, ngỗng đều từ hoang dã mà đến với loài người. Tuy nhiên vì đến trước đến sau, lại thêm đặc tính khác nhau, mà tầm ảnh hưởng với con người cũng bất đồng.

Đặc tính và ý nghĩa của gà

Gà rừng không phải là giống chim di cư, bay không quá giỏi, không cần nhiều diện tích chăn nuôi, nên loài người đã thuần hóa từ rất sớm, khoảng 8000 năm trước đây. Đóng góp của gà cho loài người cũng không chỉ giản đơn thô thiển là thịt và trứng, mà đa phương diện. Gà được gọi là “ngũ đức chi cầm” tức loài chim có năm đức hạnh: một là, đầu có mào như đội mũ, thân có lông đẹp như quần áo, gọn gàng đó là Văn; hai là, chân cứng, có cựa nhọn để làm vũ khí, ấy là Võ; ba là, thấy đối thủ là xông vào, ấy là Dũng; bốn là, tìm thấy thức ăn liền gọi đồng loại, đó là Nhân; năm là, đúng giờ, đúng canh liền cất tiếng gáy, ấy là Tín.

Gà là động vật có linh khí. Gà có thể kháng độc rắn rết, côn trùng. Có người dùng chân gà để coi bói, dùng máu gà để trừ tà. Một số nơi ở Đông Nam Á người ta ăn tiết canh vịt chứ không ăn tiết canh gà, ăn trứng vịt lộn chứ không ăn trứng gà lộn, ngoài vấn đề vị giác, dược tính, còn có khía cạnh tâm linh. Nói chung những đặc điểm này đã khiến vị thế của loài gà trở nên rất đặc biệt. Loài gà đã khắc sâu ấn tượng với con người nên được ưu ái nhắc tới trong thần thoại, truyền thuyết, văn học.

Gà là loài chim có năm đức hạnh. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng

Đặc tính và ý nghĩa của vịt

Loài vịt, đáng tiếc, không được như vậy. Vịt trời là loài giỏi bay, thuộc giống di cư, môi trường sinh sống phức tạp, được loài người thuần hóa muộn hơn. Lần đầu tiên vịt nhà được nhắc đến trong văn bản chữ Hán ở Trung Nguyên là khoảng năm 500 tr.CN. Đã đến muộn, vịt nhà lại không có nhiều đức tính tốt, không cạnh tranh được vị thế văn hóa so với gà và ngỗng. Ngoại hình, thanh âm của vịt không so được với gà, nết ăn và kỷ luật của vịt không so được với ngỗng.

Chưa kể loài vịt khi được loài người thuần hóa lại còn đánh mất đi những đức tính tốt đẹp của tổ tiên. Ví như vịt trời là giống chung thủy, thường kết đôi một vợ một chồng suốt đời, còn vịt nhà thì giao phối tạp loạn; vịt trời cứ đúng thời gian là lập đoàn di cư, cả ngàn dặm Nam Bắc như vậy nhưng các điểm dừng đỗ, trú ngụ bao năm không đổi, nên thường xuất hiện cùng ngỗng trời, hồng hộc, nhạn… trong các áng văn chương, để nói về niềm nhớ thương cố hương, sự tín nghĩa, ý chí khát khao v.v…, còn vịt nhà thì ngốc nghếch, sống đời luẩn quẩn, đương nhiên không thể đạt được hình tượng đó.

Vịt trời mang nhiều đức tính tốt hơn vịt nhà. Nguồn: Pixabay.

So với gà đã không nổi, mà trong các giống cầm điểu quen thuộc, vịt còn không chắc đạt được vị trí thứ hai. Bởi vì ngỗng mới là giống cầm điểu có vị thế cao trong thần thoại, truyền thuyết và văn hóa.

Đặc tính và ý nghĩa của ngỗng

Đặc điểm của ngỗng là uy mãnh, tín nghĩa, kỷ luật, thuần tịnh, thính nhạy… dù là ngỗng trời hay ngỗng nhà. Ngỗng để bảo vệ đàn thì không tiếc xả thân, không sợ cả động vật lớn hơn. Ngỗng ăn uống cũng khá thuần tịnh, thức ăn chủ yếu của chúng là cây cỏ thực vật, tránh ăn tạp. Ngỗng thính nhạy, linh tính tốt nên thường dùng vào việc trông coi, dự báo, có thể thấy vị chiến lược gia đại tài Khổng Minh sử dụng quạt lông ngỗng là không hề ngẫu nhiên.

Kinh Bổn sinh (Jātaka) là phần dài nhất của Tiểu bộ kinh, gồm 547 bài. Kinh này kể lại sự tích, các tiền kiếp của Phật Thích Ca Mâu Ni, nói về các đệ tử và những người chống đối Phật trong các tiền kiếp đó, và chỉ rõ các nghiệp đời trước đóng vai trò thế nào trong đời này. Trong Kinh này có có kể về một tiền kiếp của một vị Bồ Tát là một con ngỗng vàng. Con ngỗng vàng này vẫn giữ được ký ức đời trước, liền mỗi ngày bay đến cho vợ con ở đời trước một chiếc lông vàng. Thế rồi người vợ nổi lòng tham, nhổ sạch lông của nó, thì tất cả hóa ra lông chim thường. Sau khi bộ lông hồi phục, ngỗng vàng bay đi và không quay lại nữa.

Trong thần thoại Ấn Độ, ngỗng thần hamsa là vật cưỡi của Brahma, Gayatri, Saraswati, và Vishvakarma. Hình tượng mặt trăng trên trời được ví như con ngỗng trắng giữa làn nước xanh thẳm, nên một trong những phương tiện di chuyển của thần mặt trăng Chandra là xe ngỗng kéo.

Brahma và Saraswati cưỡi ngỗng hamsa. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Truyền thuyết kể rằng, vào khoảng cuối thế kỷ thứ 4 tr.CN, khi người Gaul cố gắng tập kích Rome trong đêm tối, một bầy ngỗng đã báo động cho người La Mã cứu được thủ đô. Để tôn vinh điều này, người La Mã sau đó đã lập một ngôi đền thờ thần Juno - vị chủ thần của loài ngỗng. Ngỗng cũng được tôn kính trong lễ hiến tế hàng năm (supplicia canum).

Sách “Dậu dương tạp trở” thời Đường ghi có người nông dân đào phải mộ Tề Cảnh Công, đào thấy một cái hòm đá, mở ra thì có một con ngỗng còn sống ở trong. Sách “Quảng dị ký” thời Đường cũng có ghi lại câu chuyện rằng trong mộ một viên quan thời Đông Hán thường có bốn con ngỗng chui ra ăn hoa màu gần đó, người dân ra đuổi thì bị chúng cắn, tức quá dùng gậy đánh chết, nhìn lại thì hóa ra là tượng ngỗng bằng đồng. Có thể thấy ngỗng là một biểu tượng tâm linh rất được người Trung Quốc coi trọng.

Tượng ngỗng đồng trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Đến như nhà thư pháp trứ danh Vương Hi Chi còn đam mê ngỗng đến nỗi chẳng nề hà phá lệ bản thân. Chuyện rằng, vùng Sơn Âm có một Đạo sĩ, muốn Vương Hi Chi viết cho mình quyển “Đạo đức kinh”. Nhưng ông biết Vương Hi Chi là người không dễ dàng gì sao chép kinh thư. Về sau, Đạo sĩ hỏi thăm biết Vương Hi Chi thích ngỗng trắng, liền cố ý nuôi một số ngỗng loại tốt. Vương Hi Chi nghe nói nhà Đạo sĩ có nhiều ngỗng tốt, liền đến xem. Khi Vương Hi Chi đến gần nhà Đạo sĩ, thấy trên sông có một bầy ngỗng đang bơi thung dung, toàn thân lông trắng như tuyết, điểm sắc đỏ trên đỉnh đầu cao cao, quả thực khiến người ta ưa thích. Vương Hi Chi đứng bên sông nhìn, dường như không nỡ rời đi, liền sai người đi tìm Đạo sĩ, đề nghị bán bầy ngỗng đó cho ông.

Đạo sĩ cười nói rằng: “Ông đã yêu thích như thế, không cần phải tốn kém đâu, tôi sẽ tặng hết bầy ngỗng đó cho ông. Nhưng tôi có một yêu cầu, đó là xin ông viết cho tôi một quyển kinh.”

Vương Hi Chi không hề do dự liền sao chép cho Đạo sĩ quyển kinh để đưa bầy ngỗng về nhà.

Tất nhiên, sách sử Trung Quốc cũng ghi chép những chuyện chẳng lành liên quan đến ngỗng.

“Tấn thư” có chép vào tháng 2 năm Vĩnh Gia nguyên niên (tức năm 307) thời Tấn Hoài Đế, khu vực Bộ Quảng phía đông bắc Lạc Dương bị sụt đất, xuất hiện hai con ngỗng đi ra, một con xám một con trắng. Con ngỗng xám thì bay vút lên trời, con ngỗng trắng thì không bay được mà ở lại. Có người nhận định “Bộ Quảng thời nhà Chu là Địch Tuyền, chính là nơi chư hầu hội thề liên minh. Trắng thuộc hành Kim, cũng là hành của triều Tấn; xám là trang phục người Hồ. Vậy đây là điềm người Hồ thì hùng mạnh, người Tấn thì lụn bại.”

Quả nhiên không lâu sau các đội quân người Hồ đã vào chia cắt Trung Nguyên. Người đời sau dùng chữ “song nga” (“hai con ngỗng”) để ám chỉ họa loạn chiến tranh.

Viên Mai trong “Tử bất ngữ” có ghi chép lại câu chuyện mà ông chứng kiến: năm Mậu Tuất (1778) đời vua Càn Long nhà Thanh, đê Hoàng Hà xảy ra sự cố. Quan chức quản lý liền vội điều động sửa chữa. Tuy nhiên lại phát hiện chuyện quái dị. Trên sông có một đàn ngỗng lông xanh, hôm nào có chúng đến thì đêm ấy đê liền bị vỡ. Quan quân liền mang súng ra bắn. Nhưng cứ bắn thì chúng tản ra, ngừng bắn thì chúng tụ lại, không biết làm cách nào. Sau tra thấy trong sách “Quế hải bại biên”, vào cuối đời Minh từng có thủ lĩnh khởi nghĩa là Hoàng Tiêu Dưỡng thua trận chạy đến sông Hoàng Giang, Quảng Đông thì được ngỗng xanh dẫn xuống nước.

Có người nhận định “Đây là ma đói, thủy quái vòi vĩnh, giết chó mực tế, lại ném bánh ú ngũ sắc xuống, ắt nó sẽ đi.” Mọi người làm theo, quả nhiên hiệu nghiệm.

Tóm lại, tuy hình dạng, lối sống tương đối giống nhau, nhưng ngỗng và vịt lại có vị thế văn hóa khác biệt một trời một vực. Nếu để ý kỹ, chúng ta sẽ thấy dường như thiên nhiên và văn hóa luôn sắp đặt một cặp đôi kiểu như vậy. Giống như thịt sam thì ăn được, còn thịt so thì ngộ độc chết người; ếch cốm được yêu quý, cóc ghẻ bị chê bai. Hay như hình tượng cừu ngoan ngoãn và dê hư hỏng trong Ki-tô giáo. Tuy vịt không phải là phản diện, đối lập với ngỗng, nhưng hệ quả là chúng cũng ít được quan tâm nhắc đến, đặc biệt là trong hệ thống Thần linh yêu quái phương Đông. Tây Du Ký không có vịt cũng là điều dễ hiểu.

Tại sao vịt khó thành tinh

Để một con động vật thành tinh, thường nó cũng phải có chút “tư chất”, cộng thêm yếu tố môi trường. Ví như cáo chồn rắn rết, đây là những loài vật giảo hoạt, độc địa. Nếu đầu đuôi chúng cuộn lại đóng kín một vòng huyệt mạch trên cơ thể, hoặc ngậm được ngọc, hay sống ở vùng tà khí, linh khí mạnh, thì chúng mới có khả năng thành tinh, thành yêu quái.

Gà và thỏ là loài vật tương đối thông minh, nên có thể thành tinh. Nhưng cũng rất hãn hữu. Số lượng so ra thì không thể bằng cáo chồn rắn rết được.

Thực tế thì tính cách, đặc điểm ngoại hình, lối sống của ngỗng, vịt nói riêng, cũng như các loài chim nói chung khiến chúng rất khó thành tinh. Các loài chim thường không giảo hoạt hay mang độc, mà thực tế, chúng lại còn có xu hướng là thiên địch với những loài như vậy. Về ngoại hình, các loài chim cũng không uốn người thành một vòng được. Chim chóc cũng thường ngủ trên cao, không ở nơi hang động, hầm mộ. Chưa kể có rất nhiều loài chim di cư, chúng thường không ở lâu một chỗ để tích tụ linh khí. Ngỗng vốn có khí chất, được ưu ái dùng để giữ mộ, như con ngỗng trong mộ Tề Cảnh Công đã nói ở trên, thì may ra có thể thành tinh. Còn vịt thì e là đã khó lại càng khó.

Sự trân trọng mà nhân loại dành cho các loài chim

Sự trân trọng mà nhân loại dành cho các loài chim cũng là một trong những lý do khiến cho hầu như không có tác phẩm văn chương nào viết về yêu tinh vịt.

Rất nhiều dân tộc có thần thoại liên hệ với loài chim. Ví như được chim thần đem đến, nở ra từ trứng chim thần. Người Mường có thần thoại về đôi chim (Chim Ây, Cái Ứa) đẻ ra muôn loài. Người Việt có cổ vật biểu trưng là trống đồng khắc hình chim lạc. Người nhà Thương nói được chim Huyền Điểu sinh ra.

Loài chim ít đóng vai ác trong thần thoại, truyền thuyết, văn học. Một số chim dữ được thu phục làm vật cưỡi cho các vị Thần linh, hoặc được sai phái đi làm nhiệm vụ đặc biệt. Ví như Đại Bàng Kim Sí Điểu được Phật Như Lai thu phục trong Tây Du Ký, hay con đại bàng khổng lồ mà thần Zeus sai đến ăn gan của Prometheus mỗi ngày trong Thần thoại Hy Lạp v.v… Thậm chí loài quạ thường bị mang tiếng xấu, nhiều người ghét, nhưng trong truyện cổ Grimm, chúng không ít lần cảnh báo hoặc giúp đỡ con người.

Từ thượng cổ, loài chim với tập tính bay lượn chẳng khác nào sứ giả kết nối trời đất, đã gắn bó với con người trên rất nhiều phương diện: báo thức; cảnh báo thú dữ, nguy hiểm; hót ca nhảy nhót vui mắt vui tai; tiêu diệt sâu bọ, phát tán hạt giống, báo hiệu mùa màng; báo hiệu thời tiết, khí hậu; báo hiệu thiên tai như bão lốc, động đất, sóng thần, dịch bệnh; báo hiệu điềm lành dữ của các triều đại. Có thể nói nhân loại dành rất nhiều tình cảm yêu quý cho các loài chim. Vì thế, loài vịt cũng được thơm lây, không trở thành yêu quái trong các tác phẩm văn học.

Hữu Đức



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao không thấy Thần vịt và yêu tinh vịt trong Tây Du Ký