Tham quan tội lớn không khác gì ăn thịt, hút máu mủ người dân?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sách "Tử bất ngữ" của Viên Mai đời Thanh có ghi chép một câu chuyện về việc tham quan bóc lột bách tính, không khác gì ăn thịt, hút máu mủ người dân khiến người ta phải lạnh mình kinh sợ...

Có câu chuyện trong sách “Tử bất ngữ” của Viên Mai đời Thanh như sau:

Tiên sinh Mẫn Ngọc Thương người Hàng Châu là một vị quan thanh liêm chính trực. Sau khi ông được thăng làm Lang trung Bộ Hình, hàng đêm đều được triệu xuống Âm ty, đảm nhiệm chức vụ của Diêm Vương. Vào canh 2 mỗi đêm, có kiệu ngựa và đội nghi trượng ở bên kia đến đón ông. Âm ty có 5 điện, Mẫn Ngọc Thương quản lý điện thứ 5. Trước mỗi lần thăng đường, phán quan đều đem lên một viên bi sắt, hình dáng như trứng chim, nặng khoảng một lạng, bảo ông nuốt vào bụng, sau đó thẩm lý các vụ án.

Phán quan nói:

"Đây là Thượng Đế tạo ra, Ngài sợ Diêm Vương khi thẩm lý các vụ án ở Âm gian nghĩ đến tư lợi, do đó mệnh nuốt bi sắt đế trấn cái tâm. Việc này đã thành thông lệ thực hiện mấy nghìn năm nay rồi".

"Thượng Đế biết bách tính bị tham quan ở dương gian vì tư lợi đã bẻ cong pháp luật nên phải chịu thống khổ vô cùng. Đến khi chết xuống Âm gian, nếu bách tính lại bị vu cáo hãm hại thì sẽ không còn chỗ nào kêu oan nữa. Do đó Thượng Đế đã quy định rằng, Diêm Vương trước mỗi lần xử án thì phải nuốt bi sắt để trấn áp tư tâm, giữ được công tâm".

Sau khi ông được thăng làm Lang trung Bộ Hình, hàng đêm đều được triệu xuống Âm ty, đảm nhiệm chức vụ của Diêm Vương.
Sau khi ông được thăng làm Lang trung Bộ Hình, hàng đêm đều được triệu xuống Âm ty, đảm nhiệm chức vụ của Diêm Vương. (Ảnh: Shutterstock).

Mỗi lần trước khi xử án, Mẫn Ngọc Thương đều chiểu theo thông lệ nuốt bi sắt. Sau khi xử án xong, ông liền nôn bi sắt ra, rửa sạch sẽ rồi giao lại cho phán quan cất giữ.

Những việc Mẫn Ngọc Thương xử lý ở Âm gian thì buổi sáng sau khi thức dậy ông đều quên hết. Cho dù có việc nhớ được thì ông cũng không nói với người khác. Thường ngày ông chỉ khuyên mọi người không nên ăn thịt trâu bò, nên niệm kinh nhiều mà thôi. Nhưng sau này ông lại có ý nhấn mạnh: "Làm quan tuyệt đối không được ức hiếp người dân".

Bỗng một hôm Mẫn Ngọc Thương thức dậy lúc sáng sớm, ông triệu tập bạn bè người thân đến và nói với họ rằng:

Đến nay tôi mới biết rằng làm quan ắt phải thanh liêm chính trực, nếu chỉ làm được những việc tốt nhỏ bé thì cũng vô dụng.

Đêm qua người em họ của tôi là ông Lý đã chết, hồn của ông ta bị giải đến Âm ty, phán quan báo cáo cho tôi những việc xấu mà cả đời ông ta đã làm. Sau khi thẩm vấn định tội danh ông ta, còn gửi công văn đến Đông Nhạc Đại Đế để thi hành. Trong lòng tôi rất buồn cho ông Lý, bèn lấy ngục bài để trên bàn xử án, mấy lần đưa mắt ra hiệu cho ông Lý. Ông Lý nói cả đời không ăn thịt trâu bò. Khi làm quan ông ấy đã cấm giết mổ trâu bò rất nghiêm khắc, có thể dùng công đức này để chuộc tội lỗi của mình. Tôi cũng không nói năng gì.

Phán quan phản bác lại ông ấy rằng: "Đây là điều Mạnh Tử đã nói, ân trạch tới cả loài cầm thú, nhưng đối với bách tính thì lại tàn khốc mà lại muốn giảm tội, việc đó không có ích lời gì. Ông không ăn thịt trâu bò, tại sao ông lại ăn thịt, hút máu mủ người?"

Ông Lý biện luận giải thích: "Tôi chưa từng ăn thịt người".

Phán quan nói: "Tiền bạc của cải của người dân chính là thịt người. Ngươi làm quan tham, hút máu mủ của ngàn vạn người, nhưng chỉ không ăn thịt trâu bò, ngươi nghĩ kỹ coi, việc tốt nhỏ nhoi có thể chuộc nổi đại tội không?"

Ông Lý không thể trả lời được.

Không ăn thịt trâu bò
Ngươi làm quan tham, hút máu mủ của ngàn vạn người, nhưng chỉ không ăn thịt trâu bò, việc tốt nhỏ nhoi có thể chuộc nổi đại tội không? (Ảnh: Pexels).

Tôi biết ông Lý vốn xưa nay chăm đọc kinh thư, do đó tôi đề mục kinh thư vào lòng bàn tay rồi chìa tay cho ông ấy xem. Ông Lý lại mơ mơ màng màng không đọc nổi một chữ. Tôi đọc giúp ông ấy mấy câu, tất cả phán quan, sai nha, thư lại trong điện nhất tề quỳ xuống nghe, từ phương Tây bỗng như có một đám mây hồng bay đến. Nhưng bi sắt trong bụng tôi nảy lên, tả xung hữu đột, lòng dạ đau như xé ruột gan. Tôi đau quá không biết làm thế nào, vội vàng lấy ngục bài (vốn để trên bàn, niệm tình riêng nên không muốn dùng), dùng bút son phê, lệnh cho nha lại đưa ông Lý vào Địa ngục. Lúc đó viên bi sắt trong bụng tôi mới dừng lại. Tôi lại thẩm lý vụ án khác rồi mới quay trở về".

Bạn bè thân thích hỏi: "Vậy rốt cuộc thịt trâu bò có được ăn không?"

Mẫn Ngọc Thương nói: "Ở giữa được ăn và không được ăn".

Mọi người hỏi đạo lý, ông nói: "Việc này giống như yêu tiếc tờ giấy đã viết chữ, Thánh nhân không đưa việc này vào trong phạm vi cấm chỉ, chỉ là cái tâm trọng nông, trọng văn, đem sự việc đồng dạng so sánh, suy luận để thấy bản chất tương đồng. Cấm ăn thịt trâu bò là nhân từ. Nhưng thử nghĩ xem, con tằm nhả tơ, để cho từ thiên tử đến bách tính đều có quần áo mặc, công lao của nó còn lớn hơn trâu bò, tính mệnh càng trọng hơn trâu bò, vậy tại sao lại đun nó, luộc nó, rút ruột nó, ăn nó? Tại sao không người nào kêu oan cho nó, cấm giết nó? Đó là bởi nguyên tắc của trời đất: Con người là trân quý nhất, quý người coi nhẹ súc vật, đó là việc nên làm cả về tình và lý. Do đó làm quan ắt phải liêm khiết công chính.

Ức hiếp bóc lột bách tính là ăn thịt, hút máu mủ người dân, là tội ác cùng cực. Cho dù làm bất kỳ việc thiện gì khác thì cũng không chuộc được đại tội ức hiếp bóc lột bách tính này".

Ức hiếp bóc lột bách tính là ăn thịt, hút máu mủ người dân, là tội ác cùng cực. Cho dù làm bất kỳ việc thiện gì khác thì cũng không chuộc được đại tội ức hiếp bóc lột bách tính này
Ức hiếp bóc lột bách tính là ăn thịt, hút máu mủ người dân, là tội ác cùng cực. Cho dù làm bất kỳ việc thiện gì khác thì cũng không chuộc được đại tội ức hiếp bóc lột bách tính này. (Ảnh: Pexels).

Thượng Thiên để đảm bảo Diêm Vương công chính vô tư nên mỗi lần trước khi thẩm án thì Diêm Vương đều phải nuốt viên bi sắt, để trấn cái tâm. Duy nhất một lần tiên sinh Mẫn Ngọc Thương muốn niệm tình riêng, kết quả viên bi sắt trong bụng ông tả xung hữu đột khiến ông đau như đứt ruột, khiến ông phải bỏ tư tâm xuống, việc công chiểu theo phép công. Ở Âm gian nhìn thế gian, ông khuyên răn mọi người: "Làm quan ắt phải liêm khiết công chính". Ức hiếp bóc lột bách tính là ăn thịt, hút máu mủ người dân, là tội ác cùng cực. Cho dù làm bất kỳ việc thiện gì khác thì cũng không chuộc được đại tội ức hiếp bóc lột bách tính này.

Từ xưa đến nay, thiện ác hữu báo là Thiên lý, không một tổ chức hay ý chí cá nhân nào có thể lay chuyển được. Người ở nhân gian làm việc xấu thì nhất định có báo ứng, chỉ là đến sớm hay muộn mà thôi. Trong lịch sử, bức hại người tu luyện, phỉ báng Thần Phật đều là trọng tội không thể tha thứ.

Văn hóa truyền thống dạy người làm quan cần lễ kính Thần Phật, liêm khiết công chính, dùng các phương thức khác nhau để khơi dậy bản tính thiện lương của con người, dẫn dắt người dân bước lên con đường có phúc báo. Văn hóa xem trọng vật chất khiến con người đạo đức suy bại, tư tưởng vô Thần khiến con người không sợ làm ác bị quả báo. Người nắm chức quyền vì muốn được cấp dưới phục tùng, nghe theo nên dùng "quy định ngầm" để kéo bè kết phải, khuyến khích quan chức tham ô, hối lộ, phóng túng dục vọng, hưởng lạc... Những bè cánh phe phái chạy theo lợi ích nhóm này coi người dân thiện lương như "kẻ thù", sẵn sàng đánh đập đàn áp, sử dụng phương thức của lưu manh, thổ phỉ đối phó với dân khi quyền lợi của bè nhóm bị đe dọa. Thế là đã tạo ra những nhóm "dân oan", và cũng tạo ra những kẻ "côn đồ" sống bằng đe dọa, đánh đập dân, khiến xã hội càng thêm rối loạn, bất ổn, bất an.

Chỉ khi các giá trị truyền thống được khôi phục, con người biết kính sợ Thần Phật, sợ nhân quả, sống theo Chân-Thiện-Nhẫn thì xã hội mới khôi phục lại bình yên, các tệ nạn xã hội mới chấm dứt. Một xã hội trật tự, quan ra quan, dân ra dân, quan không tham, dân không gian mới là xã hội tốt đẹp, đáng sống.

Trung Hòa (biên dịch)

Tác giả: Như Nhất
Theo zhengjian.org



BÀI CHỌN LỌC

Tham quan tội lớn không khác gì ăn thịt, hút máu mủ người dân?