Vì sao nói cặp đôi trai tài gái sắc là “rồng phượng sánh đôi”? 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vì sao người xưa thường ví cặp đôi trai tài gái sắc như “rồng phượng sánh đôi” và nói có được chàng rể quý là “cưỡi rồng”? 

Trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du cũng có hai câu thơ:

“Trai anh hùng, gái thuyền quyên
Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng”

Từ xa xưa, hình ảnh rồng và phượng thường được sử dụng để chúc mừng cuộc hôn nhân hạnh phúc và mỹ mãn. Người hiện đại cũng thường miêu tả chàng rể hiền là “Thừa long khoái tế” và dùng câu “Long phượng trình tường” để chúc mừng đôi tân lang, tân nương. Hình ảnh ấy bắt nguồn từ một câu chuyện đẹp trong lịch sử, đó chính là cuộc tình của chàng Tiêu Sử và công chúa Lộng Ngọc.

Tương truyền, vào thời Xuân Thu cách nay khoảng 2700 năm, vua Tần Mục Công có một người con gái được nhà vua vô cùng yêu thương. Từ khi còn rất nhỏ, công chúa chỉ thích chơi với viên ngọc bích do nước Tây Nhung tiến cống, Mục Công thấy vậy liền đặt tên cho con gái là Lộng Ngọc.

Công chúa Lộng Ngọc lớn lên xinh đẹp tuyệt trần, tư chất thông minh thiên bẩm. Đặc biệt nàng có tài thổi ống sinh, thường một mình ở trong thâm cung lặng lẽ thổi, không cần thầy dạy mà vẫn có thể tấu lên thành bản nhạc du dương. Mục Công thấy con gái như vậy, liền lệnh cho thợ đẽo khắc ngọc thành ống sinh tặng cho con. Công chúa mê mẩn chiếc ống sinh ngọc bích, ngày ngày miệt mài luyện tập, âm thanh cất lên trong lên như tiếng chim phượng. Mục Công yêu chiều con hết mực, bèn xây cho công chúa một tòa lầu gọi là Phụng Lâu, trước lầu Phụng có đài cao gọi là Phụng Đài.

Sử thổi tiêu, trăm chim cùng hót, khổng tước tụ tập bên rừng, bạch hạc bay lượn trên không (Ảnh: Public Domain)

Khi công chúa tới tuổi trăng tròn, Mục Công lại mời các vương tử ở những tiểu quốc lân bang đến kén rể. Nhưng Lộng Ngọc không bằng lòng, nàng thưa với phụ vương rằng, nếu không phải là cao thủ hiểu âm luật, giỏi thổi ống sinh, thì con quyết không lấy làm chồng. Mục Công yêu quý con gái, đành phải thuận theo ý muốn của nàng.

Vào một đêm trăng sáng, công chúa đứng trên lầu cao thưởng nguyệt, nàng tựa vào lan can rồi cầm ống sinh lên thổi. Tiếng sinh dìu dặt vọng lên vòm trời, gió hây hây thổi. Bỗng nghe đâu đây có tiếng người họa lại, khi gần khi xa, giai điệu du dương hòa cùng với tiếng sinh ngọc của nàng. Lắng tai nghe chăm chú, nàng mơ hồ thấy tiếng nhạc như từ phía đông xa xa truyền đến. Công chúa bèn buông ống sinh xuống, nhưng tiếng nhạc kia cũng dừng hẳn lại, chỉ còn dư âm vang vọng trong không trung. Nàng bâng khuâng trước gió, thoáng đã nửa đêm, trăng xế hương tàn, nàng bèn đặt ống sinh ở đầu giường rồi chìm vào giấc ngủ.

Trong giấc mộng, nàng mơ thấy trên vòm trời phía tây nam cánh cổng Thiên Môn như mở ra, tỏa ráng chiều ngũ sắc rạng rỡ khắp đất trời. Một chàng trai trẻ anh tuấn, đầu đội mũ lông, mình mặc áo hạc, cưỡi trên lưng chim phượng từ trên trời giáng xuống. Chàng đứng trên Phụng Đài nói với Lộng Ngọc: “Ta là chủ nhân Thái Hoa Sơn, Ngọc Hoàng Thượng Đế cho ta được kết duyên với nàng, đến tiết Trung Thu này thì đôi ta gặp gỡ, ấy là duyên số đã định sẵn như vậy”.

Lộng Ngọc có tài thổi ống sinh, không cần thầy dạy mà vẫn có thể tấu lên thành bản nhạc du dương thánh thót (Ảnh: Public Domain)

Sáng sớm hôm sau, công chúa kể lại giấc chiêm bao cho vua cha nghe. Tần Mục Công liền phái đại tướng Mạnh Minh đến Thái Hoa Sơn tìm bậc nam tử như miêu tả trong giấc mơ của công chúa. Có tiều phu trong vùng nói với Mạnh Minh rằng: “Ở vách đá Minh Tinh Nham trên núi có một trang nam tử, không rõ quê quán ở đâu, mới đến đây vào ngày 15 tháng 7, sau khi đến đã dựng lều độc cư, mỗi ngày đều xuống núi một mình uống rượu. Đến đêm, người ấy thường thổi một khúc tiêu, tiếng tiêu vang vọng bốn phương, ai nghe được đều quên hết mệt mỏi”.

Mạnh Minh bèn tìm đến vách đá Minh Tinh Nham, quả nhiên thấy một chàng trai đội mũ lông, mặc áo hạc, diện mạo như Thần, tên là Tiêu Sử. Mạnh Minh liền mời Tiêu Sử về cung diện kiến vua Tần.

Tiêu Sử đến Tần cung vừa đúng lúc vào tiết Trung Thu. Mục Công thấy vị nam tử này cử chỉ nho nhã, phong độ thanh thoát, trong tâm đã có ba phần mãn ý. Mục Công mời chàng tấu một khúc, Tiêu Sử bèn lấy ra cây tiêu ngọc. Tấu lên khúc thứ nhất thì làn gió trong lành thổi tới, tấu lên khúc thứ hai thì mây ngũ sắc lãng đãng hiện trên trời, tấu lên khúc thứ ba thì từng đôi bạch hạc bay lượn trên không trung, lại có đàn chim khổng tước tụ tập bên rừng, giống như hơn trăm con chim cùng cất tiếng hót véo von theo điệu nhạc. Khi Tiêu Sử ngừng thổi, bầy chim cũng tản đi, Mục Công gật đầu tán thưởng không ngớt.

Thượng Thiên từng lệnh cho Tiêu Sử làm chủ nhân núi Hoa Sơn. Ảnh đỉnh núi Hoa Sơn Đông Phong (Ảnh đã được cấp quyền)

Lúc ấy Lộng Ngọc ở phía sau bức rèm che, trong tâm cũng thấy vui thích, nàng tự nhủ: “Đây thực là trượng phu của ta!”.

Mục Công lại hỏi Tiêu Sử về ống tiêu, Tiêu Sử đáp: “Ngày xưa vua Phục Hy ghép trúc làm ống tiêu, chế theo hình chim phượng, tiếng thổi cũng giống tiếng chim phượng. Thứ lớn gọi là nhã tiêu, ghép liền hai mươi ba ống, dài một thước bốn tấc. Thứ nhỏ gọi là tụng tiêu, ghép liền mười sáu ống, dài hai thước một tấc. Cả hai thứ gọi chung một tiếng là tiêu quản, còn thứ không có đáy thì là đồng tiêu. Về sau vua Hoàng Ðế sai Linh Luân lấy trúc ở Côn Khê chế làm ống sáo. Ống sáo có bảy lỗ, cầm ngang mà thổi, cũng giống tiếng chim phượng, trông giản dị lắm! Người đời sau thấy tiêu quản nhiều ống quá, mới chỉ dùng một ống sáo rồi cầm mà thổi dọc. Thứ dài gọi là tiêu, thứ ngắn gọi là sáo, bởi vậy ống tiêu đời nay không giống như ống tiêu đời xưa”.

Mục công lại hỏi: “Sao nhà ngươi thổi ống tiêu mà lại có chim muông bay đến?”.

Tiêu Sử đáp: “Ống tiêu dẫu mỗi đời một khác, nhưng tiếng thổi bao giờ cũng giống tiếng chim phượng. Chim phượng là vua các loài chim, bởi vậy các loài chim nghe tiếng phượng đều kéo nhau đến chầu. Ngày xưa vua Thuấn chế ra khúc Tiêu Thiều mà chim phượng còn bay đến, huống chi là các giống chim khác!”.

Tiêu Sử ứng đáp trôi chảy, tiếng nói lại sang sảng nên Mục Công bằng lòng lắm, bèn bảo Tiêu Sử rằng: “Ta có một người con gái tên là Lộng Ngọc, không muốn gả cho phường ngu ngốc, vậy xin cùng với nhà ngươi kết duyên”.

Tiêu Sử và Lộng Ngọc cùng chung chí hướng, tâm đầu ý hợp, vợ chồng sống bên nhau ân ái hài hòa. Tiêu Sử không ăn thức ăn của nhân gian, chỉ thỉnh thoảng uống vài chén rượu, sau chàng lại dạy cho Lộng Ngọc phép tu Tiên và cách thổi tiêu.

Hai người ở lầu Phụng được khoảng nửa năm. Vào một đêm nọ, vợ chồng thổi tiêu dưới trăng, có một con chim phượng màu tím gọi là Tử Phụng bay xuống đậu bên trái, một con rồng màu đỏ gọi là Xích Long bay xuống phục ở phía bên phải Phụng Đài. Tiêu Sử nói với Lộng Ngọc:

“Ta vốn là Tiên trên trời, vì sử sách dưới nhân gian tán loạn nên Thượng Đế lệnh cho ta xuống để chỉnh lý. Lúc đó là ngày 5 tháng 5 năm Chu Tuyên Vương thứ 17, ta giáng sinh vào nhà họ Tiêu nước Tây Chu, lấy tên là Tiêu Tam Lang. Năm cuối cùng Chu Tuyên Vương tại vị, sử quan không làm hết chức trách, ta đã phải chú thích các sự thật lịch sử thành sách, ghi chép trong điển tịch để bổ khuyết vào chỗ trống. Người Tây Chu cho rằng ta có công với lịch sử, liền gọi ta là Tiêu Sử, đến nay đã được hơn 100 năm rồi. Thượng Đế cho ta làm chủ nhân Thái Hoa Sơn, rồi lại cho ta được tiếp nối duyên phận từ tiền kiếp với nàng, dùng tiếng tiêu cùng nàng tương hòa. Nhưng hai ta không nên ở mãi chốn nhân gian. Hôm nay rồng phượng đến đón, chúng ta có thể rời đi được rồi”.

Sau khoảng nửa năm sống ở Phụng Lâu, Tiêu Sử và Lộng Ngọc cùng cưỡi rồng phượng bay về trời (Ảnh: Public Domain)

Lộng Ngọc muốn từ biệt phụ thân nhưng Tiêu Sử không tán thành, chàng nói: “Đã là Thần Tiên thì không nên để lòng vướng víu, sao có thể quyến luyến họ hàng thân quyến đây?”.

Tiêu Sử ngồi lên Xích Long, Lộng Ngọc ngồi lên Tử Phụng cùng đạp mây bay lên. Từ đó, khi miêu tả một chàng rể quý, dân gian thường dùng hai chữ “thừa long” (cưỡi rồng).

Sáng sớm hôm sau, Mục Công biết Lộng Ngọc và Tiêu Sử đã rời đi, bèn thở dài nói: “Chuyện của Thần Tiên, thật sự là có! Nếu như hiện tại có rồng phượng đến nghênh tiếp, vậy thì ta cũng sẽ bỏ giang sơn mà đi, giống như bỏ đi một đôi giày cũ vậy!”.

Sau đó Mục Công phái người đến Thái Hoa Sơn tìm tung tích Lộng Ngọc và Tiêu Sử, nhưng không thể tìm được. Ông bèn cho dựng một từ đường ở Minh Tinh Nham, cũng chính là Tiêu Nữ Từ ngày nay. Trong từ đường nghi ngút khói hương và rượu quả, người quanh vùng thi thoảng vẫn nghe thấy tiếng chim phượng phát ra thánh thót.

Tiếng nhạc của hai vợ chồng mời phượng hoàng bay đến. Tranh vẽ “Xuy tiêu dẫn phụng đồ” (Ảnh: Bảo tàng Cố cung)

Hình ảnh Tiêu Sử và Lộng Ngọc thổi tiêu dẫn phượng, cưỡi rồng phượng bạch nhật phi thăng đã trở thành câu chuyện đẹp lưu truyền suốt mấy ngàn năm. Người đời sau đã đặt tên cho đỉnh núi giữa Hoa Sơn là đỉnh Ngọc Nữ để tưởng nhớ công chúa Lộng Ngọc, còn Tiêu Sử cũng được hậu thế gọi là “Thừa long khoái tế” (chàng rể cưỡi rồng). Các văn nhân mặc khách cũng không tiếc bút mực ca tụng đoạn lịch sử huyền thoại này. Đại thi nhân thời Đường là Lý Bạch viết trong “Phụng Đài khúc”:

Thường văn tần đế nữ
Truyền lai phụng hoàng thanh.
Thị nhật phùng tiên sự,
Đương thời biệt hữu tình.
Nhân xuy thải tiêu khứ
Thiên tá lục vân hoàn
Khúc tại thân bất phản
Không dư lộng ngọc danh.

Tạm dịch:

Từng nghe con gái vua Tần
Thổi sinh tiếng phượng xa gần truyền tin
Một ngày gặp được Thần Tiên
Tình xưa tiếp nối nên duyên vợ chồng
Thổi tiêu Tiên giới cưỡi rồng
Mây biếc ở lại bầu không lững lờ
Nhạc còn người mãi chẳng về
Lộng Ngọc tên ấy còn đề sử xanh

Nhà thơ Giang Tổng thời Nam Bắc triều cũng viết:

Lộng ngọc tần gia nữ
Tiêu sử tiên xử đồng
Lai thời thố mãn nguyệt
Khứ hậu phụng lâu không
Mật tiếu khai hoàn liễm
Phù thanh yết canh thông
Tương kì hồng phấn sắc
Phi hướng tử yên trung.

Tạm dịch:

Lộng Ngọc, con gái nhà Tần
Tiêu Sử, Tiên giới giáng trần nam nhi
Trăng tròn rồng phượng đến đi
Lầu Phụng trống vắng còn gì nữa đâu
Nụ cười chưa nở đã sầu
Vần thơ cất tiếng canh thâu nghẹn ngào
Sắc hồng nguyện ước hẹn nhau
Bay vào khói tía mau mau trở về.

Minh Hạnh
Theo Dũng Thư - Sound of Hope

Tham khảo:

“Đông Chu liệt quốc chí”
“Liệt Tiên truyện”
“Thái Bình quảng ký”



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao nói cặp đôi trai tài gái sắc là “rồng phượng sánh đôi”?